Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

An ủi hoa hậu Lưu Thị Diễm Hương

Nguyễn Ngọc Già
_______________________
Lời tác giả: Bài viết dưới đây đã được đăng tải trên Dân Luận với tựa đề "Bài viết tặng người đẹp Lý Nhã Kỳ". Lĩnh vực "người đẹp" và "đại gia" hầu như chiếm chỗ vô cùng ít ỏi trong các bài viết của tôi.  Tuy nhiên, đôi khi cũng cần điểm tên, vạch mặt thói đạo đức giả khoác vẻ ngoài đạo mạo, cao cả, thánh thiện và "đỉnh cao trí tuệ" của cộng sản Việt Nam để cho thế hệ trẻ thấy rằng: họ đang ngập ngụa trong những "vũng lầy lừa dối" mà cứ ngỡ ngụp lặn trong những "dòng suối mát lành".
Tuổi trẻ và nhan sắc đi kèm với khao khát sống sung sướng và nổi tiếng là điều bình thường, nhưng không thể bằng mọi giá. Tuy nhiên, nhiều các chàng trai, cô gái trong giới showbiz hiện nay không hề quan tâm đến thời cuộc, đặt trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam suy đồi đến cùng cực, cho nên họ không thấy toàn bộ "cội rễ" của những gì họ gánh chịu - như cô hoa hậu Diễm Hương - hầu hết xuất phát từ "giáo dục cộng sản" - một loại giáo dục nhồi sọ và gian dối để bằng mọi cách tồn tại trong "sung sướng" khi bao quanh toàn "lang sói".

Một thứ giáo dục "đường mật" vây hãm và chiêu dụ họ suốt bao năm qua, nhốt tù họ với "chuẩn mực" : ăn ngon - mặc đẹp - kẻ hầu người hạ  - lên xe xuống ngựa. Tất cả những thứ "đường hóa học" đó đã chung tay bóp nát tất cả những gì họ mong mỏi và ngỡ như nắm chắc trong tay! Giờ dần vỡ vụn. Trên hết, nó  băm nát nhân cách, đạo đức và tính trung thực của nhiều bạn trẻ hiện nay và đặc biệt họ chưa bao giờ nghĩ tới: những nắm tiền vung vãi thật dễ dãi của bất cứ một kẻ nào mang tiếng "đại gia" đến với họ, những nắm tiền đó chưa bao giờ được đông đảo người dân xem là những đồng tiền lương thiện và sạch sẽ, bởi  đồng tiền từ "nước mắt mồ hôi", từ trí tuệ có thật, không dễ hoang phí đối với những người giàu có từ năng lực có thật và biết nắm lấy thời cơ.
Tất nhiên, phải kể đến trách nhiệm của phụ huynh, chỉ vì mong muốn con mình thành công và nổi bật nhanh chóng, dù vô tình hay hữu ý, đã tiếp tay đẩy họ vào những bi kịch đầy nước mắt, tủi nhục và trở thành nỗi ám ảnh suốt quãng đời còn lại như khá nhiều cô gái trẻ,nổi tiếng như những ánh hào quang vụt tắt và rơi tõm xuống tận đáy xã hội như: cô Lâm Uyển Nhi (đã chết vì AIDS), cô Nguyễn Thị Mỹ Xuân, cô Đinh Thoại Yến Vy v.v...
Ngoài ra, bài viết này cũng "cậy nhờ" "tiếng tăm" của các cô để chuyển thông điệp đến giới nghệ sĩ nói chung rằng: các quý anh, quý chị, xin hãy bớt "chơi bời", bớt nhảy nhót với những games show nhan nhản trên truyền hình, trên sân khấu  mà nhìn những đứa trẻ đói khát, trần truồng; dân nghèo xơ xác với nạn ung thư hơn 150.000 ca phát sinh mới mỗi năm [1]; đất nước kiệt quệ vì nạn tham nhũng nhầy nhụa, vì giặc Tàu đang giết hại ngư dân chúng ta trên biển!
*** Thật đắn đo khi chọn chủ đề "Tình yêu" lại kết hợp với cụm từ - "Người CSVN" - chỉ cần nghe đến, có thể gây khó chịu cho nhiều người, dù là "bên thắng cuộc" hay "bên thua cuộc", tùy theo quan điểm mỗi người? Đặt "người CS" bên cạnh "tình yêu" dù là nghĩa hẹp hay rộng, vẻ như sỉ vả nhiều giai tầng hoặc quá lố một chút? Cũng có thể là một sự chắp vá, gượng ép đầy băn khoăn khi cụm từ gợi sự dịu ngọt, lãng mạn, bay bổng đứng cạnh một hình ảnh khô cứng, lạnh lùng, đầy bạo lực và thủ đoạn?!
Cũng như nhiều người, đôi khi tôi thật băn khoăn không biết ngoài chữ "người Cộng sản" (tên chính họ tự đặt, tự nhận, không phải do ai khác đặt ra) để gọi giới cầm quyền Việt Nam, còn có tên gọi nào khác (khả dĩ) để đảm bảo họ không hằn học, khó chịu, bực bội như nhà văn Phạm Thị Hoài cho biết?![2]. Tôi cũng không có ý định luận rộng ra "người CS chân chính" hay "chân gì" cả, vì đó không phải là điều tôi muốn xoay quanh trong bài viết này, ngoài tình yêu. "Người Cộng sản" ở đây, theo thiển ý của tôi, không nhất thiết còn hay không còn là đảng viên ĐCSVN, cũng như không chắc những ai chưa bao giờ là đảng viên, hay chỉ dựa dẫm, đồng lõa, bắt tay giới cầm quyền để mưu lợi cá nhân thì không phải là "người Cộng sản"?!
Những băn khoăn như thế này vẫn chưa có lời đáp chính thức. Thôi thì cứ tạm gọi họ là "người Cộng sản" vậy.

Người Cộng sản với tình yêu, thời... xưa:
"Người CS" của thuở chống Pháp như Nguyễn Thị Minh Khai, bỏ lại đứa con chưa giáp thôi nôi cho người khác nuôi "vì cách mạng đang cần mình hơn lúc nào hết" [3]; hoặc thời chống Mỹ với hình tượng Nguyễn Văn Trỗi, chàng thợ điện tuổi đôi mươi, vừa lấy vợ chỉ vài tuần đã "sa vào tay giặc" rồi nhận án tử hình vì tội đặt mìn giết (hụt) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, bỏ lại người vợ bơ vơ chưa hề biết "cách mạng" là gì v.v... [*]; một thời đã làm nên những "huyền thoại lung linh" cho tuổi trẻ noi theo như là những thần tượng thời đại.
Không thể không nhắc đến Hồ Chí Minh - người đã từng được gọi là "vị cha già dân tộc" một thời gian rất dài cho công cuộc tuyên truyền - khi bàn về tình yêu. Những giai thoại và cả sự thật về những cuộc tình của nhân vật này đã lần lượt được bóc tách rõ ràng nhờ sự vượt bậc công nghệ thông tin trong thời đại mới. Tuy hình ảnh nhân vật này ngày càng bị phơi trần vẫn không làm giới cầm quyền ngày nay biết dừng ngợi ca ông với tư cách một nhà tu hành khổ hạnh, ép xác và thanh cao (để lợi dụng) đặt trong "ngữ cảnh" của khái niệm liêm sỉ để đừng tiếp tục ru ngủ và lừa mị người dân. Các người vợ của nhân vật này như: Nông Thị Xuân, Tăng Tuyết Minh ngày càng tỏ tường, cho đến cả người nối dõi tông đường của ông đều bị chối bỏ là điều ai cũng biết. Nói ngộ nhỡ, nếu ngày xưa ông Hồ đừng chối bỏ đứa con trai mà bằng thủ đoạn tinh vi nào đó truyền ngôi lại cho con như dòng họ Kim (Bắc Triều Tiên), chắc gì ngày nay ĐCSVN khốn cùng đến thế (?!). Dù sao, cũng không thuyết phục được dư luận về "tình yêu" của ông Hồ dành cho vợ con. Thật khó để tin, một người có thể yêu nước, thương dân trước khi biết yêu vợ thương con, bất chấp mọi giải thích để biện minh cho ông Hồ ở tư cách vị thánh, vượt lên mọi tầm thường, dung tục cuộc đời.
Nhân vật tiếp theo mà tôi muốn nhắc đến: Lê Duẩn. Theo "Bên Thắng Cuộc" [**] cho biết: Người vợ thứ hai của ông là bà Nguyễn Thụy Nga, vốn đã có người yêu - mệnh danh là "hung thần chợ Đệm" - Nguyễn Văn Trấn. Mối tình được cho là “cả hai người vừa duy trì, vừa kìm nén trong suốt mười một năm”. Tuy nhiên, tình yêu của họ cuối cùng bị bại lộ trước..."đảng", nên Bí thư tỉnh ủy Cần Thơ đã kiểm điểm rồi chia cắt đôi uyên ương bằng cách chuyển bà Nga về Sài Gòn, tuy thế bà Nga cho biết: "Nhưng bảo tôi thôi yêu người tôi đã yêu thì khó làm được. Xa nhau cũng được nhưng yêu là do trái tim tôi, đừng bắt buộc”.
Không biết ông Duẩn làm sao chinh phục trái tim bà Nga (nói theo ngôn ngữ bây giờ - tán gái), chỉ biết ông Duẩn đã nói: “Nếu có cưới vợ thì tôi thích người có tình, chung thủy như chị Nga”.

Rồi ít lâu sau, Lê Đức Thọ xuống Cần Thơ công tác, gặp bà Nga: “Anh Ba muốn hỏi chị làm vợ, chị nên ưng anh ấy đi. Anh xa nhà hai mươi năm không có tin tức gì, gia đình anh còn ở vùng địch. Nếu chị làm vợ anh ấy, chị chăm sóc anh để anh có sức khoẻ làm việc, đó cũng là một nhiệm vụ. Hiện nay trong lãnh đạo, anh ấy rất thông minh và sáng suốt, anh em thường gọi là ông 200 bougies, khi có người kề cận chăm sóc thì anh ấy sẽ trở thành 400 bougies. Sự sáng suốt của anh ấy rất có lợi cho cách mạng”.
Dù bà Nga thuật lại với nhà báo Huy Đức bằng chữ "chưng hửng" khi nghe tin này, cuối cùng bà cũng "về dinh" theo chàng.
Nhà báo Huy Đức bình luận:
"Ông Lê Duẩn đã chọn vợ vì “đức thủy chung mà ông chứng kiến bà Nga dành cho người khác” và bà thì thừa nhận là đã chọn ông qua “đạo đức và tình cảm lớn lao mà ông đã dành cho đồng chí, đồng bào”.
Một cách bình luận thâm thúy mà không phải cây viết nào cũng có thể viết ra một cách bình thản và khách quan như thế. Đầu óc tôi có phần kém cỏi khi không hiểu nổi "tình yêu" của người CS qua trường hợp Lê Duẩn, khi đặt trong khái niệm "thích sự thủy chung" của bà Nga (dành cho ông Trấn). Khi ta yêu "sự chung thủy" của một người dành cho một người khác và bằng cách nào đấy để "cái chung thủy" đó nằm trong tay ta thì ngoài chữ "ăn cướp" (tình yêu của "đồng chí Trấn"), còn có cách gọi nào khác cho êm nhẹ hơn?! Tất nhiên, chỉ có kẻ thô lỗ (như tôi) mới "ác miệng" như thế! Không thể nhẹ nhàng như những nhà báo khác được. Bạn đọc cũng có quyền nhớ lại "cô Lựu" của soạn giả Năm Châu, lên án sự tà dâm và hiểm ác khi tên hội đồng muốn cướp vợ người bằng cách vu oan cho ông chồng làm "hội kín" của thời Pháp thuộc. Tất nhiên, tôi không có ý so sánh ông Trấn, bà Nga, ông Duẩn với vở cải lương ngày xưa ấy, bởi họ là đồng chí của nhau, nên mối tình tay ba: Trấn - Nga - Duẩn không gây ra một hậu quả xấu nào, tính cho đến nay, về mặt công khai.
Ông Duẩn lúc lấy bà Nga ở tuổi 41, còn bà Nga 23.
Từ lời tâm tình của bà Nga (khi yêu ông Trấn) với nhà báo Huy Đức, người đọc thấy được mối tình "đẹp như thơ" và không kém phần "đau đớn", "khắc khoải", "rối bời" kéo dài "suốt 11 năm". Tuy thế, gạt qua cảm tính, người đọc thật đăm chiêu với 2 trường hợp (cũng có thể gọi là 2 option, tùy nghi lựa chọn).

Option 1:
Ngồi bấm đốt tay tính thời gian, bà Nguyễn Thụy Nga sinh năm 1925, vậy ra, có thể bà yêu ông Trấn lúc mới được 12 tuổi, nghĩa là năm 1937 (vì theo bà, đến 1948 mối tình sau 11 năm bị bại lộ trước các đồng chí), không biết có sớm quá không nhỉ? :D Trong khi bà Nga lại cho nhà báo Huy Đức biết, bà yêu ông Trấn sau khi đã theo "mấy chú" đi hoạt động cách mạng ở tuổi 14 (có thể vừa mới đi theo "mấy chú" thì đồng thời bà Nga đã ngay lập tức yêu ông Trấn vào năm đó chăng(?))

Option 2:
Bà Nga sinh 1925, khi "đảng ta" phát hiện bà Nga và ông Trấn "dám" vượt qua vòng "đảng giáo" vào năm 1948, nghĩa là năm đó bà Nga 23 tuổi (ngay cái năm mà bà lấy ông Duẩn rồi). Một câu hỏi cần đặt ra: Có hay không mối tình (với ông Trấn) kéo đến những 11 năm từ lúc bà Nga mới lên 12? Một hướng suy luận khác: Một thế "cài răng lược" được đặt ra, nghĩa là giữa lúc bị chia uyên rẽ thúy, bà Nga và ông Trấn vẫn âm thầm liên lạc, đi lại với nhau, kể cả lúc về làm vợ ông Duẩn? Trường hợp này khả dĩ làm cho con số "11 năm" trở nên thuyết phục hơn và phù hợp với tâm trạng cay đắng khi bà Nga nói: "vừa duy trì vừa kìm nén"??? Nếu suy đoán này là đúng, ít nhất chúng ta có thể gọi tên "ngoại tình tư tưởng" theo kiểu "đồng sàng dị mộng" mà bà Nga không nói ra sau khi đã về với ông Duẩn? Nếu vậy, có cần xét lại cái "chung thủy" mà ông Duẩn thích ở bà Nga? Thêm vào đó, bà Nga gọi mối tình với ông Trấn là mối tình "vừa duy trì, vừa kìm nén suốt 11 năm" làm người đọc thật băn khoăn với tâm trạng vừa giằng xé vừa mâu thuẫn của bà! Nguy thật! Có những cuộc vi hành "khám điền thổ" nào xảy ra theo kiểu "đổi phiên gác" của kẻ thứ ba, sau khi ông Duẩn và bà Nga đã nên vợ nên chồng??? Bởi sau 1952, khi ông Duẩn ra Bắc, bà Nga cho biết họ rất ít có thời gian bên nhau (theo Bên Thắng Cuộc). Bà Nga cũng thú nhận với nhà báo Huy Đức trong suốt cuộc hôn nhân hơn 3 thập niên, chỉ có 3 năm bà cảm thấy hạnh phúc. Chúng ta cũng biết, doanh nhân Lê Kiên Thành được cho là sinh ra vào năm 1955 (nhưng không biết tháng mấy), sau khi bà Nga đã ra Bắc vào cuối tháng 3/1955 (!).
Còn option 3 là gì thì độc giả hoàn toàn có thể tự suy đoán, riêng tôi thì chỉ còn một cách lý giải: một đống hỗn độn về tình tiết trộn lẫn với thời gian có thể gọi tên: bất nhất! Kiểu này mà "cung khai" với mấy chú an ninh ngày nay, nó đánh cho phù mỏ!
Ở đời có hai thứ "say" mà người ta khó dấu trước người khác: "say rượu" và "say tình". Do đó, đừng bao giờ dấu hay "man khai", bởi những phi lý sẽ bộc lộ ngay trong câu chuyện, vấn đề là thời gian sớm hay muộn, thế thôi! Thế nhưng người đàn bà tuổi ngấp nghé 90 vẫn cười khúc khích [***} như con chim chích khi kể "chuyện đời xưa" (!)
Dù sao những người phụ nữ: Nguyễn Thị Minh Khai, Nông Thị Xuân, Nguyễn Thụy Nga v.v... cũng vô phúc vì sinh bất phùng thời, chịu nhiều thiệt thòi của thuở "hàn vi" trong một xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến. Do đó, ngày nay bà Bảy Vân sống sung túc, an hưởng tuổi già cũng là phúc phần do trời đất ban cho, không có gì phàn nàn, ngoài sự thật mối tình tay ba của bà vẫn chưa thuyết phục cho lắm với tư cách "người Cộng sản" nổi tiếng.

Người Cộng sản với tình yêu, thời... nay.
Xin phép lướt qua những vụ nhơ nhớp liên quan đến phần con như Lương Quốc Dũng hay Nguyễn Trường Tô, Sầm Đức Xương v.v... bởi đã phơi ra dưới ánh sáng mặt trời chói chang đến nhức (cả) mắt! Và cũng bởi không thể vấy bẩn thêm hai chữ "Tình Yêu" mà xúc phạm đến đông đảo bạn đọc.
Tình dục không có tội, do đó nhiều nước xem mãi dâm là một nghề với những chính sách bảo vệ người bán dâm. Giải quyết sinh lý cũng không có tội, vì suy tận cùng "người" cũng là một loại "con". Vấn đề là giải quyết sinh lý như thế nào, với ai mới là quan trọng. Ở đây, không đề cập đến tình yêu trai gái, tình yêu vợ chồng đúng nghĩa của nó.
Những vụ bê bối tình dục của các nhân vật tai to mặt lớn trên thế giới (như Bill Clinton, Dominique Strauss-Kahn (Tổng GĐ IMF) v.v...) đáng chê trách, nhưng những người này vẫn còn liêm sỉ, bởi họ chưa bao giờ dám cao giọng rao giảng về "thủy chung" đối với người dân. Phải chăng đó là sự khác nhau giữa "người Cộng sản" và người không cộng sản?
"Đôi đũa lệch": Nông Đức Mạnh - Đỗ Thị Huyền Tâm được xếp vào phần "thời nay", bởi nó còn khá nóng. LS. Trần Đình Triển đã chỉ thẳng tên bà vợ trong bài viết với chú thích "nay là vợ của bác Nông Đức Mạnh" [4]. Không thể nói vụ cướp chợ Bưởi không có một phần từ mối liên hệ trong vai trò kép: vừa là đại biểu QH vừa là phu nhân của cựu Tổng bí thư Mạnh. Người ta cũng biết bà Tâm hiện nay ở tuổi 47, ông Mạnh tròn 73. Chênh lệch tuổi tác: 26. So sánh với mức chênh lệch của "cặp đôi hoàn chỉnh" Duẩn - Nga: 18, thế hệ "thời nay" vượt trội về sức sống tình yêu để tái khẳng định chân lý: "tình yêu không phân biệt tuổi", dù dư luận phong thanh là ông Mạnh đang tính bài chuồn an toàn trước sự việc bà vợ ngày càng coi thường công luận. Chúng ta cũng không nên đề cập đến khái niệm "đảng ta là đạo đức là văn minh" khi "xét lại" bà vợ đầu của ông Mạnh - Lý Thị Bang chết trong lặng lẽ, chưa tròn "3 năm tang chế", ông Mạnh đã vui duyên mới, điều này có vẻ hơi chướng, nếu đặt trong bối cảnh Việt Nam - văn hóa nông nghiệp vẫn đầy ắp ngày nay.

Trong một cuộc phỏng vấn với đảng Việt Tân [5], nhà văn Dương Thu Hương đã bày tỏ: chúng ta không quan tâm gái bao, nhưng chúng ta quan tâm và vạch trần tiền bao gái, bởi đó là tiền của dân, khi đề cập đến mối quan hệ khuất tất của cặp đôi Nguyễn Văn Hưởng - Hồ Thị Thu Hồng. Không có gì hồ nghi về "sự thủy chung" của cặp đôi này, một khi họ ngân nga về "tình yêu", có điều chúng ta có cùng khái niệm và cảm nhận như họ không thôi. Cặp đôi này cũng bị đá đít, có lẽ sau khi cốt chanh đã được vắt xong. Dư luận cũng không tin những khái niệm "sám hối", "ăn năn" của 2 "người Cộng sản" này, nếu chúng ta vẫn đồng ý họ nên được gọi như thế.
Cặp Việt dart - Hoàng Thùy Linh làm trò con heo tung lên mạng và Hoàng Thùy Linh sướt mướt khóc tạ lỗi với khán giả cùng sự góp tay của Lại Văn Sâm "tạo điều kiện" cho Linh phơi bày sự "nhẹ dạ", "trong trắng" và "ngây thơ", "nông nổi" ngỡ dễ làm người ta tha thứ, ngược lại vở tuồng ruồi bu này đã bị chỉ trích không tiếc lời. Cần nhắc lại trò đồi bại của "cậu ấm" và "cô chiêu" này bởi Việt dart trong tư cách con trai của viên công an cao cấp Hà Nội để luận bàn về sự tác động từ môi trường sống và môi trường giáo dục mà cặp trai gái này hấp thụ.

Cũng cần điểm qua cặp sui gia: Nguyễn Đức Nhanh [6] (cựu GĐCA Hà Nội) - Nguyễn Thanh Sơn (Thứ trưởng Bộ ngoại giao), có con trai/con rể - Nguyễn Đức Quang (biệt danh Quang béo) - ăn chơi khét tiếng đất Hà thành, nhưng bộ óc xem ra toàn "chất đen" thay vì "chất xám" nên thụ hưởng từ người cha "nổi danh" (về tội ác) của mình góp tay trong ca acid tạt thẳng vào mặt của nhà báo Trần Quang Thành hơn 20 năm về trước [6A], hay chí ít học hỏi được chút ít từ thói đạo đức giả và lừa bịp của ông bố vợ, chứ nhỉ?! Rất tiếc, không có dù chỉ một chút!
Mới đây, BBC tường thuật lại từ báo chí Việt Nam về Lê Trương Hải Hiếu - con trai Lê Thanh Hải (Bí thư Tp. HCM) - một mẫu người được mô tả là thành đạt với kiến thức trộn lẫn giữa Tư bản (tốt nghiệp thạc sĩ tại Mỹ) và Cộng sản (đảng viên, bằng chính trị cao cấp). Người ta không biết "cuộc hôn nhân" về kiến thức này có dẫn đến thảm họa nào cho tương lai chàng trai trẻ sáng láng, phong độ này hay không, chỉ biết dư luận đang chĩa mũi dùi vào gia đình họ Lê này, trong đó những hình ảnh người con út Lê Trương Hiền Hòa và cựu nữ đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ đang ầm ào đầy trên các diễn đàn [7].
Người đẹp Lý Nhã Kỳ [8] (tên thật Trần Thị Thanh Nhàn) cũng từng làm dậy sóng khi có những hình ảnh, giấy tờ chứng minh cô đã có một đời chồng cùng với việc tai tiếng về bằng cấp giả. Đó là cái giá phải trả không tránh khỏi, khi chấp nhận làm người của công chúng. Mới đây, người đẹp này đã cự tuyệt không tiếp tục sứ mạng "đại sứ du lịch" cho Việt Nam, mặc dù nhan sắc của cô ngày càng mặn mòi. Điều làm người ta khó tin, chỉ với nhan sắc (đẹp), kiến thức tầm tầm, những vai diễn nhàn nhạt, thật khó trong một thời gian ngắn cô trở thành tỉ phú với cả một cơ ngơi về thời trang [9] quá sức tưởng tượng. Cần nhắc lại "tiền bao gái" mà nhà văn Dương Thu Hương đã đề cập đến trong trường hợp này, một lần nữa, đó là tiền xương máu, mồ hôi của dân Việt.

Trong khi Lý Nhã Kỳ cặp đôi với Lê Trương Hiền Hòa - con út của Lê Thanh Hải - một thiếu gia trẻ, một ông chủ về BĐS với Công ty CP ĐT & TM Ba Ma Phúc Thịnh Gia có trụ sở 95 Sương Nguyệt Ánh Q.1 Tp.HCM [10], thì nữ nghệ sĩ cải lương Quế Trân (dại biểu HĐND Tp.HCM trúng cử khóa này [11] cùng với kịch sĩ Hồng Vân và ca sĩ Thanh Thúy) cũng đang dính tin đồn là chuẩn bị về làm dâu nhà Lê Thanh Hải với cậu cả Lê Trương Hải Hiếu [12]. Không biết tin đồn đúng sai thế nào, nhưng "bà nghị trẻ" Quế Trân không ngại ngần cho phóng viên biết [13] "anh ấy có sự nghiệp ổn định, có thể bảo bọc được cuộc sống cũng như tinh thần cho mình".
Nhiều người cho rằng việc Lý Nhã Kỳ hăng say tham gia công tác xã hội một dạo không phải là việc làm không có mục đích và nhận "sự chỉ đạo" của ai đó, cũng như cô đào trẻ Quế Trân, tài năng nghệ thuật chưa là gì, cống hiến và bề dày thành tích tay nghề cũng thuộc hàng nhãi nhép, "tự nhiên" phút chốc trở thành bà nghị tại Sài Gòn, danh nổi như cồn với giải "công dân trẻ tiêu biểu" mà Quế Trân không che giấu nỗi tự hào. Lộ liễu và thách thức người dân đến mức không chấp nhận nỗi thói độc tài, phè phỡn, lưu manh đến chà đạp cả xã hội khôn cùng!

Sẽ là thiếu sót lớn khi quên một "người Cộng sản" thời nay nữa - Nguyễn Thanh Phượng - con gái đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hôn nhân giữa cô Phượng cùng con trai một cựu Thứ trưởng Tài chính thuộc chế độ VNCH đã làm nhiều người đau tay với bàn phím, những tưởng không cần nhắc lại. Duy chỉ, khi nghe bà doanh nhân trẻ này phát ngôn [14]:
"Một người hay được dư luận chú ý thì phải cố gắng giữ mình để tránh điều tiếng không hay cho cá nhân và cả gia đình".
cá nhân tôi đánh giá bà doanh nhân trẻ này là người hiểu biết, tuy thế khi nghe bà xách mé gọi chúng tôi là "một vài blog phản động", tôi cảm thấy phẫn nộ về thói hỗn xược đối với người dân. Bà Phượng lấy tư cách gì để dám dùng chữ "phản động" chửi dân???
Người dân đen như chúng tôi làm sao có đủ thông tin bí mật (vừa giả vừa thật) để phao lên, để vu oan cho những "người Cộng sản" "tầm cỡ" như bà? "bọn phản động" phải chăng chính là những kẻ mà bà gặp hàng ngày, thậm chí trong những bữa dạ tiệc linh đình lồng trong những phi vụ làm ăn cho cá nhân và phe cánh của bà?

Mặt khác, bà đã biết "phải giữ mình" thì chúng tôi cũng nhắc cho bà nhớ về "đức hy sinh cao cả" của những người "tiền bối" cộng sản như: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thụy Nga v.v... Sao bà Phượng không lấy những "tấm gương" đó ra mà "học và làm theo" cho phải đạo với "tiền nhân cộng sản", lại đi kết hôn với những "kẻ lưu vong" làm xấu mặt "truyền thống cách mạng vẻ vang" mà ông Nguyễn Tấn Thử - ông nội của bà, người đã bị giặc Mỹ giết chết - truyền lại cho cha bà và cho đến anh em ruột nhà bà? Tôi có thể không nghi ngờ cái gọi là "tình yêu" trong hôn phối giữa bà và ông Nguyễn Bảo Hoàng, nhưng sao bà không nghĩ tới phương án "hy sinh" bằng cách ly hôn để bảo toàn "khí tiết" và "phẩm giá" của dòng tộc nhà bà hơn 70 năm qua, từ khi "đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng" thay vì đổ thừa cho "bọn phản động" nào đó?
Kết:
Thi sĩ Xuân Diệu đã viết [15]:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...

Cô hãy là nơi mấy khóm dừa
Dầm chân trong nước, đứng say sưa,
Để tôi là kẻ qua sa mạc
Tạm lánh hè gay; - thế cũng vừa.

Rồi một ngày mai tôi sẽ đi.
Vì sao, ai nỡ bỏ làm chi!
Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá
Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì
.

(Vì Sao - Xuân Diệu 1938)
Với những tâm hồn của những "người Cộng sản" như dẫn trên, không biết họ có còn một chút lãng mạn, bay bổng để hiểu về "Tình Yêu" không nhỉ? Câu hỏi cuối cùng sau hàng loạt câu hỏi trong bài viết này: Người Cộng sản Việt Nam có còn biết yêu và yêu như thế nào?!
Nguyễn Ngọc Già
_______________

Ghi chú: Bài viết cũng nhằm đòi lại danh dự, phẩm giá, tiết hạnh của những nữ tù nhân lương tâm: Tạ Phong Tần, Đỗ Thị Minh Hạnh, Hồ Thị Bích Khương (khối 8406), Phạm Thị Phượng (đảng viên ĐVD), Trần Thị Thúy (đảng viên ĐVT) v.v... cũng như của những phụ nữ bất đồng chính kiến đang trong vòng khủng bố, đe dọa về tinh thần, thể xác: Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hoàng Vy, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trịnh Kim Tiến, Đặng Bích Phượng, Trần Thị Nga v.v...; cũng như cho tất cả những phụ nữ là vợ, mẹ, con, chị, em, bạn hữu của các tù nhân lương tâm: Nguyễn Thị Dương Hà (vợ TS. Cù Huy Hà Vũ), Cù Thị Xuân Bích (em TS. Cù Huy Hà Vũ), Lê Đính Kim Thoa (vợ DN. Trần Huỳnh Duy Thức), Nguyễn Phương Anh (vợ cựu tù nhân lương tâm Lê Thăng Long), hoa hậu Ngọc Khánh (vợ LS. Lê Công Định), Trần Thị Lệ (mẹ LS. Lê Thị Công Nhân), mẹ của cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, Dương Thị Tân và các con (người thân của Blogger Điếu Cày), Hồ Lê Như Quỳnh (bị vu khống vụ 2 bao cao su đã xài với TS. Cù Huy Hà Vũ) v.v... và nhiều nạn nhân khác.
http://laodong.com.vn/Xa-hoi/Moi-nam-75000-ca-tu-vong-do-ung-thu/94765.bld [1]
https://danluan.org/tin-tuc/20120216/pham-thi-hoai-nha-nuoc-viet-nam-khong-thich-bi-goi-la-chinh-quyen-cong-san [2]
http://phunutoday.vn/blog-nguoi-noi-tieng/nguoi-noi-tieng/201209/Chuyen-tinh-Le-Hong-Phong-Nguyen-Thi-Minh-Khai-2186312/ [3]
[*] Bạn đọc, nếu có hứng thú, có thể đọc "Sống Như Anh" của Trần Đình Vân để rõ thêm về chi tiết này.
[**] Quyển I - Giải Phóng - Phần 2: Thời Lê Duẩn - Chương 8: Thống nhất.
{***} http://www.tintuchangngayonline.com/2014/04/chuyen-ong-le-duan-va-ba-nguyen-thuy.html
http://danluan.org/tin-tuc/20130420/luat-su-tran-dinh-trien-vo-ong-nong-duc-manh-cung-cong-ty-co-phan-cho-buoi-da-chiem [4]
https://danluan.org/tin-tuc/20101201/nha-van-duong-thu-huong-tra-loi-phong-van-cua-viet-tan [5]
http://vietinfo.eu/chuyen-phiem/cuoc-song-cua-con-trai-giam-doc-cong-an-ha-noi-.html [6]
http://www.youtube.com/watch?v=r7Xd4YHMJ88 [6A]
http://vozforums.com/showthread.php?t=2750255 [7]
http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_Nh%C3%A3_K%E1%BB%B3 [8]
http://vozforums.com/showthread.php?t=2750255 [8]
http://hcm.eva.vn/lang-sao/ba-chu-ly-nha-ky-dieu-da-tai-dinh-co-xa-hoa-c20a135809.html [9]
http://ybahcm.com.vn/userdetails.aspx?userid=1193 [10]
http://megafun.vn/tin-tuc/nghe-thuat/hau-truong/201105/Hong-Van-Thanh-Thuy-Que-Tran-trung-cu-HdNd-thanh-pho-136161/ [11]
http://vozforums.com/showthread.php?p=49675107 [12]
http://www.phununet.com/tin-tuc/nghe-si-que-tran-anh-ay-co-the-bao-boc-toi/6c-1342sc-107058n.html [13]
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/10/121019_nguyen_thanh_phuong_iv.shtml [14]
http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=908 [15]

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"