Sau việc gần 100% đại biểu Quốc hội gật ngày 28.11 thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo kiểu “Nguyễn Như Vân“
đã gây bất bình rất lớn trong nhiều giới và làm thất vọng trong thành
phần đảng viên tiến bộ, những người cầm đầu chế độ toàn trị vẫn lên
tiếng ca ngợi cho đó là những quyết định dân chủ và phản ảnh ý kiến của
đại đa số nhân dân! Nhưng một số đảng viên tên tuổi biết tự trọng đã
tuyên bố rút ra khỏi đảng và nhiều nhân sĩ cũng như các Blogger độc lập
đã vạch trần những sự giả dối đánh lừa nhân dân của những người cầm đầu
chế độ toàn trị.
Ngày 12.12. vừa qua Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và
nguyên Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia HCM Lê Hữu Nghĩa
đã viết bài “Phân biệt quan điểm sai trái và ý kiến khác với quan điểm của Đảng“1
được Thông tấn xã VN và Tạp chí Cộng sản điện tử phổ biến. Động cơ việc
làm này của ông Nghĩa là quan ngại việc tự chuyển hóa, tự diễn biến và
bỏ đảng có thể trở thành một phong trào trong thời gian tới và tiếng nói
của các nhân sĩ, thanh niên và các Blogger độc lập có thể làm tê liệt
bộ máy rất lớn nhưng đang rệu rạo của các báo, đài lề đảng. Cho nên mục
tiêu chính mà ông Nghĩa muốn nhắm tới là tìm cách can ngăn và thuyết
phục các đảng viên ĐCSVN đang muốn công khai bỏ Đảng, sau khi có một số
đảng viên tên tuổi đã công bố vì đâu mà nay họ phải quyết định ra khỏi
ĐCS.
Trong bài nói trên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Lê Hữu Nghĩa đã chia ra hai phần chính là “những quan điểm sai trái, thù địch“ và “những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng“.
Từ đó ông Nghĩa vạch rõ, những ai bác bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin và chống
chủ trương duy trì độc quyền của ĐCSVN đều bị xếp vào thành phần có “những quan điểm sai trái, thù địch“. Và vì thế Lê Hữu Nghĩa đã qui kết những người này là ‚‘‘các thế lực thù địch, cơ hội chính trị“ và không tiếc lời kết án, chụp mũ và đe dọa !
Tình hình trong đảng và ngoài xã hội
Nhưng khi suy nghĩ và đặt bút viết bài nói trên hẳn Phó Chủ tịch Hội
đồng Lý luận Trung ương Lê Hữu Nghĩa phải biết tình hình rất xấu và tồi
tệ ở tất cả các lãnh vực từ trong đảng đến ngoài xã hội và những nguyên
nhân của nó. Chính sếp của ông, TBT Nguyễn Phú Trọng, đã nhìn nhận công
khai trong nhiều Hội nghị Trung ương về tình trạng tha hóa đạo đức ngày
càng phát triển sau 60 chục năm độc quyền của đảng và độc tôn của chủ
nghĩa Marx-Lenin. Như trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 4 ngày
26.11.2011 ông Trọng đã than trách :
‘‘Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có
chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng. Vướng
mắc chính là ở chỗ nào?2
Thế rồi trong diễn văn bế mạc ngày 31.12.2011 cũng tại Hội nghị Trung
ương 4 ông Trọng còn cảnh báo tương lai rất đen tối của chế độ toàn
trị:
‘‘Nếu Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không
thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối
sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không
thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.“3
Tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc cuối tháng 2.12 cho trên 1000 cán bộ
cao cấp Nguyễn Phú Trọng còn xác nhận, các nhóm lợi ích đang đục ruỗng
chế độ:“Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu – nghèo, có những
người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi
người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Và ‘‘mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai?4
Gần hai năm sau tình trạng tham nhũng vẫn không cải thiện được, “Các vụ án lớn phát hiện chậm, kéo dài, lúc đầu to bằng voi rồi xử bé như chuột.,5 , như Nguyễn Phú Trọng kiêm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng đã nói với cử tri ở Hà nội vào 6.12. 2013:
“Tham nhũng nguy hiểm và khó chịu vì đã thành khá phổ biến. Nó
thành đường dây có tổ chức rồi, chứ không còn từng người một người ăn
mảnh nữa. Chúng tôi hay nói đó là lợi ích nhóm, cấu kết với nhau nên
phải có cơ chế trị tận gốc, việc này rất khó chứ không phải dễ”.6
Tình hình bè cánh hành động theo lợi ích nhóm, tham nhũng và vô trách
nhiệm đang diễn ra công khai ngay ở cấp cao nhất là Bộ chính trị và
Trung ương đảng. Ba năm trước, khi vụ Tập đoàn Vinashin bị khui ra,
chính Bộ chính trị khi ấy đã xác nhận, tập đoàn kinh tế nhà nước này đã
làm thất thoát trên 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD) và Bộ chính trị đã có
Kết luận là phải thi hành kỉ luật đối với những người có trách nhiệm
chính. Trong tư cách là người chỉ đạo trực tiếp các thí điểm lập các tập
đoàn kinh tế nhà nước, nên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đúng ra phải nhận
trách nhiệm chính trị trong việc để thất thoát rất lớn tài sản quốc gia,
nghĩa là phải từ chức. Nhưng vì tôn thờ quyền-tiền để giữ ghế hay nhẩy
cao hơn, nên khi ấy những người chính trong Bộ chính trị đã thỏa hiệp
lười biếng giữa họ với nhau trong Đại hội 11 (1.2011). Cho nên cuối cùng
mọi việc giữa họ với nhau đều huề cả làng!
Tại Hội nghị Trung ương 6 tháng 10.12 sau nhiều ngày họp rất căng
thẳng, trong tư cách TBT ông Trọng đã thông báo cho các ủy viên Trung
ương về quyết định của Bộ chính trị:
“Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành
Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối
với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị.“. 7
Nhưng đại đa số các ủy viên trong Trung ương đảng đã phớt lờ quyết định của toàn thể Bộ chính trị, cho nên cuối cùng “một đồng chí Ủy viên Bộ chính trị“,
tức Nguyễn Tấn Dũng, vẫn bình chân như vại, tiếp tục ngồi chỗm trệ trên
ghế Thủ tướng. Chính ông Dũng còn biện minh giải thích là, những quyết
định trong Chính phủ ông chỉ làm theo quyết định của tập thể mà thôi:
“Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận
trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu
Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”.8
Vì căn bệnh nguy hiểm của chế độ đã chạy tới đầu não nên Chủ tịch Trương Tấn Sang nói thẳng với Nguyễn Tấn Dũng “không đủ uy tín thì nghỉ, ở làm gì nữa“ và còn trách “nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho Đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc”.9 Thậm chí Chủ tịch nước còn đặt cho Thủ tướng cái tên diễu cợt là “đồng chí X”!
Mùa hè 2012 Nguyễn Phú Trọng còn mở hàng loạt các cuộc tự phê bình và
phê bình rộng lớn nhất trong đảng từ trước tới nay, kéo dài nhiều tuần
lễ. Từng ủy viên Bộ chính trị và Ủy viên Ban bí thư trung ương đều phải “tự phê bình và phê bình nghiêm túc”. Nhưng kết quả vẫn chỉ như nước đổ lá khoai như mọi người đã thấy từ Hội nghị Trung ương 6 tới nay!
Sau khi nghe nhân dân và đảng viên chửi rát tai, nên trong vụ xử
Dương Chí Dũng hiện nay những người có trọng trách chính đã bày ra nhiều
“diệu kế”. Chỉ ít ngày trước vụ xử Dương Chí Dũng, nguyên Chủ
tịch Hội đồng quản trị Tổng công ti hàng hải Vinalines, ông Trọng nói
theo giọng chia sẻ với dư luận là, cho tới nay nhiều vụ án tham nhũng “lúc đầu to bằng voi rồi xử bé như chuột” và đã hí hửng loan báo là “hãy chờ xem”10.
trong vụ xử án nhóm Dương Chí Dũng lần này. Trong ngày xử có cả Trưởng
ban Nội chính trung ương kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng
chống tham nhũng Nguyễn Bá Thanh cũng có mặt.11 Thế rồi đúng vào ngày xử vụ án, ngày 12.12 Phó trưởng ban Nội chính trung ương Phạm Anh Tuấn đã loan báo trước khi tòa xử:
“Nếu như trước đây, mức án tham nhũng thường bị cho là nhẹ, thậm
chí cho hưởng án ”treo” nhiều vì căn cứ vào người phạm tội có nhân thân
tốt, phạm tội lần đầu… Tuy nhiên, với loại tội phạm này trong tình hình
tham nhũng hiện nay, một mặt phải đáp ứng yêu cầu pháp lý, nhưng cũng
phải đáp ứng cả yêu cầu chính trị, đòi hỏi của xã hội, vì vậy phải xử đủ
nghiêm để răn đe”. 12
Nghĩa là, cũng như nhiều bản án khác trước đây, dự tính hình phạt tử
hình Dương Chí Dũng đã được một số người có quyền lực định sẵn trước khi
tòa xử. Nhưng Dương Trí Dũng và các tòng phạm khác chỉ là tay em, còn
Nguyễn Tấn dũng mới là thủ phạm chính. Vì Thủ tướng là người chỉ đạo các
tập đoàn và tổng công ti nhà nước. Thật là rõ ràng, pháp luật chế độ
toàn trị đã được định theo tiêu chuẩn bắt con tôm tép thả con cá mập!
Đấy là chưa kể những mưu mẹo vặt, vụ án Vinalines đã bị dời đi dời lại
nhiều lần và nay họ chọn đúng vào dịp Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật mới đem
vụ này ra xử và làm rất đình đám. Như vậy là cố tình tránh những tai
tiếng cho thủ phạm chính! Không những thế trong vụ xử này hầu hết các
nhà báo lề phải cũng chỉ được theo dõi qua video, chỉ vài kí giả được
phép vào phòng xử theo dõi, nhưng lại bị cấm đem theo máy ảnh, điện
thoại cầm tay…13 Cách chuẩn bị này cho thấy, vụ án PMU 18 vẫn còn như cơn ác mộng ám ảnh những người có trọng trách!
Nói tóm lại, kết quả của các Hội nghị Trung ương cũng như các hoạt
động của những người cầm đầu chế độ toàn trị vừa qua cho thấy, tiếng nói
của các nhóm lợi ích từ trong Trung ương tới Bộ chính trị đã dẫm nát kỉ
cương và Điều lệ Đảng cũng như đạp cả lên pháp luật. Các người cầm đầu
đảng, nhà nước và chính phủ còn công khai tố cáo lẫn nhau, lập phe cánh
để thanh toán lẫn nhau. Tình đồng chí không còn, họ chỉ còn biết thờ
đồng tiền và quyền tước mà thôi! Nhưng nếu cần thiết họ vẫn sẵn sàng
dựng lên các màn dân chủ cuội để đánh lừa nhân dân.
Trong khi ấy, qua các báo cáo hàng năm của nhiều tổ chức quốc tế có
uy tín thì sau 60 năm bị cai trị dưới chế độ độc đảng theo chủ nghĩa
Marx-Lenin nên VN vẫn đứng gần đội sổ trong rất nhiều lãnh vực, từ nhân
quyền, tự do báo chí, tham nhũng. Còn kinh tế thì đang tụt hậu và thua
xa cả với nhiều nước trong khu vực. Riêng về nhập siêu với Trung quốc
thì mức nhập siêu của VN tính tới tháng 10.2013 đã gia tăng lên 19,6 tỉ
USD, tăng gần 50% so với cùng kì năm trước. Nếu tính từ năm 2001 thì
nhập siêu từ Trung quốc đã tăng lên 100 lần.14
Chính sự lệ thuộc thương mại, tài chánh và kinh tế vào Trung quốc nên
Bắc kinh đang công khai lấn chiếm các hải đảo và tài nguyên của VN và đe
dọa trực tiếp chủ quyền và độc lập của đất nước!
Tất cả những tình hình trên trong mọi mặt đang diễn ra trong đảng,
nhân dân phải chịu đựng và các nguy cơ thực sự cho đất nước là những sự
kiện hết sức rõ ràng. Đây là kết quả của chế độ độc đảng trung thành
tuyệt đối với chủ nghĩa Marx-Lenin đã sinh sôi và tích lũy 60 năm. Là
nhà khoa bảng cao, từng là ủy viên Trung ương và từng giữ các chức vụ
quan trọng về tư tưởng và đào tạo cán bộ cao cấp nên Lê Hữu Nghĩa không
thể phủ nhận được những sự thực này.
“Vướng mắc chính là ở chỗ nào?”
Câu hỏi trung tâm này liên quan nguồn gốc và nguyên nhân tạo ra khiến
các nhóm lợi ích trong đảng đang tung hoành ngang ngược như chỗ không
người để tham nhũng và đua đòi lối sống tha hóa đạo đức trên mồ hôi nước
mắt và tiền thuế của nhân dân. Các tệ trạng này ở trong đảng không
những không ngăn cản được mà còn đang phình ra nhất là ở những cán bộ có
chức quyền cao, mặc dầu từ trước tới nay không biết bao nhiêu nghị
quyết của Bộ chính trị và luật pháp được ban bố, như chính người cầm đầu
chế độ Nguyễn Phú Trọng xác nhận trong nhiều Hội nghị Trung ương.
Vướng mắc chính là ở chỗ nào và từ đâu? Câu hỏi cực kì quan trọng này đã
được Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong Hội nghị Trung ương 4. Tuy ông Trọng
đã nêu ra nhưng không dám trả lời.
Thực ra, câu trả lời rất rõ ràng như ngày với đêm, người bình thường
ai cũng biết cả. Trong suốt mấy chục năm qua tổ chức chính trị nào đang
nắm độc quyền chính trị ở VN? Và đảng này đang tôn thờ chủ nghĩa nào?
Trong mấy thập niên vừa qua chủ nghĩa dân chủ đa nguyên và chế độ đa
đảng bị nghiêm cấm ở VN. Nhưng ĐCSVN đã độc quyền cai trị VN từ 1954 ở
miền Bắc và từ 1975 trên toàn quốc. Chính ĐCSVN đã tôn thờ tuyệt đối chủ
nghĩa Marx-Lenin từ khi thành lập đảng vào năm 1930 và lấy nó làm kim
chỉ nam tổ chức xã hội từ khi đảng nắm độc quyền.
Như vậy là rất rõ ràng, không một ai có thể phủ nhận được sự thực:
Chính ĐCSVN và chủ nghĩa Marx-Lenin là thủ phạm và nguồn gốc của các tệ
trạng suy thoái đạo đức, tham nhũng bất trị, kinh tế xuống dốc, bất
công, đàn áp và ngày càng lệ thuộc vào Bắc kinh. Nhân dân VN đang là nạn
nhân của chế độ độc đảng và chủ nghĩa Marx-Lenin đã thực sự phá sản!
Chính vì thế, nay nhiều thành phần nhân dân, đi đầu là trí thức,
chuyên viên, thanh niên và cả nhiều đảng viên tiến bộ biết quí tự trọng
đứng lên vạch rõ những tội ác của chế độ độc tài và những sai lầm của
Chủ nghĩa Xã hội. Những hành động như thế thật hết sức chính đáng và
khẩn thiết. Ai có lương tri và sự hiểu biết tối thiểu đều phải nhìn nhận
như vậy. Nhưng tại sao nhà khoa bảng và từng là Giám đốc một học viện
cao cấp Lê Hữu Nghĩa lại mạt sát và kết án các giới này?! Từng nhiều năm
làm Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia HCM, một học viện
đào tạo các cán bộ cao cấp cho chế độ. Nhưng hiện nay nhiều cán bộ cao
cấp đã trở nên hư hỏng ăn cắp của công, đàn áp dân lành, sáng cắp ô đi
tối cắp về, thì rõ ràng Lê Hữu Nghĩa có phần trách nhiệm lớn trong đó!
Học trò đốn mạt, vì thầy chẳng ra gì và đã đánh mất tư cách! Cho nên,
nếu bình tĩnh, công tâm, sáng suốt và tự trọng thì ông Nghĩa phải biết
ơn những ai chỉ cho mình những cái sai chứ!
Không dám nhìn sự thực lại còn lên giọng đạo đức!
Ở phần hai của bài trên, bằng cách viết hồ hởi và đóng vai “người biết điều” ông Nghĩa nói là, để cho mọi người phê bình những thiếu sót trong chính sách hay quyết định của chế độ, “để làm tốt hơn, lãnh đạo và quản lí đất nước hiệu quả hơn”.
Nhưng đồng thời Lê Hữu Nghĩa lại nghiêm cấm, không cho phép đụng tới
sự độc tôn của ĐCSVN và chủ nghĩa Marx-Lenin. Nói như thế chả lẽ ông
Nghĩa muốn áp dụng chuyện tiếu lâm của Trạng Quỳnh, chỉ cho đại tiện
nhưng cấm tiểu tiện?!
Trong khuôn khổ giới hạn của bài này nên chỉ nêu bệnh tham nhũng
trong chế độ toàn trị. Chính ông Trọng mới vài ngày trước nhìn nhận,
tham nhũng của cán bộ đã “thành đường dây có tổ chức” trong đảng
và nhà nước, chống tham nhũng chỉ như gãi ngứa ghẻ, chỉ gãi bề ngoài nên
bệnh ngày càng nặng! Như các dẫn chứng ở trên, căn bệnh tham nhũng và
sự lộng hành của bọn nhóm lợi ích đã chui lên cả Trung ương và Bộ chính
trị. Nguyên nhân của nó là do chế độ độc đảng với chủ nghĩa Marx-Lenin
đã sai lầm. Chính các nước Đông Âu đã nhìn thấy cội nguồn của của các tệ
trạng xã hội là từ chế độ độc đảng và chủ nghĩa độc đoán Marx-Lenin,
nên hơn 20 năm trước họ đã có can đảm rũ bỏ nó, nhờ thế xã hội đang lành
mạnh trở lại và đất nước mới vươn lên được, nhân dân sung túc hơn, tự
do dân chủ hơn.
Nay trong bài nói trên, Lê hữu Nghĩa chỉ cho phép chỉ trích những
khuyết điểm, những hiện tượng không đẹp bên ngoài, nhưng lại cấm không
cho phê bình những nguyên nhân cốt rễ…Tức là chỉ cho phê bình hiện
tượng, nhưng lại cấm không được động tới nguồn gốc gây ra những hiện
tượng đó! Là Phó Chủ tịch Hội đồng lí luận Trung ương thì không thể nào
ăn nói hồ đồ phản khoa học như vậy được! Trị bệnh thì phải trị tận gốc,
không thể chỉ xoa bóp bên ngoài! Cách lí luận của Lê Hữu Nghĩa quá lắm
chỉ là tự lừa đối mình! Nói thế chẳng qua là dân chủ hình thức, làm anh
hề bán dạo ngoài phố! Miệng của kẻ độc tài hô hoán dân chủ!
Lê Hữu Nghĩa còn huyênh hoang là, các đảng viên và nhân dân có quyền
trình bày quan điểm và ý kiến của mình. Nhưng ông Nghĩa quên rằng, mới
vài năm trước chính Nguyễn Tấn Dũng đã ra Quyết định cấm các chuyên viên
và trí thức trong đảng phản biện công khai, và cũng chính ông Dũng đã
giải tán Ban cố vấn Thủ tướng chỉ ít lâu sau khi nhận chức Thủ tướng, mà
chẳng cần cho biết lí do!
Sao Lê Hữu Nghĩa lại có thể chóng quên cả chuyện tầy đình vừa mới xẩy
ra vài tuần trước? Đó là việc Quốc hội thông qua gần 100% sửa đối Hiến
pháp. Khi công bố bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, những người có
trọng trách đã hồ hởi kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến và còn hứa là
không cấm kị bất cứ ý kiến nào. Nhưng khi hàng chục ngàn trí thức,
chuyên viên, thanh niên trong và ngoài nước, kể cả nhiều đảng viên tiến
bộ đã viết Kiến nghị 72 công khai thẳng thắn đưa ra các đề nghị xây dựng
để đất nước thật sự dân chủ thì ngày 25.2.2013 chính Nguyễn Phú Trọng
đã cao ngạo lên tiếng kết án:
“Vừa rồi đã có các luồng ý kiến, cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.”
“Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai
trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền
phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có
những quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thế
là suy thoái chứ còn gì nữa. Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập
thể, thì nó là cái gì? Nên phải quan tâm xử lý những điều đó.” 15
Lệnh phán của Nguyễn Phú Trọng “phải quan tâm xử lí những điều đó”
cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lí luận Trung ương và các báo
của chế độ phải viết các bài mạ lị, bôi nhọ và đe dọa với trình độ rất
thấp kém và tư cách rất tồi tệ! Thậm chí giữa tháng 11 vừa qua còn ra
lệnh cho Quốc hội hủy bỏ buổi họp công khai thảo luận về việc sửa đổi
Hiến pháp. Nghĩa là cấm các đại biểu được trình bày công khai quan điểm
của mình về một văn kiện luật căn bản. Chính vì thế ngày 28.11 Quốc hội
với gần 100% đã thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nội dung không khác
gì Hiến pháp 1992. ĐCS vẫn độc quyền, chủ nghĩa Marx-lenin vẫn là thống
soái, nhà nước (trong thực tế là đảng) vẫn độc quyền đất đai, quân đội
và công an chỉ tuyệt đối trung thành với đảng! Giống hệt những mong muốn
mà Nguyễn Phú Trọng đã phán!
Như thế ai cũng thấy rất rõ, mọi đóng
góp ý kiến xây dựng -theo kiểu Lê Hữu Nghĩa đề nghị- chỉ như nước đổ đầu
vịt, những người có quyền lực chẳng thèm đọc, chẳng thèm nghe. Còn
những kiến nghị, tuyên bố và những bài vạch rõ những sai lầm của lãnh
đạo chế độ toàn trị thì bị kết tội là chống đảng, chống nhà nước và các
tác giả bị theo dõi, bị đàn áp kể cả tù đày!
***
Tóm lại, các dẫn chứng trên đây về tình
hình trong đảng và ngoài xã hội hiện nay ở VN để đối chiếu với những đề
nghị của Lê Hữu Nghĩa trong bài nói trên cho thấy: Các đề nghị này hoàn
toàn không tưởng. Không những thế nó còn vạch rõ sự ngớ ngẩn khủng
khiếp; trong khi thủ phạm gây ra những tội ác tầy trời suốt cả 60 năm,
nhưng Lê Hữu Nghĩa lại không cho phép được đụng tới, để nó tự do tiếp
tục hoành hành. Lê Hữu Nghĩa còn khuyên mọi người là, chỉ nên nói nhỏ
nhẹ với thủ phạm mà thôi và phải biết ơn thủ phạm!
Như vậy có phải ông Nghĩa viết bài trên để tự đánh lừa lương tâm mình và ru ngủ người khác?
Thiết tưởng ở trình độ học vấn như vậy
thì Lê Hữu Nghĩa phải giữ tư cách và danh dự làm trọng, chứ không thể để
quyền tiền đánh bạt lòng tự trọng làm mất cả nhân cách. Mang danh khoa
bảng và ở tuổi đã cao mà chỉ cam phận làm ông bình vôi, thấy sai không
dám nói, lại còn lên giọng đạo đức giả. Bán lương tâm, mất tự trọng là
mất tất cả. Thiết tưởng ở địa vị và vai trò hiện nay, Lê Hữu Nghĩa nên
hiểu cho thật rõ thế nào là “giấy rách phải giữ lấy lề”!
15.12.2013
© Âu Dương Thệ
© Đàn Chim Việt
2 . Cộng sản (CS), 26.11.2011
3 . CS 31.12.2011
4 . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc 27.2.12 Xem thêm: Âu Dương Thệ, Hai năm làm Tổng bí thư (1.2011 – 1. 2013) - Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu? Các phần I, II và III http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2013/adt2.htm
5 . Nguyễn Phú Trọng 6.12, VNN 6.12
6 .Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri 6.12, báo Đất việt 9.12
7 .Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc HNTU 6, CS 15.10.12
8 .VN Net(VNN) 8.12.11
9 . http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2012/hntu6.htm
10. Như 5
11 . VNN 14.12
12 . Lao động 12.12