Đỗ Thanh Lam
…Và bạn có thể đánh mất điều quý giá nhất mà tình nguyện tặng cho bạn. Là tình yêu thương, như những câu chuyện tôi đang kể.
Trần Quang Thiện (đại học Kinh Tế Luật TP.HCM) để lại dấu ấn trong
ký ức tôi là một người vui vẻ, năng động. Cũng tham gia CLB, cũng đi
Xuân tình nguyện, nhưng không làm Mùa hè xanh. Tôi hỏi: “Tại sao?” Thiện
đáp: “Hè năm ấy mình làm tình nguyện ở Philippines.” “Hè năm ấy” là
tháng 7/2013.
Trong thời gian ở Phil, những ngày không chạy dự án, Thiện hay đi
tàu điện đến thăm và kể chuyện cho bà Năm, một người Việt Nam đang sống
trong một viện dưỡng lão nhỏ bé giữa lòng Manila. Bà thương Thiện như
con. Ai ghé thăm mà cho bánh kẹo, bà gọi Thiện lại, thủ thỉ: “Thiện ơi,
cho con nè.” Bà hay hỏi: “Con có mang cà phê, mì gói của Việt Nam qua
đây không? Cho bà với. Bà nhớ Việt Nam quá.”
Ngày trẻ sống ở Việt Nam gian khổ, bà theo tàu vượt biên đến
Philippines. Cả đời bà chỉ có một đứa con. Vất vả bà nuôi khôn lớn, để
con cưới vợ Philippines. Rồi con trai để bà lại trong viện tự bươn chải
khi đã gần đất xa trời. Bà Năm vẫn phải cặm cụi đan những bao điện thoại
bằng len và bán cho người nước ngoài. Nhắc đến đứa con, bà cười: “Nó
lấy vợ Phil bỏ bà rồi”. Nghe thật xót xa. Kết thúc chuyến tình nguyện đã
gần tám tháng, ký ức về bà trong Thiện vẫn còn nặng trĩu. Một người
Việt Nam tha thiết nhớ quê, nhớ con, lủi thủi cô độc giữa thủ đô Manila.
Vùng đất tương phản chát chúa hai mảng màu đối lập, xinh đẹp với kẻ
giàu nhưng rách rưới không buồn che giấu với những số phận hẩm hiu.
Bùi Thị Hồng Vi (đại học Ngoại Thương TP.HCM) lớn hơn tôi hai tuổi.
Cũng qua Philippines làm tình nguyện vào hè năm trước. Ký ức về chuyến
tình nguyện là những cú sốc liên tiếp. Sốc vì “Tây” nó không tốt như ta
tưởng tượng. Sốc vì người Phil tuy dễ thương nhưng lừa lọc thì không
thiếu. Nhưng 6 tuần đọng lại trong chị là những người bạn chỉ đến một
lần trong đời. Là cái thời tuổi trẻ bay qua với rất nhiều vấp váp và
thương nhớ. Trở lại Việt Nam đã 6 tháng, vào một ngày sau Giáng sinh, cô
bạn Hàn Quốc bất ngờ nhắn tin: “Mày nhận được tấm postcard chúc mừng
của tao chưa?” Chị hớt hải chạy xuống tầng trệt chung cư, bác bảo vệ
chìa ra một tấm card chi chít chữ Hàn Quốc: “Vi ơi, mày có khỏe không?”
Chỉ đơn giản thế thôi mà sao chất chứa kỷ niệm nhiều đến thế.
Hồng Vi và Quang Thiện gặp nhau trong ngày thực tập sinh Việt Nam
tại Phil hội ngộ. Từ Hà Nội, Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng. Mọi người cùng đi
chơi, đi ăn kem, kể chuyện những ngày mình ở Phil, đi từ cú sốc này tới
bất ngờ khác. Từ việc không thể ăn được đồ bản xứ, cảm thấy cô đơn, “tự
kỷ” trong căn nhà không có wifi đến việc phát hiện ra những thằng Trung
Quốc phòng mình hóa ra dễ thương nhất quả đất. Mọi kỷ niệm như vỡ òa.
Chẳng cần quan tâm là Nam kỳ hay Bắc kỳ. Chẳng cần nghĩ đến những tranh
cãi vụn vặt, những so đo nhỏ hẹp, những chỉ trích tự ti. Chỉ cần là sinh
viên Việt Nam, dù ở đầu bắc hay đầu nam của đất nước thì đều có thể
thương nhau, bảo bọc nhau tại đất Philippines này.
*
Tôi cũng từng làm tình nguyện. Chúng tôi có những thời gian họp 3 – 4
tiếng triền miên từ ngày này sang ngày khác, “cắm cọc” ở trường từ 6h
chiều đến 10 tối. Lúc 9h bảo vệ trường đóng cửa chúng tôi kéo nhau ra
ngồi bệt trên nền nhựa đường trước cổng. Tôi tình nguyện làm tình
nguyện, nhưng cũng có những ngày cái đầu nóng vượt khỏi sự kiểm soát.
Tôi đã từng xung đột, cãi vã, có cả lúc giận dữ hỏi đứa bạn: “Tình
nguyện là cái gì mà khiến tao và mày khổ sở như thế này?” Khi tình
nguyện cướp đi thời gian, tiền bạc của chúng tôi; cướp các buổi đi chơi
và cả những ngày cuối tuần rảnh rỗi. Trước đêm Tết Ngoại Thương diễn ra,
5 – 7 người trong số chúng tôi không ngủ.
2 giờ sáng, chúng tôi còn ngồi trong sân trường bật nhạc xuân, đốt
nhang chống muỗi, vẽ hoa mai và nhìn bầu trời xanh đậm lấm tấm sao. 5
giờ 30 phút sáng, khi tôi đang ở nhà ủi áo, điện thoại rung: “Lên trường
mày ơi.” Tôi đáp: “Cho tao nhắm mắt một xíu. Tao ủi đồ cả sáng, chưa
ngủ được miếng nào.” Nó im lặng rồi bảo: “Tao cũng chưa ngủ… Thôi, lên
đi.” 30 phút trước khi ngày Tết Ngoại Thương diễn ra, sân trường vẫn như
một mớ hổ lốn, lộn xộn tanh bành. Chỉ đến khi treo 5000 con én vàng
lên, không khí xuân mới thật sự hiện hữu. Và trưởng BTC của chúng tôi đã
bật khóc khi thấy ngày hội đông vui ngoài sức tưởng tượng. Chúng tôi đã
phung phí rất nhiều thời gian quẩn quanh với chương trình bởi thiếu
kinh nghiệm và chưa có tư duy cao rộng. Nhưng tháng 1/2014 chất đầy kỷ
niệm ấy cho tôi hiểu rằng: Tình nguyện sẽ dẫn đến tình yêu.
Đó là yêu chương trình tình nguyện mình làm ra như những đứa em. Yêu
thương một cụ già bơ vơ ở Philippines xa lạ. Thương những đứa trẻ bị
cha mẹ ruồng bỏ trong nhà thờ ở Malaysia. Thương những nhóc học sinh Thổ
Nhĩ Kỳ mà mình từng dạy, xa em đã gần tám tháng rồi mà nửa đêm về sáng
em vẫn inbox cô giáo cũ tâm sự. Thương những người đồng hương Việt Nam
lần đầu mới gặp. Yêu thương cả gia đình host gắn bó với mình. Nhớ thao
thức những câu nói: “Ba sẽ lái xe từ Thái Lan qua Việt Nam thăm con.”
Cho đến câu chọc thương yêu: “Papa nhớ những ngày Ramadan khi con còn ở
Thổ. 3 giờ sáng papa dậy thấy đèn phòng con còn sáng, đi gõ cửa gọi con
ăn cơm chung với cả nhà. Giờ về Việt Nam rồi mà con vẫn thức tới 3 giờ,
có phải vì con gái papa đang đói không?”
Tôi hoàn toàn không phản đối việc chụp ảnh. Những tấm ảnh đẹp luôn
đáng trân trọng. Nó gợi nhớ ký ức vốn dễ mất, dễ quên. Nhưng, cứ đi tình
nguyện để mà chụp ảnh, nếu bạn muốn! Chụp thật nhiều vào. Gắn vào ảnh
một khung hình xinh xắn. Dùng photoshop làm cho nó lung linh. Viết những
status mùi mẫn và nhận hàng trăm like. Rồi điều quý giá nhất của tình nguyện sẽ vỡ tan trong tim bạn.
Yêu thương là cảm xúc. Là những con người mà nhân duyên tác
thành, có thể chỉ gặp nhau một lần trong đời. Là những cuộc sống hạnh
phúc hoặc buồn bã, thương đau. Là những điều chỉ trải nghiệm mới thấu
hiểu. Là nhớ thương nặng trĩu trong mỗi tấm ảnh ghi chép về khoảnh khắc
bạn đã đi qua.
Và một mùa hè xanh lại đến. Một mùa exchange sắp bắt đầu. Bởi tình
nguyện chưa bao giờ là ban ơn hay thương hại. Bởi tình nguyện không tồn
tại trên những tấm ảnh. Mà tình nguyện là chia sẻ và yêu thương. Tình
nguyện là cuộc sống.
Đỗ Thanh Lam