Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Tư duy phản biện: Đâu rồi câu hỏi Tại Sao?


- Con gì hay hỏi tại sao?
- Con người.
- Không phải. Con lợn.
- Tại sao?

TỪ TUỔI THƠ DỮ DỘI…

Tôi được nghe trò đùa về “Con gì hay hỏi tại sao?” lần đầu tiên cách đây mười mấy năm, nhưng cho đến tận bây giờ, dù nghe rất nhiều người khác bị lừa, vẫn không thể nào cười được. Người ra câu đố thì mừng ra mặt vì người trả lời đã mắc lỡm của mình, trở thành một “con lợn” đi hỏi “tại sao”. Chúng ta đều đã vấp phải không ít những trò đùa như vậy, cũng đem đi đùa người khác nhiều. Sở dĩ đùa được vì các “nạn nhân” nghiễm nhiên công nhận cái sân chơi do người đố đặt ra mà không suy nghĩ xem người đó có cơ sở nào chắc chắn hay không.
- Em thưa cô, bài giải này chỗ phép tính đầu tiên em chưa hiểu?
- Chưa hiểu chỗ nào?
- Dạ phép tính đầu tiên ạ. Tại sao nó lại như thế, rồi được như thế ạ?
- Con tính này thì có cái gì đâu mà không hiểu. Lý thuyết này học rồi. Bạn hỏi nữa thì tôi cho bạn 0 điểm!

Học rồi. Tự tìm hiểu. Tự luyện tập. Trẻ con không được cãi. Cô bảo thế. XYZ nói thế. Muôn vàn cách chặn họng các câu hỏi tại sao của thiếu niên khi mà chính người dạy không biết rõ câu trả lời, ngại giải thích hoặc không biết cách giải thích, trong khi vẫn muốn giữ sĩ diện. Thiếu niên thì sợ bị mắng, sợ bị điểm kém, lại bị áp đặt một cách lạm dụng câu “Cá không ăn muối cá ươn” nên chỉ biết răm rắp nghe theo. Ví dụ bài thơ trong sách giáo khoa thì nghiễm nhiên phải hay, trò thấy không hay cũng được thôi, nhưng kiểm tra mà viết thế thì cô cho điểm kém.

… ĐẾN PHẢN BIỆN LỆCH LẠC

Anh Đinh Tiến Dũng, trong chuyến thực tập khi còn là sinh viên trường ĐH Nông Nghiệp, có giải thích cặn kẽ cho các bác nông dân về nguyên nhân tại sao lá ngô bị quăn. Nghe xong một bác nói: “Chả cần biết nguyên nhân chỉ nhớ là khi nào lá quăn thì tưới nhiều nước lên thế là được”. Ngày nay, sinh viên là những người nghiên cứu khoa học trẻ, vậy mà không ít bạn cũng chỉ biết răm rắp dùng luôn cái kết quả cuối cùng của thầy cô hoặc bạn bè nói, mà ngại không hỏi xem tại sao lại được như vậy.
Vài năm gần đây, chúng ta mới nhận ra rằng: Phải mất rất nhiều thời gian va đập và rèn luyện sau khi đi làm, một người mới lấy lại được tư duy phản biện vốn có của mình. Các trường đại học tân tiến đang dốc sức tìm mọi phương pháp làm cho sinh viên DÁM phát biểu suy nghĩ, hay nói một cách khác là tìm lại câu hỏi “Tại sao”của họ.
Nhưng việc xung đột phương pháp giữa các bậc đào tạo không phải không để lại hậu quả. Một bộ phận các thanh thiếu niên ngày nay ngộ nhận phản biện làquyền được chống đối, lấy sàm ngữ mà chửi rủa đúng sai, coi việc lộng ngôn là tự do ngôn luận. Biết bao “anh hùng bàn phím” lúc đóng cửa lên mạng ở nhà thì oai phong lắm, buông lời lăng mạ bạn bè, thầy cô rồi cả ngôi trường của mình, nhưng đến khi nghiêm túc tranh luận đối diện với người khác thì im như thóc. Phải vậy mà giáo sư Văn Như Cương trong chương trình trò chuyện đầu xuân đã nhắc nhở các học trò: Xưa “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” thì nay ta cũng phải “vặn tay năm sáu lần trước khi gõ con chữ từ bàn phím” mới được.

BẢN LĨNH PHẢN BIỆN

Tư duy phản biện không phải là đi ngược lại việc “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”, cũng không phải là khi nghe người ta nói đúng thì mình cãi thành sai, thấy bảo là cho thì cãi thành nên cấm. Tư duy phản biện trước hết là việc đặt ra những câu hỏi: Tại sao họ nói như vậy? Vì sao điều này được đưa ra? Nguyên nhân và chứng cứ nào dẫn đến việc này?
Khi tiếp xúc phải một vấn đề gây tranh cãi, đỉnh cao của việc tranh biện không phải là tìm ra ai thắng ai thua, mà là chính là lắng nghe. Người tranh biện phải tôn trọng và lắng nghe cho trọn vẹn quan điểm và sự giải thích của đối thủ, rồi khi đến lượt của mình thì trình bày cũng phải súc tích, rõ ràng và ngắn gọn để người nghe có thể hiểu được.
Bản lĩnh phản biện không nằm ở chỗ một người có dám nói lên chính kiến và suy nghĩ của mình hay không, mà nằm ở chỗ anh/cô ta có dám lắng nghe cho đầy đủ rồi mới phản biện lại rõ ràng cho người khác hiểu hay không. Bởi khi trì hoãn lời phản đối để lắng nghe cho đủ, não bộ con người mới có thể nhận đủthông tin để tư duy. Từ đó tư duy phản biện mới giúp chúng ta từ chỗ không biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều hoặc phát hiện ra chỗ không đáng tin, cần phải nghiên cứu để thay đổi lại cho đúng. Có như vậy tư duy phản biện mới được coi là chìa khóa cho sự sáng tạo và phát triển được.
Lắng nghe, phân tích, đưa ra ý kiến là ba cụm từ đã quá quen thuộc với sinh viên, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy rằng đại bộ phận chúng ta nhiều khi chỉ làm được một nửa vế “đưa ra ý kiến”. Giám đốc NASA, ông Charles Bolden, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12 vừa qua đã chia sẻ: “Giới trẻ, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ cần tìm hiểu thật nhiều thông tin, lắng nghe cặn kẽ từ nhiều nguồn để có đủ kiến thức khoa học xã hội. Từ đó mới dần dần hình thành cho bản thân một tư duy phản biện chắc chắn, phản biện một cách logic trước mọi vấn đề”. Còn nếu có băn khoăn về động lực tìm hiểu thông tin ở đâu ra, thì xin được trả lời rằng: Con người hay hỏi tại sao.
______________________
Biên tập và hình ảnh: [Admin TKN] @ Wegreen Vietnam
Nguồn: http://cocdoc.fpt.edu.vn/
— with Hà Anh and Duy Anh.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"