Nguyễn Vạn Phú
Báo chí Việt Nam thường chọn mảng đề tài "dễ và an toàn" để đưa tin: Ảnh 1: Nhà báo bu quanh tội phạm giết người Nguyễn Đức Nghĩa. Ảnh 2: Nhà báo bu quanh 2 bảo mẫu hành hạ trẻ em Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý. Ảnh 3: Nhà báo bu quanh "hoa hậu bán dâm" Minh Xuân. Ảnh 4: Nhà báo bu quanh... vô tuyến truyền hình đang phát trực tiếp buổi xét xử Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - Ủy viên Thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - đại biểu Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI toàn quốc Dương Chí Dũng. (Ảnh: Nhật Ký Yêu Nước)
Đang quan tâm đến mối quan hệ tương tác giữa mạng xã hội và báo chí nên tôi quan sát vụ hai bảo mẫu hành hạ con trẻ dưới góc độ này và thấy một số điều như thế này.
Lúc nào xảy ra một vụ gây xôn xao như thế này đều xuất phát từ báo
chí trước, ngay sau đó mạng xã hội là nơi làm bùng phát sự phẫn nộ của
mọi người dưới nhiều sắc thái khác nhau, lan tỏa như đám cháy rừng. Sự
phẫn nộ đó lây lan ra báo chí chính thống, buộc hàng loạt tờ báo khác
vào cuộc. Mọi việc bị đẩy tới đỉnh điểm.
Sau đó một thời gian, ngắn dài tùy lúc, nhưng thường xuất phát từ
mạng xã hội với một cây bút được nhiều người theo dõi, đưa ra một góc
nhìn khác, tỉnh táo hơn, có trách nhiệm hơn. Ví dụ ở đây là trách nhiệm
của bố mẹ vì không lẽ con họ bị hành hạ như thế suốt một thời gian dài
mà họ không phát hiện được? Dư luận mạng xã hội chùng lại và có khả năng
bục ra ở một hướng hoàn toàn mới. Chẳng hạn trong vụ này là tấm hình
hai bảo mẫu chịu sự soi mói của báo chí làm một số người đặt vấn đề sự
căm thù, tính bạo lực không giải quyết được vấn đề…. Cứ như thế mạng xã
hội như một cơ thể sống, thay đổi liên tục.
Theo tôi ở trên mạnh xã hội các làn sóng xúc cảm thay đổi từng giờ là
chuyện bình thường – vậy nó mới là mạng xã hội. Chẳng hạn, sự phẫn nộ
ban đầu (hoàn toàn chính đáng) có thể là để giải tỏa mặc cảm (bỗng nhận
ra) là lâu nay mình không quan tâm đến con cái, không lắng nghe chúng,
không biết vì sao nó sợ hãi khi bị đưa đi nhà trẻ. Đó có thể là cảm giác
ân hận, cảm giác mình cũng có lỗi… và đó chính là hiệu ứng tích cực từ
câu chuyện đáng buồn này – nó giúp cảnh tỉnh mọi người trong một chừng
mực nào đó. Mọi tranh cãi đều có ích, ít nhất nó giúp nhiều người giảm
stress.
Nhưng làm báo phải thận trọng không thể chạy theo xúc cảm của mạng xã
hội vì rất dễ chạy quá đà, rơi vào chỗ lố bịch. Làm báo là phải có sự
tỉnh táo cần thiết. Ví dụ chạy theo mạng xã hội để lôi các trang
Facebook của hai người bảo mẫu này với người thân của họ là quá đáng. Ví
dụ cho nhịp phim chạy nhanh lên nhiều chỗ để nhấn mạnh hành vi bạo lực
là không trung thực. Ví dụ đẩy làm sao thành “sẽ xét xử lưu động” sao
giống thời Trung Cổ quá.
Theo tôi lẽ ra báo chí chính thống nên khai thác những đề tài này, nó quan trọng hơn nhiều:
- Vì sao công nhân nghèo không gởi con được vào các trường mầm non công lập? Các trường mầm non công lập hiện dành cho ai?
- Vì sao một nhà giữ trẻ chưa có phép mà vẫn hoạt động, không ai xử lý?
- Vì sao quy trình đào tạo đại học giáo dục mầm non vẫn đẻ ra những nhân vật bảo mẫu như thế?
- Có biện pháp gì để ngăn chận hiện tượng bạo hành với trẻ nhỏ vì đây
không phải là trường hợp cá biệt. Gắn camera có phải là điều khả thi?
- Bạo lực thân thể đã là đáng lên án nhưng trẻ nhỏ và ngay cả học
sinh cấp một hiện còn chịu nhiều cảnh bạo hành tinh thần còn ghê gớm
không kém. Cái quan trọng nhất là không ai lắng nghe trẻ nhỏ cả. Vì sao?