Xích Tử
Suốt mấy tuần, trên hệ thống thông tin đại chúng nhà nước duy nhất ở Việt Nam liên tục đưa tin về những biến động chính ở Ukraina, rồi Crimea với xu hướng thân Nga, bênh Nga rõ rệt, lộ liễu, với lượng tin chế áp từ nguồn Moskva và những người Nga, thân Nga ở Crimea; rất ít tin lấy, đưa từ Kiev. Giọng điệu và nội dung tường thuật của phóng viên D.N. từ trung tâm Moskva cho người xem có cảm giác anh ta là người Nga, phóng viên Nga chưa không phải là của VTV. Rồi ra cũng mới biết thêm rằng có tài liệu chỉ đạo cho việc ấy từ Ban tuyên giáo trung ương hẳn hoi.
Diễn biến Crimea có nguồn gốc lịch sử của nó và cũng là biến động của các quá trình địa chính trị tác động đến những vùng lãnh thổ đặc thù. Mấy năm trước, rộ lên việc Đông Timor tách khỏi Indonesia để không nhập vào đâu cả, mà trở thành nhà nước độc lập Timor Lesté; rồi những chuyện như thế ở miền trung, tây nam Châu Phi, trung và đông Âu... Có cả chuyện những công dân Mỹ ở một số bang ký tên đòi tách khỏi Liên bang và những ngày này, ảnh hưởng của Crimea, 26 ngàn công dân Alaska – lãnh thổ Nga hoàng bán cho Mỹ, đã ký tên đề nghị sáp nhập về lại Nga.
Trong cảnh hợp tan tầm cỡ mất còn, tách nhập của quốc gia ấy, có cảnh rơi nước mắt của những người dân, vì tình cảm dân tộc, ý thức độc lập, và có thể cả vì những lợi ích có thật hoặc hiểu nhầm nào đó mà những người làm chính trị chuyên nghiệp cố tạo ra, đem tuyên truyền vào “quần chúng nhân dân”. Trong tường thuật của phóng viên D.N. nói trên phát trên sóng VTV, có vô số người Crimea đã khóc khi đi bỏ phiếu để về Nga và khi biết tỷ lệ ủng hộ đó đạt đến hơn 96%; những giọt nước mắt tích tụ hàng thế kỷ. Không biết họ có được khóc thầm không khi Liên Xô sử dụng quyền độc tài phi hiến pháp cắt chuyển phần đất đó cho Ukraina quản lý năm 1954 ? Một chuyến đi rồi một cuộc trở về trong trò chơi chính trị.
Đó là chuyện xa. Nhưng cách đưa tin có định hướng quá rõ đó xem chừng thiếu chất chính trị. Với cách đưa tin như vậy, Việt Nam có ý ủng hộ việc ly khai, tách nhập một cách dễ dàng lãnh thổ của nước này vào nước khác vì những lý do lịch sử - dân tộc không? Câu trả lời dễ rơi vào thế há miệng mắc quai khi những chuyện tương tự vẫn còn phảng phất đâu đó trong những vùng đất Tây Nguyên Hoàng Triều Cương Thổ vốn có gốc gác chủ quyền dính dáng đến cả Thái Lan, Lào, vùng Tây Nam Bộ với Khmer Krom hay thông tin về kịch bản tương tự Crimea đang lấp ló ở Đài Loan trong chính sách một nước Trung Hoa, với Philippines trong chính sách đường chín đoạn ở Biển Đông.
Từ chuyện xa dẫn đến chuyện gần. Ngày 25/3/2014, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ công bố nghị quyết của Chính phủ về việc mở rộng thành phố Quảng Ngãi bằng việc sáp nhập thêm vào địa giới hiện nay của thành phố này một số xã tiếp giáp của hai huyện liền kề là Tư Nghĩa và Sơn Tịnh. Đây là cách làm có tính chất kỹ thuật trong chương trình đô thị hóa chỉ có ở Việt Nam, trong đó, chất lượng đô thị được phân theo cấp hành chính (thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương) và cấp kiến trúc đô thị (đô thị loại I, II, III...). Trong các tiêu chuẩn về kiến trúc đô thị, có tiêu chuẩn về diện tích và dân số; thành phố Quảng Ngãi đang ưng nâng cấp, dứt khoát phải mở rộng một cách số học, cơ học, hình học này. Nói nó là cách đi có tính chất kỹ thuật chỉ có ở Việt Nam vì nó là sản phẩm của tư duy biện biệt chủ quan về tôn ti trật tự và các thứ tiêu chuẩn có tính chất hậu phong kiến kết hợp nhuần nhuyễn với sự tập trung quan liêu đến độc tài toàn trị kiểu chủ nghĩa xã hội lêninnít, maoít chỉ có ở nước ta. Nó cũng na ná như hệ thống tôn ti từ thấp lên cao của trường trung cấp, cao đẳng, đại học tỉnh, đại học khu vực, đại học quốc gia; hay như kiểu nghệ sĩ ưu tú thì thấp hơn nghệ sĩ nhân dân. Thứ tự cao thấp đó là sản phẩm rất chủ quan, cho nên tên gọi nhiều khi võ đoán, hài hước (ví dụ tại sao ưu tú lại thấp hơn nhân dân, chẳng lẽ nhân dân lại không ưu tú ư ?); song, nó lại gắn với lợi ích (tinh thần và vật chất, là tiêu chuẩn để thăng tiến...) và là công cụ của sự kích thích thi đua xã hội chủ nghĩa, miếng mồi nhữ trong hệ thống đạo đức duy vật chủ nghĩa. Đã là lợi ích trong chế độ lãnh đạo và quản lý tập trung, tất phải có xin cho, tức phải có tham nhũng hối lộ. Quá trình đó không thể xảy ra ở một số nước có đặc thù khác về chế độ chính trị, cơ chế và phương pháp quản trị xã hội, hệ thống luật pháp, và cả văn hóa, tư duy, đạo đức. Trong một số nước, đô thị 1 triệu dân, suốt 300 năm nay người ta vẫn gọi là “thị xã” – town; ngược lại, đô thị chỉ 30.000 dân, suốt lịch sử vẫn được gọi là “thành phố” – city. Những đô thị như Georgetown, George Town của nhiều nước hay Cape Town của Nam Phi có lẽ mãi mãi vẫn là town mà chẳng có ảnh hưởng gì đến ai cả. Và cùng với những đặc thù khác như đã nói, cách phân cấp, tên gọi, cơ chế quản trị đô thị như vậy không đòi hỏi, cho phép việc xin – cho lên cấp để phát sinh tham nhũng hối lộ được; cũng không có những xúc cảm xúc động gì nảy sinh với việc thay đổi tên gọi hay cấp độ đô thị, nếu có. Đó là xét về mặt quan phương, tức là phía được hưởng những lợi ích cụ thể, của chuyện đang bàn.
Còn ở phía khác, phía ngoài rìa, phía “nhân dân”, cũng có vấn đề. Trong lễ công bố quyết định ở Quảng Ngãi, và cả mạng lưới truyền thông phục vụ tiền lễ và hậu lễ, người dân cũng được lôi vào cuộc. Rất nhiều cuộc phỏng vấn rơi nước mắt, bật khóc. Người dân nào được hỏi về việc mở rộng thành phố, về việc nhập xã mình vào thành phố, về việc mình trở thành công dân thành phố, cũng đều bày tỏ phấn khởi tự hào, nhận thức sự đúng đắn của nhà nước, và khóc. Kịch bản báo chí, về nghiệp vụ, cũng giống như những công dân Ukraina gốc Nga và thân Nga ở Crimea. Âu thì đó cũng là chuyện dâu bể. “Thế sự suy di nhân sự cải; Kỷ xứ tang điền biến thương hải” (Nguyễn Du). “Sông kia rày đã lên đồng” (Trần Tế Xương). Nó giống như chuyện của tạo hóa đất trời thôi. Nhưng từ cuộc bể dâu do ý chí chủ quan, nhiều khi rất sai lầm do muốn thị uy quyền lực ấy, sẽ có nhiều đổi thay xảy ra trong đời sống tinh thần, tâm hồn. Sẽ có những thế hệ yêu nước Indonesia và những thế hệ yêu nước Timor Lesté trong một cộng đồng văn hóa; sẽ có một thế hệ vừa mới yêu Sơn Tịnh, Tư Nghĩa quê em chuyển sang yêu thành phố Quảng Ngãi của em. Sẽ có những anh em trong một gia đình, ngôi nhà không di chuyển, nhưng nơi sinh trong căn cước sẽ khác nhau, và nhiều chuyện khác. Tất cả cái đó do những con người muốn đi theo cách không tự nhiên tạo ra, trừ một nhà thơ nào đó đã viết “Trong thành phố này có thị xã ngày xưa”, vì thị xã ấy là kỷ niệm, làm tâm hồn, là máu thịt. Còn những cái làm khác đi do cuộc dâu bể nhân tạo đó thì hậu quả tinh thần sẽ không lường được đâu, với những não bộ duy vật, kỹ trị và thực dụng. Đó là những xáo trộn, đảo lộn từ thiếu quê hương, quê hương không bền vững đến vô tổ quốc.
Xích Tử