Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Quân Đội bảo vệ Dân, trung thành với Tổ Quốc, hay với Đảng?

Nhất Nam
(Ý kiến phản biện tác giả HỒNG HẢI – Báo QĐND)
Thưa ông Hồng Hải,
Tôi chỉ là một người dân, không tham gia một tổ chức chính trị nào và cũng không có ý tưởng sẽ tham gia chính trị. Đọc bài viết Không mơ hồ trước kiến nghị “quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc” đăng trên báo Quân đội nhân dân (QĐND) ngày 03/02/2014. Xin mạn phép bày tỏ vài ý kiến sau:
Thứ nhất: Tôi có nhận xét bài viết của ông khá dài. Nhưng về văn phạm không xứng là một bài văn chứ chưa nói là một bài lý luận! Vì nó không đảm bảo tối thiểu cấu trúc Mở đầu – Thân bài - Kết luận.
Thứ hai: Những lý luận, dẫn chứng của ông cho thấy một nhận thức hạn hẹp, xưa cũ và mâu thuẫn.
Ông nhắc người đọc rằng: “Hiến pháp 2013 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, trong đó, Điều 65 ghi rõ: “Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước...”. Nhưng ông quên rằng bản Hiến pháp sửa đổi bị rất nhiều trí thức, nhóm xã hội dân sự và người dân phản đối mà bằng chứng là hàng chục ngàn chữ ký trên Bản kiến nghị của Nhóm 72 nhân sĩ trí thức khởi xướng là một bằng chứng! Nếu bản Hiến pháp đó được trưng cầu dân ý một cách nghiêm túc thì tôi không tin nó thể hiện ý nguyện của đa số nhân dân Việt Nam đâu ông ạ!

Bản thân tôi và có lẽ hầu hết những người từng lên tiếng phản đối bản Hiến pháp sửa đổi đều không muốn nhắc lại những bất công, bất hợp lý của Bản Hiến pháp này vì chúng tôi hiểu rõ: Dù sao thì nó cũng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đạo diễn và áp đặt trong thực tế. Phản biện chỉ là hi vọng ĐCSVN từng bước xem xét và qua đó nhìn nhận, tôn trọng các giá trị dân quyền, dân chủ trong việc quản lý, lãnh đạo đất nước.
Về vai trò và tính trung lập chính trị của Quân đội trong cấu trúc bảo vệ an ninh tổ quốc. Ông nhầm lẫn hay không biết trong chế độ hiện nay của VN và của tất cả các quốc gia trên thế giới đều có phân biệt chức năng rất rõ ràng nhiệm vụ “bảo vệ an ninh xã hội” và nhiệm vụ “chiến đấu bảo bệ đất nước”? Việc sử dụng lực lượng quân đội vào mục đích “bảo vệ an ninh xã hội; bảo vệ đảng phái chính trị..” chỉ có ở các quốc gia độc Đảng, độc tài, toàn trị.. Nó là mô hình lãnh đạo áp đặt, duy trì quyền lực bằng sức mạnh. Một mô hình của chế độ phong kiến cổ hũ cách đây hàng thế kỷ rồi!
Điều này phù hợp và lý giải cho việc ông dẫn chứng lý luận của Carl von Clausewilz - Một nhà lý luận quân sự Phổ cách đây gần 200 năm (sinh 1780 - mất 1831). Có điều, cả ông và ông Bùi Phan Ký cũng nhầm lẫn, thậm chí hiểu ngược lại khi dẫn giải “chiến tranh là kế tục của chính trị” là tư tưởng của của Clausewilz(!). Vấn đề này tôi nghĩ là ông nên tìm hiểu và đọc lại xem tôi nói đúng hay sai.
Về nội dung phân tích vai trò của quân đội ở các nước đa đảng. Ông tiếp tục nhầm lẫn hay cố tình kiểu “lập lờ đánh lận con đen” khi nói rằng: “Các đảng phái muốn LLVT đứng ngoài các cuộc đấu tranh giành quyền lực” rồi lại nói “khi một đảng giành được quyền lực (thông qua bầu cử) thì đương nhiên đảng đó cũng lãnh đạo LLVT...”?
Vì rõ ràng: Việc đấu tranh giành quyền lực lãnh đạo là hoạt động chính trị, giải quyết mâu thuẫn trong đường lối lãnh đạo (chính trị), mang tính dân sự chứ không phải là quân sự. Việc quân đội đứng ngoài chính trị trong đấu tranh giành quyền lực nội bộ quốc gia là để phòng ngừa thế lực bên ngoài lợi dụng xâm lược, điều đó là đương nhiên. Khi vấn đề quyền lực chính trị đã được giải quyết, một đảng giành được quyền lực thông qua bầu cử, tức là được đa số người dân ủng hộ thì việc đảng đó nắm quyền lãnh đạo (theo ý dân) đối với LLVT để thống nhất định hướng phục vụ và bảo vệ quyền lợi đa số người dân là logic hợp lý. Nó thể hiện rõ ràng vai trò của quân đội là bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc chứ hoàn toàn không phải vì vậy mà ông nói là bảo vệ đảng!
Đến đây, tôi xin bày tỏ thêm quan điểm và nhận định của tôi về việc: Tại sao ông viết như vậy, nghĩ như vậy và nhằm mục đích gì?...
Theo tôi, cá nhân ông và cả ĐCSVN đều có chung mong muốn và tìm mọi cách để đạt mục đích trói buộc quân đội vào nhiệm vụ phải “trung thành với đảng”. Đơn giản vì ĐCSVN không dám thực thi một xã hội dân chủ, trong đó xã hội tôn trong nguyên tắc đa số. ĐCSVN giữ chặt lực lượng quân đội trong tay để từ đó dùng sức mạnh áp đặt quyền lãnh đạo lên nhân dân. Bất chấp có được đa số người dân đồng ý hay không! Đó là kiểu lãnh đạo bằng cường quyền của chế độ bạo chúa phong kiến xa xưa. Tư duy ấy đã quá lỗi thời, lạc hậu...
Hiện nay, có một biến cố lớn tại Ucraina mà tôi nghĩ rằng nó là một trong những ám chỉ của ông về vấn đề “bất ổn, phức tạp..” đúng không? Ông (và ĐCSVN nữa) lo ngại một kịch bản tương tự ở VN nên mới đem những lý luận lủng củng như vậy để lấp liếm việc nắm giữ sức mạnh?
Vậy thì thưa ông! Tôi cũng muốn qua đó để nói thẳng với ông rằng: Tôi, chỉ là một người dân bình thường nhưng còn hiểu được rằng: Không chỉ các ông sợ mất quyền lực mà các ông còn có những âm mưu lớn hơn như thế rất nhiều!
Ucraina chắc chắn sẽ mất Crimea vào tay Nga vì yếu tố quyền lợi và địa chính trị. Quân đội Ucraina đứng ngoài tranh chấp nhưng bị vô hiệu bởi âm mưu từ cả hai phía mới không kịp phản ứng ở Crimea.
“Bất ổn, phức tạp” ở Việt Nam nếu có thì cũng có ở chỗ tương đồng thay vì Crimea giáp Nga còn Bắc Việt Nam giáp Trung Quốc. Nếu xảy ra tranh chấp quyền lãnh đạo bằng đấu tranh dân chủ tương tự Ucraina thì khó loại trừ khả năng Trung Quốc lợi dụng đánh chiếm miền Bắc. Nếu Quân đội nhân dân Việt Nam đứng ngoài tranh chấp chính trị thì khó mà đánh vào miền Bắc Việt Nam chứ chưa nói gì miền Nam, đúng không ông?
Để thay cho lời kết. Tôi xin nhắc ông rằng: Việt Nam không phải là Ucraina! Nếu có một kịch bản Crimea ở Việt Nam thì trừ phi đủ sức tận diệt người Việt Nam chứ sẽ không có bất kỳ sức mạnh nào ngăn được người dân Việt Nam thống nhất và độc lập! Lịch sử ngàn xưa đã vậy và mãi mãi vẫn sẽ như vậy!
Tôi biết rằng không thể trao đổi cùng ông trên các báo chính thống nên bày tỏ trên hệ thống “lề trái”. Nếu có thể được ông chiếu cố mà góp ý thì tôi lấy làm vinh hạnh nhiều lắm!
Có thể tự bịt mắt mình vì sợ hãi nhưng không thể bịt mắt người khác khi xung quanh là một xã hội. Nhân đây, tôi xin chép lại một triết lý của Carl von Clausewilz:
“Một cảm xúc mạnh mẽ phải kích thích tài năng của chỉ huy quân sự, có thể là tham vọng như đối với vua Caesar, hoặc là hận thù như đối với tướng Hannibal, hoặc là sự kiêu hãnh đánh một trận huy hoàng như đối với vua Friedrich II Đại Đế. Hãy mở tấm lòng đến với những cảm xúc tương tự, hãy cương quyết tìm một sự kết thúc vinh quang, thì số phận sẽ mang vinh quang đến cho mình!"
* * *

Hồng Hải - Không mơ hồ trước kiến nghị “quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc”

Trong khi quân đội một số nước ra tuyên bố “trung lập về chính trị” trước thực trạng bất ổn chính trị của đất nước họ, một số đối tượng đã phát tán các bài viết trên mạng xã hội đòi “trả quân đội về phục vụ nhân dân, không chính trị hóa quân đội”, “quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc, không phải phục tùng và bảo vệ đảng cầm quyền”… Vậy thực chất của những “lời kêu gọi” trên là gì?
PGS, TS Phan Trọng Hào, Thư ký chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Những đòi hỏi “quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc, không phải phục tùng và bảo vệ đảng cầm quyền”, “trả quân đội về phục vụ nhân dân”… thực chất vẫn là để thực hiện ý đồ “phi chính trị hóa quân đội”. Hiến pháp 2013 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, trong đó, Điều 65 ghi rõ: “Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.
Theo PGS, TS Phan Trọng Hào, hiện nay trên thế giới có nhiều nước khẳng định tính trung lập về chính trị của LLVT. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận rõ, trong cấu trúc đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập của các nước nói trên thì việc quy định LLVT trung lập về chính trị là giải pháp bắt buộc với các nước đó. Bởi vì, ở các nước có chế độ đa đảng đối lập, cuộc đấu đá, tranh giành quyền kiểm soát cơ quan quyền lực nhà nước giữa các đảng phái chính trị diễn ra hết sức quyết liệt, phức tạp. Quan điểm “LLVT phải trung lập, đứng ngoài chính trị” được các đảng phái chính trị ra sức tán dương, cổ súy. Thực chất các đảng phái muốn LLVT đứng ngoài cuộc đấu tranh tranh giành quyền kiểm soát quyền lực nhà nước. Còn trong thực tế, ở các nước thực hiện chế độ đa đảng, LLVT chỉ “trung lập chính trị” với các đảng, giữ một khoảng cách với các đảng, không nghiêng về một đảng nào. Tuy vậy, bản thân các đảng chính trị đều ra sức vận động, “mua chuộc”, tìm sự hậu thuẫn từ LLVT. Và khi một đảng giành được quyền lãnh đạo chính quyền nhà nước (thông qua bầu cử) thì đương nhiên đảng đó cũng lãnh đạo LLVT, thậm chí LLVT nhiều nước còn phải làm lễ tuyên thệ trung thành với tổng thống, thủ tướng, vốn cũng là người đứng đầu, hoặc có thực quyền chi phối đảng cầm quyền.
Ở các nước có chế độ đa đảng, lời tuyên bố LLVT chỉ trung thành với nhà nước, về thực chất cũng là trung thành với đảng cầm quyền, khi đảng đó đã chiến thắng qua bầu cử. Hơn nữa, những đảng đối lập trong các nước có chế độ đa đảng này thực chất chỉ là đối lập về hình thức bề ngoài. Bởi vì, về căn bản các đảng này vẫn chung nền tảng ý thức hệ, đa đảng đối lập, nhưng nguyên tắc cơ bản của tổ chức đảng, mục đích hoạt động, và về bản chất vẫn là các đảng của giai cấp tư sản. Các đảng này chỉ khác nhau ở những điểm chi tiết, không cơ bản về những mục tiêu cụ thể, phương cách cụ thể để đạt mục đích chung. Do đó, dù hiến định hay không hiến định vấn đề LLVT trong Hiến pháp ở các nước, thì cũng không có nghĩa LLVT của các nước đó trung lập, đứng ngoài chính trị như các đảng phái chính trị thường tuyên truyền. Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ, chuyên viên cao cấp Viện Chiến lược (Bộ Quốc phòng), trong các công trình nghiên cứu của mình đã nhấn mạnh: Nguyên lý “chiến tranh là kế tục của chính trị” không phải do những người cộng sản đặt ra, mà do nhà lý luận quân sự người Phổ Clausewitz khái quát thành quy luật. Vì vậy, thực tiễn lịch sử thế giới chưa từng ghi nhận một quân đội nào đứng ngoài chính trị.
Tại cuộc tọa đàm “Đấu tranh bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay” do Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) tổ chức ngày 26-2-2014, nhiều nhà khoa học trong quân đội đã tham luận làm rõ về lời kêu gọi “quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc”. Các ý kiến chỉ rõ, thực chất của những kêu gọi trên vẫn là âm mưu diễn biến hòa bình, hòng thực hiện “phi chính trị hóa LLVT”, mục đích làm thay đổi bản chất, chức năng, nhiệm vụ của LLVT. Đây chính là âm mưu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với LLVT, từng bước vô hiệu hóa LLVT, tiến tới thúc đẩy đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tại Việt Nam, tạo cơ hội để các thế lực thù địch lật đổ thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Âm mưu, thủ đoạn này nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực chống phá chủ nghĩa xã hội.
Các thế lực thù địch ra sức truyền bá quan điểm “quân đội trung lập”, nhằm lôi kéo quân đội xa rời hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, tách LLVT ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; làm cho LLVT bị tha hóa, biến chất về chính trị và bị vô hiệu hóa; làm cho Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân mất chỗ dựa vững chắc để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Lời kêu gọi “quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc” đưa ra không chỉ do phương pháp nhận thức mang tính tư biện, suy diễn một cách chủ quan, phiến diện, mà còn xuất phát từ những toan tính cơ hội, thực dụng, ngộ nhận mình là “người có tài, am hiểu thời thế”. Sự kiện Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua Hiến pháp 2013 với tỷ lệ gần như tuyệt đối, khẳng định nhân dân ta không chấp nhận quan điểm lập lờ, mị dân đó, bởi đó sẽ là nguyên nhân làm suy yếu sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của LLVT, dẫn đến mất ổn định chính trị - xã hội.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần nhận được câu hỏi của các tướng lĩnh và giới nghiên cứu quân sự thế giới: “Vì sao Quân đội nhân dân Việt Nam, từ không một tấc sắt trong tay lại đánh thắng hai đế quốc to trong những cuộc chiến tranh không cân sức?”. Đại tướng đã khẳng định: “Sẽ không tìm được câu trả lời cho câu hỏi này nếu không nhìn vào chiều dày lịch sử dân tộc và đường lối cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, giáo dục, rèn luyện; quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Quân đội ta luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu chiến đấu của Quân đội ta là nhằm thực hiện thắng lợi mục đích của Đảng nêu ra trong Điều lệ Đảng: “Xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Bản chất cách mạng luôn thống nhất với tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiệm vụ bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu, bắt nguồn từ nhu cầu tự thân của Quân đội và nguyện vọng chính đáng trên nền tảng nhận thức khoa học đã được thực tiễn lịch sử kiểm nghiệm của nhân dân Việt Nam.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"