Mặc Lâm (RFA)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc
Đối thoại Shangri-La tại Singapore hôm 31/5/2013 - AFP photo
Bài phát biểu khai mạc Shangri-La của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được báo
chí khu vực đánh giá là đã nêu bật được Trung Quốc đang có những biểu
hiện nguy hiểm tại Biển Đông. Tuy nhiên sau đó Việt Nam đã không có gì
thay đổi khi vẫn tiếp tục đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc. Mặc
Lâm phỏng vấn TS. Jonathan Daniel London, người có nghiên cứu và làm
việc tại Việt Nam trong thời gian khá lâu để biết thêm nhận định của một
chuyên gia chính trị-xã hội học về đề tài này.
Mặc Lâm: Thưa TS vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát
biểu trong Đối thoại an ninh Shangi-La được báo chí khu vực xem là thay
đổi lớn của Việt Nam có liên quan đến vai trò của Trung Quốc. Theo ông
thì động thái này nói lên điều gì?
TS. Jonathan London: Trước hết mình có thể khẳng định là phát
biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là khác biệt. Nội dung của nó nói rất
rõ và mạnh. Theo tôi quan hệ đối ngoại của Việt nam sau sự kiện này sẽ
rất tốt. Đặc biệt trong tương lai nếu Việt Nam muốn bảo vệ quyền lợi
quốc gia của mình thì phải nỗ lực hơn nữa trong các phát biểu. Chẳng hạn
lãnh đạo Việt Nam có thể phát biểu bằng tiếng Anh. Muốn đẩy mạnh vị trí
của mình trước quốc tế thì phải nỗ lực trong các phát biểu hiệu quả
hơn. Ông Nguyễn Tấn Dũng là một nhân vật chính trị khá phức tạp ở Việt
Nam nhưng về phát biểu thì khá tốt.
Mặc Lâm: Có dư luận cho rằng sở dĩ ông Nguyễn Tấn Dũng mạnh dạn
phát biểu như vậy vì phe của ông ta đã thắng thế và những e ngại trước
đây đã được tháo bỏ sau khi hai nhân vật thuộc phe ông Dũng là bà Nguyễn
thị Kim Ngân và ông Nguyễn Thiện Nhân vào Bộ chính trị. TS có nhận xét
gì về nguồn dư luận này?
TS. Jonathan London: Theo tôi rất khó để đánh giá các phát biểu
của Nguyễn Tấn Dũng có phản ảnh liên quan đến việc bổ nhiệm bà Ngân và
ông Nhân vào Bộ Chính trị Việt Nam hay không. Tôi nghĩ cho đến bây giờ
thì ông Dũng đang có một vị trí rất phức tạp trong nền chính trị của
Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam hiện nay vẫn chưa thoát khỏi cách suy nghĩ
lạc hậu về nhiều mặt. Có thể nói bà Ngân và ông Nhân là một yếu tố mới
trong Bộ Chính trị Việt Nam. Hai người này có kinh nghiệm về những vấn
đề quốc tế và có thể nói họ giỏi hơn giới lãnh đạo cũ về quan hệ đối
ngoại.
Tóm lại những phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng có phản ảnh gì trong nội bộ
của Bộ Chính trị thì rất khó để đánh giá. Ít nhất chỉ có thể đánh giá là
ông ta có tự tin hơn một chút.
Mặc Lâm: Theo sự nhận xét của dư luận thì mặc dù ông Nguyễn Tấn
Dũng đã đưa ra những chính sách sai lầm về kinh tế nhưng hình như ông ta
là nguời cấp tiến và đang cố chứng tỏ mình muốn thoát ra khỏi sự kềm
chế của Trung Quốc. TS là nguời có thời gian dài làm việc và nghiên cứu
tại Việt Nam ông nghĩ sao về nguồn dư luận này?
TS. Jonathan London: Thật ra tôi chưa thiên về ý kiến cá nhân của
ông Nguyễn Tấn Dũng nên chưa thể đánh giá. Như anh biết, về vấn đề kinh
tế thì ông Dũng đã có những sai lầm rất nghiêm trọng. Ông không có khả
năng lãnh đạo Việt Nam một cách tài giỏi về các hồ sơ kinh tế. Nếu cho
rằng Nguyễn Tấn Dũng sẵn sàng đối phó với Trung Quốc một cách tự tin thì
vẫn chưa đánh giá được. Dựa trên nội dung phát biểu tại Singapore cho
thấy ông Dũng cũng đã nói khá thẳng thắn và trực tiếp về vấn đề này. Tôi
nghĩ phát biểu này là một bước đi đáng kể trong bối cảnh quốc tế hiện
nay.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã có thời gian để trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng
quốc phòng mới của Mỹ cũng là một khả năng đáng kể. Nói tóm lại tôi nghĩ
là cách phát biểu của ông Dũng có lợi cho nền chính trị và ngoại giao
của Việt Nam.
Chính sách với TQ
Trung Tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân
Trung Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào ngày 02
tháng 6 năm 2013. AFP photo
Mặc Lâm: Vừa qua các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lại tiếp tục bị đàn
áp thô bạo khi ông Dũng quay về Việt Nam. Phải chăng kịch bản mà ông
Dũng yêu cầu quốc hội thảo luận luật biểu tình vào năm 2011 đã được lập
lại?
TS. Jonathan London: Sự kiện vừa qua rất đáng buồn. Một lần nữa
người dân Việt Nam đã biểu tình đưa quan điểm của mình đối với hành vi
phi lý của Trung Quốc. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng cho Việt Nam mà
những người đi biểu tình phải đối phó với hành vi thô bạo của công an
thì tôi thấy rất buồn. Tôi thật sự hy vọng trong thời gian tới Việt Nam
sẽ phê duyệt luật biểu tình. Thật ra tôi đã đề cập đến vấn đề cải cách
chính trị ở Việt Nam rất nhiều và không chỉ riêng tôi mà nhiều người,
bất cứ ai muốn đòi hỏi cải cách chính trị một cách sâu rộng ở Việt Nam,
đều thấy vấn đề biểu tình cần thiết phải có.
Nếu muốn có một nền chính trị văn minh thì phải cố gắng tạo một không
gian cho dân Việt Nam để họ thể hiện quan điểm của họ một cách chính
đáng và văn minh mới được. Chuyện vừa qua hy vọng là lần cuối cùng mà
người dân Việt Nam bị bắt giữ, đàn áp và đánh đập vì họ chỉ muốn thể
hiện quan điểm, chính kiến của mình. Tôi hy vọng như thế.
Mặc Lâm: Là người bên ngoài nhưng có quan sát cụ thể tình hình
Việt Nam trong nhiều năm qua, theo TS chính sách mềm mỏng với Trung Quốc
của Việt Nam có mang lại kết quả nào không nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục
lấy sức mạnh kinh tế và quân sự uy hiếp Việt Nam?
TS. Jonathan London: Chính sách mềm mỏng của Việt Nam đối với
Trung Quốc là một vần đề lịch sử rất phức tạp, đặc biệt hiện nay khi
Trung Quốc mạnh lên. Tôi nghĩ Việt Nam nếu “chưa thấy” thì “nên thấy”
giữ chính sách mềm mỏng với Trung Quốc thì sẽ mất sự chú ý của quốc tế
về nhiều vấn đề khác nhau.
Nếu nhìn Việt Nam, dù biết đây là một nước đang phát triển nhanh và đã
có một lịch sử khó khăn nhưng thật sự rất ít người quan tâm đến Việt
Nam. Nếu Việt Nam muốn có một thế mạnh đối với Trung Quốc thì phải cố
gắng giải quyết những vấn đề bất cập về chính trị, nhân quyền và các thứ
khác trong nội bộ của nền kinh tế chính trị của mình. Tôi nghĩ nếu Việt
Nam có những tiến bộ bức phá thì quốc tế sẽ ủng hộ và giúp Việt Nam rất
nhiều.
Tóm lại chính sách mềm mỏng đối với Trung Quốc chắc chắn không phải là một điều hứa hẹn.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.