Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Thím Tiến và những bài học chính trị vỡ lòng

Kami

Suýt sặc, khi đang lướt nét thấy tin thím Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hôm 27-5 trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, thím phán rằng "Thiếu giường bệnh thì... phải hỏi Nhà nước!”. Chắc chắn sẽ cũng có không ít người vẫn còn bị choáng về câu nói của bà Bộ trưởng - một chính trị gia Việt nam.
Cũng sẽ có nhiều người sẽ thắc mắc đặt câu hỏi, vậy Nhà nước là ai? Cũng có thể hiểu Bộ trưởng muốn nói Nhà nước là cả hệ thống chính trị hiện nay, vậy vai trò cá nhân của vị Bộ trưởng ở đâu? Và liệu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có là người đứng đầu để thay mặt nhà nước chịu trách nhiệm về quản lý y tế sức khỏe của dân chúng và cộng đồng hay không? Đó là một kiến thức chính trị sơ đẳng, không hiểu sao một người ở cương vị Bộ trưởng lại có thể xảy mồm như thế. Và càng không thể chấp nhận khì bà ta dùng cái lỗi sơ đẳng đó để đổ trách nhiệm về tình trạng thiếu giường bệnh, bệnh viện cho Nhà nước Vậy theo Bộ trưởng, hỏi Nhà nước là hỏi ai? Hay thím Tiến không hiểu điều đó? Phát biểu này của thím Tiến không chỉ phản ảnh cung cách vô trách nhiệm của bà Bộ trưởng, mà một phần nào đó nó phản ảnh trình độ nhận thức chính trị của lực lượng lãnh đạo của bộ máy nhà nước nói riêng và người Việt nói chung là rất kém. Làm chính trị gia mà trình độ nhận thức chính trị như thế chả trách đất nước này cứ mạt mãi.

Cách đây chưa lâu, tôi được tham dự buổi thi thuyết trình với nội dung về vai trò của công dân trong xã hội dân chủ ở một trường trung học Thái lan. Cuộc thi này nhằm chọn ra ba thí sinh xuất sắc nhất đại diện cho thành phố để tham gia một cuộc thi ở quy mô toàn quốc vào cuối năm 2013. Các thí sinh tham gia cuộc thi là những cô cậu học trò ở độ tuổi từ 16-18 đang học những năm cuối của cấp phổ thông trung học. Họ được tự chọn chủ đề liên quan đến vai trò của công dân trong xã hội dân chủ và phải thuyết trình trước một đám đông các thính giả tham dự. Điều này ngoài việc đòi hỏi thí sinh phải có khả năng hùng biện để lôi cuốn người nghe và một điều quan trọng là họ phải có một kiến thức chính trị đáng kể.
Qua tìm hiểu thì được biết, bằng việc giáo dục cho học sinh các kiến thức cần thiết về dân chủ thông qua các việc làm cụ thể ở nhà trường và ngoài xã hội. Ở nhà trường, học sinh có thể tự lựa chọn cho mình người làm lớp trưởng, bầu các thành viên trong Hội đồng Học sinh của trường. Hội đồng này hoàn toàn do các học sinh bầu chọn đại diện của mình tham gia và điều hành Hội đồng, không bị chi phối bởi người lớn. Thú thực, tôi đã từng sai lầm khi nghĩ trẻ con nó biết cái gì, sao không để thầy cô giáo làm việc đó? Và đã thực sự bất ngờ về sự hiểu biết chính trị và vấn đề dân chủ của các thí sinh tuổi đời còn rất trẻ. Khi ấy tôi liên tưởng và thầm mong ước một ngày nào đó ở đất nước mình có một lớp trẻ đầy nhiệt huyết được trang bị các kiến thức cơ bản về chính trị như thế.
Trong cuộc sống đời thường, một đứa trẻ muốn có một kiến thức phổ thông tối thiểu, thì trước hết nó phải được bắt đầu bằng các bài học vỡ lòng. Bắt đầu từ việc tập viết, tập đọc, tập làm tính... và cứ thế dần dần với thời gian. Để rồi một lúc nào đó học hết cấp tiểu học thì chuyển sang trung học rồi đại học hay học cao hơn nữa. Nghĩa là tất cả đều phải được giáo dục theo một trình tự nhất định, mà không thể có việc đốt cháy giai đoạn. Một đứa trẻ không học tiểu học, trung học thì không thể đủ kiến thức để vào học ngay đại học. Trở lại vấn đề kiến thức và tư duy chính trị của mỗi cá nhân ở Việt nam cũng thế. Chỉ khi nào ở Việt nam, những người đấu tranh hay ủng hộ cho công cuộc dân chủ hóa đất nước, có các kiến thức cơ bản cần thiết như lớp trẻ ở Thái lan thì chúng ta mới nghĩ đến sự chiến thắng của một phong trào dân chủ trước một chế độ độc tài.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao việc trang bị kiến thức phổ thông cho mọi người lại được bắt đầu bằng các bài học vỡ lòng, mà một vấn đề hết sức quan trọng như chính trị đối với một số những người quan tâm đến lại không được chú ý. Được biết đa số những người tự cho là những người đấu tranh hay ủng hộ cho công cuộc dân chủ hóa đất nước hiện nay, đã không được trang bị các kiến thức và khái niệm chính trị cần thiết cần phải có. Thậm chí nhiều người hoàn toàn mù tịt, đa số được trang bị kiến thức chủ yếu từ những bài viết trên mạng internet. Do vậy việc vận dụng các kiến thức chính trị trong đời sống hàng ngày hầu như tất cả đều không được tập dượt. Họ quên rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng, từ những bài học vỡ lòng bắt buộc phải có. Qua đó để tạo nền tảng cho việc vận dụng các kiến thức chính trị cho chính mình, để dần dần sẽ hiểu các vấn đề sâu xa hơn và vận dụng nó ngày càng nhuần nhuyễn hơn. Bất kể đối tượng đó là người tự cho mình là các chiến sĩ dân chủ hay kể cả là người cổ vũ cho xu hướng đó.
Việc thím Tiến, một chính trị gia thực thụ của nền chính trị nước nhà lỡ lời nói trên cũng không phải là hiếm. Chúng ta dễ dàng thấy một thực trạng phổ biến, trên các mạng xã hội, các diễn đàn có một số không nhỏ các đối tượng nhân danh cho dân chủ lại có các phát biểu ngây ngô, thiếu hiểu biết về khoa học chính trị. Bỗng nhiên các đối tượng này đã biến phong trào vận động cho dân chủ vốn quá nhỏ bé và yếu ớt trở thành một món hổ lốn khó tiêu và tạo thành ấn tượng xấu trong mắt dân chúng trong nước. Và thật quả không ngoa khi các chiến sĩ này bị các bạn Hồng Vệ Binh khoác cho một cái danh "Rận chủ", điều này tuy nó thể hiện sự thiếu dân chủ và vô văn hóa giống như khi các đồng chí "Rận chủ" đáp trả các đồng chí "Dư lợn viên". Điều này cho thấy cả hai phe đều "bên tám lạng, người nửa cân", các bên đều sai như nhau và cùng không biết. Có lẽ, cũng vì họ không có kiến thức vỡ lòng về dân chủ, đơn giản đó chỉ là "Người nói thì phải có người biết lắng nghe". Chứ có kiến thức về dân chủ thì không ai lại dùng cách "đá nguội" lại như thế.
Tiêu chí của tự do dân chủ là mọi việc, mọi đối tượng phải công khai, minh bạch để mọi người có thể kiểm tra được. Nhưng ở Việt nam hiện nay, mọi hoạt động của đảng CSVN nói chung và các đối tượng giữ các trọng trách nói riêng đều là vấn đề bí mật. Ai lỡ quan tâm họ đến rồi tìm cách bạch hóa sẽ có nguy cơ cao bị gắn cho điều 258 của Bộ Luật Hình sự, nói nôm na là tội nói xấu lãnh đạo. Nguyên nhân cũng vì sự mất dân chủ, hậu quả của chế độ độc tài toàn trị. Đó cũng là lý do đã khiến cho nhiều người quyết định đứng vào trong đội ngũ những người đấu tranh hay ủng hộ phong trào vận động cho dân chủ. Vậy mà, một số người đấu tranh hay ủng hộ đó lại từ chối việc mình bị báo chí kiểm tra, khi có dư luận (khả tín) không hay về họ. Hay ở mức cao hơn một chút, vì chưa hiểu hết cộng với quan niệm cộng sản cái gì cũng xấu, cũng sai nên có nhiều người đã chê nhà nước Việt nam mọi lúc, mọi nơi. Mà họ không biết rằng những cái chê sai do thiếu hiểu biết của họ sẽ có tác dụng ngược lại. Điều này khiến cho những người có hiểu biết sinh chán và xa rời họ. Nhắc tới chuyện này không chỉ để thấy, việc chê bai hay nói xấu chính quyền là biểu hiện của chán ghét (chống đối) chứ không hoặc mang tác dụng rất ít trong công cuộc vận động cho dân chủ.
Chính trị là một môn khoa học xã hội, chính vì thế đã bước chân vào lĩnh vực chính trị thì nó đòi hỏi chúng ta cần có kiến thức tối thiểu về khoa học chính trị để áp dụng trong việc đánh giá, phân tích một vấn đề theo phương pháp khoa học. Tuyệt đối không nên dùng cảm tính cá nhân để đánh giá hay bình luận, nguy hiểm hơn là lại áp đặt ý kiến chủ quan của mình cho người đối thoại. Chỉ có những kẻ thiếu hiểu biết mới dùng cảm tính của cá nhân mình trong việc đánh giá, bình luận các ý kiến trái với suy nghĩ của mình. Việc đó hoàn toàn thiếu tính thuyết phục và còn khoét sâu hố ngăn cách giữa các ý kiến bất đồng.
Trong hoạt động chính trị, việc trang bị các kiến thức cơ bản về chính trị là vấn đề hết sức nghiêm túc. Chúng ta không thể coi thường điều này, vì một khi chúng ta đã có chủ tâm truyền bá hay cổ vũ cho cái mới, xu hướng mới cho mọi người, thì trước tiên hơn ai hết phải là mỗi cá nhân chúng ta phải là tấm gương cho mọi người. Họ sẽ cảm nhận cái mới, xu hướng mới đó bắt đầu từ chính bạn. Vì cái bạn đang truyền bá cho họ nó tốt, xấu, hay dở thế nào thì chưa ai biết. Nhưng con người đang truyền bá cho họ cái mới, xu hướng mới tốt xấu thế nào thì họ cảm nhận được ngay.
Thực tế ở Việt nam, chính trị là vấn đề nhạy cảm thuộc độc quyền của đảng và là điều cấm kỵ. Trong nhiều chục năm qua, việc nhà nước không cho phép hoặc không khuyến khích cho người dân được học tập và vận dụng các nguyên tắc, tiêu chí hay các mặt tích cực của vấn đề tự do dân chủ nói chung và chính trị nói riêng. Thậm chí họ còn bưng bít, tuyên truyền ngược, đây cũng là cái tất nhiên của các chế độ độc tài. Nhưng trong kỷ nguyên internet, khi thông tin bùng nổ thì không có thế lực nào có thể ngăn cấm hay bưng bít thông tin như trước đây. Trước cơ hội hết sức thuận lợi này thì mỗi cá nhân những người đấu tranh hay ủng hộ cho công cuộc dân chủ hóa đất nước cần tự trau dồi để trang bị cho mình các kiến thức chính trị cần thiết. Cho dù mỗi chúng ta chưa mấy ai được trang bị đầy đủ các kiến thức chính trị một cách có bài bản.
Có như thế mới hy vọng có một xu thế ủng hộ cho dân chủ tự do mang đầy đủ thiện tính khoa học và nhân văn của nó, và sẽ tạo ra một hình ảnh tốt đẹp của phong trào này trong mắt mọi người. Còn nếu không học thì trong tương lai sẽ còn nhiều chính trị gia kiểu thím Tiến - Đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Y tế
Ngày 03 tháng 6 năm 2013
© Kami

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"