Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Niềm tin và biểu tình

Nguyễn Ngọc Già
Thà đốt lên một que diêm còn hơn ngồi rên rỉ trong bóng tối.

Không biết câu nói trên của ai, nhưng tôi thích nó. Thật vậy, rên rỉ hay trách cứ; nguyền rủa hoặc nghi ngại không bao giờ xóa tan bóng tối.

Đi chưa chắc tới nhưng không đi chẳng bao giờ tới. Vấn đề là chúng ta đi như thế nào với mục tiêu xác định thật rõ. Rõ như ánh mặt trời không gợn một áng mây mù.

Cần xác định chúng ta đang đứng trên mặt đất và ngay tại xứ sở Việt Nam của những năm 2000' thuộc thế kỷ 21, đang chịu sự cai trị của ĐCSVN để tránh sa lầy trong những luận điểm cần làm rõ.

Cũng cần nhìn nhận làm sao phát huy giải Nobel Hòa Bình (nếu có cho Việt Nam) trở thành một trong các CÔNG CỤ HỮU HIỆU để đấu tranh dân chủ nhân quyền hơn là chỉ dừng lại ở góc độ vinh danh dân tộc. Có phải vì thế giới vinh danh dân tộc Trung Hoa thông qua Khôi nguyên Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, nên giải thưởng cao quý này chỉ dừng lại như thế? Tôi không có ý nói giải Nobel Hòa Bình là yếu tố cốt lõi không thể thiếu được cho đấu tranh nhân quyền - dân chủ hiện nay. Nó là một trong các điều kiện "CẦN" chứ không phải một trong các điều kiện "ĐỦ".

Giải Nobel Hòa Bình (nếu có) dành cho dân tộc Việt Nam, cũng không phải là phương án duy nhất và tối ưu nhất cho đấu tranh nhân quyền - dân chủ, nó là phương án góp thêm cho suy nghĩ của tất cả mọi người, các phong trào, các đảng phái, hội đoàn trong ngoài nước. Cần nhấn mạnh lần nữa: "Phương án Nobel Hòa Bình" là một trong các tiền đề quan trọng như là "chất keo đặc biệt" để kết dính người Việt Nam trong tình đoàn kết - điều mà hiện nay vẫn nan giải khi nhìn trên diện rộng.

Người CS rất sợ điều mà ai cũng biết: đoàn kết, bởi có đoàn kết mới có số đông. Số đông của đoàn kết và có tổ chức khác hẳn với số đông mang chất tự phát. Từ lâu người CS đã hiểu rất rõ "sự nguy hiểm" này với Nghị định 38 để "diệt từ trong trứng" mọi đám đông dù ôn hòa cũng vậy. Khi nào Nghị định này được bãi bỏ như Myanmar đã bãi bỏ [1] việc cấm tụ tập 5 người trở lên hồi đầu năm 2013, lúc đó mới có thể xem là chỉ dấu thiết thực nhà cầm quyền Việt Nam thật sự muốn dân chủ hóa đất nước. Vì sao? Bãi bỏ một nghị định dễ dàng hơn một luật, vì trong tầm tay chính phủ, không cần đưa ra Quốc hội. Hãy nhìn vào hành động thiết thực hơn nghe ngàn lời nói.

Giải Nobel Hòa Bình nhìn dưới góc độ như một khối nam châm khổng lồ để hút người Việt Nam quy tụ về trong tinh thần đoàn kết, hào sảng có thể quá sức, có thể viễn vông và nó cũng "khó như hái sao trên trời" như có độc giả đã nhận định, nhưng nhất định nó không hề biểu tỏ "SỰ SỐT RUỘT" mà thay vào đó là cái nhìn viễn kiến, bình tĩnh, dài hạn. Làm sao có thể gọi tên "nôn nóng" khi gắn kết biểu tình với mong ước Nobel Hòa Bình cho Việt Nam?! Để đoạt giải thưởng danh giá này là điều chẳng dễ dàng gì, khi chúng ta nhớ lại Hòa thượng Thích Quảng Độ, BS. Nguyễn Đan Quế nhiều năm được đề cử nhưng không thành công. Thêm vào đó, nhìn lại lịch sử Nobel Hòa Bình, những nhân vật đoạt giải thưởng này tuyệt đại đa số là những người trầm tĩnh, ôn hòa cùng sự miệt mài dấn thân lâu dài. Trong tất cả những người đoạt giải cho đến nay, hầu như rất ít người làm ngược lại với tôn chỉ của giải thưởng. [*]

Không nên "hà tiện" mơ ước và rất nên bay bổng với hoài bão, thậm chí dốc lòng nếu như hoài bão đó không phải cho riêng cá nhân. Hãy cổ võ và thúc đẩy nó như chính tự thân mỗi chúng ta hưởng lợi từ đó.

Ngô Bảo Châu sẽ không nổi tiếng trên thế giới nếu ông không biết nuôi hoài bão và miệt mài thực hiện nó trên 15 năm với "Bổ đề cơ bản" để cuối cùng giải thưởng Fields về tay mình. Sức nặng từ tiếng nói của Ngô Bảo Châu cũng sẽ giảm đi ít nhiều nếu thế giới không công nhận và vinh danh. Giải thưởng Fields của Ngô Bảo Châu cũng không ngăn cấm bất kỳ người Việt Nam nào thôi ước mơ để đạt được những tầm cao mới không chỉ trong lĩnh vực toán mà còn trải rộng ở nhiều lĩnh vực khác. Đó là sự vận động cần phải có theo chiều hướng thăng hoa. Hãy ước mơ một ngày nào đó người Việt Nam ta sẽ còn được vinh danh nhiều hơn, cao hơn cả Ngô Bảo Châu. Tại sao không? Mặc cảm tự ti là điều không cần thiết cho đấu tranh nhân quyền - dân chủ hiện nay.

Huỳnh Ngọc Chênh với giải thưởng Netizen 2013 là một trong các cách nhìn đó. Chắc chắn khi nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh bắt tay viết blog, ông cũng chẳng bao giờ nghĩ đến một ngày nào đó được thế giới vinh danh. Không chỉ riêng nhà báo kỳ cựu Huỳnh Ngọc Chênh bất ngờ và xúc động khi biết tin mình đoạt giải, vì trước đó Phạm Minh Hoàng và Paulus Lê Văn Sơn đã từng vào danh sách đề cử nhưng không thành công. Dù giải thưởng dành cho nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thật nhỏ bé nhưng nó có phải là "chiếc que diêm" như nhắc ở đầu bài viết? Tôi tin như thế, khi chúng ta nhớ đến Tạ Phong Tần với giải thưởng "Phụ nữ can đảm nhất thế giới" do Bộ Ngoại giao Mỹ tưởng thưởng và giải thưởng báo chí 2013 từ Index on censorship, cũng như Nguyễn Hoàng Vy được vinh danh từ IFEX.

Cùng nhìn và suy ngẫm hình ảnh từng ngọn nến của giáo dân trong các buổi cầu nguyện. Từng ánh nến được thắp lên, bừng sáng, lan tỏa như từng niềm tin nhỏ bé của người Việt Nam được thắp lên từng chút một, từng chút một và lan tỏa, lan tỏa.... Từng chiếc nến nhỏ bé đã tạo thành rừng nến ngập tràn ánh sáng;từng niềm tin nhỏ nhoi sẽ biến thành đại dương bao la vươn tới chân trời tự do. Đó không phải là một hình ảnh đẹp và tràn đầy hy vọng cho xã hội Việt Nam bình an trong tương lai gần?

Hãy tự tin với tất cả những gì chúng ta có. Sự tự ti chỉ làm chúng ta yếu đuối hơn với tâm thức chủ bại, thứ mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đang rất thích thú để nhìn thấy. Nguy hiểm thì có thật, nhưng sợ hãi là một sự lựa chọn.

Nếu ai đó vẫn chưa tin, hãy kiểm chứng ngay những thường dân vô danh trong các cuộc biểu tình từ Hà Nội cho tới Sài Gòn trong mấy năm qua, với câu hỏi: "Tại sao ông (bà) đi biểu tình?". Tôi tin dù với bất kỳ hình thức trả lời nào, tựu trung tuyệt đại đa số sẽ bày tỏ, đó như là bản năng của một con thú dùng tất cả sức lực vốn có để bảo vệ tổ ấm đang bị đe dọa. Đó là sự bảo vệ đúng với bản năng và rất chính đáng. Có thể hình ảnh này gây khó chịu cho một ít người, nhưng nó thật nhất, giản dị nhất, vượt lên mọi ngôn ngữ trau chuốt hay hình tượng hoa mỹ. Bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ Dân Tộc nên được xem là điều bình thường như tất cả những điều bình thường khác trong cuộc sống loài người. Đừng nên phóng đại nó, cũng không cần hạ thấp nó.

***

Có người đã liên hệ với thảm họa Thiên An Môn diễn ra cách đây 24 năm khi đặt câu hỏi, thảm họa này cũng có (vẻ) đủ ba yếu tố mà tôi đã nêu trong bài viết trước, để có một cuộc biểu tình chính quy bài bản. Đó là một câu hỏi chính đáng. Khi nói về "chính trị so sánh" (comparative politics), các chủ thể đưa ra cần đặt trong mối tương quan phù hợp với nhiều yếu tố cùng các dữ liệu tương thích.

Thoạt nhìn qua, có vẻ biến cố Thiên An Môn là như vậy, thật ra, nó chỉ có yếu tố thứ ba và đó chính là thất bại thảm hại, kinh hoàng như chúng ta chứng kiến. Thậm chí, chính vì yêu tố thứ ba đó, dẫn đến cuộc tàn sát hàng loạt thường dân làm rúng động lương tri thế giới mà Trần Hy Đồng - Cựu Thị trưởng Bắc Kinh vừa qua đời ở tuổi 82 [2] - người được cho là góp phần quan trọng trong cuộc đàn áp đẫm máu đấy, cuối cùng lên tiếng hối hận.

Khó có thể đem Thiên An Môn ra để nói đó là cuộc biểu tình đủ 3 yếu tố.

Những vấn đề đặt ra:

1. Những tên tuổi nào được nhớ ngay trong cuộc biểu tình này? Không có. Người ta chỉ nhớ đó là cuộc biểu tình tự phát, xuất phát từ sinh viên tận dụng đám tang của Hồ Diệu Bang. Đó cho thấy, nó không hề được chuẩn bị với một kế hoạch chỉn chu, nghiêm cẩn và dài hạn.

2. Nó cũng không có những nhóm người đứng đầu thuộc các lực lượng phối hợp nhịp nhàng, tin cậy tuyệt đối lẫn nhau. Bảo vệ luận điểm này, nhìn lại lịch sử Thiên An Môn, chúng ta thấy: "...Ngày 4 tháng 5, xấp xỉ 100.000 sinh viên và công nhân tuần hành ở Bắc Kinh yêu cầu cải cách tự do báo chí và một cuộc đối thoại chính thức giữa chính quyền và các đại biểu do sinh viên bầu ra. Chính phủ khước từ đối thoại, CHỈ ĐỒNG Ý ĐÀM PHÁN với các thành viên được chỉ định từ các tổ chức sinh viên..." (trích từ wikipedia). Đã không có được "sự chỉ định" nào mang chất đại diện đủ uy tín được đưa ra đàm phán với chính quyền. Điều này cho thấy, cuộc biểu tình Thiên An Môn không hề có một nhóm người ĐỨNG ĐẦU CÁC LỰC LƯỢNG chịu trách nhiệm thay mặt để đàm phán một khi chính quyền (tỏ ra) xuống thang. Đó là sai lầm của người Trung Hoa.

3. Hơn cả như thế, khi cuộc biểu tình lan rộng và có vẻ dần áp đảo chính quyền thì nảy sinh một cơ hội mang tính SỐNG CÒN và CƠ MAY QUÁ LỚN giành thắng lợi đã bị bỏ qua THẬT ĐÁNG TIẾC! Đó chính là:"...một vấn đề lớn là các cuộc phản kháng liên quan tới nhiều giới với nhiều mục tiêu khác nhau và vì thế chính phủ KHÔNG BIẾT PHẢI ĐÀM PHÁN VỚI AI VÀ NHỮNG YÊU CẦU CỦA NHỮNG NGƯỜI BIỂU TÌNH LÀ GÌ...". (trích từ wikipedia). Nội dung này làm chúng ta hình tượng như "rắn không đầu". Người Trung Hoa lại tiếp tục sai lầm, khi nhắc lại Thiên An Môn.

4. Khi cuộc biểu tình chuyển qua suy sụp và bị đe dọa đàn áp nghiêm trọng, người Trung Hoa lại vướng phải sai lầm khác: "...Ngay bên trong quảng trường, đã có một cuộc tranh luận giữa những người muốn rút lui hòa bình, gồm Hàn Đông Phương, và những người muốn tiếp tục ở lại, như Sài Linh..." (trích từ wikipedia). Không có tính đoàn kết, đồng thuận dứt khoát ngay từ đầu cùng với phương án ứng phó nhạy bén phù hợp khi cuộc biểu tình chuyển hướng đột ngột từ ngỡ như thành công sang thất bại.

5. Biến cố Thiên An Môn cũng cho thấy, người Trung Hoa không chuẩn bị ngay từ đầu một bản yêu sách với những tiêu điểm cụ thể, căn cơ để yêu cầu phía chính quyền thực thi trong sự giám sát của một lực lượng thứ ba độc lập như tính trung dung của một trọng tài uy tín.

6. Một yếu tố quan trọng nữa, đó chính là thời điểm lịch sử. 1989 so với hiện nay quá khác biệt trên mọi góc độ kinh tế - chính trị - văn hóa - đối ngoại - quốc phòng - hội nhập. Đặc biệt, khi nghĩ về truyền thông hiện đại ngày nay với internet - vừa là người yêu vừa là kẻ thù của giới cầm quyền độc tài toàn trị. Nhắc đến yếu tố này để thấy vai trò tối quan trọng của khoa học kỹ thuật đối với đấu tranh nhân quyền - dân chủ ngày nay. Điều mà biến cố Thiên An Môn không may mắn thụ hưởng thành quả của nhân loại dành cho nó.

Nhìn lại biến cố Thiên An Môn, chúng ta thấy, nó như thành ngữ "dò đá qua sông", "được chăng hay chớ", "vừa làm vừa sửa", thiếu tính nhất quán xuyên suốt cuộc biểu tình. Đoàn người rất đông nhưng như một con rắn khổng lồ không có đầu. Từ yếu tố đó, cho thấy người Trung Hoa không chuẩn bị một kế hoạch dài hạn, chỉn chu, nghiêm cẩn với đầy đủ các phương án dự phòng cho những cuộc đàn áp sắt máu. Tệ hơn, khi giới cầm quyền nhìn thấy và nắm ngay những nhược điểm chết người như phân tích, để mạnh tay dùng cả xe tăng nghiến hàng ngàn con người dưới đó. Chính vì tập hợp số quá đông lại "chuyển động hỗn loạn" như "rắn không đầu" không có những người hay các tổ chức uy tín, có tiếng nói nặng cân, đã biến đám rất đông trở thành mồi ngon cho cuộc tàn sát hàng chục ngàn người mà số người chết đến nay không ai biết rõ.

Một nhược điểm lớn nữa của Thiên An Môn, đó là thời gian biểu tình kéo quá dài hơn mức cần thiết gây mất hứng khởi, chán ngán cùng với sự giằng co, mất phương hướng, lệch mục tiêu đã xảy ra lúc bấy giờ.

Nhìn lại cuộc thảm sát hàng loạt này, có thể nói thêm rằng: TUYÊN BỐ CHÍNH TRỊ rất quan trọng buộc phải cân nhắc kỹ và dứt khoát không được sai lầm, bởi những sai lầm đó trả giá bằng sinh mạng rất nhiều người vô tội. Những người tham gia trong biến cố tồi tệ đó đã chủ quan khi nhìn về số đông (có vẻ) gây áp đảo và làm chính quyền Bắc Kinh e sợ để điều đình theo yêu sách mơ hồ và nhạt nhòa.

Điểm mấu chốt cũng cần nhắc đến, khi liên hệ người Việt Nam với người Trung Hoa. Người Trung Hoa chịu "một cổ một tròng" - nhà cầm quyền bóp nghẹt tự do dân chủ, người Việt Nam ngoài cái tròng như thế, còn cái tròng "lệ thuộc ngoại bang" hiển hiện. Đó phải chăng là yếu tố vô cùng quan trọng mà người Việt Nam chúng ta luôn quật khởi trong cả ngàn năm qua? Vấn đề làm sao khai thác đúng, đủ tính chất quật khởi cho ngày nay mà không mang tiếng quá khích.

Tóm lại, cuộc biểu tình đẫm máu Thiên An Môn thất bại vì họ không có sách lược cẩn trọng và 2 yếu tố tối cần thiết [3] cùng với niềm tin mãnh liệt đặt trên đó.

***

Quay trở lại tên gọi "niềm tin", khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi đến nó kèm với cụm từ "chiến lược" trong mô tả của nhiều nhà bình luận như là phát biểu khôn ngoan, thật ra nó được đánh giá cao và được xem là thành công về  "ngôn ngữ ngoại giao" trên trường quốc tế hơn là kêu gọi xây dựng "lòng tin chiến lược nhân dân" của ông Hạ Đình Nguyên [4].

Cùng với "lòng tin chiến lược" của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhà báo Mặc Lâm đã gắn kết nó với việc vẫn thẳng tay đàn áp biểu tình qua cuộc phỏng vấn ông Jonathan Daniel London [5] cho thấy diễn văn của Thủ Tướng không có mối liên hệ đối nội nào như người ta nghĩ tới. Đó là khoảng cách giữa khái niệm "đối ngoại" và "đối nội". Không nhất thiết hai khái niệm này lúc nào cũng phù hợp và hỗ tương nhau trong một vấn đề trọng đại cần giải quyết của quốc gia. "Lòng tin đối ngoại" và "Lòng tin đối nội" vì thế cũng không bảo đảm song hành cùng một mục tiêu mong muốn.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước mới đây cho rằng "không nên nôn nóng" khi soạn "Luật Biểu Tình". Không biết đó có phải lời nhắn nhủ người dân hay chính bản thân ông nghị đầy tai tiếng "nôn nóng" chuyển hướng và nhắm bộ luật này vào đích nào đó thay vì dân đen?! Dù sao chúng ta đều biết đại biểu Quốc hội là tiếng nói của dân, trong trường hợp này, thật khó để thấy "tiếng dân" thông qua "tiếng lòng" của Hoàng Hữu Phước.

Sau phát biểu được coi là thành công của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị Shangri - La vừa qua, một đoàn sĩ quan cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng lên đến 22 người được chọn lọc để đưa sang Trung Quốc [6] học tập (nhần mạnh) CHÍNH TRỊ là tin đáng chú ý. Đặc biệt, theo VNExpress, đây là "đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương". Việc điều động và thực hiện đào tạo này đã bắt đầu từ 2009, nghĩa là đã 5 năm qua. Điều khiến người đọc băn khoăn:

- Việc điều động nhân sự thuộc Bộ Quốc phòng sao lại do Ban Tổ chức Trung ương chủ động thực hiện?

- Luật nào cho phép Ban Tổ chức Trung ương lập "đề án 165"?

- Việc lập đề án và điều động nhân sự có được ông Phùng Quang Thanh biết tới và chấp thuận với tư cách người đứng đầu Bộ Quốc phòng và trên nữa là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?

Xem ra, không phải Thủ tướng là quyền lực vô biên như nhiều người tưởng.

Đặt trong "ngữ cảnh" "lòng tin chiến lược" cho chuyến đi của 22 viên sĩ quan cao cấp này, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cần nghiên cứu và làm rõ nội dung "đề án 165" để giải đáp trước thế giới về "lòng tin chiến lược" đối với "người bạn vàng" Trung Quốc.

Một "Lòng tin cuối cùng" cũng nên nhắc tới, tỉnh Nam Định và thành phố Cần Thơ, hai địa phương đầu tiên đã thành lập "Ban Nội Chính tỉnh" trong khuôn khổ tất cả các địa phương trên toàn quốc đều phải lập theo chỉ thị của ĐCSVN. Điều muốn nói ở đây, "lòng tin" cho một cục diện chính trị ổn thỏa trong nội bộ ĐCSVN mang đến cho người dân nên đặt vào đâu? Và vào ai?

 
Nguyễn Ngọc Già
________________


[*] Ghi nhận của lịch sử giải thưởng uy danh này chỉ có:Theodore Roosevelt, tổng thống Mỹ (giải năm 1906) và Shimon Peres (giải năm 1994) là hành động ngược lại với tôn chỉ giải thưởng và nhiều người cũng biết Lê Đức Thọ một nhân vật "sắc máu" cũng từng đoạt giải này cùng với Henry Kissinger năm 1973 nhờ "Hiệp định Paris" được ký kết. Lý do Lê Đức Thọ từ chối có thể xuất phát một trong những nguyên nhân từ đây? 

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"