Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Nghề gia truyền của họ nhà ta

Dương Hoài Linh
Họ nhà ta có một nghề gia truyền.
Lâu nay cũng nhờ nó mà cả họ xêng xang, quyền cao chức trọng, nhà cửa nguy nga, bổng lộc dồi dào... Của đáng tội, để học được cái nghề này cụ tổ nhà ta cũng phải bao năm bôn ba nơi hải ngoại, làm đủ thứ nghề, chịu muôn vàn đắng cay, khổ nhục. Được cái cụ không truyền cho ai mà chỉ truyền cho con cháu trong nhà.
Cả họ noi gương cụ, giữ gìn bí quyết nên mặc dù hàng xóm, láng giềng thất cơ lỡ vận, gia sản khánh kiệt họ nhà ta vẫn thế, của cải chỉ có thể chất chồng thêm lên chứ không hề vơi đi.
Đó là nghề "treo đầu dê, bán thịt chó".
Dân gian ác mồm, ác miệng bảo vậy chứ cụ nhà ta anh minh hơn nhiều. Cụ bảo "Yêu nước tức là yêu chủ nghĩa xã hội", bố đứa nào dám cãi. Mặc dù nhiều đứa nói "CNXH là cái gì, biết chết liền".
Chả là ngày xưa cụ cũng lợi dụng cái này để nhập cái kia vào. Mới đầu tưởng đắt hàng, ai dè càng để lâu mới biết là hàng "dỏm". Thiên hạ người ta chối đây đẩy, nhưng lỡ nhập về rồi không lẻ đem bỏ thùng rác? Biết là bỏ thì làng xóm đỡ khổ nhưng ngu gì bỏ. Chỉ có cái lão đương chức trưởng họ là vừa "lú" vừa dại.

Mấy đời trưởng họ trước dù dốt cỡ nào cũng biết rao hàng. Nào là "CNCS là mùa xuân của nhân loại". Nào là "Ta đang tiến nhanh,tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH". Rồi còn bày ra kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, lần thứ hai... để trấn an. Lão này không biết có chén rượu nào không, ra giữa làng lão lại phán huỵch tẹt: "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH chưa?" Nói thế chẳng bằng giấu đầu lòi đuôi. Rõ khổ. Bây giờ hễ có chuyện gì là bọn trai làng lại lôi câu này của lão ra để dèm pha.
Cụ tổ thường lấy tích Hàn Tín luồn trôn giữa chợ để răn dạy con cháu. Phải ráng nhịn nhục mới làm nên nghiệp lớn. Phải biết tự coi mình là đầy tớ mới có cớ sau này về già có chút của để dành. Nhưng khổ là đám con cháu lại không hiểu thâm ý của cụ. Chúng muốn sung sướng ngay giờ chứ không thể đợi đến già. Cho nên làm đầy tớ mà chúng ở nhà như biệt thự, đi xe sang, ông chủ nào mắng chửi là chúng bắt bỏ tù ngay. Thành ra giờ ông chủ nào cũng tức bọn đầy tớ anh ách mà chẳng làm gì được. Cũng bởi vì con cháu họ nhà ta rất đoàn kết, trên dưới đồng lòng. Xem ra cũng phải mất mấy thế hệ nữa, chúng mới có thể thoát khỏi bàn tay cai quản của dòng họ nhà ta.
Sự đời cái gì cũng có cái giá của nó. Nghề gia truyền của cụ tổ truyền đến đây có vẻ như không còn hiệu nghiệm mấy. Bọn bá đinh hình như đã nắm được bí quyết của họ nhà ta nên chúng không còn ngoan ngoãn, dễ bảo như trước. Chúng còn tập hợp các bí quyết đó in thành sách rồi kháo nhau đây là trò ngụy biện, đánh tráo khái niệm, bịp bợm của họ nhà sản... gì đó.
Ôi dào! Chữ nghĩa phát mệt. Để ta nói thẳng toẹt nghề gia truyền đó ra cho nghe, chẳng thèm giấu nữa: đó là nghề lừa đảo làng xóm ạ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"