Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Lại chuẩn bị cách mạng văn hóa

Xích Tử
Đảng CSVN chuẩn bị họp Ban chấp hành trung ương kỳ 9 khóa XI, có chuyên đề bàn về văn hóa.
Ban tuyên giáo trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án, biên soạn dự thảo Đề án. Bản dự thảo 22,5 trang được gởi đến nhiều địa chỉ, trong đó có các cấp ủy tỉnh, thành phố để tổ chức hội nghị lấy ý kiến. Mỗi tỉnh, thành phố triệu tập một cuộc họp 1 buổi, với thành phần cán bộ chủ chốt cấp tỉnh (thành) và huyện (quận) tương ứng số đại biểu trên dưới 100 người để làm cái công việc rất dân chủ và vô bổ này.
Đi sâu vào văn bản dự thảo, có thể nhận định ngay mà không sợ mất lòng những người biên soạn rằng thực sự đây chỉ là một mớ hổ lốn, với những nội dung lộn xộn, cũ rích, nhàm chán, tự mâu thuẫn, được lắp ghép từ những chuyện rất cũ mấy chục năm trước cộng với sự làm ra vẻ đỏm đáng bằng một vài chuyện mới, thuật ngữ khái niệm mới, được thu thập từ các nhà chính trị, những chuyên gia nửa vời, và sự góp ý từ hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết TƯ 5 khóa VIII mà phần lớn đều không chạm được đến bản chất của vấn đề và theo kiểu đẽo cày giữa đường. Có lẽ những người ngồi viết, hội ý bàn bạc với nhau để cho ra bản dự thảo ấy cũng không tin mình lắm, sợ thiếu nội dung và bị rơi vào trận đồ bát quái. Toát lên một cách chung nhất từ đó là sự bế tắc cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện tâm trạng đầu hàng về sự giành quyền lãnh đạo của đảng đối với lĩnh vực bất kham này. Điều đó phản ánh trong toàn bộ văn bản dự thảo, từ đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, dự báo khả năng và xác định phương hướng ”tiếp tục”.

Về lý luận, từ khi đảng lãnh đạo văn hóa văn nghệ, quan điểm “marxist leninist” đã quán triệt, xuyên suốt, kiên trì và thô bạo. Mấy chục năm trước, khi tiến hành ba cuộc cách mạng, văn hóa là một trong đó; văn hóa là một mặt trận (cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng tư tưởng văn hóa). Phương châm tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cũng có tuổi bằng độ ấy chứ không đợi đến nghị quyết 5 mới thể hiện “năng lực tư duy lý luận” về văn hóa như dự thảo nhận định. Vấn đề là, cho đến nay, đảng cũng chưa xác định thế nào là tiên tiến, thế nào là văn hóa dân tộc, là đậm đà, là sự kết hợp giữa hai phạm trù đó, là du nhập, hỗn dung văn hóa, là tiếp biến giao thoa văn hóa, là lai căng, là truyền thống, thuần phong mỹ tục, hệ giá trị mới... Những khái niệm đó được gọi lên, bày ra làm công cụ lãnh đạo, nhưng chẳng được xác định nội hàm là gì, lâu dài, hằng tính cũng như giai đoạn ngắn hạn. Chúng trôi nổi trong đời sống xã hội, đời sống và hoạt động văn hóa văn nghệ cùng những biến động đa đoan của tâm trạng, thị hiếu, xu thế của các trào lưu, motif, phong cách văn hóa với qui luật riêng của nó, trong đó có qui luật về lạ, mới, lập dị, chống lại chính trị của nó, có qui luật về sự nổi loạn, có qui luật về vòng quay thị hiếu cũ – mới – cũ... của các hiện tượng văn hóa.
Về thực tiễn, suốt mấy chục năm lãnh đạo theo quan điểm ưu việt đó, đảng đã mất dần quyền kiểm soát các định hướng, về chuẩn mực, giá trị, thị hiếu, lối sống, qui hoạch các loại hình văn hóa, các thiết chế văn hóa phù hợp. Pháp luật về văn hóa không đủ và không dám can thiệp vào văn hóa qua những hiện tượng diễn ra từng ngày. Những khái niệm công cụ không được và cũng không dám định nghĩa trong luật đã thả nổi những hiện tượng được gọi tên là phản cảm, lố, dị hợm, choáng, sốc, đắng lòng, xót lòng... trên báo chí, những trang báo câu khách bằng tin giật gân và khiêu dâm, những trò gọi là tâm linh, ngoại cảm mà nhà nước có dự phần khuyến khích. Sự du nhập ồ ạt của văn hóa ngoại lai hòa cùng với tình trạng đó đã làm cho nền văn hóa nước nhà biến thành toa tàu chợ với đủ thứ heo gà tương cà mắm muối chồng chất với con người. Dự thảo gọi một số trong những hiện tượng văn hóa du nhập ngoại lai đó là “lai căng”, song lai căng là gì, như thế nào thì không chỉ ra được. Liệu chủ nghĩa Marx – Lenin có phần lai căng không; và người góp phần du nhập nó vào, tự gọi mình là Cha già dân tộc, là Bác, là Người; và người ấy xưng tôi, gọi vị tướng chống ngoại xâm đã hiển thánh trong lòng nhân dân từ thế kỷ XIII là bác là văn hóa gì? Cũng chính người, trong 5 điều dạy thiếu niên nhi đồng, đã không nói gì đến gia đình, ông bà cha mẹ anh em bà con cả; đó là văn hóa gì?
Từ chỗ không thể quản lý được, hoặc không thể quản lý, hoặc quản lý thiếu khoa học, với nhiều ứng xử trái ngược, lúng túng, mâu thuẫn, đảng, nhà nước cũng không còn đủ sức đầu tư cho văn hóa xứng với sự lãnh đạo toàn diện của mình; thả nổi nó bằng cái gọi là xã hội hóa như trong một số lĩnh vực khác.
Từ sự bế tắc nhưng bảo thủ và sự thất bại trong quản lý thực tiễn đó, đã xuất hiện vô số những quái trạng trong đời sống văn hóa Việt Nam đương đại; xét ở cấp hệ chuẩn mực giá trị, đó là tình trạng suy đồi toàn diện và nghiêm trọng.
Bản chất của vấn đề, cũng là nguyên nhân của tất cả nguyên nhân xuất phát từ chỗ văn hóa là một hiện tượng xã hội phức tạp, đa dạng, phong phú, luôn vận động và biến động tự nhiên như chính đời sống xã hội loài người; không thể khuôn nhốt văn hóa vào cái chuồng để lãnh đạo, quản lý để phục vụ những mục tiêu chủ quan, phi tự nhiên, phi lý của những học thuyết chính trị có tính viễn tưởng và thử nghiệm. Văn hóa bao trùm hết cuộc sống, to lớn nhưng lại diễn ra trong hành vi của mỗi cá thể của xã hội; nó có đại ngã (brahman) của biển lớn nhưng lại thể hiện trong tiểu ngã (atman) đặc thù, độc đáo của từng giọt nước. Trong khi đó, đảng lại có tham vọng quá lớn, thể hiện qua quyền lực muốn lãnh đạo, quản lý văn hóa, từ vĩ mô đến vi mô, với cách quản lý quá đơn giản về quan niệm triết học văn hóa, lý luận văn hóa và hành chính hóa trong quá trình điều chỉnh, điều hành, quản trị và cả tham vọng đầu tư kiểu bao cấp hoạt động này.
Văn hóa, như từ nguyên Hán – Việt và từ nguyên latinh của nó, luôn vận động (hóa) sinh động, sinh sôi nảy mầm, đâm cành trổ hoa kết trái và phá hoại, hủy diệt để tồn tại và trưởng thành phát triển tự nhiên. Bản chất của nó là phá phách, tự do, dân chủ, chống lại cả sự chăm sóc, khen thưởng vô lối, lì xì vô duyên nhưng luôn tôn trọng qui luật về cái đẹp, cái mới, cái lạ, sự cân bằng, bảo toàn; nó chống lại chính nó để đề kháng, tự vệ và chống lại sự hướng dẫn cố ý, ràng buộc, nhốt vào chuồng, vỗ về, cho ăn, huấn thị; đảng lại biến văn hóa như một thứ gà công nghiệp, nhốt chuồng, dạy dỗ theo phản xạ có điều kiện, cho ăn, tưởng thưởng, tặng danh hiệu; nếu không thành thì thịt. 22,5 trang của bản dự thảo đề án không thể đụng đến bản chất và là nguyên nhân của tình trạng suy đồi của văn hóa nước nhà hiện nay.
Từ những bế tắc, lúng túng về lý luận và thất bại thực tiễn đó, bản dự thảo đã không giấu diếm được những hạt sạn diễn đạt để xứng với trí tuệ của một tập thể chuyên gia cao cấp của Ban tuyên giáo.
Khi nhận định tình hình, bản dự thảo cho rằng kết quả 15 năm thực hiện nghị quyết 15 “chưa tương xứng với tiềm năng, điều kiện...” nhưng không chỉ ra là tiềm năng nào, tại sao thấy được tiềm năng mà lại không thực hiện đến kết quả. Logic của sự đánh giá giống như cách diễn đạt phát ngôn ngoại giao về các quan hệ song phương, trong khi chuyện phát triển văn hóa theo nghị quyết chỉ là chuyện đơn phương, nội bộ. Cuối cùng, cách đánh giá ấy giống như một võ sĩ bại trận nhưng lại tự phê phán mình chưa đấu hết tiềm năng. Tương tự, khi nói chưa tương xứng với điều kiện, bản dư thảo cũng không nêu được điều kiện gì; trong khi đó, phần sau lại nói đến những hạn chế của điều kiện, hết sức mâu thuẫn và cẩu thả.
Trong hạn chế, bản dự thảo nói đến việc chưa xây dựng được “hệ giá trị mới”, nhưng hệ giá trị mới là gì thì ngay trong nghị quyết 15 cũng chưa hình dung được, và chắc chắn là không được. Và ngay trong dự thảo, khi trưng cái khái niệm đó ra một cách dễ dãi thì nhưng chuyên gia biên soạn cũng đã tự mâu thuẫn ngay với những diễn đạt khác như “hệ giá trị truyền thống không còn được coi trọng” và “những giá trị mới chưa hình thành”; bởi, có nghĩa là, nếu giá trị truyền thống còn được xem trọng thì tình hình sẽ tốt hơn và không cần hệ giá trị mới; mặt khác, hệ giá trị mới là cái đang hình thành chứ không phải là xây dựng một cách phi tự nhiên. Ngay hai cụm từ HỆ GIÁ TRỊ MỚI và NHỮNG GIÁ TRỊ MỚI xuất hiện trong một đoạn văn là đã có vấn đề tâm thần lý luận.
Ở một đoạn khác, dự thảo nói đến nguy cơ biến mất một số hiện tượng văn hóa của các dân tộc thiểu số với tư duy siêu hình một chiều rằng đó là tiêu cực. Cách tư duy đó không phải là nhãn quan văn hóa duy vật, đúng với bản chất của đời sống văn hóa. Trong thời gian qua, chính cách nghĩ này đã mở đường cho những chủ trương, dự án duy bản tồn, vị bảo tồn, cả ở cấp trung ương và địa phương, rất tốn kém và làm lợi cho một số người, rồi trở thành lãng phí, vô dụng.
Một sai lầm lý luận thuộc hàng kiến thức sơ đẳng là việc sử dụng khái niệm “thiết chế văn hóa” khi dự thảo viết “Các thiết chế văn hóa được xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau, đa dạng về sở hữu...”. Như kiến thức sơ đẳng đã xác lập, thiết chế xã hội, trong đó có thiết chế văn hóa, gồm các yếu tố hệ chuẩn mực - giá trị, tổ chức xã hội thể hiện qua nhóm người tham gia hoạt động trong thiết chế, hình thức, phương pháp vận hành hoạt động thực tiễn các chuẩn mực giá trị, và cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị, tài chính hậu cần bảo đảm hoạt động. Chẳng hạn, tôn giáo có đấng tối cao (nhiên xuất hoặc nhân hóa, đa thần hoặc hữu thần, phiếm thần, cả vô thần), giáo lý (kinh điển, pháp điển), thầy tu, tăng ni, sư sãi, giáo chủ..., giáo lễ nghi thức hành đạo hoằng pháp hoằng hóa chủng thiện..., nhà thờ nhà nguyện thánh thất chùa chiền. Tương tự, thiết chế văn hóa phải được kể đến hệ giá trị chân – thiện – mỹ, pháp luật và hệ thống công cụ quản lý, điều hành, hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa và bản thân phương pháp thực hành các hoạt động văn hóa, những người quản lý, sáng tác, biểu diễn và thụ hưởng văn hóa, hệ thống cơ sở vật chất và phương tiện, thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa...Dự thảo, khi diễn đạt như vậy là chỉ hiểu văn hóa ở phạm vi chùa chiền của tôn giáo. Và đây cũng là cách hiểu phiến diện, thô thiển, thực dụng, bóc lột nhân dân nói chung về “xã hội hóa” một số lĩnh vực hoãt động xã hội ở Việt Nam
Sai lầm rất lớn, thể hiện sự phiến diện của trình độ lý luận của các “chuyên gia” chính là tiêu đề của của khoản 1, mục IV Phần thứ ba “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là nhân cách”. Các nhà tâm lý học, giáo dục học chắc sẽ có dịp bàn rộng hơn tiêu đề này. Ngắn gọn, theo thiển ý của người viết bài này, nhân cách là toàn bộ sự thể hiện của con người trong đời sống cộng đồng xã hội; nó được tập thành từ quá khứ nhiều thế hệ đến thời điểm đang thể hiện, và sẽ tiếp tục hoàn thiện cho đến hết cuộc đời. Marx đã nói rằng xét cho cùng, về mặt hiện thực, nhân cách con người là sự tổng hòa các quan hệ xã hội. Người ta đánh giá cao câu đó bởi nó luôn đúng về yêu cầu khái quát, trong đó có sự khái quát về quan hệ xã hội của bố và mẹ để tạo ra phần cơ thể sinh học của đứa bé. Nó chỉ sai dần khi qui luật đó được cụ thể hóa bằng những nhân tố sinh học của cá thể và đặc thù, kể cả ngoại lệ của quá trình “tổng hòa” nhân cách cho/của từng cá thể.
Từ quan niệm đó, các nhà nước xã hội chủ nghĩa đã thực hành quãng canh đào tạo con người đồng phục bằng cách thiết kế những nhân cách toàn diện đức trí thể mỹ đồng loạt thông qua hệ thống giáo dục duy nhất trước đây, và biến thể hiện nay. Như vậy, tính toàn diện đó đã phản ánh qua mục tiêu và nội dung chương trình giáo dục, trong và ngoài nhà trường, chính qui và phi chính qui. Không có lý gì tách con người toàn diện với nhân cách hoặc nhân cách là một phần (trọng tâm) của con người toàn diện.
Có thể còn nhiều chuyện khác trong bản dự thảo, song nhặt ra để bàn vài việc như vậy cũng đủ cho nhận định khái quát ở đầu bài viết. Thiết nghĩ, với sự tổng hợp cẩu thả, thiếu chọn lọc, cầu toàn bằng một sự lắp ráp cơ học như vậy, dù bản dự thảo cố ý đưa vào những khái niệm thời thượng như dân chủ, nhân quyền, năng động, sáng tạo, nhiều lựa chọn v.v... cùng những thay đổi tiểu tiết của quan điểm lý luận, các kiến nghị hoành tráng thì kết quả cũng chỉ là sản phẩm khoán ăn lương, nhằm tham mưu cho những hoạt động lấy lệ, bảo thủ của một hội nghị trung ương để khẳng định điều 4 Hiến pháp.
Có điều, không biết nên khen hay chê bản dự thảo bởi tính tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của nó khi những người biên soạn rất cố gắng đổi mới văn phong, tìm tòi và sử dụng những từ ngữ, khái niệm thời thượng nói trên đúng ngữ cảnh thì cũng không ngại tái sử dụng một cách nói rất “truyền thống” trong khoản 3, mục IV “Chăm lo xây dựng văn hóa chính trị và văn hóa kinh tế”. Thương làm sao cái từ “chăm lo” đó; nó vừa có vẻ “chi phụ mẫu” của thời phong kiến và xã hội chủ nghĩa bao cấp, vừa tạo hình ảnh tưởng tượng về cảnh ríu rít chiu chít run sợ của những chú gà con chuyên gia tuyên giáo làm bản dự thảo để trình ra hội nghị. Bởi, khi nói về các nhiệm vụ khác, bản dự thảo đi thẳng vào động từ chính của mệnh đề vị ngữ; còn ở đây, đụng đến văn hóa chính trị, thì co lại, để chăm lo, có quyền chăm lo và được chăm lo. Tội thật.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"