Đinh Tấn Lực
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có cái tên tây nghe ra cực kỳ đậm tính phụ nữ: Molisa (Ministry of Labour – Invalids & Social Affairs).
Tuy nhiên, đừng vì cái tên mang dáng vẻ tóc vàng mắt xanh đó mà vội
nghi oan rằng đây là một loại cơ quan buôn dưa lê. Nó có chức năng được
ghi rõ bằng nghị định số 106/2012/NĐ-CP hẳn hoi (nguyên văn, cả lỗi văn
phạm chấm phết):
“Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực; Việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội (sau đây gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội) trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”.
Trong năm 2013, Molisa có quá nhiều hoạt động ứng phó cực tài, đến mức phải đưa ra công luận. Bình chọn các sự kiện nổi bật ngành Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2013, trong đó có nhiều thành quả nổi cộm ngang ngửa nhau:
Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;
Bộ luật Lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực với sự ra đời và đi vào hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia;
Thí điểm đưa điều dưỡng viên VN sang học tập và làm việc tại CHLB Đức và Nhật Bản;
Bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
Các chương trình “Em không phải bỏ học” và “Cùng em đến trường” và “Quỹ sữa vươn cao VN” tiếp tục đạt hiệu quả cao;
…
Chưa kể hoạt động tích cực của Ngân Hàng Chính Sách Xã Hội, được mệnh danh là Điểm Tựa Của Người Nghèo,
đã góp phần giúp đỡ gần ba triệu hộ thoát nghèo, tức là tương đương với
tổng số đảng viên chứ không hề chỉ một bộ phận nhỏ hay không nhỏ.
Bởi thế, thực tiễn đúc rút được cho thấy Molisa là một hệ thống có
khả năng quản lý và đào tạo những đường dây quản lý nội bộ chặt chẽ, có
tầm nhìn tương lai, và có chương trình giảm nghèo cực hiệu quả cho cán
bộ công nhân viên chức.
ảnh hội nghị Diễn Đàn Giảm Nghèo Bền Vững nội bộ
Thời sự điển hình gần nhất là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội,
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh Hà Giang cùng phán quyết với
nhau rằng đã nhất trí không khởi tố hình sự các đối tượng ăn chặn hơn
181 triệu đồng hỗ trợ trẻ tàn tật là “vì… đại cục, vì cái to lớn hơn“.
Trước đó vài tháng, một vụ việc tương tự, có lẽ cũng không nằm ngoài
đại cục, đã xảy ra ở Nghệ An: UBND xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương,
tỉnh Nghệ An: Ăn chặn tiền trợ cấp cứu trợ người tàn tật, cô đơn.
Còn, bất kỳ nơi nào có lũ lụt trên đất nước này, thì đều có phó sản xà xẻo tiền/quà cứu trợ. Có nạn nhân bức xúc đến mức tự tử và để lại thư tuyệt mệnh tố cáo quy trình ăn chặn.
Cũng không nơi nào có thương binh mà không có vấn đề tiền nong trợ
giúp thương binh. Thậm chí, đã có những mánh khóe vượt khỏi sức tưởng
tượng của người bình thường trong quy trình ăn chặn các loại “tiền chính
sách”, kể cả tiền trợ giúp người già hay người bị tâm thần, và tiền trợ
giúp mai táng, bằng cách khai tử người sống!
Ngay cả nguy cơ vỡ quỹ lương hưu
cũng chỉ là loại thách thức tạm thời và càng làm tăng tốc quy trình
giảm nghèo nội bộ: Quỹ lương hưu của Việt Nam sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm
2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt, không có khả năng chi trả vào năm 2029.
Thế mới rõ cái đại cục của Molisa là rất lớn. Và không thể không bao sân phụ nữ.
Nhưng đừng vội tin những kẻ ăn theo nhìn không quá đầu đũa, bảo rằng nhất là một khi bộ trưởng cũng thuộc phái nữ!
Hãy phóng tầm nhìn bao la hơn chút, để thấy rằng các quốc gia phát
triển, kể cả Mỹ/Đức/Nhật/Hàn, chỉ mới biết tới luật bảo vệ lao động
chung chung, chỉ nhắm mục tiêu “Số Không Tai Nạn Lao Động”
(Zero-accident Campaign), mà chẳng hề có mảng nào đặc biệt bảo vệ lao
động phụ nữ. Thế thì làm sao có được một đời sống hạnh phúc thứ nhì thế
giới như ta, vang danh năm châu bốn bể về một xã hội công bằng – dân chủ
– văn minh?
Rất may mà Ngoại trưởng John Kerry vừa sang thăm VN đúng lúc Molisa ban hành Thông Tư 26 về 77 việc cấm lao động phụ nữ. Lại cũng vừa đúng lúc CHXHCNVN mới được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ với số phiếu cao nhất.
Nội dung của thông tư 26 có gì đáng ngẫm và có nhiều hy vọng ngài
John Kerry tiếp thu tốt để mang về Mỹ làm sạch hệ thống lao động bóc lột
phụ nữ bên đó?
Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH thể hiện rất rõ quan điểm bảo vệ lao
động nữ, xuyên qua danh mục 77 loại công việc không được sử dụng lao
động phụ nữ.
Tất nhiên, bản danh mục này không nhằm liệt kê ra những công việc mà
nam giới phải làm đến chết cũng chẳng sao. Lãnh đạo đảng thuộc giai cấp
công nhân, ắt hoàn toàn không có ý đồ giết dân dã man như vậy!
Cũng chẳng phải là bản danh mục so đo với các loại công việc (hoặc
là quá dơ bẩn hoặc là quá nặng nhọc) mà nhân dân các nước ngoài không ai
làm, chỉ dành riêng cho dàn lao động xuất khẩu của ta, bất kể giới
tính, bất kể đã phải cầm nhà ký quỹ lao động xuất khẩu 3000USD (đi Mã)
hay 100triệu đồng (đi Hàn).
Lại càng không phải là bản liệt kê nhằm làm nổi bật sự cho phép gia
tăng tình hình buôn bán phụ nữ xuyên biên giới (tận Nga Xô cũ), hay được
công khai rao bán trên mạng (eBay)…
Và cho dù điều cấm số 74 có đề cập đến loại hình công việc buộc
người đọc phải tập trung suy nghĩ, song, nhất định bản liệt kê này không
phải là để ngăn chận, làm giảm, hay làm chậm quy trình khuyến khích
thêm phụ nữ VN, vốn đang thi đua ráo riết, để trở thành những cô dâu có
thiên chức gieo trồng nòi Việt trên toàn thế giới.
Trong tương lai gần, bản danh mục này sẽ được cập nhật/bổ sung thêm, chí ít ở những điểm cốt lõi sau đây:
Giảm đến mức tối thiểu việc ngăn chận/giật hàng/câu lưu giới phụ nữ hàng rong;
Các biện pháp xả lũ phải tránh không làm chết phụ nữ;
Các dòng sông không được nhận chìm các bé gái học sinh đội cặp sách lội nước đến trường;
Các hội phụ nữ di dời trụ sở lên chỗ cao để tránh các trận mưa ngập phố;
Khơi dòng cho bùn đỏ Tây Nguyên nếu có lỡ tràn cũng phải biết xoay dòng chảy để không làm chết phụ nữ;
Tăng cường các khóa tập huấn quy mô về mọi thể loại nghệ thuật thể thao múa cột;
Các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận lỡ có sự cố gì cũng phải bảo đảm không làm chết phụ nữ;
…
Tất cả những đặc điểm nêu trên đều nhằm làm rõ sự quan tâm sâu sắc
của lãnh đạo cả nước về một bộ phận dân số chiếm nửa nước. Khẩu hiệu mới
của lãnh đạo hoàn toàn phù hợp với thời đại nhân quyền là: “Phụ Nữ Ưu
Tiên – Chân Dài Trên Hết”!
Ngoài tính sâu sắc, đó còn là sự biểu hiện thành quả tích cực của
phương pháp đi tắt đón đầu: Không chỉ bỏ qua tính nhập nhằng bảo vệ lao
động chung chung (bằng nâng cao tay nghề, bảo đảm sức khỏe cùng mức
sống, và áp dụng tối đa biện pháp an toàn lao động); lãnh đạo giai cấp
công nhân ở đây còn đặc biệt bảo vệ ngay quyền không làm việc của phụ
nữ, nhân danh phái yếu, tức là một định hướng bảo vệ nhân quyền đậm đà
bản sắc Việt Nam.
Kiều nữ Molisa nhất quyết không làm dáng cầu siêu cho những nạn nhân
đã chết vì mọi kiểu giao thông. Molisa chỉ muốn ngăn chận những cái
chết của phụ nữ trước khi nó xảy ra. Đó mới là tầm nhìn toàn cảnh về đại
cục.
Nếu Quốc Hội đã có người đánh giá: “Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới”…
thì nên chăng, Quốc Hội sớm có những xiển dương để đời, hoặc vận động
ngay cả ngài John Kerry (vừa thu hoạch xong chuyến viếng thăm VN) phát
biểu, đại loại: “Molisa Việt Nam là một trong những bộ phận tận tâm tận
lực với phụ nữ thuộc hàng bậc nhất hoàn cầu”?
20-12-2013 – Kỷ niệm 53 năm ngày đẻ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Blogger Đinh Tấn Lực