Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Tinh thần học tập kiểu Quảng Ngãi

Trà Giang
Vài năm gần đây, ở vài địa phương có nảy sinh việc cơ quan công quyền làm công văn gởi các cơ quan đơn vị yêu cầu cử cán bộ công chức viên chức đi xem bóng đá có sự tham gia của đội bóng sở tại, gọi là động viên đội nhà. Ấy là cách phát huy “tinh thần thể dục” của nhà văn Nguyễn Công Hoan, với tác phẩm châm biếm hoạt kê cùng tên với cụm từ trong ngoặc nói trên mà tất cả học sinh phổ thông nào cũng đã học, gọi là để phê phán xã hội thực dân phong kiến phản động lạc hậu – lý do hết sức chính đáng, cần thiết để làm cách mạng đánh đổ nó đi.
Ở Quảng Ngãi, sáng kiến không chập về hướng ấy, mà tập trung vào việc sức cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập, trước hết là học tập quán triệt các nghị quyết, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh...Một trong những kết quả đỉnh cao của phong trào đó là lớp học đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh vừa qua.
Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo đã dành thời gian gần 4 tiếng đồng hồ để nói chuyện về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó tập trung xoay quanh chuyên đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”.
Theo kế hoạch của tỉnh được xây dựng căn cứ vào hướng dẫn của trung ương, lớp học cấp tỉnh sẽ mời một chuyên gia trung ương “trực tiếp” truyền đạt. Người được mời là GS. TS. Hoàng Chí Bảo, một cái tên không lạ trong giới làm công tác lý luận và những cây bút phản biện “lề trái” trong thời gian gần đây.

Để thêm phần long trọng cho lớp học, đồng thời, kết hợp tạo điều kiện mở rộng đối tượng học tập, đổi mới phương pháp dạy học, tỉnh đã chỉ đạo cho truyền hình trực tiếp toàn bộ buổi học tập. Nhờ vậy, ngoài hơn 500 học viên ngồi trong lớp, hàng triệu người dân khác của tỉnh, về tính toán lý thuyết, được nghe giảng bài. Tất cả các trường học trong tỉnh được khuyến khích cho học sinh nghỉ học để thầy cô giáo tham gia học tập qua vô tuyến truyền hình.
Kết quả, buổi học đã thành công, an toàn về sư phạm, trật tự tổ chức lớp (trong hội trường và ở ngoài) và kỹ thuật thu phát sóng.
Trong thành công chung đó, về mặt sư phạm, kết quả không phải xuất phát từ học hàm học vị hoặc chức danh trong Hội Đồng Lý Luận Trung Ương của diễn giả, mà chỉ là của chính ông Hoàng Chí Bảo, với phong cách tư duy và trình diễn của mình. Bài truyền đạt không đi theo tài liệu của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, không có khái quát kết luận hoặc viện dẫn, phân tích, đánh giá lý luận gì. Tất cả là bình giảng chuyện kể và kể chuyện; có những chuyện đã quá quen thuộc, nhàm chán, được kể từ lâu và tập trung kể lại từ các chuyên đề của đợt học tập trước (theo chỉ thị 23/2003 và chỉ thị 06/2006); có những chuyện thêm thắt theo lời kể của một số nhân vật đã có dịp gần gũi Bác Hồ được đăng tải trên báo chí gần đây. Cái khác là nhờ chất giọng Bắc, truyền cảm, biết cố tình khai thác yếu tố biểu cảm của giọng nói và tình tiết của từng câu chuyện, kết hợp với quãng ngắt phân câu, tiếng sụt sịt mũi. Do vậy, hiệu ứng chủ yếu của buổi giảng là xúc cảm, cảm động, một loại hiệu ứng dễ lây lan. Và cũng do hiệu ứng chủ yếu đó, phong cách sư phạm lại có vẻ vừa tuồng, vừa mãi võ Sơn Đông.
Về nội dung, nhiều thông tin, như đã nói, không mới; một số chi tiết mới lại không có cơ sở; nhiều thông tin mâu thuẫn trong chính bài “giảng” hoặc khác với những công bố khác. Do vậy, có thể xem đó là những thông tin không chính thống, tam sao thất bản. Chẳng hạn, chi tiết nói về việc Bác Hồ điện thoại cho tổng biên tập báo Nhân Dân đòi nhuận bút, được diễn giả bình luận rằng như vậy Bác cũng là người thường, cần tiêu tiền. Tuy nhiên, trong những tài liệu công bố trước đây, nhuận bút của Hồ Chí Minh được chuyển vào sổ tiết kiệm thường xuyên, đầy đủ và con số tổng hợp cuối cùng không phải là ít. Cũng trong bình luận ấy, cho rằng việc dùng điện thoại để đòi nhuận bút là thể hiện phong cách hiện đại là không có tác dụng giáo dục, bởi việc đòi nhuận bút là việc riêng, dùng điện thoại Chủ Tịch Nước là sai, không “dĩ công vi thượng”. Hoặc chi tiết về việc ký hiệp định (hay nghị định – sic) để chuyển thi hài sang Liên Xô, việc chuyển thi hài của Bác lên Đá Chông K9 cũng khác với công bố trước đây về thời gian, phương tiện; nhất là đoạn mở rộng rất cảm động về việc vừa chuyển lên đến K9 thì được lệnh phải chuyển về lại Hà Nội vì có tin tình báo sự kiện Mỹ đổ bộ Sơn Tây để giải thoát tù binh, trong khi sự kiện này diễn ra 13 tháng sau đó so với thời điểm tháng 9/1969...
Ấy thế nhưng, đã đi nghe giảng Quỳnh thì phải là tốt, hoặc chẳng bình luận gì. Nhiều người ra khỏi hội trường với lời khen xuýt xoa, và cũng sụt sịt. Tờ báo địa phương ngay sau đó cũng có một bài tụng ca hoành tráng. Điều đó phản ánh đúng sức học và sự học của tỉnh nhà. Suốt mấy chục năm, nhiều người rất mê học, để bù đắp kiến thức thiếu thốn vì nghèo, chiến tranh, và kém thông minh; để có bằng cấp mới cao hơn, xóa dấu vết bổ túc văn hóa, đào tạo từ xa, tại chức, để thích ứng với chuẩn chức vụ mới theo “qui hoạch”...Có người, nghe được triệu tập lớp học tập, quán triệt nào đó là phấn khởi cắp sổ đi. Kết quả là qua việc học với nhiệt tình cách mạng cao như thế, có người rất còn trẻ, được nhắm nhía vào chỗ này chỗ nọ, nhưng khi thuyết trình trước một cử tọa chủ chốt cấp tỉnh và huyện, tên Tổng thống Mỹ lại đọc là Bamắc Ôbama, tên Thủ tướng Nhật hiện tại là Anbe, đảo tranh chấp giữa Nhật với Trung Quốc là Xenkacự, cái dấu nặng không biết lấy ở đâu ra.
Nguyên nhân cũng chắc bởi chủ yếu là phong cách tiếp thu bằng hiệu ứng xúc cảm, tình cảm như kiểu GS Hoàng Chí Bảo đã giúp tỉnh. Do vậy, bài viết trong tờ báo tỉnh, khi ca ngợi thành công của lớp học, cũng đã xúc cảm để viết một câu tù mù, phản logic “Mặc dù là phương pháp truyền đạt mới nhưng tinh thần học tập, thái độ tiếp thu của cán bộ, đảng viên, người lao động rất nghiêm túc và được đông đảo quần chúng nhân dân theo dõi”.
Trà Giang

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"