Tin liên quan:
Đôi lời: Hai câu hỏi trên liên quan tới hai bài báo hôm nay trên Tuổi trẻ và Pháp luật TPHCM: + Ai mật báo để Dương Chí Dũng bỏ trốn? + Sắp xử em trai Dương Chí Dũng.
Trước hết, thật nực cười cho ông Hội thẩm nhân dân, cho là phiên tòa xử về tham ô, “không liên quan gì đến án bỏ trốn, nên bị cáo có khai hay không cũng không quan trọng.”
Có hai điều nực cười. 1- Vụ bỏ trốn của DCD là tình tiết tăng nặng
cho việc quyết định mức án trong vụ này, vậy thì sao lại không cần làm
rõ nó được? 2- Nghiêm trọng hơn, không loại trừ khả năng kẻ báo cho DCD
trốn lại chính là đồng phạm, thậm chí “đầu vụ” trong cả tiến trình tham ô
ăn cắp của DCD, muốn “cứu” y nhưng chính là để cứu mình và toàn bộ băng
nhóm.
Và câu hỏi thứ hai, liên quan tới phiên tòa có lẽ sẽ “hấp dẫn” hơn
nhiều, ngay trong tuần này, là ai mới thực sự đóng vai trò tổ chức cho
DCD bỏ trốn. Có phải là Dương Tự Trọng, cựu Phó Giám đốc Công an Hải
Phòng, như bài báo nêu, hay là nhân vật cao hơn – chính là kẻ đã gọi
điện trực tiếp báo cho DCD bỏ trốn, hay còn kẻ “to đầu” nữa?
Để góp phần gợi mở những nghi vấn trên, xin bổ sung cho lời bình ngày 13/12 và ngày 14/12
của chúng tôi, là theo một số nguồn tin trong báo giới thì kẻ gọi điện
đó không những đã đóng vai trò quyết định hoàn toàn quá trình bỏ trốn
của DCD, mà còn chính là người chủ chốt trong quá trình điều tra vụ án
này. Biết đâu cũng có thể trong phiên tòa tới, kẻ này nếu như bị tiết lộ
danh tính, thì chỉ được cho là “vì tình cảm” mà “vô tình” để lộ bí mật
mà thôi, và sẽ được tòa lờ đi trách nhiệm hình sự tầy đình?
Thế nhưng… một trong những câu hỏi to đùng bao trùm mọi câu hỏi là
ông Tổng bí thư cùng ê-kíp “chỉnh đốn đảng” của ông có đi tới cùng khi
con bài tẩy đang nằm trong tay, chỉ tính riêng vụ này, ngon ơ để lau cạn
những giọt nước mắt nghẹn ngào trước công chúng năm ngoái? Hay ông sẽ
phải thỏa hiệp bởi sẽ đụng phải rất nhiều nhân vật tai to mặt lớn khác,
và bởi ông cần “trả ơn” cho những thỏa hiệp với ông qua cú thông qua
Hiến pháp vừa rồi? Hay là ông sẽ … lật kèo?
Câu hỏi to đùng khác nữa, là ngoài ông TBT, có còn thế lực nào muốn
“tham chiến” trong vụ này, mà ông khó kiểm soát nổi, để đích nhắm tới là
cuộc đua vào Đại hội đảng 12?
BT Diễn đàn Xã Hội Dân Sự
* * *
Ai mật báo để Dương Chí Dũng bỏ trốn?
16/12/2013 10:37 (GMT + 7)
TT – Tại phiên xét xử Dương Chí Dũng, tòa đã yêu cầu bị cáo này
cho biết ai đã mật báo tin sẽ bị khởi tố để bị cáo này bỏ trốn, nhưng
Dương Chí Dũng một mực không chịu nói.
Bị cáo Dương Chí Dũng (trái) tại phiên xử ngày 13-12 Ảnh: DOÃN TẤN
Đó là câu hỏi chưa được trả lời trong phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại Vinalines.
Trong phiên tòa này, khi tòa đề cập việc ai báo tin sẽ bị khởi tố,
Dương Chí Dũng trả lời: “Tôi đã khai ở cơ quan điều tra rồi, không khai
lại ở đây nữa, không tiện nói tên người báo”. Tình tiết này đang được dư
luận rất quan tâm. Câu hỏi được đặt ra là có cần thiết công khai danh
tánh người báo tin cho Dương Chí Dũng? Liệu có chuyện bỏ lọt người, lọt
tội?
* Ông Nguyễn Sĩ Cương (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Đông đảo cử tri đều quan tâm
Cá nhân tôi và chắc là đông đảo cử tri đều quan tâm đến một chi tiết
hết sức quan trọng, đó là: ai mật báo cho ông Dương Chí Dũng thông tin
về việc bị khởi tố và tạm giam, để ông này bỏ trốn?
Tôi còn nhớ, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 14-6-2012
liên quan đến vấn đề ông Dương Chí Dũng bỏ trốn trước khi thi hành lệnh
bắt tạm giam, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: “Chúng tôi
đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ nguyên nhân ông Dương Chí
Dũng bỏ trốn, xem có lộ, lọt thông tin hay không. Nếu có thì phải điều
tra xử lý theo pháp luật”.
Rõ ràng người ngoài thì không thể biết được các thông tin mật của vụ
án, phải là người trong cuộc. Nếu làm rõ được câu hỏi này, tôi tin rằng
sẽ góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy công quyền.
* Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương):
Không thể để trôi qua
Lâu nay không phải không có ý kiến băn khoăn trong chống tham nhũng
ta nói nhiều nhưng làm chưa tương xứng, hay nói đúng hơn là làm không
đáp ứng được yêu cầu. Gần đây, qua bước đầu xét xử một số đại án tham
nhũng, trong đó có vụ án Vinalines với những bản án hết sức nghiêm minh,
những ai quan tâm đến lĩnh vực này đều nhận thấy thật sự có bước chuyển
động.
Hơn lúc nào hết, các cán bộ, đảng viên làm công tác tư pháp, công
tác điều tra, kiểm sát… có liên quan đến những vụ án lớn đã, đang và sẽ
được đưa ra xét xử phải chứng minh cho dư luận thấy sự công tâm, trí tuệ
và khách quan của mình. Không chỉ là xét xử đúng người, đúng tội, đúng
pháp luật mà còn không được để lọt tội phạm, gây băn khoăn trong dư
luận. Chẳng hạn như trong vụ án Vinalines, cần làm rõ khởi nguồn việc
Dương Chí Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan chức năng thi hành lệnh bắt,
khám xét… Vai trò của em trai bị cáo là ông Dương Tự Trọng đến đâu và có
hay không vai trò mật báo của ai nữa? Không thể để cho việc này trôi
qua mà không được làm rõ.
*Luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu):
Tình tiết quan trọng cần làm rõ
Người mật báo cho Dũng là ai? Làm sao biết được thông tin để báo tin
cho bị cáo Dũng? Những vấn đề này rất cần phải được làm sáng tỏ. Tuy
tình tiết này không liên quan trực tiếp đến việc xác định tội danh, sai
phạm của Dương Chí Dũng tại Vinalines nhưng nó cũng nằm trong chuỗi sự
kiện diễn biến khách quan của vụ việc, cần phải làm rõ mới giúp hội đồng
xét xử đánh giá toàn diện, khách quan về vụ án.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử có hỏi đến việc này nhưng bị cáo Dũng
từ chối khai báo mà nói đã khai tại cơ quan điều tra và không muốn khai
tại phiên tòa này nữa. Theo điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự, nguyên tắc
xét xử của tòa án là công khai. Tại sao có những vấn đề có liên quan
chặt chẽ đến vụ án mà lại không công khai tại phiên tòa? Việc tòa dừng
lại, không truy tiếp đối với Dương Chí Dũng về tình tiết này khiến những
người dự tòa cảm thấy hụt hẫng vì bị ngắt khúc.
Xét về mặt chứng cứ, tình tiết có cuộc điện thoại báo tin cho Dương
Chí Dũng biết rất quan trọng, cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ để
xem xét xử lý. Đáng lẽ khi xét hỏi đến vấn đề này, hội đồng xét xử cần
hỏi tiếp để xác định trách nhiệm của người mật báo cho Dương Chí Dũng,
làm rõ luôn việc người này có bị xem xét trách nhiệm trong vụ án “tổ
chức người khác trốn đi nước ngoài” (sắp tới sẽ xét xử) hay chưa? Nếu
qua xét hỏi, thấy người gọi điện cho ông Dũng chưa được xem xét trong vụ
án đó thì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, hội đồng xét xử có thể kiến nghị
cơ quan điều tra, viện kiểm sát làm rõ hoặc ra quyết định khởi tố vụ
án.
* Ông Nguyễn Thanh Hà (Hội thẩm nhân dân phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại Vinalines):
Phiên tòa này không liên quan tới án bỏ trốn
Phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi, tranh luận. Các bị cáo, luật sư,
người liên quan cũng như đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại
phiên tòa không còn ý kiến gì. Về việc Dương Chí Dũng không khai tên
người báo tin cho Dũng bỏ trốn, phiên tòa sắp tới đây sẽ làm rõ điều đó.
Việc này liên quan đến vụ án xét xử những tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ
trốn, điều đó buộc phải làm rõ. Còn phiên tòa này là án cố ý làm trái
quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và
tham ô tài sản, không liên quan gì đến án bỏ trốn, nên bị cáo có khai
hay không cũng không quan trọng.
* Kiểm sát viên Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện KSND Q.3, TP.HCM):
Phải xem xét đầy đủ trong vụ án tiếp theo
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bị cáo có quyền khai hay
không khai nhận hành vi của mình. Trường hợp bị cáo từ chối khai báo tại
phiên tòa thì hội đồng xét xử có quyền căn cứ vào các chứng cứ và lời
khai khác để xét xử. Những trường hợp cần thiết, nếu bị cáo không khai
báo, tòa có quyền công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra.
Trong vụ án này, Dương Chí Dũng đang bị xét xử về tội tham ô, cố ý
làm trái, việc làm rõ làm sao bị cáo biết thông tin bị khởi tố để bỏ
trốn tuy có ý nghĩa làm rõ thêm các tình tiết của vụ án nhưng không ảnh
hưởng đến việc xác định tội phạm của Dương Chí Dũng. Theo tôi biết, việc
Dương Chí Dũng bỏ trốn và những cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ bị cáo bỏ trốn
đã được khởi tố điều tra để xem xét trong vụ án khác. Khi xử vụ án này
tòa cần triệu tập Dương Chí Dũng, nếu lúc đó mà tòa không truy vấn, làm
rõ để xem xét trách nhiệm của người điện thoại mật báo cho Dũng bỏ trốn
thì mới bị xem là vi phạm tố tụng, bỏ qua dấu hiệu tội phạm.
V.V.THÀNH – C.MAI – T.LỤA thực hiện
* * *
Sắp xử em trai Dương Chí Dũng
Đó là ông Dương Tự Trọng (nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý
hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an), người chủ mưu tổ chức cho
Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài.
Tin từ TAND TP Hà Nội cho biết dự kiến trong tuần này, sau khi
tuyên án vụ Vinalines, tòa này sẽ đưa vụ án tổ chức người khác trốn đi
nước ngoài ra xét xử. Bị cáo đầu tiên trong vụ án này là Dương Tự Trọng,
em trai Dương Chí Dũng, người đang phải đối mặt với án tử hình trong vụ
án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Quá nửa số bị cáo trong vụ án này trước khi bị khởi tố là cán bộ công
an, trong đó Dương Tự Trọng là Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành
chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải
Phòng.
Hành trình đào tẩu của Dương Chí Dũng
Theo cáo trạng, chiều 17-5-2012, Dương Chí Dũng biết được thông tin
sẽ bị khởi tố và bắt tạm giam (về tội cố ý làm trái…) nên đã thông báo
với em trai là Dương Tự Trọng (khi đó đang là Phó Giám đốc Công an TP
Hải Phòng). Trọng đã hướng dẫn Dũng tạm thời đến trốn tại nhà bạn gái
Trọng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Kế đó, Trọng đã bàn bạc, thống nhất giao cho Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó
Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng) tổ
chức, chỉ đạo, phân công các cá nhân khác sử dụng xe ô tô chở Dũng từ Hà
Nội về Quảng Ninh, sau đó vào TP.HCM và lên cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)
rồi tổ chức cho Dũng trốn sang Campuchia.
Ông Dương Tự Trọng khi còn đương chức. Ảnh: CTV
Sáu ngày sau khi nhận được cú điện thoại mật báo, Dũng đã đặt chân
lên đất Campuchia. Hôm sau, Dũng từ Campuchia sang Singapore để từ đây
làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ.
Do không được phép nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27-5, sau khi quay về
Campuchia, Dương Chí Dũng đã thông báo cho Dương Tự Trọng biết. Trọng
lại sai người sắp xếp cho Dũng trốn tại Campuchia. Sau đó, Trọng đã đưa
cho Vũ Tiến Sơn 30.000 USD chuyển cho Dũng để Dũng có tiền chi phí trong
thời gian trốn tại đây…
Đến ngày 4-9-2012, tức gần bốn tháng sau ngày chạy trốn, Dương Chí
Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ và đưa về Việt
Nam.
Không thành khẩn
Theo cáo buộc của VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội
có tổ chức do Dương Tự Trọng chủ mưu, cầm đầu. Vũ Tiến Sơn là người tổ
chức thực hiện theo chỉ đạo của Trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi như sử
dụng sim rác điện thoại, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên
lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao
cho các đồng phạm thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu hành
vi phạm tội…
Hành vi của Trọng, Sơn và những bị cáo khác, theo nhận định của VKS,
“đã cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án, cố ý
làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm
trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam do cơ
quan CSĐT (Bộ Công an) khởi tố điều tra mà Dương Chí Dũng là bị can
chính trong vụ án”. Nó còn “tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây mất
lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ
quan bảo vệ pháp luật”.
Cáo trạng cũng thể hiện trong khi các bị can khác đều “khai báo
thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội” thì Dương Tự Trọng “chưa thành
khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội”.
Dương Tự Trọng bị truy tố theo khoản 3 Điều 275 BLHS về tội tổ chức
người khác trốn đi nước ngoài trái phép với mức án cao nhất là 20 năm
tù.
Dương Chí Dũng khai bỏ trốn vì quá hoảng
Tại phiên tòa vừa diễn ra, Dương Chí Dũng khai chiều tối 17-5, bị cáo nhận được cuộc điện thoại từ người quen cho biết bị cáo bị khởi tố. “Lúc đó tôi hoảng quá, tất cả rối bời, chỉ nghĩ phải đi càng xa TP Hà Nội càng tốt. Tôi nhận điện thoại thì đi luôn không về nhà” – Dũng cho hay.
“Trốn là một sai lầm. Sai lầm nọ dẫn đến sai lầm kia. Đây là cái dở nhất. Lúc đó tôi tính sang Campuchia rồi sang Mỹ. Tới Mỹ, họ không cho tôi nhập cảnh và trả tôi về lại Campuchia theo đúng vé khứ hồi. Sau đó, tôi bị bắt ở Campuchia” – bị cáo nói thêm.
“Người quen đó là ai?” – chủ tọa hỏi. “Bị cáo không muốn nói ra ở đây. Nếu tòa buộc khai thì tôi sẽ khai nhưng việc này đang liên quan đến một vụ án khác mà nói ra ở đây mọi người hiểu không đúng vấn đề sẽ tạo dư luận không tốt” – Dũng đáp.
- “Bị cáo lấy tiền ở đâu mà đi?” – chủ tọa truy tiếp.
- Vì tôi hay phải đi công tác nên trong cặp lúc nào cũng có sẵn hộ chiếu, giấy tờ tùy thân và đồ dùng cần thiết, tiền thì có sẵn, không ai đưa cho tôi cả nên cứ thế là tôi đi.
- Việc trốn ra nước ngoài, ngoài mục đích trốn tránh trách nhiệm không có mục đích nào khác chứ?
- “Tôi trốn đi chỉ vì quá hoảng loạn, không có mục đích nào khác, không có mục đích móc ngoặc với tổ chức nước ngoài để chống lại Nhà nước. Vì chống lại Nhà nước nghĩa là tôi chống lại bố mẹ tôi, bố mẹ vợ và chống lại sự nghiệp của mình” – Dũng trả lời.
ĐỨC MINH