Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Vui buồn lấy phiếu tín nhiệm

Mình thấy vui vui vì Quốc hội vừa tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 vị giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Vui vui vì đây là lần đầu tiên một sự kiện liên quan đến uy tín của nhiều cán bộ cao cấp được công khai. Vui thêm chút nữa vì việc này sẽ diễn ra hàng năm, đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hồi tháng 11 năm ngoái.

Vui vui nhưng cũng có phần chan chán vì không khỏi thắc mắc khi thấy đưa ra 3 mức tín nhiệm: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Như vậy không có cửa cho mức "không tín nhiệm". Như thế có nghĩa là, trước khi đưa ra bỏ phiếu, 47 vị này đều xứng đáng cả, chỉ có điều lấy phiếu để xem mức độ ra sao mà thôi.

Ngó trộm sang blog bạn, thấy Huỳnh Ngọc Chênh thắc mắc: Vậy là nhân sự trong bộ máy nhà nước đều rất tốt, đều hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, đều đạo cao đức trọng. Thế nhưng tại sao tình hình kinh tế chính trị xã hội đạo đức vẫn cứ sa sút?

Chợt nhớ hồi còn trẻ, đi chim gái, thích cô nào thì gạ gẫm: "Em có yêu anh không". Tất nhiên vì là con gái nên các cô hay trả lời vòng vo, nhưng nói kiểu nào cũng có thể rút ra câu trả lời "có" hoặc "không".

Thí dụ hồi tán bà xã nhà mình, khi mình ngỏ lời, nàng không nói không, cũng chẳng nói có, chỉ bảo: "Em vừa học xong, phải ổn định việc làm, phải báo hiếu mẹ ..." Ấy vậy mà mình rủ ra Bờ Hồ chơi cũng ô kê. Khi ra về lại còn bảo: "Yêu anh như thế này em sợ lắm". Mình suýt phì cười khi nghĩ tới câu nàng vừa nói trước đó: "em còn, em còn ...". May mà nhịn được chứ không thì đi đứt.

Nói thế để biết rằng, trong tình yêu, không có chuyện yêu nhiều, yêu, hay yêu ít. Vì như thế, chẳng hóa ra với một cô gái, chàng trai nào cô cũng yêu à? Chỉ "yêu" hoặc "không yêu" thôi chứ.

Trong việc tín nhiệm cũng thế, chỉ có tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Rất mong năm sau, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm theo tiêu chí này.

Mang tình yêu đem so sánh với việc chính trị có vẻ như là không nghiêm túc. Nhưng ngày xưa, thường ca ngợi vợ chồng phải là đồng chí của nhau mới là tình yêu tuyệt đẹp là gì. Mình cho rằng chuyện có, không ở 2 lĩnh vực này cũng có cái giống nhau của nó.

Nhưng đây mới chỉ là lấy phiếu lấy tín nhiệm ở Quốc hội thôi. Thôi thì được voi đòi Hai Bà Trưng, lại ước làm sao cho nhân dân được bỏ phiếu tín nhiệm những vị trí quan trọng của đất nước. Làm thế, hẳn sẽ cho được kết quả tích cực hơn.

Trong bài Tín nhiệm, không tín nhiệm và… từ chức, báo Đại Đoàn Kết cho rằng: Chính nhân dân - những người hàng ngày trực tiếp thụ hưởng hay chịu tác động trước các chủ trương, cách điều hành của những vị lãnh đạo cấp cao sẽ là người chấm điểm đúng nhất khả năng lãnh đạo của từng vị. Họ "chấm điểm” bằng cách, ủng hộ, tán đồng hay chê một chủ trương nào đó, một cách điều hành nào đó.

Hôm nay công bố kết quả lấy phiếu, lại thấy buồn: nhiều vị ở vị trí rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến cuộc sống nhân dân, đến nền kinh tế nước nhà lại nằm trong tốp người có số phiếu “tín nhiệm thấp” cao nhất, hoặc người có số phiếu “tín nhiệm cao” thấp nhất.

Có vị nằm ở cả hai tốp đó, chẳng chịu nhường cho ai như Mr Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Mr Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng.

Lại băn khoăn, sau khi lấy phiếu, biết được tín nhiệm của Quốc hội đối với từng vị rồi thì sao đây? Chẳng lẽ lại cứ để người uy tín lẹt đẹt thế vẫn chình ình ra đó tiếp tục điều hành những công việc có liên quan đến sinh mạng của dân, vận mệnh của đất nước à? Mình muốn cho mấy ông bà này nghỉ hẳn đi, đừng có thuyên chuyển từ chỗ nọ sang chỗ kia như ta thường thấy, chả khác gì đánh bùn sang ao.

Kết quả lấy phiếu chỉ phản ánh sự nhận xét của quốc hội. Còn dưới con mắt nhân dân, chắc chắn sẽ có nhiều điểm khác.

Dù sao thì việc lấy phiếu tín nhiệm này cũng là một tín hiệu đáng chú ý.

Cop cái kết quả này từ Ba Sàm về, thấy hay đáo để. Dễ nhìn, dễ nhận xét:


Mời bấm vào ảnh để xem toàn bộ kết quả. Photo: FB Nguyễn Lân Thắng.

TƯỜNG THỤY

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"