Thụy My
Xe quân sự Nga trên đường chuyển quân từ Sebastopol đến Simferopol tại Crimée ngày 01/03/2014.
Crimea có còn thuộc về Ukraina hay không? Không ai có thể chắc chắn được, trước những diễn biến từ tối qua cho đến trưa nay.
Khu vực bán đảo Crimea thuộc Ukraina, nơi Nga đưa quân vào...
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Igor Teniouk hôm nay 01/03/2014
tố cáo Nga đã tăng cường thêm 6.000 quân đến Crimea . Ông tuyên bố rằng
Nga đã chuyển quân mà « không báo trước cũng như không được phép của
Ukraina, đi ngược lại với các nguyên tắc không xâm lấn giữa các Nhà nước
có chung đường biên ». Trong lúc đó cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề tự trị của Crimée dự kiến ngày 25/5 nay được dời lại sớm hơn, từ 30/3.
Trụ sở cơ quan biên phòng Ukraina tại thành phố Sebastopol ở Crimée
hôm nay bị khoảng 300 quân bao vây. Những người này nói rằng được lệnh
của Bộ trưởng Quốc phòng Nga phải chiếm đóng trụ sở này. Thông báo của
biên phòng Ukraina cho biết tất cả các chiến hạm đang đặt trong tình
trạng báo động.
Hạ viện Nga tức Douma hôm nay 01/03/2014 yêu cầu Tổng thống Vladimir Putin « bảo vệ bằng mọi phương tiện » dân cư ở Crimée « chống lại tình trạng tùy tiện và bạo lực ». Trước đó vào buổi sáng, điện Kremli tuyên bố « hết sức quan ngại » trước những sự kiện tại Crimée và đảm bảo rằng Nga sẽ không làm ngơ trước « yêu cầu giúp đỡ của các lãnh đạo Crimée ».
Những người vũ trang tuần tra gần nghị viện Crimea, 01/03/2014.
Vũ khí kinh tế bắt đầu được sử dụng: tập đoàn dầu khí Gapzrom đòi
Ukraina phải trả món nợ 1,55 tỉ đô la. Tại Donetsk, cứ địa của tổng
thống bị lật đổ Ianoukovitch, 10.000 người biểu tình ủng hộ Nga.
Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tối qua cảnh cáo Matxcơva không nên « can thiệp quân sự »
vào Ukraina, tân Thủ tướng nước cộng hòa tự trị Crimea(Krym) là Sergy
Aksionov – được bầu phiếu kín trong một nghị viện địa phương bị một đội
biệt kích vũ trang thân Nga kiểm soát - hôm nay 01/03/2014 đưa ra lời
kêu gọi được tiếp vận trên truyền hình Nga. Ông ta yêu cầu Tổng thống
Vladimir Putin giúp đỡ để tái lập « hòa bình và yên tĩnh » tại bán đảo nói tiếng Nga ở miền nam Ukraina đang có nguy cơ ly khai.
Tổng thống lâm thời Ukraina tuyên bố Kiev từ chối đáp trả quân sự
trước khiêu khích của Nga, liên quan đến việc triển khai quân Nga tại
Crimée, và không công nhận tân Thủ tướng cộng hòa tự trị này.
Nghị viện Crimea bị kiểm soát
Những người vũ trang chiếm lĩnh nghị viện Crimée, 01/03/2014.
Nhiều người bịt mặt trang bị súng kalachnikov, mặc quân phục nhưng
không quân hiệu, đã chiếm các vị trí xung quanh nghị viện Crimea tại
Simferopol sáng nay, thứ Bảy. Hai khẩu súng máy được đặt trước tòa nhà.
Một đội đặc nhiệm thân Nga hôm thứ Năm 27/2 đã kiểm soát nghị viện,
nhưng không thấy được từ bên ngoài.
Tại chỗ, các dân quân đôi khi mặc quân phục Nga vẫn đang chiếm đóng
các sân bay và các ngã đường liên lạc của vùng này từ thứ Sáu 28/2.
Matxcơva đã điều 2.000 quân và xe bọc thép đến Crimea . Các nhân chứng
cho biết từ tối thứ Sáu đã phát hiện việc những đoàn quân không rõ từ
đâu di chuyển với xe bọc thép, trên đường từ Sebastopol đến Simferopol,
thủ phủ Crimée, và nhiều phi cơ vận tải quân sự hạ cánh xuống một phi
trường quân sự gần Simferopol.
Các phi cơ không rõ xuất xứ tại một phi trường ở Crimée, 01/03/2014.
Nhà nước Ukraina có vẻ đã bị mất chủ quyền tại Crimée với sự can
thiệp của Nga. Tổng thống lâm thời Ukraina là Olexsander Tourtchinov hôm
qua lên án việc Nga tấn công, cho rằng Matxcơva muốn tái diễn tại
Crimée kịch bản đã dẫn đến xung đột quân sự năm 2008 với Grudia, liên
quan đến các vùng thân Nga ly khai là Abkhazie và Nam Ossétie.
Matxcơva không công nhận cũng không cải chính việc chuyển quân của
Nga. Sau cuộc họp kín khẩn cấp của Hội đồng Bảo an, đại diện Nga tại
Liên Hiệp Quốc là Vitali Tchourkine tuyên bố nước mình hành động trong
khuôn khổ các hiệp định với Kiev.