Bùi Tín
Có những điều không có thật, nhưng vẫn có người tin là thật. Như
trong lăng ở Quảng trường Ba Đình ngày nay là thi hài ông Hồ Chí Minh,
nhưng vẫn có người tin là không phải vậy, đó là thi hài một người Trung
Quốc, có tên là Hồ Tập Chương. Không ít người không hẳn tin nhưng vẫn
nghi ngờ. Như nhà bình luận Trần Bình Nam viết trên blog Trần Bình Nam
(tháng 3/2014): ‘’Trong lăng ở Ba Đình là một người Việt Nam hay một người Trung Quốc?‘’.
Nguồn gốc của sự ngộ nhận hay hoài nghi trên đây là do một cuốn sách dày hơn 200 trang, nguyên văn chữ Hán có đầu đề Hồ Chí Minh sinh bình khảo,
tác giả là giáo sư chính trị Trường Đại học quốc lập Đài Loan ở Đài
Bắc, tên là Hồ Tuấn Hùng, do nhà Xuất bản Bạch Tượng in và phát hành.
Cuốn sách ra mắt độc giả tháng 11 năm 2008, ngay sau đó được dịch ra
tiếng Việt và các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản.
Bản dịch tiếng Việt do Thái Văn thực hiện, hiện được lưu trên mạng
Thông Luận cũng như trên mạng Google. Trong cuốn sách tác giả Hồ Tuấn
Hùng đưa ra nhận định với khá nhiều dẫn chứng để chứng minh rằng người
mang tên Nguyễn Tất Thành sinh ra ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ
An, Việt Nam, sau này mang tên Nguyễn Ái Quốc, đã bị thực dân bắt ở Hồng
Kông và đã chết sau đó ở trong tù vào năm 1932; xác ông đã được đưa
sang chôn cất ở Moscow, Liên bang Xô viết cũ. Con người ít lâu sau đó
đội tên Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại miền Nam Trung Quốc, Thái Lan và
Việt Nam từ những năm 1938 đến năm 1945 mang tên Hồ Chí Minh và trở
thành chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi chết ngày 3/9/1969 ở
Hà Nội thật ra là một người Trung Quốc, sinh năm 1901 ở Đài Loan, tên
gốc là Hồ Tập Chương.
Giáo sư Hồ Tuấn Hùng tự nhận là cháu gọi ông Hồ Tập Chương là chú
ruột. Tác giả khẳng định rằng cuộc đánh tráo con người trọn vẹn có một
không hai trong lịch sử thế giới này bắt nguồn từ chủ trương của Đệ Tam
Quốc tế CS thời Stalin - Dimitrov, được tập thể lãnh đạo đảng CS Trung
Quốc là Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức và Khang Sinh
nghiêm chỉnh chấp hành, do tình báo Hoa Nam của đảng CS TQ thực hiện
trót lọt theo chủ định của Quốc tế CS. Theo cuốn sách, bà Vera
Vasilieva, cán bộ của Quốc tế CS đã theo dõi việc huấn luyện, đào tạo
nhà tình báo Hồ Tập Chương về hình dáng, tiếng Việt, giọng nói Nghệ An
suốt trong 5 năm để hoàn thành sứ mạng này.
Điều rất kỳ lạ là hơn 5 năm nay, các cơ quan ngôn luận chính thức của
đảng CSVN cũng như của đảng CS TQ đều im hơi lặng tiếng, không xác nhận
mà cũng không phủ nhận nội dung cuốn sách quan trọng này.
Thật ra không có khó khăn gì để chứng minh rằng nội dung cuốn sách
chỉ là một điều hoang tưởng, theo kiểu tiểu thuyết trinh thám rẻ tiền,
có thể là do động cơ vụ lợi kèm theo động cơ chính trị ám muội kiểu nước
lớn đang nuôi dưỡng dã tâm thôn tính lâu dài nước ta theo kiểu gặm nhấm
dần.
Dù cho lập luận có vẻ chặt chẽ đến đâu đi nữa, dù cho đưa ra những
chứng cứ có vẻ chân thực đến đâu chăng nữa thì bịa đặt vẫn hoàn toàn là
bịa đặt, cuộc đánh tráo Hồ Chí Minh - Hồ Tập Chương chỉ là trò bịp 100%.
Chỉ cần đặt vài câu hỏi.
Xin hỏi tác giả Hồ Tuấn Hùng, đảng CS Liên Xô, Đệ Tam Quốc tế CS để
lại ở kho lưu trữ khối tư liệu đồ sộ hàng triệu trang, mở ra cho công
luận, đã có dòng nào nói đến sự kiện ‘’đánh tráo người‘’, nói đến bà Vera Vasilieva với sứ mạng huấn luyện cho ông Hồ Tập Chương đội lốt Hồ Chí Minh?
Ông biết chăng, hồi năm 1960 ông Hồ Chí Minh mời vợ chồng luật sư
Frank Loseby sang Hà Nội, khách vẫn nhận ra ông bạn cũ của gần 30 năm
trước, đâu có phải là ai khác?
Và khi ông Hồ Chí Minh sang Pháp năm 1946 gặp lại hàng loạt bạn Pháp
cũ, có một ai ngỡ ngàng nhận ra là một người Tàu đội lốt ông Hồ Chí Minh
đâu?
Rồi năm 1946 khi bà Thanh chị cả ông Hồ Chí Minh ra Hà Nội, bà nhận ra ngay ‘’thằng Coong, có cái sẹo ở tai trái do đi câu cá bị nạn khi còn nhỏ‘’, đâu có ngỡ ngàng gì. Ông Cả Khiêm cũng vậy, ông đã nhận ra ngay em ruột mình không chút băn khoăn.
Và ông Hồ đã có cả một loạt nhà báo, nhà văn, học giả quốc tế viết về
ông, như W.J. Duiker, Sophie Quinn Judge, Pierre Brocheux, Bernard
Fall, Wilfred Burchett… với mọi chuyện ly kỳ, sao không có một ai nói
đến chuyện đánh tráo danh nhân, ‘’thay rồng hóa phượng‘’ trên đây.
Có những người quen biết ông Hồ từ trước năm 1933, như Nguyễn Lương
Bằng, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt, cho đến cả ông Nguyễn Hải Thần,
để đến 1942, 1945, 1946 gặp lại, có ai nghi ngờ là đã gặp một con người
khác, một người Tàu giả dạng Việt Nam, đóng vai Hồ Chí Minh một cách
trọn vẹn, đánh lừa mọi người quen biết cũ do đã được huấn luyện kỹ càng
tỷ mỷ, như tác giả Hồ Tuấn Hùng kể lại.
Không một nhà chuyên khảo nào từng tìm hiểu và viết về cuộc đời ông
Hồ Chí Minh cho rằng chính kiến của tác giả Trung Quốc Hồ Tuấn Hùng
trong cuốn Hồ Chí Minh sinh bình khảo là có giá trị.
Trên mạng Thông Luận, có lưu giữ 12 bài luận văn công phu mang đầu đề "Giặc Hán đốt phá Nhà Nam"
của tác giả Huỳnh Tâm, bạn đọc còn có thể vào đọc. Bài cuối cùng, thứ
13, sắp ra mắt độc giả. Rất đáng tiếc là trong suốt 12 bài đã công bố
tác giả dựa vào một ý tưởng trung tâm là coi việc đánh tráo thi hài ông
Hồ Chí Minh là có thật, tác giả tin rằng bọn bành trướng với mưu ma
chước quỷ đã thực hiện trôi chảy việc đánh tráo này, rằng hiện nằm trong
lăng ở Hà Nội là một người Tàu 100%, là xác của ông Hồ Tập Chương, chú
ruột của nhà học giả Hồ Tuấn Hùng. Nếu quả vậy thì nên làm gì nữa, thưa
ông Huỳnh Tâm? Phải tố cáo với toàn dân, với cả nhân dân Trung Quốc và
nhân toàn thế giới, trò bỉ ổi phạm luật quốc gia và luật quốc tế này, và
trước hết mạng Thông Luận cần phải có thái độ và lập trường rành mạch
minh bạch về sự kiện này. Tôi luôn quý trọng mạng Thông Luận, thường có
những bài viết có chất lượng, đóng góp quý báu cho công cuộc dân chủ
hóa.
Việc bác bỏ một sự kiện không có thật, phê phán một cuốn sách dựng
đứng lên về sự đánh tráo thi hài trong lăng Hồ Chí Minh - dù cho sự đánh
giá nhân vật lịch sử này khác nhau, trái ngược nhau - là một việc làm
cần thiết lúc này, để cho mọi sự được công bằng, minh bạch, lịch sử trở
lại đúng như nó có thật, chính là thái độ mọi công dân yêu nước cần có.