Tác giả dự án: Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
Ý tưởng dự án:
- Cần giải thích trung thực và thẳng thắn rằng tác giả không xây
dựng dự án này để tạo ảnh hưởng cá nhân, mà chỉ muốn đóng góp cho xã hội
dân sự Việt Nam bằng vào những phong trào dân sự hành động vì người
nghèo, những người bị tổn thương do vấn nạn thu hồi đất và nạn nhân môi
trường.
- Dự án này có thể được vận dụng tại nhiều địa phương tùy theo các
đặc điểm và điểu kiện, với nhiều tên gọi và hình thức khác nhau.
- Trước mắt, có thể dùng hình thức “phong trào” cho dự án như một phương thức mang tính tập hợp rộng rãi nhiều thành phần.
- Trong giai đoạn đầu, Phong trào có thể được triển khai ở miền Bắc
với sự tham gia của giai tầng dân oan đất đai Văn Giang, Trịnh Nguyễn,
Dương Nội…, cùng một số trí thức đồng cảm với nông dân. Tác giả dự án đề
xuất một số trong những trí thức này có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo
Phong trào như luật sư Lê Thị Công Nhân, bà Lê Hiền Đức, nhà văn Nguyễn
Tường Thụy, TS. Nguyễn Xuân Diện, TS. Nguyễn Quang A, luật sư Nguyễn Văn
Đài…
- Phong trào cũng cần được triển khai ngay ở khu vực miền Trung với
người dân các tỉnh Đắc Lắc, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… là nạn nhân
của đợt xả lũ thủy điện vào nửa cuối năm 2013.
Dưới đây là bản luận chứng khung về Phong trào:
- Tính cấp bách của Phong trào:
Sau gần bốn chục năm từ khi đất nước thu về một mối, chưa bao giờ
Việt Nam lại rơi vào tình cảnh kinh tế lụn bại, nạn tham nhũng và các
nhóm lợi ích mặc sức hoành hành, xã hội nhiễu nhương đạo lý, chính trị
bất nhất đạo đức, người dân phẫn uất… như hiện thời.
Những người dân mất đất do nạn trưng thu đất đai vô lối, những người
dân phải chịu thảm cảnh môi trường do thái độ và hành vi vô trách nhiệm
của quan chức chính là nạn nhân đỉnh điểm của cơn khủng hoảng xã hội.
Trong cơn khủng hoảng đầy u uất đó, rất nhiều người muốn có một sự thay đổi lớn lao.
Làm sao để có được sự thay đổi ấy?
Xã hội dân sự và các phong trào dân sự là một trong những phương cách tốt nhất để tạo nên sự thay đổi cấp thiết đó.
Được sinh ra từ lòng xã hội dân sự, phong trào dân sự không phải là
một khái niệm cao siêu mà giai cấp nông dân và công nhân không thể với
tới được. Ngược lại, hoạt động dân sự trong xã hội dân sự là những gì
thiết thân và gần gũi nhất với đời sống dân sinh, nhằm hỗ trợ giải quyết
một cách thấu tình đạt lý những bức xúc của dân chúng liên quan đến
nhiều chủ đề thiết thực trong hiện tồn Việt Nam như tham nhũng, đất đai,
môi trường, quyền lợi người lao động, thị trường, các chính sách công
bất hợp lý…
Đó là những cơ sở để thành lập một phong trào hỗ trợ nông dân, công nhân và nạn nhân môi trường.
Phong trào dân sự có thể có một trong những tên gọi sau:
Phong trào Dân quyền
Phong trào Dân quyền Việt Nam
Phong trào Dân quyền và nhân quyền
Phong trào Bảo vệ dân sinh môi trường
Phong trào Dân sinh, Dân chủ và Dân trí
……..
- Tính pháp lý của Phong trào:
Phong trào hoạt động dựa trên:
- Hiến pháp năm 2013 về các quyền công dân về việc lập hội.
- Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt
Nam đã ký kết vào năm 1982, về các quyền dân sự của người dân như lập
hội nhằm mục tiêu hoạt động xã hội.
- Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc mà Nhà nước Việt Nam trở thành
thành viên chính thức vào tháng 11/2013 với nhiệm kỳ 2014-2016.
- Định hướng của Phong trào:
- Phong trào hướng đến việc hỗ trợ, giúp đỡ những người dân, khu vực
dân cư bị tổn thương, thiệt hại bởi các tác động tiêu cực từ thu hồi
đất, môi sinh, môi trường làm việc và môi trường tự nhiên.
- Những lĩnh vực mà Phong trào chú trọng tác động là đất đai, môi trường.
- Những đối tượng mà Phong trào tác động là nông dân chịu tác động
tiêu cực bởi việc thu hồi đất, công nhân chịu tác động tiêu cực bởi điều
kiện làm việc, người dân chịu tác động tiêu cực bởi sự tàn phá môi
trường; các doanh nghiệp là chủ thể gây ra những bất công về dân sinh,
đất đai môi trường; các cơ quan quản lý nhà nước cùng các chính sách,
văn bản bất hợp lý, bất công liên quan; các tổ chức quốc tế liên quan
đến những lĩnh vực hoạt động của Phong trào.
- Phong trào có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, tập trung vào
những tỉnh, thành phố xảy ra tình trạng tiêu cực gay gắt đối với dân
sinh, đất đai và môi trường.
- Mục tiêu của Phong trào:
- Hỗ trợ người dân giải quyết phần nào những thiệt thòi phải gánh
chịu từ các chính sách bất hợp lý và bất công, quá trình thực hiện chính
sách thiếu công bằng hoặc phát sinh tiêu cực
- Hỗ trợ nông dân và thị dân giải quyết những bất hợp lý và bất công
liên quan đến đất đai như cơ chế thu hồi đất, giá cả bồi thường, chế độ
cưỡng chế, tái định cư, việc làm sau giải tỏa, hành động khiếu kiện và
khiếu tố, những trường hợp bị bắt giữ, bắt giam và chịu án do đấu tranh
phản đối bất công trong thu hồi đất…
- Hỗ trợ công nhân giải quyết những bất hợp lý và bất công liên quan
đến điều kiện làm việc như chế độ lương, cường độ làm việc, chế độ nghỉ
việc, bị đối xử thô bạo hoặc bị bạo hành tại nơi làm việc…
- Hỗ trợ người dân giải quyết những bất hợp lý và bất công liên quan
đến môi trường như nạn ô nhiễm môi trường trong không khí, sông hồ và
dưới lòng đất, tình trạng xả lũ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mạng
và môi trường, tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi gây ảnh ưởng đến
môi trường sống và môi trường tự nhiên…
- Kêu gọi, vận động các tổ chức quốc tế liên quan đến những lĩnh vực
hoạt động của Phong trào, kể cả những nhà nước tiến bộ trên thế giới
ủng hộ Phong trào và tác động đến Nhà nước Việt Nam nhằm giải quyết và
khắc phục tình trạng tiêu cực về dân sinh, đất đai và môi trường.
- Phương châm hành động của Phong trào:
- Phong trào là một thành phần của Xã hội dân sự ở Việt Nam, lấy mục tiêu xã hội làm trọng yếu.
- Phong trào hành động theo phương châm “Công bằng, bền vững và vì mọi người” của các tổ chức phi chính phủ tại các quốc gia phát triển trên thế giới.
- Phong trào hoạt động theo phương châm ôn hòa, bất bạo động, không
nhằm mục tiêu thay thực hiện hành vi chính trị như thay thế hoặc lật đổ
chính quyền.
- Phương pháp hành động của Phong trào:
- Vận dụng hệ thống truyền thông với vai trò đặc biệt của báo chí
trong nước và quốc tế nhằm chuyển tải những nội dung cần cảnh báo, phân
tích, điều tra, tố cáo.
- Tiếp cận chặt chẽ với người dân và những đối tượng bị tổn thương
bởi bất công xã hội. Xây dựng các nhóm hành động công bằng trong nông
dân, công nhân và thị dân.
- Thực hiện hình thức thu thập chữ ký trên mạng và trên giấy đối với
các văn bản liên quan đến đến nội dung hoạt động của Phong trào như
Tuyên bố, Kiến nghị, Thông báo… Tổng hợp chữ ký được gửi đến các cơ quan
chức năng của chính quyền và những doanh nghiệp liên quan.
- Gửi đơn thư khiếu nại và kiến nghị trực tiếp đến các cơ quan chính
quyền và doanh nghiệp, hoặc gián tiếp qua mạng Internet hoặc bưu điện.
- Trong hình thức kiến nghị trực tiếp, Phong trào tổ chức nhóm làm
việc, trao đổi, đối thoại với các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp
liên quan.
- Phối hợp và liên kết với các tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm
tác động đến các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp có liên quan ở Việt
Nam.
- Tổ chức sinh hoạt về các chủ đề kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, khoa học với hình thức diễn giả và hội thảo, tọa đàm.
- Thực hiện những hình thức phản biện và phản đối khác nếu thấy cần thiết.
- Tổ chức của Phong trào:
- Phong trào là tập hợp tự nguyện của trí thức, công nhân và nông
dân – những người tự nguyện dấn thân vì cộng dồng, không phân biệt thành
phần và tôn giáo. Phong trào mong mỏi nhận được sự tham gia và hỗ trợ
của thành phần trí thức đương nhiệm trong hệ thống đảng và chính quyền.
- Ban điều hành: Phong trào được đại diện bởi ban điều hành. Ban điều hành được phân công hợp lý theo các lĩnh vực phụ trách.
- Địa điểm sinh hoạt: Phong trào cần có một địa điểm thường xuyên để
sinh hoạt về thông tin và phương thức, cách thức đấu tranh đòi quyền
lợi.
- Tài chính: do sự đóng góp tự nguyện của các thành viên tham gia.
Phong trào kêu gọi tấm lòng hảo tâm tương thân tương ái của các doanh
nghiệp, trí thức và người dân trong nước và hải ngoại.
- Đào tạo: Phong trào chú trọng đến hoạt động đào tạo về kỹ năng
truyền thông, vận động, diễn giả, đối thoại với cơ quan công quyền và
doanh nghiệp, luật pháp…
* Lộ trình và hành động cụ thể của Phong trào:
- Phong trào ra tuyên bố hình thành.
- Dân oan và người chịu tổn thương ký tên vào Tuyên bố của Phong trào.
- Phong trào ký tên bên cạnh kiến nghị, khiếu nại của dân oan.
- Các cuộc khiếu kiện của dân oan mang danh nghĩa Phong trào, có biểu ngữ của phong trào.
- Gửi Tuyên bố của Phong trào cho các các tổ chức nhân quyền và môi trường quốc tế, được dịch sang tiếng Anh và Pháp.
- Vận động giới truyền thông quốc tế đưa tin bài về các vụ việc khiếu kiện.
- Người của Phong trào và dân oan phối hợp đến các cơ quan công
quyền, đại biểu, doanh nghiệp và báo chí để gửi đơn thư khiếu nại, tổ
chức đối thoại và chất vấn.
- Tổ chức văn phòng pháp lý giúp dân oan.
- In tờ rơi về nội dung khiếu nại và quyền con người để phát cho người dân.
- Tổ chức sinh hoạt chuyên đề, trao đổi thông tin, hội thảo, tọa đàm và định hướng đưa tin bài.
- Tổ chức đào tạo các kỹ năng, phối hợp với các tổ chức quốc tế.
- Tổ chức đào tạo và thực hành kỹ năng diễn thuyết.
- Tổ chức cho thành viên đi học ở nước ngoài về xã hội dân sự và hoạt động phi chính phủ.
- Vận động trí thức trong đảng và người dân tham gia Phong trào.
- Liên kết với một số hội đoàn nhà nước như Hội đất đai, Hội thủy lợi, Hội thủy sản, Hội môi trường, Liên đoàn lao động…
- Kiến nghị với ngành công an về một số vấn đề bảo vệ trật tự trị an xã hội.
- Hỗ trợ người dân hiểu biết hơn về quyền con người và các quyền dân
sự mà họ có để khiếu kiện và đấu tranh. Hỗ trợ người dân biết và hiểu
những kết quả có được từ đấu tranh chủ yếu xuất phát từ tác động của dân
chúng và quốc tế chứ không phải từ các cơ quan công quyền vô cảm.
- Phong trào có thể phối hợp với các nhóm xã hội trong tôn giáo như Công giáo, Phật giáo hòa hảo thuần túy, Phật giáo.
- Vận động các tổ chức quốc tế bảo trợ và tài trợ cho hoạt động
nghiên cứu về xã hội dân sự và phong trào dân sự quần chúng tại Việt
Nam.
- Liên kết và hợp tác quốc tế:
- Phong trào tiến hành mối liên kết và hợp tác sâu rộng với những tổ
chức phi chính phủ quốc tế về những vấn đề dân sinh, đất đai và môi
trường.
- Phong trào cần đặc biệt lưu tâm để có mối quan hệ gắn bó với những
tổ chức phi chính phủ quốc tế có mối quan tâm đến tình trạng bất bình
đẳng trong xã hội Việt Nam như DANIDA (Đan Mạch), SIDA (Thụy Điển),
Global Witness (trụ sở tại Anh), Tổ chức Hòa bình xanh, Chữ thập đỏ quốc
tế…
- Phong trào hướng đến việc tiếp nhận sự hỗ trợ của các nhà nước và
cơ quan ngoại giao quốc tế để hình thành và phát triển xã hội dân sự tại
Việt Nam.
——————-
Tác giả dự án này mong đợi những phong trào dân sự bảo vệ quyền
lợi và sinh mạng người nghèo sẽ được triển khai tại các địa phương trong
tương lai không xa.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
ĐT: 01235459338