Anh Vũ, Thông tín viên RFA
Thanh niên, sinh viên mạnh mẽ xuống đường phản đối TQ lấn chiếm lãnh hải Việt Nam
nhà hoạt động chính trị đối lập nhìn nhận sức mạnh và vai trò của
đảng CSVN không có gì là ghê gớm như nhiều người nghĩ. Song bản thân họ
họ cũng nghĩ gì về khả năng, ưu nhược điểm của họ?
RFA đã trao đổi với một số nhà hoạt động chính trị đối lập trong và ngoài nước, để biết họ đang nhìn nhận thời cuộc ra sao.
Sức mạnh của sự liên kết các cá nhân và tổ chức
Phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam không phải là
chuyện mới hôm qua. Tuy nhiên trong suốt một thời gian dài phong trào
đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam chưa tạo nên các kết quả cần phải có.
Nhà báo LS. Vũ Đức Khanh đang ở tại Canada cho rằng, phong trào tự
do, dân chủ của Việt nam hôm nay đã đạt được một đỉnh mới, đó là đã thức
tỉnh được ngày càng nhiều người dân quan tâm đến tình hình của đất nước
hơn.
Đặc biệt thế hệ trẻ Việt Nam được trang bị lý luận vững chắc hơn,
không mơ hồ, không vô cảm để đấu tranh cho cái Chân, Thiện, Mỹ, cái tốt
đẹp của con người, xã hội và cộng đồng nhân loại.
Trao đổi với chúng tôi, LS. Vũ Đức Khanh nói “Tình hình chính trị
thế giới, khu vực và trong nước đang vô cùng thuận lợi cho cuộc cách
mạng tự do, dân chủ cho Việt Nam và tôi nghĩ trách nhiệm của chúng ta,
những chiến sỹ tự do, dân chủ phải chớp lấy thời cơ, tạo cho nó chín
muồi.”
Thừa nhận do không có một tổ chức “không cộng sản” nào có đủ thực
lực để đơn phương đối đầu với đảng CSVN. Cho nên, theo LS. Khanh một
“Liên minh chính trị Việt Nam” là điều cấp bách cần làm. Liên minh này
sẽ tập hợp tất cả mọi người yêu nước Việt Nam trong và ngoài nước không
phân biệt tư tưởng, chính kiến, tôn giáo, quá khứ, địa vị xã hội, già
trẻ hoặc nam nữ miễn sao họ chấp nhận chung sức phấn đấu vì tương lai
một nước Việt Nam tự do, dân chủ, nhân bản, tiến bộ và phồn vinh.
Ngày càng nhiều người dân quan tâm đến tình hình của đất nước. AFP
Theo ông Nguyễn Quang Duy Cựu Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do
tại Canberra, Phó Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc châu và
hiện đang đại diện Khối 8406 tại Úc châu thì cho rằng trong điều kiện
Hoa Kỳ thay đổi chiến lựơc, thế giới tự do ủng hộ cuộc đấu tranh, nội bộ
đảng Cộng sản phân hóa, mất định hướng, ngày càng trầm trong hơn, lòng
dân đang muốn thay đổi, thiên thời địa lợi nhân hòa chúng ta đang có cả.
Theo ông Duy cái có được lớn nhất của Phong Trào Dân Chủ chính là
tinh thần dân chủ và quyết tâm giải thể chế độ độc tài cộng sản mang lại
tự do dân chủ cho Việt Nam. Chính tinh thần dân chủ đang gắn bó các cá
nhân, cái nhóm, các tổ chức với nhau. Họ tự nguyện phân công công việc
và giúp đỡ lẫn nhau, với cùng một mục đích là mang lại tự do cho Việt
Nam.
Về phương thức đấu tranh, theo ông Duy thì Khối 8406 chủ trương tiến
đến việc thành lập một Liên Minh Dân Tộc để tập trung được lực lượng,
đề ra được hướng đi chung. Nhờ đó chúng ta mới có thể tranh đấu hay trợ
lực cho các thành phần trong guồng máy cộng sản thực tâm muốn thay đổi.
Trong hòan cảnh hiện nay, các cá nhân các tổ chức tốt nhất là nên liên
kết trong hành động.
Ông Nguyễn Quang Duy nói “Đường lối và phương cách đấu tranh mỗi
tổ chức mỗi khác nhưng cần hỗ trợ nhau trong hòan cảnh và khả năng của
tổ chức mình. Nhờ thế các tổ chức sẽ hiểu nhau, gắn bó với nhau, tôn
trọng nhau và khi cần sẽ nhanh chóng tiến đến thành lập một Liên Minh
Dân Tộc. Điều thiết yếu là mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần sửa sọan và sẵn
sàng chủ động hành động.”
Yếu điểm của phong trào đấu tranh
Giới trẻ mạnh dạn đấu tranh: Sinh viên Đinh
Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên tại phiên xử sáng ngày 16/05/2013 ở Tòa
án Nhân dân tỉnh Long An. AFP
Từ Hà nội, LS. Nguyễn Văn Đài một nhân vật bất đồng chính kiến có
phần lạc quan khi cho rằng phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ ở VN
đã có những bước phát triển vượt bực so với những năm trước đây. Đã tạo
được ra 1 không gian chính trị rộng lớn hơn cho các hoạt động tự do ngôn
luận, tự do báo chí thông qua internet và các phương tiện truyền thông
quốc tế. và đã tạo được những hiệu ứng xã hội khá mạnh mẽ.
Trao đổi với chúng tôi về các yếu điểm của phong trào, LS. Nguyễn Văn Đài cho biết “Chưa
tổ chức được cho nhân dân đấu tranh bảo vệ cho quyền lợi của chính họ
trong các vụ tranh chấp, khiếu kiện. Từ đó chưa có tổ chức nào có chỗ
đứng trong nhân dân và được nhân dân ủng hộ, che chở và bảo vệ. Đây là
những vần đề quan trọng nhất của 1 tổ chức, đảng chính trị nếu muốn được
nhân dân ủng hộ.”
Theo ông Đài, cùng với điều đó là chuẩn bị khi thời cơ xuất hiện hay
đến thời điểm phù hợp thì sẽ hình thành một Liên minh, một mặt trận
thống nhất để thu hút sự ủng hộ của nhân dân và công đồng quốc tế. Từ đó
tạo áp lực quyết định cho sự thay đổi của đất nước.
Từ Hoa kỳ, LS. Hoàng Duy Hùng cựu Nghị viên thành phố Houston nhận
xét rằng phe đối lập có lòng yêu nước cao độ có thừa, nhưng phe đối lập
còn quá nhiều khuynh hướng và phân hóa. Nhất là nhiều khi còn công kích
lẫn nhau, chụp mũ cho người cùng chiến tuyến là Việt gian hay là tay sai
của Cộng Sản. Và đôi lúc còn quá lạc quan trong đấu tranh với ĐCSVN nên
không gặt hái kết quả như dự định từ đó dễ làm cho quần chúng nản lòng.
Theo LS. Hùng thì bao lâu tình trạng này tiếp diên thì bấy lâu "cơ" của
Trời sẽ bị đình trệ.
Trao đổi với chúng tôi về hai yếu điểm của phong trào Dân chủ, LS. Hoàng Duy Hùng nói “Ngoại
tại là do ĐCSVN đã triệt hạ tất cả những đối kháng trong những thập
niên qua. Nội tại là phong trào dân chủ có quá nhiều xu hướng đưa đến sự
phân hóa rạn nứt hầu như không thể thống nhất thành một mặt trận.”
Chính vì vậy một chính đảng cũ khó có thể đủ sức mạnh để đảm nhận
vai trò đối lập với ĐCSVN mà cần phải có một liên minh hoặc một mặt
trận. Câu hỏi được đặt ra hiện nay có bao nhiêu tổ chức sẵn sàng để làm
chuyện đó? Ông Hùng nói.
Từ Hà nội, ông Lê Thăng Long cho rằng, phong trào đấu tranh cho tự
do dân chủ ở Việt Nam hiện nay ví như một dàn nhạc có nhiều âm sắc rất
độc đáo, rất hay. Có cả những bản nhạc tuyệt vời bởi những nhạc sỹ thiên
tài. Điều chúng ta thiếu là sự kết hợp giữa các nghệ sỹ và người nhạc
trưởng.
Theo ông Long, để đối trọng với đảng CSVN hiện nay chỉ có thể là một
mặt trận tập hợp được đông đảo dân chúng, kể cả các cựu đảng viên đảng
CSVN và các lực lượng, tổ chức, hội nhóm chính trị khác ở trong và ngoài
nước. Khi có một mặt trận thống nhất, mọi người sẽ đấu tranh có tổ
chức, phương pháp và mục tiêu rõ ràng, sức mạnh sẽ gia tăng vượt bực.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thăng Long nói “Tập hợp này không
nhất thiết phải đồng thuận với nhau về một triết lý chính trị nhưng đồng
thuận với nhau về nhu cầu phải hình thành một nền tảng dân chủ, tự do,
nhân quyền cho dân tộc Việt. Nhờ vậy mọi phía mới gắn kết lại với nhau
trong tinh thần hoà giải, hoà hợp mà vẫn giữ được bản sắc riêng.”
Cho dù mong mỏi của đa số người dân về cải cách thể chế chính trị ở
Việt nam một cách toàn diện và sâu rộng là một nhu cầu chính đáng. Nhưng
vấn đề còn lại là những nhà hoạt động chính trị họ sẽ làm gì và làm thế
nào? Câu trả lời này có lẽ chúng ta xin nhường lại cho họ tự trả lời.