Diên Vỹ chuyển ngữ
Tóm lược
Việc Jang Song Thaek, dượng của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un bị tử
hình mang tính quan trọng chủ yếu đối với an ninh nội bộ của Bắc Hàn.
Tuy nhiên nó có thể đánh dấu một hướng đi rõ ràng trong việc thanh trừng
những quan chức nào có mối liên minh gần hơn với Trung Quốc hơn là với
quyền lợi của đất nước, và nó cũng có thể là một lời cảnh cáo đến Bắc
Kinh về nỗ lực lâu dài của Bình Nhưỡng trong việc giảm thiểu sự nương
tựa vào Trung Quốc.
Như lịch sử đã cho thấy, Bình Nhưỡng không thể cắt đứt hoàn toàn khỏi
Trung Quốc. Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc đang đối diện với cùng một
thách thức địa chính trị mà những người tiền nhiệm của họ từng gặp phải:
chế ngự người hàng xóm ở phía đông bắc Trung Quốc. Một chính quyền Bắc
Hàn ổn định và trung lập là điều tối thiểu mà Bắc Kinh có thể chấp nhận
được. Nhưng Trung Quốc lại thấy rằng những nhu cầu của họ đã phải nhượng
bộ trước việc Bắc Hàn theo đuổi những quyền lợi kinh tế và an ninh vượt
ra khỏi vòng kiểm soát của Bắc Kinh.
Phân tích
Một số đông các doanh nhân Bắc Hàn đang làm việc tại hai tỉnh phía
bắc Trung Quốc là Đan Đông và Thẩm Dương đã bị triệu hồi về Bình Nhưỡng
vào ngày 15 tháng Mười hai. Diễn biến này được cho là có liên quan đến
việc phế truất và tử hình Jang, người tiên phong trong nhiều dự án đầu
tư dọc theo biên giới Trung Quốc-Bắc Hàn. Hiện tại những dự án lớn trong
Khu Kinh tế Rason gần biên giới dường như vẫn không bị ảnh hưởng. Một
thoả thuận xây dựng xa lộ nối liền Bắc Kinh và khu công nghiệp Kaesong
của Bắc và Nam Hàn xuyên qua Bình Nhưỡng dường như vẫn được tiến hành.
Cùng với việc Bình Nhưỡng tiếp tục muốn nâng cấp Kaesong, những biện
pháp trên có thể thuyết phục người ngoài rằng Bình Nhưỡng vẫn cam kết
việc cải cách kinh tế. Tuy nhiên cuộc thanh trừng cùng với việc thay đổi
nhân sự chắc chắc sẽ xảy ra đang tạo ra sự bất ổn về thương mại và đầu
tư giữa Trung Quốc và Bắc Hàn cũng như về những dấu hiệu căng thẳng
trong quan hệ giữa hai nước từ khi Kim Jong Un nắm quyền.
Jang đã có mối quan hệ mật thiết và lâu dài với Trung Quốc, quốc gia
này xem ảnh hưởng của ông trong chính phủ Bắc Hàn - từ thời của Kim Jong
Il cho đến Kim Jong Un - là biện pháp tốt nhất khiến Bình Nhưỡng hành
xử theo quyền lợi của Trung Quốc, đặc biệt là trong việc gìn giữ ổn định
và tiến hành quá trình cải cách kinh tế theo phong cách Trung Quốc.
Quan hệ của Jang với Trung Quốc từng là đặc điểm mạnh nhất của ông, cho
phép ông vun xới nền tảng quyền lực và tài sản cá nhân. Nhưng khi Kim
Jung Un trở thành lãnh tụ Bắc Hàn và thái độ bất an của chính quyền đối
với tình trạng nương tựa vào Trung Quốc tăng dần, điểm mạnh của Jang trở
thành điểm yếu nhất của chính ông.
Bất chấp việc Trung Quốc liên tục tuyên bố rằng cuộc thanh trừng này
là vấn đề nội bộ của Bắc Hàn, việc Jang bị tử hình đột ngột và những hệ
quả theo sau rõ ràng đã khiến Bắc Kinh lo lắng. Ngày 16 tháng Mười hai
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc đang
theo dõi sát sao những ý đồ phía sau cái chết của Jang và trông đợi sự
ổn định chính trị cũng như phát triển kinh tế tại Bắc Hàn. Phát biểu này
được đưa ra sau khi Vương trao đổi qua điện thoại với Bộ trưởng Ngoại
giao Hoa Kỳ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, những
người đang thảo luận các vấn đề liên quan đến việc tái lập quá trình
thương thuyết sáu bên đối với chương trình hạt nhân của Bắc Hàn vốn đã
bị đình chỉ từ lâu. Trong khi đó, cơ quan truyền thông bán chính thức
của chính quyền là Hoàn Câu Thời Báo nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến
viếng thăm Bắc Kinh sắp đến của Kim Jong Un - một thay đổi rõ ràng so
với thái độ miễn cưỡng trước đây của Bắc Kinh về việc đón mời vị lãnh tụ
mới này và là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh giờ đây thấy cần có một
trao đổi trực tiếp.
Dấu hiệu của việc tránh xa Bắc Kinh?
Bản thân sự kiện Jang bị truất phế và xử tử cũng đã là một dấu hiệu
từ Bắc Hàn cho thấy quốc gia này muốn tách xa khỏi Trung Quốc. Đầu tiên,
bên cạnh những truy tố khác, Jang còn bị tố cáo đã bán rẻ tài nguyên
quốc gia cho Trung Quốc. Cáo buộc này được nhiều người nghĩ là ám chỉ
đến việc Jang kiếm lợi từ việc Bắc Hàn xuất khẩu quặng sắt và khoáng sản
cho Trung Quốc, quốc gia nhập quặng sắt nhiều nhất từ Bắc Hàn. Thứ hai,
Jang còn bị cáo buộc là đã cho phép nước ngoài ký kết hợp đồng thuê đất
dài 50 năm trong Khu Kinh tế Rason. Jang được cho là đã cung cấp những
điều khoản có lợi cho Trung Quốc trong một thoả thuận thuê mướn cảng và
đất vào năm 2011. Trong khi đó, Tập đoàn Thương mại nhà nước Trung Quốc
được cho là đã rút khỏi Khu Kinh tế Hwanggumpyong - một đặc khu kinh tế
mới nằm trên vùng giới Trung Quốc-Bắc Hàn đo Jang trực tiếp kiến tạo -
vào cuối tháng Mười một. Việc rút lui này được cho là đã xảy ra khi Bình
Nhưỡng tăng cường những cản trở đối với doanh nghiệp Trung Quốc, làm
thất vọng Tập đoàn Thưong Mại Trung Quốc lẫn giới doanh gia Trung Quốc
đang hoạt động tại Bắc Hàn.
Trung Quốc liên tục nhấn mạnh rằng việc tử hình Jang sẽ không ảnh
hưởng đến quan hệ với Bắc Hàn, nhưng phản ứng của họ có thể được giải
thích theo hai cách. Một mặt, Bắc Kinh vẫn có thể đang đánh giá những ẩn
ý phía sau việc tử hình Jang và có thể sẵn sàng chấp nhận việc thanh
trừng Jang chỉ là dấu hiệu Kim Jong Un đang củng cố quyền lực. Mặt khác,
nó có thể phản ánh những thách thức ngày càng tăng đối với Trung Quốc
trong việc làm chủ tình huống, và việc quốc tế cho rằng ảnh hưởng của
Bắc Kinh đối với Bình Nhưõng đang nhạt dần có thể tạo thêm điều kiện để
Bắc Hàn hành xử ngoài ý muốn của Trung Quốc.
Trên thực tế, mặc dù việc tử hình Jang xảy ra đột ngột, dường như Bắc
Kinh cũng đã biết trước việc Jang bị thanh trừng vì tham vọng cá nhân
quá lớn của ông. Theo truyền thông Trung Quốc, Jang được cho là đã “lo
lắng” về tương lai của mình khi gặp gỡ một quan chức Trung Quốc giấu tên
vào cuối tháng Giêng, ông đã nói rằng ảnh hưởng của ông với Bình Nhưỡng
đã bị phóng đại ở nước ngoài. Dự đoán về số phận của Jang cũng có thể
được củng cố khi Phó Thống chế Choe Ryong Hae đến thăm Trung Quốc trong
vai trò đại diện đặc biệt của Kim Jong Un vào tháng Nam, ngay sau khi
Bắc Hàn phóng thử tên lửa hạt nhân, dập tắt trông đợi của Bắc Kinh vào
tầm ảnh hưởng của Jang. Hơn nữa, trong một cuộc gặp mặt riêng của đoàn
đại biểu cấp cao Trung Quốc vào cuối tháng Bảy - ba tháng trước khi Jang
biến mất trước công chúng - ông đã bày tỏ sự lo lắng rằng không còn
được Kim Jong Un hậu thuẫn.
Nhưng ngay cả nếu Bình Nhưỡng muốn giảm thiểu nương tựa vào Bắc Kinh,
việc thanh trừng Jang không nhất thiết báo hiệu rằng Bắc Hàn đang sẵn
sàng - hoặc có khả năng - từ bỏ quan hệ với Trung Quốc vì ảnh hưởng quá
lớn của Trung Quốc cũng như quan hệ địa chính trị của hai quốc gia. Thay
vì thế, Bình Nhưỡng có thể cảm thấy rằng Trung Quốc muốn giữ mối quan
hệ hiện tại hơn là với một Bắc Hàn đang bị trị vì bởi một chính thể hung
hãn với đầy rẫy rối loạn nội bộ, và từ đó cho phép Bình Nhưỡng tận dụng
tối đa những quyền lợi an ninh và kinh tế của mình.
Những giới hạn của Bắc Kinh
Đối với Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên vừa là vùng đệm chiến lược lẫn
hành lang đối với những đe doạ bên ngoài - những đe doạ rõ ràng lặp đi
lặp lại từ Triều đại nhà Minh cho đến Chiến tranh Triều tiên. Vì thế
điều tối thiểu mà Bắc Kinh có thể chấp nhận được trong khía cạnh quyền
lợi địa chính trị của mình là một chính thể Bắc Hàn trung lập. Việc thừa
nhận chính quyền mới tại Bình Nhưỡng của Bắc Kinh có ba giới hạn: bất
ổn trong nước, những hành xử đột ngột của Bình Nhưỡng mà Bắc Kinh không
can thiệp được, và việc Bắc Hàn tiếp tục chương trình hạt nhân hoá, ngày
càng đe doạ môi trường chiến lược của Trung Quốc.
Từ lâu Trung Quốc đã quan ngại đến tính ổn định trong quốc gia láng
giềng phía đông này, được châm ngòi bởi khủng hoảng chuyển giao chính
quyền hoặc khủng hoảng kinh tế qua tình trạng đóng cửa với bên ngoài của
Bắc Hàn. Do đó, trong khi vẫn chưa thiết lập được những đầu mối chính
thức với Kim Jong Un, Trung Quốc muốn thấy một chính quyền với tầng lớp
lãnh đạo đoàn kết để tránh thêm những bất ổn trong nước. Là một phần
trong những chiến lược, Bắc Kinh đã tăng cường quan hệ kinh tế với chính
quyền Bắc Hàn hầu mong quốc gia này mở cửa hơn nữa - đặc biệt là với
Trung Quốc, từ đó sẽ tạo thêm ổn định trong khu vực biên giới chung của
hai nước. Trung Quốc vần là nhân tố mạnh mẽ trong việc ngăn chặn một cơn
khủng hoảng kinh tế khổng lồ tại Bắc hàn. Trong năm 2012, năm đầu tiên
Kim Jong Un nên nắm quyền, thương mại song phương đã tăng đến 6 tỉ Mỹ
kim (từ 1,6 tỉ trong năm 2005) - chiếm gần 90% tổng số thương mại của
Bắc Hàn. Một số dự án đầu tư và việc thành lập các đặc khu kinh tế dọc
theo biên giới đã tạo điều kiện cho việc tăng cường thương mại song
phương.
Dưới quan điểm của Trung Quốc, một khi Bắc Hàn vẫn tiếp tục thúc đẩy
chương trình hạt nhân thì quan hệ toàn diện giữa nước này và phương Tây -
đặc biệt là với Hoa Kỳ - sẽ không thể xảy ra trong thời gian gần. Tuy
nhiên, điều này sẽ có ích cho Trung Quốc nếu mọi người cho rằng Trung
Quốc có thể hoặc sẽ tạo ảnh hưởng đến Bắc Hàn. Trên thực tế, mặc dù từ
lâu Bắc Kinh vẫn nuôi dưỡng việc Bắc Hàn tiếp tục chương trình hạt nhân
như là một đòn bẩy trong các vấn đề Triều Tiên, họ ngày càng cảm thấy
bất an đối với nỗ lực hạt nhân hoá không ngừng của Bắc Hàn cũng như
những ảnh hưởng của nó đối với môi trường chiến lược cũng như uy tín của
Trung Quốc trong vai trò trọng tài đối với những vấn đề liên quan đến
Bắc Hàn. Điều làm Trung Quốc quan tâm hơn nữa là khả năng, dù khó xảy
ra, rằng một ngày nào đấy Bắc Hàn không còn đóng vai trò vùng đệm chống
lại những láng giềng hung hăn và phương Tây mà lại bắt đầu quá trình
bình thường hoá hoặc có thể thống nhất với Nam Hàn, thậm chí tạo ra một
đe doạ hạt nhân sát nách Trung Quốc.
Mong muốn kềm chế Bắc Hàn của Bắc Kinh đang mâu thuẫn với nhu cầu độc
lập và tự vệ của Bình Nhưỡng. Cả hai bên đều không thể từ bỏ những quan
hệ song phương, và cả hai cũng đều không muốn đạt đến điều này; những
thách thức của Bắc Kinh trong việc giữ nguyên ảnh hưởng mạnh mẽ của mình
đối với một chính quyền chuyên gây hấn cũng bị kềm chế tương tự như
những giới hạn của Bình Nhưỡng trong việc giảm thiểu sự nương tựa vào
Bắc Kinh. Tuy nhiên, một khi Bắc Hàn tiếp tục chứng tỏ ý muốn hành xử
vượt khỏi kiểm soát của Trung Quốc, Bình Nhưỡng rõ ràng đang thách thức
những giới hạn của Bắc Kinh.