Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Chuyện anh Cù xuất ngoại

Dân Choa
Sau nhiều lần thương thảo với phía Mỹ và các tổ chức khác, anh Cù (Cù Huy Hà Vũ) đã được thả khỏi nhà tù và sang Mỹ. Khác với các trường hợp khác, trường hợp anh Cù ra tù khá lặng lẽ. Báo chí trong nước không đưa tin và cũng không có dòng tin nào nói đến việc „trục xuất“ mà chỉ nói đến sang Mỹ để chữa bệnh.
Anh Cù thì không ai lạ gì, nhất là ở quechoa. Hồi anh còn tự do tung tẩy, nhưng chưa nổi danh lắm, anh đã từng sinh hoạt và tham gia comment ở sân chơi Quechoablog (cũ). Khi anh tham gia nhiều vụ kiện tụng và tranh luận xã hội thì anh không tham gia nữa.
Thấy anh Cù phát biểu đanh thép, lại còn đệ đơn ra tòa kiện Thủ tướng. Đây là một trường hợp duy nhất chưa có từ trước đến nay. Sau đó thì anh Cù chỉ gặp đủ điều khó nhọc. Nào bị loại khỏi đoàn Luật sư, nào chính quyền phường gây khó dễ. Báo chí cũng bêu riếu đủ điều, lôi chuyện lên mặt báo nào anh chiếm nhà chiếm đất, kiện ngược cả ông cụ Cù (Huy Cận).
Anh như cái gai nhọn chọc vào con mắt của chế độ. Người ta khó chịu lắm.
Nước cờ trị anh đã được tính toán. Thế nào anh cũng bị trị cái tội ngạo ngược cho bõ ghét.
Việc công an sờ đến anh thì chả ai bất ngờ. Nhưng chỉ bất ngờ là báo chí đưa ảnh và tin: anh có hành vi quan hệ bất chính, nhất là với „gái mại dâm“ mang dáng dân văn phòng. Báo chí trong nước cũng như ngoài nước đặng tin liên tục về vụ án „hai bao cao su“. Anh nổi danh như cồn. Xem ra từ ngày anh Cù rơi vào lao lý lại còn nguy hiểm hơn cả khi anh còn tung tẩy tự do đi lại. Báo chí phương Tây được dịp nói về vi phạm nhân quyền của Việt Nam. Người bất đồng chính kiến thì xem anh như một ngôi sao sáng đấu tranh cho dân chủ.
Nhà nước bỗng dưng rơi vào thế bị động, luôn phải tìm cách đối phó.

Việc bắt anh xem ra là một hạ sách. Không rõ ai đã chủ chốt dàn dựng nước cờ, nhưng bộ công an dịp này thay một loạt nhân sự cao cấp bên an ninh, nhiều anh thăng thưởng, nhiều kẻ ngậm ngùi về vườn. Lỗi nghiệp vụ kém, gây tai tiếng cho nhà nước quá nhiều. Giả sử anh Cù cứ tự do như trước đến giờ, tự do chửi bới, tự do phản biện…nói mãi mà không có tác dụng thì chắc cũng nản. Chứ anh ngồi tù mà lại gánh thêm một việc canh giữ,tốn kém cho nhà nước. Lại còn ngoại giao đi ra nước ngoài, đi đâu cũng bị hỏi vì sao bắt anh Cù? Khó thanh minh quá.
Người ta bảo, anh Cù ngang ngược quá. Giá sử cứ ngồi im, lặng mà hưởng lộc cha ông thì tốt quá chứ gì (!) Sao lại dại thế, đem tấm thân ra chống trời một mình thì sao mà nổi. Nhưng anh thì nghĩ khác, mình có cái thế mạnh riêng, vừa được đào tạo bài bản, vừa mang danh tính con cháu công thần, „phản tỉnh“ như thế mới là đòn hiểm cho chế độ. Ai dám đụng đến hàng ngũ tinh hoa như anh, ngoài ra anh còn vô khối mối quan hệ với các cụ lớn khác.
Đúng, người ta cũng có nghĩ đến ông cụ Cù nhiều. Chứ kẻ thường dân mà dám vuốt râu hùm như anh thì xong từ lâu rồi. Cần gì phải bày đặt nghiệp vụ, cần gì phải theo dõi, cần gì phải tố tụng nhiêu khê. Nhưng có chỗ anh cũng nhầm, con cháu của các cụ chưa là gì cả. Ai dám đụng đến quyền lợi, nhất là quyền lực chính trị thì đều bị xử nghiêm cả, kể cả là đồng chí đồng đội, huống hồ chi anh lại là người „ăn cháo, đái bát“.
Cá nhân mình thì cũng phục anh Cù, phục cái lòng dũng cảm của anh Cù, dám trực diện đối đầu với chế độ. Nhưng để nói mà khẩu phục, tâm phục đường lối của anh thì không. Anh không có một đường lối chấn hưng xã hội rõ ràng. Đọc các bài viết của anh thấy có bài được, có bài không, như kiểu đấm bốc, lại không có tính nhất quán cho một đường lối. Cái này thì mình phục anh luật sư Lê Công Định hơn, mềm dẻo, nhất quán và có lý thuyết chủ định rõ ràng.
Anh ra tù, sang Mỹ. Gây một chấn động lớn trong cộng đồng „hoạt động dân chủ“ ở trong nước và ngoài nước. Nhiều người chia sẻ với gia đình anh, cho rằng đó là một điều tốt lành. Nhất là gia đình có cơ hội đoàn tụ tự do ở ngoài Việt Nam. Nhưng nhiều người khác thì cũng khá ngỡ ngàng, vậy từ nay họ sẽ thiếu lửa, thiếu hình ảnh một „Anh hùng“ trong lòng chế độ.
Không rõ sang Mỹ là do anh chọn hay là do tổ chức nào đó bố trí. Nhưng theo mình thì không hợp với tạng như anh. Người Việt ở Mỹ cũng khá cực đoan. Họ cũng chẳng mặn mà gì với đám con cháu các cụ miền Bắc cả. Khi anh Cù bị rơi vào lao lý, người ta có thể tung hô anh, dùng anh như một biểu tượng để chống lại chế độ trong nước, nhưng khi anh đã sang trú ở „ thế giới tự do“ thì bằng như nhau cả. Cái hiện tại sẽ biến mất, mà cái quá khứ sẽ nổi trội hơn. Nếu anh muốn tiếp tục gương cao ngọn cờ thì anh phải tiếp xúc với cộng đồng, còn không có cộng đồng thì sẽ không có phong trào. Chứ nếu chỉ làm chính trị phòng khách sa lông thì không chóng rồi chầy chỉ… ngồi viết hồi ký.
Nếu có thể, sau khi sức khỏe phục hồi và ổn định giấy tờ thì anh Cù nên xin quay sang Pháp trú thì hơn. Có thể vật chất kém ở Mỹ tí chút, nhưng là môi trường Pháp thuận cho anh hơn. Nơi đó anh từng tu nghiệp, nơi đó có dòng chảy văn hóa Pháp-Việt khá trôi chảy. Người Pháp vị tha, nền văn hóa bao dung. Quan trọng hơn cả là cộng đồng Việt ở Pháp cũng nhẹ nhàng dễ chấp nhận tầng lớp như anh.
Chứ ở Mỹ thì có nhiều điều đáng ngại. Ví dụ như bà Trần Thanh Khải Thủy chẳng hạn. Khi ở Việt Nam thì nổi như cồn, bà tung tác ồn ào, chấn động cả cộng đồng hải ngoại. Nhưng sang Mỹ thì rơi vào thế „việt vị“. Lặng như tờ.
Nhà nước trong vụ này chẳng có lợi mà cũng chẳng mất mát gì. Đúng ra thì cũng gỡ được cái ách tai quái. Đỡ được tiền của giam giữ, đỡ được nay lên tiếng, mai lên tiếng thanh minh về nhân quyền hay đối xử…còn khi anh Cù đến Mỹ rồi thì nhiều người thở phào. Nhẹ gánh.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"