Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Lấy phiếu tín nhiệm là gì ?

Xích Tử
Quốc hội khóa XIII có sáng kiến về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, một mặt chứng minh cho quá trình được mở rộng dân chủ cho cái tổ chức rất dân chủ của mình, và mặt khác, minh họa cho việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 của đảng cộng sản cho những đảng viên do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Chính chương trình thời sự VTV1 tối 9/6/2013 đã công khai mục đích này: lấy phiếu tín nhiệm là xây dựng đảng. Hóa ra, ở Việt Nam, Quốc hội còn có chức năng xây dựng đảng.
Về mặt ngôn ngữ lập qui, việc tách riêng “lấy” và “bỏ” phiếu tín nhiệm rất khó dịch ra tiếng nước ngoài. Trong nghĩa gốc từ vựng mà người học tiếng Việt nào tiếp cận đầu tiên cũng phải nhớ, “lấy” và “bỏ” trái nghĩa nhau với nét nghĩa hoàn toàn khác cách sử dụng của Quốc hội trong nghị quyết chuyên đề này. Sự sai biệt đó sẽ làm khó cho diễn đạt hoạt động trong ngày 10/6/2013 : việc từng đại biểu cho lá phiếu của mình vào thùng được gọi là “lấy” hay “bỏ”. Chẳng hạn, đại biểu hỏi nhau “Anh đã lấy phiếu tín nhiệm xong chưa ?” nghe có thuận không ?

Với các đại biểu Quốc hội, khi đã được giải thích “lấy” và “bỏ” theo kiểu định nghĩa hành vi hóa với những giá trị được gán khác nhau của hai từ này, cái khó nhất là thực hiện những hành vi đó.
Trước hết, thế nào là tín nhiệm. Quốc hội không thể định nghĩa từ này. Tín nhiệm – tin (tưởng) là một trạng thái tình cảm – cảm xúc cá nhân; vì là cá nhân nên mỗi người mỗi khác ngay trong trường hợp không bị các yếu tố tác động gây nhiễu. Mỗi đại biểu Quốc hội là một cá nhân có trạng thái tín nhiệm khác nhau. Quốc hội cũng không thể cho một ví dụ bằng trường hợp cụ thể của sự tín nhiệm. Do vậy, suy cho cùng, tín nhiệm chỉ là đo đạc cảm nhận, rất chủ quan, cảm tính. Một hoạt động chính trị nghiêm túc lại được thực hiện như kiểu tham khảo dư luận xã hội như thế thì không có giá trị gì ngay trong Quốc hội.
Đối với công chúng, những ngày qua nhiều cơ quan truyền thông và một số vị lãnh đạo cho rằng đây là một cuộc bỏ phiếu kép. Nhận xét đó , hoặc nhầm lẫn, hoặc mị dân. Ở đây, như nghị quyết của Quốc hội, chưa phải là “bỏ” phiếu. Hơn nữa, trong cách thức bầu cử Quốc hội của Việt Nam, đại biểu hầu hết chưa phải là được nhân dân – cử tri tín nhiệm, với cảm nhận thực sự tự nhiên, chủ quan của mình. Ứng cử viên được đảng giới thiệu để dân bầu. Đó là những người dân không biết, nhưng không thể không đi bầu và không có nhiều phương án lựa chọn. Nhân dân có biết xu hướng tín nhiệm chủ quan của đại biểu đó như thế nào đâu mà đại biểu đó khi đại biểu thực hiện lấy phiếu tín nhiệm lại có thể đại diện cho cả cử tri. Mặt khác, do chất lượng bầu cử như vậy, đại biểu Quốc hội, xét cho cùng, cũng chỉ ngang bằng, có khi thấp hơn cử tri về chất lượng tín nhiệm; họ không có gì ưu trội, xuất sắc hơn các cử tri đã bầu ra họ nên lá phiếu tín nhiệm của họ cũng không đại diện cho cử tri. Trong cuộc tiếp xúc cử tri sắp đến, có đại biểu nào dám đưa ra và hỏi ý kiến cử tri về những phiếu tín nhiệm của mình. Và có thể sắp đến cần đưa ra lấy phiếu tín nhiệm của cử tri với các đại biểu mà họ đã bầu ra hay không ?
Đấy là cái khó của hành vi tín nhiệm nói chung. Cái chung đã khó thi khi hiện thực hóa nó thành những giá trị riêng cũng không khả tín được. Quốc hội không xây dựng được bộ tiêu chí thế nào là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Trước đó, các cơ quan giúp việc phục vụ cho hoạt động này công bố rằng đã cung cấp đầy đủ thông tin về các đối tượng được tín nhiệm cho đại biểu. Nhưng ráp các thông tin này vào thang đo 3 mức tín nhiệm đó như thế nào để có kết quả cảm nhận phân biệt ? Liệu đại biểu có đọc hết thông tin được cung cấp không và tại sao không có mức độ không tín nhiệm, một cấp độ hoàn toàn có thật trong cảm nhận của đại biểu về các đối tượng nói trên ?
Đúng là câu chuyện của sự nửa vời để mua vui, nhằm xoa dịu những bức xúc phẫn nộ và có thể căm thù của nhân dân với tình cảnh bế tắc của đất nước hiện tại. Do vậy, trước khi thực hiện hoạt động này, do đã được Tổng bí thư, nguyên Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội liên tục dạy bảo đại biểu Quốc hội, kết quả công bố sáng 11/6/2013 chỉ tiếp tục chứng tỏ đảng là một nhóm lợi ích khổng lồ trong hình hài con bạch tuộc bám chắc vào đời sống của đất nước này.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"