Nguyễn Hưng Quốc
Mỗi lãnh tụ đều có một tầm vóc, một kích thước và một phong cách riêng. Nhưng khi đánh giá họ, để chính xác, cần đặt những cái riêng ấy vào một bối cảnh chung: Lịch sử. Mọi đánh giá đều phải có tính lịch sử. Từ góc độ lịch sử, một lãnh tụ có thể được đánh giá từ hai khía cạnh: Một, những gì họ kết thúc và hai, những gì họ mở ra.
Trong bài “Mandela for the Ages” đăng trên tờ Project Syndicate số ra
ngày 6 tháng 12 năm 2013, Gareth Evans, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao của
Úc, Chủ tịch Nhóm giải quyết các khủng hoảng quốc tế (International
Crisis Group) thuộc Liên Hiệp Quốc, nêu lên một nhận xét sâu sắc về
Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi, người vừa mới qua đời ngày 5
tháng 12 vừa qua: Không có Mandela, chế độ kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi
thế nào cũng kết thúc trước sức ép nặng nề của thế giới; nhưng nếu không
có Mandela, sự chuyển tiếp của Nam Phi sau thời kỳ kỳ thị chủng tộc
chắc chắn sẽ nhiều gập ghềnh, khúc khuỷu và có khi đẫm máu. Như những gì
Slobodan Milošević đã gây ra cho Yugoslavia và Robert Mugabe đã gây ra
cho Zimbabwe, v.v..
Trong bài “Madiba put his country above all else”, Deborah Snow,
phóng viên đài ABC của Úc kể lại kỷ niệm của bà về cuộc phỏng vấn
Mandela lúc ông mới ra khỏi nhà tù vào năm 1990, cuộc phỏng vấn mà bà
cho là để lại nhiều ấn tượng nhất trong suốt hơn 30 năm làm báo của bà.
Ấn tượng sâu đậm nhất, với bà, là, trong suốt cuộc phỏng vấn, Mandela,
một người vừa mới thoát khỏi 27 năm tù đày, đã không nói gì về những
kinh nghiệm đau đớn, cay đắng và oán hận đã qua mà chỉ say sưa bàn về
tương lai, về viễn kiến đối với đất nước, về sự tự do, bình đẳng, hòa
bình và thịnh vượng của mọi người.
Trong bài “Nelson Mandela: By far the greatest man” đăng trên báo The
Age ngày 6 tháng 12 năm 2013, Malcolm Fraser, cựu Thủ tướng Úc, người
từng gặp Mandela vài lần, cũng có nhận xét như thế: Nói chuyện với
Fraser, ngay sau khi mới ra khỏi nhà tù, Mandela đã từ chối nói chuyện
về quá khứ, ông chỉ muốn nói đến tương lai.
Những nhận xét của Evans, Snow và Fraser cũng dễ dàng được bắt gặp ở
các chính khách và các cây bút khác trên thế giới khi nhận định về
Mandela: Với họ, đó là một người trở thành vĩ nhân, hơn nữa, một trong
những vĩ nhân đáng kính phục nhất trong cả thế kỷ, nhờ vào những mơ ước
hướng về tương lai và nhờ những con đường ông đã mở ra cho đất nước của
ông cũng như những cảm hứng ông đã gợi lên cho nhân loại. Khi trở thành
cảm hứng của nhân loại, ông cũng đồng thời trở thành một trong những
lãnh tụ của nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà, khi nghe tin Mandela
mất, một số quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ, đã ra lệnh hạ quốc kỳ của
họ xuống một nửa cột cờ để bày tỏ sự kính trọng và thương tiếc, một nghi
lễ hiếm hoi dành cho những người được xem là lãnh tụ mang tầm vóc quốc
tế.
Có thể nói cái lớn của Mandela là biết nhìn về phía trước, biết
khuyên mọi người nhìn về phía trước để cùng nhau xây dựng một đất nước
trong đó luật pháp và sự bình đẳng phải được tôn trọng. Để tránh ngộ
nhận, cần lưu ý: Với Mandela, quên quá khứ hay tha thứ những tội ác
người khác đã làm cho mình và dân tộc mình không đồng nghĩa với sự thỏa
hiệp, nhân nhượng hay dễ dãi. Ngược lại. Lúc nào ông cũng trung thành
với một nguyên tắc: công chính. Tha thì tha nhưng sự công chính phải
được thực hiện cho mọi người. Sự tha thứ đi liền với sự đòi hỏi một cách
quyết liệt. Nhờ thế, quá trình chuyển tiếp từ một chế độ kỳ thị chủng
tộc đến một chế độ tự do, bình đẳng và dân chủ mà Mandela thiết lập tại
Nam Phi đã trở thành một kiểu mẫu của thế giới.
Từ kinh nghiệm của Nelson Mandela, nhìn lại giới lãnh tụ Việt Nam trong mấy chục năm vừa qua, chúng ta thấy gì?
Thấy, rõ nhất, tầm vóc của họ đều được hình thành từ những gì họ kết
thúc: Họ chấm dứt chủ nghĩa thực dân của Pháp năm 1954 và kết thúc sự
chia cắt đất nước năm 1975. Nhìn từ góc độ này, một số người trong họ,
như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, đã được nhiều người Việt Nam ngưỡng
mộ và không ít người trên thế giới kính phục. Coi như thần tượng.
Nhưng sau sự kết thúc oanh liệt ấy, họ mở ra những gì?
Chỉ có tai họa.
Trùng trùng tai họa.
Tai họa cho dân chúng.
Tai họa cho đất nước.
Tai họa cho cả nhiều thế hệ mai sau do những con số nợ nần chồng
chất, do những cơ chế vừa nặng nề vừa bất nhân lại vừa vô hiệu, và quan
trọng hơn, do sự suy thoái về xã hội và băng hoại về đạo đức.
Trong số các nhà lãnh đạo Việt Nam, sau này, nhìn lại, hầu như chỉ có
hai người được khen ngợi ít nhiều vì đã mở ra một cái gì đó: Thứ nhất
là Trường Chinh, những năm cuối đời, đã quyết định đổi mới; và thứ hai,
Võ Văn Kiệt, người đã có công “xé rào” để dám thay đổi, dù chỉ một phần,
một số chính sách kinh tế sai lầm của đảng Cộng sản. Nhưng những cái
mới mà cả Trường Chinh lẫn Võ Văn Kiệt mở ra đều là những cái mới nửa
vời: Kết quả, người ta chỉ thấy vài cuộc “xé rào” nho nhỏ, vá víu, lặt
vặt.
Ngoài Trường Chinh và Võ Văn Kiệt, tất cả những người khác trong giới
lãnh đạo đều chỉ biết quay đầu nhìn vào quá khứ, trên đó, người ta xây
dựng chiếc ghế và kho tiền của mình.
Điều oái oăm là khi chiếc ghế và kho tiền bạc châu báu của họ càng
cao, tầm vóc của họ, dưới mắt quần chúng cũng như trong lịch sử, càng
thấp xuống. Càng lùn tịt.
Nguyễn Hưng Quốc