Trần Quốc Việt
Khác biệt giữa những thế hệ thực vật và những thế hệ đứng dậy là sự
nhận thức trọn vẹn về nhân phẩm và giá trị của con người mà đã thể hiện
sâu sắc qua Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Niềm tin, can đảm, và hy
vọng mọi thứ có thể thay đổi tốt hơn là những chất men làm dậy lên các
cuộc cách mạng nhân quyền trong những chế độ chà đạp nhân quyền mà Việt
Nam là một điển hình mới nhất...
*
Vào năm 1984, ngay giữa lòng chế độ toàn trị khắc nghiệt Rumania, nữ thi sĩ Ana Blandiana đã viết ra những lời thơ sau:
"Tôi tin chúng ta là nhân dân thực vật,
Có ai từng thấy
Cây cối nổi loạn bao giờ?"
Có ai từng thấy
Cây cối nổi loạn bao giờ?"
Lớp băng tưởng chừng như vĩnh cửu liệm kín tâm hồn của những xã hội ở
Đông Âu cộng sản trong thời gian rất dài. Tuyệt vọng thấm sâu vào máu
tim của người dân. Họ bắt đầu sống vô cảm và sống theo bản năng, sống để
quên mình và thực tại. Ngày hôm nay chỉ là ngày hôm qua kéo dài ra từ
những ngày hôm qua vô tận. Con người sinh vật hay thực vật đã thay thế
hoàn toàn con người xã hội. Sống để chờ cái chết sau cùng sẽ đến như cây
đứng chờ lá rụng theo mùa.
Năm 1975 Nadezhda Mandelstam, vợ của thi sĩ quá cố nổi tiếng Osip
Mandelstam, nói với nhà bất đồng chính kiến Nga Andrei Amalrik, tác giả
của cuốn sách được in ở Tây Phương vào năm 1970 với tựa đề Liệu Liên Xô
sẽ tồn tại đến năm 1984?
"Tôi nghe anh đã viết rằng chế độ này đến năm 1984 sẽ không tồn tại nữa. Vô lý! Nó sẽ tồn tại ngàn năm nữa!"
Andrei Amalrik kể lại trong hồi ký rằng lúc ấy ông nghĩ: "Thật thương
thay cho bà cụ. Rõ ràng ta thấy rằng chế độ này đã lừa bà suốt sáu mươi
năm trời, nếu bà tin vào sự tồn tại vĩnh viễn của nó."
Trong những năm hoàng hôn cuối cùng của Liên Xô, người ta nhận thức
rằng chính họ đúc nên cổ máy toàn trị. Một cỗ máy được một xã hội băng
hoại, nhiễm độc, và đạo đức suy tàn góp phần dựng lên. Nadezhda
Mandelstam tuyệt vọng vì theo lời bà từ lâu bà đã nhìn thấy "Vấn đề
không phải ở Stalin. Vấn đề là chúng ta."
Hay nói một cách hình ảnh, chế độ toàn trị là đầu máy xe lửa còn dân
chúng là hàng triệu tấn than tạo ra năng lượng cho đầu máy của chuyến
tàu tàn phá toàn diện đất nước và con người. Cuối cùng khi chuyến tầu số
phận ấy nằm hoen gỉ trong bãi rác của lịch sử, tất cả còn lại chung
quanh họ là một đất nước hoang tàn, một xã hội thối nát và thiên về bản
năng hơn tinh thần, và những thế hệ bị hoen ố và rạn vỡ về tâm hồn.
Những thế hệ mà chế độ toàn trị chỉ cần ba mươi năm làm cho băng hoại,
nhưng như theo lời nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn "Ba trăm năm cũng
chưa đủ để hàn gắn lại."
Ánh nắng đầu tiên chiếu xuống lớp băng vô cảm liệm kín tâm hồn các xã
hội Đông Âu đến vào ngày 1 tháng Tám, 1975 khi tất cả các nước Châu Âu
(ngoại trừ Albania) cùng Hoa Kỳ và Canada ký Hiệp ước Helsinki. Đây là
hiệp ước do Liên Xô vận động kiên trì trong hai năm rưỡi trời để hợp
pháp hóa các biên giới họ đã chiếm đóng bất hợp pháp trong Đệ Nhị Thế
Chiến và để thúc đẩy thương mại và sự hợp tác kinh tế với thế giới tự do
Tây Phương nhằm cứu vãn nền kinh tế ngày càng yếu kém của khối cộng
sản. Hoa Kỳ miễn cưởng tham dự vào các cuộc hội đàm về hiệp ước, nhưng
các nước Tây Âu đã nhất mực yêu cầu Liên Xô phải nhượng bộ về nhân
quyền. Cuối cùng Liên Xô và các nước cộng sản khác đồng ý thực thi Bản
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và thực thi điều VII của hiệp ước: "Tôn
trọng nhân quyền và những quyền tự do cơ bản, bao gồm tự do tư tưởng,
lương tâm, tôn giáo hay tín ngưỡng". Hiệp ước còn bao gồm quyền của công
dân "để biết quyền của họ và để thực thi những quyền ấy."
Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn gọi việc Tây Phương ký hiệp ước là
một "sự phản bội mới" vì như nhiều người khác cùng thời ông tin các
nước cộng sản ký để mà ký chứ không thực hiện những cam kết về nhân
quyền. Liên Xô coi đây là thắng lợi lớn và quan trọng nên cho đăng toàn
văn hiệp ước trên tờ Pravda. Theo lời bà Jeri Laber, một người đồng sáng
lập ra tổ chức Human Rights Watch, hiệp ước thay vì là phương tiện củng
cố chế độ cộng sản lại trở thành phương tiện kết liễu chế độ cộng sàn ở
Đông Âu.
Từ đấy nhiều người dân bắt đầu biết đến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và điều VII của Hiệp ước Helsinki.
Lớp băng vô cảm tuyệt vọng bắt đầu rạn nứt. Các công dân can đảm bắt
đầu đứng ra lập các tổ chức dân sự để quảng bá nhân quyền và yêu cầu
chính quyền phải thực thi những cam kết về nhân quyền mà họ đã ký với
quốc tế. Tại Liên Xô Nhóm Helsinki Mạc Tư Khoa tổ chức cuộc họp báo tại
căn hộ của Viện sĩ Sakharov để tuyên bố sự ra đời của nhóm vào ngày 12
tháng Năm, 1976. Noi gương họ các nhóm Helsinki khác mấy tháng sau mọc
lên ở Ukrain, Lithuania, Georgia và Armenia. Nhóm Helsinki Mạc Tư Khoa
do Giáo sư Yuri Orlov, nhà vật lý Xô viết trước đấy từng hoạt động bảo
vệ nhân quyền ở Liên Xô, lập ra. Ludmila Alexeyeva, một thành viên sáng
lập của nhóm, hồi tưởng:
"Đây là ý kiến của Yuri Orlov. Ông ấy suy nghĩ kỹ và lập ra nhóm này
và ông khuyến khích mọi người tham gia. Ông nói riêng với từng người
một, gọi họ ra ngoài nhà để nói chuyện vì không chỉ điện thoại mà các
căn hộ của chúng tôi đều bị đặt máy nghe lén. Tất cả chúng tôi đều nhận
thức rằng chúng tôi có nguy cơ bị trấn áp rất dã man. 11 thành viên lập
ra nhóm như thế, họ đều không có quyền như tất cả những người dân khác,
và tài sản của chúng tôi chỉ là hai chiếc máy chữ cũ kỹ." Mục tiêu chính
của tổ chức dân sự này là buộc chính quyền phải tôn trọng Hiến pháp,
nhân quyền và nhân phẩm công dân.
Trong cùng thời gian các tổ chức dân sự được thành lập ở các nước
cộng sản Đông Âu để yêu cầu chính phủ họ phải tôn trọng Hiệp ước
Helsinki như nhóm Ủy ban Bảo Vệ Công nhân (KOR) ở Ba Lan và nhóm Hiến
chương 77 ở Tiệp Khắc.
Nhân dịp mười năm kỷ niệm ngày ký Hiệp ước Helsinki, Jeri Laber chỉ
ra rằng: "Hiệp ước là ngọn cờ tập hợp cho những người đấu tranh cho tự
do và hòa bình. Tôi đã nhìn thấy những thành tựu của tinh thần Helsinki
trong các cuộc gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền ở Mạc Tư Khoa,
Prague, Warsaw, Budapest, Belgrade và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ có thể nói giọng
nhỏ lại nhưng mắt họ sáng lên khi nhắc đến từ "Helsinki". Đối với những
người này, "Helsinki" có nghĩa là hy vọng."
Helsinki đã khích lệ can đảm dấn thân của những nhà hoạt động nhân
quyền và bất đồng chính kiến gần như trên toàn cõi Đông Âu. Họ đã giá
rất đắt cho sự nghiệp, theo lời của Vaclav Havel, "chân chính và đáng
đau khổ". Yuri Orlov bị kết án 7 năm tù và 5 năm lưu đày, Vaclav Havel
bị kết án 5 năm tù, và rất nhiều nhà hoạt động khác ở Đông Âu bị kết án
nặng nề, bị trấn áp, bị đuổi việc, bị mất nhà, bị sách nhiễu không
ngừng, bị trục xuất ra nước ngoài, con cái không được đi học. Họ bị báo
chí chế độ bôi xấu và lăng mạ. Và có nhiều người như Anatoly Machenko,
thành viên sáng lập của Nhóm Helsinki Mạc Tư Khoa chết trong cuộc tuyệt
thực trong tù hay nhà triết học Jan Patocka của Nhóm Hiến Chương 77 bị
chết dưới tay mật vụ. Đúng như lời tuyên bố của nhà lãnh đạo đảng cộng
sản Đức Eric Honecker để trấn an các cố vấn của ông khi họ bày tỏ quan
ngại về việc thông qua các nguyên tắc nhân quyền trong Hiệp ước
Helsinki: "Stasi sẽ luôn luôn có mặt" để lo vấn đề nhân quyền.
Nhưng các làn sóng trấn áp khốc liệt vẫn không dập tắt được tinh thần
Helsinki vì Helsinki luôn luôn có nghĩa là can đảm và hy vọng. Hơn thế
nữa Helsinki đã tạo ra hiện tượng xã hội dân sự bùng phát từ dưới đáy và
trong bóng tối giữa lòng các chế độ toàn trị tại Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba
Lan và Hungary. Một xã hội dân sự đầu tiên của những nhà hoạt động nhân
quyền sẵn sàng lên tiếng cho những nạn nhân của các chế độ. Họ ra hàng
trăm bản tuyên bố về các vi phạm nhân quyền tại nước họ, xuất bản hàng
trăm cuốn sách được lưu hành bí mật, những cựu giáo sư đại học tổ chức
những buổi thuyết trình về các chủ đề cấm kỵ ngay trong phòng khách nhà
họ, nhà thờ làm lễ riêng cho những giáo dân, âm nhạc và kịch nghệ bị cấm
vẫn được trình diễn kín đáo tại nhà riêng...
Chính Hiệp ước Helsinki đã góp phần quan trọng đưa đến những cuộc
cách mạng ở Đông Âu vào năm 1989. Toàn bộ lớp băng vô cảm liệm kín tâm
hồn Đông Âu tan rã dưới niềm khích lệ và hy vọng sinh ra từ Bản Tuyên
Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các điều khoản về nhân quyền trong hiệp ước.
Di sản và sức mạnh lớn nhất của Helsinki là niềm tin bất diệt về
chính nghĩa và lẽ phải của sự nghiệp nhân quyền của những người dưới đáy
và không có quyền lực. Họ không có tiền bạc và vũ khí để đương đầu với
chế độ toàn trị. Đối diện với sực mạnh bạo quyền vô nhân tính, họ chỉ có
hy vọng, can đảm, lời nói và niềm tin về sức mạnh của công dân của
mình. Suối nguồn sức mạnh ấy xuất phát từ niềm tin bất diệt về các giá
trị nhân quyền phổ quát mà tất cả công dân trong tất cả chế độ tại tất
cả các nơi đều phải được hưởng.
Khác biệt giữa những thế hệ thực vật và những thế hệ đứng dậy là sự
nhận thức trọn vẹn về nhân phẩm và giá trị của con người mà đã thể hiện
sâu sắc qua Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Niềm tin, can đảm, và hy
vọng mọi thứ có thể thay đổi tốt hơn là những chất men làm dậy lên các
cuộc cách mạng nhân quyền trong những chế độ chà đạp nhân quyền mà Việt
Nam là một điển hình mới nhất.
Trần Quốc Việt