Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Nhớ lại chuyện Thiên An Môn

Ngô Nhân Dụng
Tháng Năm năm 1989, một người bạn Trung Hoa chia sẻ với tôi những giờ phút hồi hộp cùng theo dõi tin tức về cuộc biểu tình của giới sinh viên, trí thức, và các công nhân tại Bắc Kinh, đã kéo dài suốt mấy tuần lễ. Lúc đó, các báo, các đài, cả thế giới cũng loan báo các hình ảnh và tin tức mỗi ngày, mỗi giờ.
Anh bạn họ Hà, tên Khoa quê ở Bắc Kinh, là một sinh viên được chính phủ Canada cấp học bổng sang học Ph.D.. Hơn một chục sinh viên Trung Quốc cùng sang một đợt; anh chọn học về ngành quản trị (management) ở ngay trường tôi, cho nên quen nhau. Tôi chú ý đến anh khi biết gia đình anh là nạn nhân của cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông phát động; rồi trở thành bạn vì tính tình anh thành thật, cởi mở. Cha anh Khoa là một giáo sư, mẹ là một bác sĩ, cả hai anh đều bị đày từ Bắc Kinh về miền núi xa xôi trong thời gian Mao Trạch Đông huy động Vệ Binh Đỏ đi tiêu diệt các đối thủ trong Đảng Cộng sản như Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ. Anh không được đi học trong nhiều năm, cho tới khi gia đình được trở lại Bắc Kinh năm 1980. Anh tự học tiếng Anh bằng cách nghe các đài BBC và VOA, và sau khi tốt nghiệp cao học về kinh tế, anh xin được học bổng. Khoa hay thắc mắc, tìm hiểu về xã hội Canada, tiếp xúc với người Canada, khác với đa số sinh viên Trung Quốc khác, họ thường chỉ tụ tập với nhau, rất dè dặt khi phải gặp người địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian các cuộc biểu tình diễn ra tại Thiên An Môn thì các sinh viên Trung Quốc còn đối xử dè dặt giữa họ với nhau nữa.

Đó là lý do Khoa thường trò chuyện với tôi trong thời gian đó, vì anh có thể giãi bày tâm sự tự do hơn. Khoa rất hào hứng theo dõi các hình ảnh trên ti vi, anh còn điện thoại về Bắc Kinh hỏi thêm tin tức với mẹ, bà đã được hành nghề bác sĩ trở lại. Vào cuối tháng Năm, năm 1989 đó, Khoa rất lạc quan. Anh tin rằng nước Trung Hoa đang thay đổi lớn. Cũng như nhiều thanh niên, trí thức Trung Hoa khác, anh nhớ lại biến cố ngày 4 tháng 5 năm 1919, một khúc quanh trong lịch sử Trung Hoa vào thế kỷ trước. Khoa tin rằng giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Hoa sẽ đáp ứng các đòi hỏi của dân. Bởi vì họ đều thành tâm muốn đất nước họ thay đổi; nhất là họ không phải là những người tự coi mình là lãnh tụ siêu việt, quen khinh thường đám dân đen như bọn Mao Trạch Đông. Khi ông Triệu Tử Dương ra Quảng trường Thiên An Môn nói chuyện với các sinh viên, Khoa hết sức hào hứng. Anh càng lạc quan hơn.
Niềm vui lớn của Khoa là thấy dư luận cả thế giới chú ý đến cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày này. Anh lớn lên trong một xã hội mỗi ngày được nghe loa hô hào toàn thế giới đoàn kết, vì một lý tưởng rất xa xôi. Trong những ngày Thiên An Môn, Khoa được chứng kiến cả thế giới đoàn kết thật. Ai cũng chú ý đến câu chuyện xẩy ra ở bên Tàu, ai cũng mong các lý tưởng tự do dân chủ được thể hiện, thành đời sống thật, ở một nước mà suốt năm ngàn trước không hề có lúc nào áp dụng chế độ dân chủ. Một người Trung Quốc như Khoa cảm thấy hãnh diện khi trái tim nhân loại chung quanh đang đập cùng một nhịp với đồng bào anh ở Trung Quốc. Anh lại là một cựu sinh viên Bắc Đại, anh hãnh diện về các giáo sư và bạn học cùng trường Đại học Bắc Kinh với anh.
Tháng Năm năm 1989 không phải là lần đầu tiên loài người khắp nơi cùng hướng về một dân tộc, một quốc gia đang nổi lên đòi tự do dân chủ. Năm 1956 dân Hungary đã đốt ngọn đuốc tự do lên khắp đường phố Budapest; rồi bị xe tăng Nga dập tắt. Nhờ mấy phóng viên ngoại quốc có mặt tại chỗ, những hình ảnh của nổi dậy đòi tự do của dân Hungary được phổ biến khắp nơi.Cả loài người kính phục, ngưỡng mộ những anh hùng vô danh người Hungary. Cả loài người khóc khi chứng kiến đoạn kết tấn bi kịch. Năm 1968, cả thế giới lại chia sẽ nỗi hào hứng của thanh niên, sinh viên Paris đi biểu tình. Họ nạy cả những tảng đá lót đường để đánh nhau với cảnh sát. Cũng năm đó, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc cũng mở cửa cho dân được tự do hơn, dân Tiệp được hưởng một một Mùa Xuân Praha, cho tới khi xe tăng của Nga tới đè bẹp.
Những người đã sống qua kinh nghiệm các năm 1956, 1968 đều giữ trong đầu các hình ảnh hào hứng đó. Bởi vì trong một đời người không phải lúc nào chúng ta cũng được chứng kiến cảnh nhân loại cùng hướng về một phía, cùng nuôi hy vọng vào một mục tiêu như vậy. Chứng kiến cảnh đó, chúng ta cảm thấy tin tưởng hơn vào những lý tưởng của nhân loại. Những chữ “Tự Do, Công Bằng, Dân Chủ, Tình Huynh Đệ,” vân vân, vốn diễn tả những lý tưởng có thật, chứ không phải chỉ là những khẩu hiệu trống rỗng sau khi bị lạm dụng.
Tôi được chia sẻ với người bạn sinh viên Trung Quốc những tình tự đó, cùng nuôi niềm hy vọng cho dân tộc anh. Mà tôi cũng biết, nếu Trung Quốc thay đổi thì nước mình cũng sẽ thay đổi. Tuy nhiên, vào lúc đó, tôi không cảm thấy lạc quan như Khoa. Có lẽ vì tôi già hơn anh hàng chục tuổi. Có lẽ cũng vì hồi thơ ấu tôi hay đọc truyện Tàu. Những thanh niên Trung Hoa cùng tuổi với Khoa không có cơ hội đọc truyện Tàu, vì chính sách xóa bỏ quá khứ của Đảng Cộng sản. Tôi nói với Khoa: Nếu cuộc biểu tình này kéo dài, Đảng Cộng sản họ sẽ đem lính tới dẹp. Bởi vì từ bao lâu nay Đảng Cộng sản vẫn đóng vai vua. Mấy tuần nay, tôi thấy hình như ở Bắc Kinh không có ông vua nào cả. Hầu như cả triều đình Trung Nam Hải tê liệt; không ai quyết định điều gì cả. Sẽ tới lúc những người lãnh đạo đảng họ sẽ nói, như trong truyện cổ họ vẫn nói: Một nước không thể không có vua trong một ngày được. Hoặc là Đảng Cộng sản phải tuyên bố thoái vị, truyền ngôi cho người khác, mà phải làm lễ đăng quang ngay. Nếu không thì phải tiêu diệt những người chống đối. Truyện Tàu xưa nay vẫn như thế.
Cho tới ngày 4 tháng 6 năm 1989, Đặng Tiểu Bình đã ra tay. Ông ta chứng tỏ nước Tàu vẫn có vua quan, triều đình, trên bảo dưới phải nghe. Cho tới nay, năm 2013, triều đại cộng sản đó vẫn ngự trị. Gần đây khi đọc các tài liệu mới về cuộc đời Mao Trạch Đông, người ta mới thấy ông đúng là một vị vua khai sáng triều đại, giống như Lưu Bang, Triệu Khuông Dẫn hay Chu Nguyên Chương. Họ đủ tham vọng để quyết tâm cướp lấy vai trò lãnh đạo trong lúc xã hội nhiễu nhương; anh hùng hào kiệt khắp chốn cùng nổi lên. Họ cũng phải có máu tàn ác đủ để tiêu diệt hết những kẻ cạnh tranh với mình. Khi lên ngôi, họ vẫn giữ được thói quen tàn bạo thời nội chiến để tiêu diệt đến các đồng chí của mình.
Nhưng trên hết, họ phải là những người coi đám dân đen như cỏ rác. Như trâu, chó. Để sai khiến thì được. Để cùng chia quyền quyết định thì không. Khi các nhà viết truyện Tàu kể lại các nhân vật nói rằng; “Nước không thể một ngày không có vua” thì họ vẫn giữ trong đầu hình ảnh một ông vua nắm quyền tuyệt đối. Ông vua đó nhân danh “Thiên mệnh” (Ông Trời) ngồi trên đầu đám dân đen. Khi nào loài người còn tin tưởng đó là cách sống tự nhiên và duy nhất trong xã hội, thì câu trên vẫn là một chân lý, không ai dám bàn cãi cả. Nếu người dân một nước tin tưởng, chấp nhận, hay cam chịu sống theo lối đó, thì họ cứ thế tiếp tục sống như các người dân Trung Hoa đời Đường, đời Minh, đời Thanh và đời Mao.
Vậy ở các nước sống trong thể chế tự do dân chủ thì sao? Có thể sống “một ngày không có vua” được không?
Trong mấy năm qua, có những nước ở Châu Âu không thành lập được chính phủ trong thời gian rất lâu, có khi cả năm trời nước không có chính phủ; Hà Lan là một trường hợp điển hình nhất. Trong khoảng thời gian đó, guồng máy nhà nước chạy ra sao? Người dân sống ra sao? Một điều hiển nhiên là tại nước đó, các công chức vẫn tới sở làm việc, làm đúng các công việc mà họ vẫn phải làm. Cảnh sát vẫn điều khiển lưu thông và đi bắt kẻ gian. Những người thợ vẫn đến xưởng, các tài xế vẫn lái xe, các bà nội trợ vẫn đi ra chợ, chợ vẫn mở cửa. Thầy cô giáo, học sinh vẫn đến trường. Nghĩa là đời sống cả xã hội, trong toàn thể quốc gia vẫn chạy đều, dù các ông, bà thủ tướng hay bộ trưởng đều đã từ chức, chỉ được lưu nhiệm tạm thời xử lý thường vụ.
Ngay tại nước Mỹ cũng vậy. Trong mấy năm qua, trước và sau khi ông Obama tái đắc cử, người Mỹ cũng than phiền là chính quyền tê liệt, vì ông Tổng thống và Quốc hội không thể thỏa hiệp với nhau về ngân sách. Lúc bí quá, thì họ thỏa hiệp tạm trong một thời gian ngắn, chờ “hiệp sau” đấu lại. Tờ tuần báo Economist nhận xét: Mỹ đang đi theo đường Châu Âu!
Tất nhiên, không có dân nước nào lại muốn bộ máy chính quyền bế tắc cả. Nhưng ở các nước tự do dân chủ thì dù “không có vua” kinh tế vẫn chạy, xã hội, văn hóa, giáo dục vẫn chạy. Vì người ta thu xếp đời sống dựa trên luật lệ; những điều luật công khai, khách quan, được mọi người thỏa thuận cùng theo. Đó là một thứ “hợp đồng xã hội.”
Ở các nước độc tài thì ngược lại, người ta tổ chức cuộc sống theo quyền hành của người trên. Ý kiến, mệnh lệnh của người trên cao hơn luật lệ. Khi không có “chỉ thị” thì họ lúng túng không biết làm gì. Vì họ chỉ sợ làm sai ý bề trên!
Trong thời gian nghe tin tức hàng ngày ở Thiên An Môn, năm 1989, tôi cứ bị ám ảnh với mấy chữ “Nước không thể một ngày không có vua.” Tôi đã dùng câu nói cổ xưa trong truyện Tàu đó để đoán với chú bạn trẻ người Trung Quốc là thế nào Đảng Cộng sản Trung Hoa cũng sẽ đàn áp các sinh viên và công nhân. Bởi vì họ quen làm vua; quen suy nghĩ như vua. Khi nào một tỷ người dân Trung Hoa vẫn còn cam chịu có ông vua trên đầu mình, thì thế nào Đảng Cộng sản cũng đàn áp. Họ đàn áp vì lý luận: “Nước không thể một ngày không có vua được.”
Sau biến cố ngày 4 tháng 6 năm 1989, anh bạn Khoa của tôi đã xin tị nạn chính trị. Anh học tiếp chương trình Ph.D. ở một đại học khác, về kinh tế học. Bây giờ anh là một giáo sư đại học tại Canada. Anh mới gặp tôi tháng trước. Mỗi năm anh vẫn về nước Tàu làm công việc tuyển sinh, do nhà trường giao phó. Tôi hỏi: Cậu có về Trung Quốc dạy học một vài năm hay không? Khoa nói: Không thể về đấy sống được. Ô nhiễm quá. Không khí ô nhiễm, dễ nhìn thấy nhất, ai cũng biết. Nhưng nước ô nhiễm mới ghê, mà ít người để ý. Khoa kể, hồi nhỏ anh sống một thời gian ở Vân Nam. Mấy năm rồi anh trở về thành phố cũ. Cái hồ nước mà thời xưa anh thường nhảy xuống bơi lội, nước trong veo; bây giờ cũng cái hồ đó nước đóng váng và đen ngầu, không loài tôm cá nào sống được. Khoa công nhận: Nếu cái chế độ độc tài, tham nhũng này còn kéo dài thì môi trường sống sẽ bị hủy hoại, thế hệ các trẻ em Trung Hoa bây giờ mới sinh ra sẽ gánh chịu hậu quả!
N.N.D.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"