Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Giọt lệ ăn năn cho Việt Nam 38 năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ

Vann Phan
Những giọt lệ ăn năn này xin được dâng lên anh linh các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Cảnh Sát Quốc Gia cùng các viên chức và cán bộ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh xương máu để bảo vệ Miền Nam Tự Do cho đến giây phút cuối cùng.
Ba mươi tám năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, đất nước Việt Nam đồng khô, hồ cạn hiện đang là một kẻ tử tù bị kết tội vong ân, bội nghĩa trong tay ân nhân nham hiểm Bắc Kinh, treo mình tòn teng chờ chết dưới trời Hè nhiệt đới trên chiếc cọc được đóng xuyên qua thân người, chọc thủng từ hậu môn, lách qua tim (để cho lâu chết), rồi trổ ra cửa miệng, y hệt một phạm nhân can tội đại hình bị hành quyết theo kiểu đóng cọc xuyên thân (impalement), như từng được mô tả cặn kẽ trong tiểu thuyết “Chiếc cầu trên sông Drina” của nhà văn Nam Tư, Ivo Andric.

Phải biết rằng Việt Nam là một đối tượng từng bị bao kẻ thù tranh chấp đất đai tại Ðông Nam Á thi nhau nguyền rủa (curse) bao đời. Sau cái chết đầy dằn vật như thể là bị quả báo đó, nếu thân nhân không được phép chôn cất, tử thi của tử tội sẽ bị từng bầy kên kên từ núi rừng Việt Bắc thâm u và đường Trường Sơn ào ào lá đỏ bay đến mổ thịt, rỉa xương, cũng tương tự lối xử phanh thây mà vua quan nhà Nguyễn đã dành cho vua tôi nhà Tây Sơn, từ Hoàng Ðế Cảnh Thịnh trở xuống, sau khi Chúa Nguyễn Ánh chiếm được thành Thăng Long, bắt được hậu duệ của Hoàng Ðế Quang Trung, kẻ thù truyền kiếp từng đánh cho ông xất bất, xang bang đến độ phải cầu viện Xiêm La và Pháp trợ chiến...
“Mùa Xuân đem đổi cho nhân thế, lấy một mùa Ðông lạnh chết hồn”
Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, ngày Sài Gòn sụp đổ, dân chúng Việt Nam đã được những người cộng sản chiến thắng bảo cho biết rằng họ đã hoàn toàn thoát ách thực dân và đế quốc của ngoại bang, và rằng họ đã được chính các đồng bào và “đồng chí” của mình trực tiếp cai trị. Kết quả, Việt Nam ngày nay, trước hết, là một xã hội gần như tuyệt đối không có cương thường, đạo lý, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, là các điểm nổi bật trong truyền thống văn hóa tuyệt vời đã có từ mấy ngàn năm trước của dân tộc. (1) Kế đó, Việt Nam là một đất nước xác xơ, với môi trường sống bị băng hoại, với rừng vàng, biển bạc và mỏ dầu khí bị chính quyền cộng sản thi nhau moi, hút cạn kiệt tự bao giờ, với nền kinh tế suy sụp không gượng nổi, và với các quyền tự do, dân chủ của dân chúng bị chính cái chế độ do nhân dân làm chủ kia trâng tráo tịch thu. Rồi gái, trai trong nước đua nhau bán thân và bán sức lao động cho ngoại quốc để lấy tiền, đất canh tác bị chính quyền đoạn mãi hoặc cho ngoại quốc thuê mướn dài hạn, trong khi biên cương và biển, đảo của Việt Nam, từ Ải Nam Quan và Thác Bản Giốc cho tới Hoàng Sa và Trường Sa, cứ bị Trung Cộng liên tục xâm lấn, còn ngư dân Việt Nam thì thường xuyên bị người Trung Cộng cấm đánh cá và bắt giam hay, tệ hại hơn, bị bắn chết tức tưởi ngay trong vùng biển quen thuộc của mình. Oái oăm thay, trước thảm cảnh đó của đồng bào, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam chỉ biết phản đối chiếu lệ, rồi vì hèn nhát mà lại không dám lôi quan thầy Trung Cộng ra kiện trước tòa án quốc tế như phản ứng của Philippines, một quốc gia nạn nhân khác trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng phương Bắc hỗn láo đang cần phải được ai đó “dạy cho một bài học” đau điếng để nhớ đời.

Nhưng điều đáng nói hơn hết vẫn là, kể từ khi toàn thể dân chúng Việt Nam từ Nam chí Bắc đã thấm thía cuộc sống lầm than, cơ cực và thiếu tự do, dân chủ dưới chế độ độc tài, công an trị tại Việt Nam và đồng loạt mở mắt ra nhờ các phương tiện truyền thông báo chí trên mạng lưới điện toán, trong đó có những bài viết trên các blog cá nhân “lề trái,” hầu hết dân chúng tại Việt Nam bỗng dưng nhận ra chính mình mới là kẻ chiến bại trong cuộc nội chiến, tức cuộc Chiến Tranh Việt Nam, vừa qua trong khi chỉ có các thành phần lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Việt Nam mới là kẻ chiến thắng và đang tận hưởng một cách tham lam và chụp giựt thành quả của chiến thắng đó. Cái tội nặng nhất của tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam lúc bấy giờ, cũng như phần lớn thế giới bên ngoài Việt Nam, là đã “trót nghe theo lời u mê” rằng những người cộng sản Việt Nam mới là những người thật sự yêu nước, và rằng Miền Nam Việt Nam phải được “giải phóng” khỏi vòng “kềm kẹp của Mỹ-Ngụy” thì dân tộc Việt Nam mới được hưởng “độc lập, tự do, hạnh phúc.” Rồi từ cuối thập niên 1990 tới nay, lúc phong trào “dân oan khiếu kiện” vì bị chính quyền cộng sản cướp đất và cướp tài sản bắt đầu lan rộng từ Hà Nội cho tới Sài Gòn, các thành phần được chính quyền cộng sản gọi là gia đình anh hùng, liệt sĩ và các thành phần từng là cán bộ, bộ đội cũng như những người đã đóng góp xương máu vào công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để giải phóng Miền Nam cùng những thành phần từng được coi là “công thần” của chế độ hiện nay tại Hà Nội lại cảm thấy chính họ cũng là kẻ chiến bại trong cuộc chiến tranh tương tàn và cực kỳ phi lý giữa hai miền Nam, Bắc do chính những người cộng sản Việt Nam gây ra trong suốt 2 thập niên hồi hạ bán thế kỷ 20 và hiện đang là nạn nhân đáng thương bị chính quyền cộng sản, từ địa phương cho tới trung ương, hà hiếp và bóc lột không chút nương tay.

Hồi tưởng lại, những người Việt Nam, còn có lòng công chính và không bị u mê vì ý thức hệ cộng sản lỗi thời hoặc tối mặt vì đồng tiền dầu khí từ Việt Nam chuyển qua, đều thấy rằng khoảng thời gian vỏn vẹn 21 năm của hai nền Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam huy hoàng tại Miền Nam Việt Nam, từ 1954 đến 1975, nay đang lùi sâu vào dĩ vãng như một giấc mơ thần tiên không có cách nào níu kéo được.
Vì đâu nên nỗi
Miền Nam Tự Do mất đi, lỗi tại ai đây?

Suốt gần 4 thập niên qua, cái chết tức tưởi của Miền Nam Tự Do trước cuộc xâm lược bạo tàn của Cộng Sản Bắc Việt và cộng sản quốc tế, ngoài việc gây nên làn sóng tranh công, giành phần phải bên phía những kẻ chiến thắng, còn gây ra những cuộc tranh cãi triền miên về chuyện ai là kẻ đã gây ra lỗi lầm tai hại đưa đến sự tan rã của quân đội và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Bên phía những kẻ thắng, cuộc tranh công và giành phần phải về phía mình để xem ai là kẻ có công nhất trong cuộc chinh phục Miền Nam Tự Do và đem lại thống nhất đất nước từ Nam Quan cho đến Cà Mau, dưới lá cờ đỏ đẫm máu, đã liên tục diễn ra bên trong giới lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, từ Tướng Tư Lệnh Quân Giải Phóng Miền Nam Trần Văn Trà và Phó Bí Thư Trung Ương Cục Miền Nam Nguyễn Văn Linh (lúc bấy giờ) cho tới Ðại Tướng Văn Tiếng Dũng của Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam và cả Tổng Bí Thư Lê Duẫn của Cộng Sản Bắc Việt.

Bên phía những kẻ thua, trong suốt 38 năm qua, các thành phần thân Cộng vẫn luôn đổ lỗi cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong khi những kẻ có cảm tình với Việt Nam Cộng Hòa thì đổ lỗi cho phe phản chiến (tại Miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ), báo chí Mỹ, “thành phần thứ ba” tại Miền Nam Việt Nam do Tướng Dương Văn Minh cầm đầu, việc Ðồng Minh Mỹ lật đổ và sát hại Tổng Thống Ngô Ðình Diệm hồi năm 1963, và việc chính phủ Hoa Kỳ phản bội chính phủ và dân chúng Miền Nam Việt Nam sau cuộc Tổng Công Kích của quân cộng sản hồi Tết Mậu Thân 1968. Các tướng lãnh bất tài và tham nhũng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thỉnh thoảng, vẫn bị cả hai phía thân Cộng và chống Cộng quy trách nhiệm đã gây ra cuộc thất bại dẫn tới sự sụp đổ của Sài Gòn và cái chết của Việt Nam Cộng Hòa.

Ðiều đáng nói là, kể từ khoảng cuối thập niên 1970, lúc phong trào thuyền nhân (boat people) lên cao, với hàng loạt người Việt Nam, bất kể sống chết, bỏ nước ra đi để trốn tránh chế độ cộng sản hà khắc, tàn bạo và thiếu khả năng quản trị đất nước đang làm chấn động thế giới, đa số dân chúng tại Miền Nam Việt Nam đã đổ cái lỗi gây ra sự thất bại của Việt Nam Cộng Hòa lên đầu các thành phần phản chiến trong xã hội Miền Nam Việt Nam, trong đó có giới trí thức tại Sài Gòn và những kẻ “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” suốt thời kỳ chiến tranh cũng như các thành phần cộng sản nằm vùng tại Miền Nam Việt Nam, những kẻ đã hăng say che giấu, nuôi dưỡng và tiếp tế cho các chiến binh cộng sản (đặc biệt là các “bà mẹ chiến sĩ”), từ quân du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cho tới quân chính quy của Cộng Sản Bắc Việt, để họ đánh lại Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ðiều đáng tiếc là tập thể những “sinh viên tranh đấu” một thời tại Huế, Ðà Nẵng và Sài Gòn, những sinh viên du học ngoại quốc bằng tiền của chính phủ và nhân dân Miền Nam Việt Nam (nhưng khi thành tài lại chỉ mong về nước phục vụ cho cộng sản để chống lại Việt Nam Cộng Hòa), khi thức tỉnh và biết mình lầm rồi thì đã quá muộn vì Việt Nam Cộng Hòa đã mất rồi trong khi giống nòi và quê hương đang bị đảng Cộng Sản Việt Nam đưa vào chốn lầm than - đúng y như câu “dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than” trong bài “Tiến Quân Ca,” quốc ca của Cộng Sản Việt Nam - cho dù giờ đây, thỉnh thoảng, một vài phần tử trong số người đó có biểu lộ đôi chút sĩ khí khi lên tiếng chống lại đường lối độc tài và phi nhân bản của giới lãnh đạo độc đảng tại Việt Nam.

Ðến đây, thiết tưởng ai cũng rõ những thành phần nào phải chịu trách nhiệm và nhìn nhận tội lỗi của mình trước tổ quốc Việt Nam trong việc gây ra cái chết của Việt Nam Cộng Hòa tại Miền Nam Việt Nam cách nay 38 năm, dẫn tới cuộc sống lầm than của toàn thể dân chúng Việt Nam và nguy cơ lớn lao mất nước vào tay Trung Cộng hiện nay.
Xin đừng tiếp tục chỉ đổ lỗi cho cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cố Tổng Thống Dương Văn Minh hoặc “các tướng lãnh bất tài và tham nhũng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” nữa. Cũng xin đừng tiếp tục chỉ đổ lỗi cho Ðồng Minh Hoa Kỳ đã “phản bội” và “bỏ rơi” Miền Nam Tự Do vào tay quân cộng sản để cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải tan rã và Sài Gòn phải sụp đổ trong ngày 30 Tháng Tư năm 1975, đơn giản chỉ là vì người Mỹ không thể nào chiến thắng ở Việt Nam, cho dù họ có chấp nhận hy sinh thêm bao nhiêu nghìn chiến sĩ trên chiến trường đi nữa, khi một bộ phận không nhỏ trong dân chúng Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, dù vì bất cứ lý do gì, từng phản đối cuộc chiến tranh chống Cộng Sản Bắc Việt xâm lược và cứ mong muốn thay thế chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bằng các nhà lãnh đạo của Cộng Sản Bắc Việt mà họ cứ lầm tưởng là yêu nước hơn, giỏi giang hơn, và nhất là ít tham nhũng hơn hoặc không hề tham nhũng gì cả! (Nhiều lá thư từ chiến trường của các cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam gởi về cho thân nhân nơi quê nhà đã biểu lộ niềm uất hận khi thấy một số lớn dân chúng vùng nông thôn và một số không nhỏ giới trí thức thành phố tại Miền Nam Việt Nam có thiện cảm với quân cộng sản, trốn quân dịch, và chỉ muốn đuổi quân Ðồng Minh Hoa Kỳ đi để rước quân Giải Phóng Miền Nam vào.

Phải chăng yếu tố này đã góp phần làm lớn mạnh thêm phong trào “phản chiến” tại Mỹ hồi các thập niên 1960 và 1970, dẫn tới việc Mỹ “phản bội” Miền Nam Tự Do?)

Có điều, cả Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Tổng Thống Richard M. Nixon đều đúng khi cho rằng chính báo chí Mỹ, kẻ bị ám ảnh hết sức nặng nề về cái huyền thoại Hồ Chí Minh từ hồi 1945, là “thủ phạm” chính giúp phe cộng sản chiến thắng tại Miền Nam Việt Nam. Vì báo chí Mỹ không vào được Hà Nội, nơi chẳng hề có tự do báo chí, họ chỉ chăm chú chỉ trích Sài Gòn và Hoa Thịnh Ðốn, dẫn với việc lập thuyết sai lầm rằng Cộng Sản Bắc Việt là nạn nhân trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, rằng cuộc chiến chống Cộng tại Miền Nam Việt Nam là không có chính nghĩa, và việc Hoa Kỳ đưa quân vào trợ giúp Việt Nam Cộng Hòa là vô luân lý.

Ðiều mỉa mai là, sau khi Việt Nam đã bị Trung Quốc đánh cho sưng gan, giập mật, bể lá lách từ biên giới Hoa-Việt cho tới hải đảo trên Biển Ðông từ 1979 tới nay, những người Việt Nam nào, từng a dua theo Trung Quốc, vỗ tay reo mừng - kiểu “mẹ vỗ tay reo mừng hòa bình” - khi thấy Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974 (vì cứ lầm tưởng như Phạm Văn Ðồng, thủ tướng của họ, rằng Trung Quốc chiếm Hoàng Sa là để “giữ hộ” cho người Cộng Sản Việt Nam, chờ khi nào Miền Bắc đánh thắng Miền Nam sẽ đem trả lại) thì nay, chính những con người đó, phải nhỏ những giọt lệ ăn năn cho tổ quốc khi nhận chân được rằng bậc thầy Trung Quốc vĩ đại của họ đang dùng trăm phương, ngàn kế để lấn chiếm cho bằng hết các vùng biên giới và biển đảo của Việt Nam.

Cuối cùng, trong số những giọt lệ ăn năn về việc Việt Nam Tự Do mất vào tay cộng sản, có cả nước mắt của những kẻ thường ân hận rằng mình đã chẳng đóng góp gì hoặc chưa đóng góp hết sức mình vào “cuộc kháng chiến thần thánh” - chữ của Tổng Thống Thiệu - của quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa chống lại Cộng Sản Bắc Việt xâm lược trước đây. Ðiều này cũng tương tự như tâm trạng của những đứa con bất hiếu với cha mẹ trong nền văn hóa Việt Nam, luôn ray rứt rằng, ngày cha mẹ còn sống, mình đã không lo phụng dưỡng các vị cho đúng mức, để đợi khi cha mẹ đã khuất núi rồi, hồi tưởng lại, mới nhỏ giọt nước mắt ăn năn.
“Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời!”
Ngày đó, trước năm 1975, lúc tổ chức Liên Hiệp Quốc chưa có quá 80 thành viên, và trong khi thế giới đang bị chia đôi vì ý thức hệ độc tài cộng sản và tự do, dân chủ đối nghịch nhau, Việt Nam Cộng Hòa, dưới thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, đã được gần 50 quốc gia chính thức công nhận. Vì quốc thể được nâng cao và vì quốc dân hiếu hòa hòa và đạo đức, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đi công du đến đâu cũng được hoan nghênh và trọng vọng, từ Hoa Kỳ và Trung Hoa Dân Quốc cho tới Úc Ðại Lợi và Ðại Hàn Dân Quốc.

Ngày đó, nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa tràn đầy giá trị nhân bản, và trình độ giáo huấn tại các học đường không hề thua kém bất cứ quốc gia tiên tiến nào trên thế giới. Học sinh Việt Nam phải học đức dục trước khi học công dân giáo dục, phải biết lễ, nghĩa, liêm, sỉ trước khi ra ngoài đời, phải biết thờ mẹ, kính cha, nhường nhịn anh, chị em trong nhà trước khi dấn thân phục vụ xã hội. Những sinh viên, học sinh được xuất ngoại du học đều là những thành phần sĩ tử ưu tú, chứ không phải là những kẻ chuyên đút lót và hối lộ để thăng tiến trên bước đường công danh, áp dụng thủ đoạn cạnh tranh bằng cách triệt hạ người khác xuống để nâng mình lên cao đặng chiếm ngôi vị độc tôn mà không chịu tìm cách tự thăng hoa cho chính mình.

Ngày đó, giữa lúc cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam Tự Do của Miền Bắc Cộng Sản đang độ khốc liệt, tuy nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa chưa phát triển mấy và công, kỹ nghệ trong nước đang còn phôi thai, dân chúng Miền Nam Việt Nam đã hưởng được một cuộc sống no cơm, ấm áo, quân nhân, công chức đi làm ai cũng đủ sức bao biện cho vợ con ở nhà, và ngay cả giới phu phen, thợ thuyền cũng vẫn rủng rỉnh đồng ra, đồng vào cuối một ngày lao động, đừng nói gì tới giới tiểu thương và doanh gia.

Ngày đó, tôn ti, trật tự xã hội được tôn trọng, dân chúng Việt Nam Cộng Hòa hiền hòa ai cũng biết lễ nghĩa, liêm sỉ, học trò thì kính thầy, mến bạn, công, tư chức đi làm thì cần kiệm, thanh liêm, chuyện tham nhũng được coi là điều xấu hổ, điếm nhục gia phong. Trong xã hội, ai cũng muốn sống sao cho lương thiện, thầy giáo ra thầy giáo, bác sĩ ra bác sĩ, và các nhà tu hành không hề nghĩ tới chuyện đội lốt nhà tu để lường gạt tín đồ, đừng nói chi đến làm chính trị để khống chế chính quyền theo mưu đồ của cộng sản trong sách lược lâu dài của họ là thôn tính Miền Nam Việt Nam. Thời đó, tội phạm cũng có chứ chẳng phải không, nhưng chưa bao giờ nhiều và dã man, trắng trợn như bây giờ, khi trong xã hội xảy ra như cơm bữa những cảnh chồng giết vợ, con giết mẹ, thầy lợi dụng tình dục của trò, và công an, thay vì bảo vệ dân, lại ngang xương bắn giết dân lành mà không hề bị trừng phạt.

Ngày đó, lâu lâu cũng có cảnh đấu tranh, xuống đường, hoan hô, đả đảo của sinh viên, học sinh cũng như của các nhà tu hành, nhưng những thành phần đối lập với chính quyền Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không hề bị đàn áp dã man theo cái kiểu hiện đang diễn ra sờ sờ trước mắt từ Sài Gòn cho tới Hà Nội bây giờ. Và, trong một chừng mực nào đó, cho dù đất nước đang lâm cảnh chiến tranh, quyền đối kháng chính trị của dân chúng Miền Nam Việt Nam vẫn được nhà cầm quyền tôn trọng. Thời đó, tù chính trị cũng có, nhưng chắc chắn là không thể nhiều như bây giờ, khi những người cầm bút - tiêu biểu là các bloggers - chỉ cần viết lên tư tưởng chống quân Tàu xâm lược là đã bị chính quyền cộng sản Việt Nam khủng bố, bắt bớ, giam cầm và đày đọa như thể chính họ bị xúc phạm và chống đối vậy. Và, vào lúc bấy giờ, ngay cả các tù nhân bị giam tại Côn Ðảo hay Phú Quốc cũng vẫn được chính phủ chăm nom đầy đủ, từ cái ăn, cái mặc cho tới sức khỏe, mặc dù trong số này có nhiều kẻ vẫn coi chế độ Sài Gòn là kẻ thù không đội trời chung, và từng thề quyết tiêu diệt cho bằng được “bọn Mỹ-Diệm” và “bọn Mỹ-Thiệu” mới vừa lòng.

Ngày đó, nền văn hóa và nghệ thuật Việt Nam đang ở đỉnh cao. Các minh tinh, tài tử Việt Nam luôn sáng ngời trên vòm trời điện ảnh Á Châu, và các lực sĩ Việt Nam thường chiếm nhiều giải thưởng cao quý trên vận động trường quốc tế, đặc biệt là trong hai bộ môn bóng bàn và bóng tròn. Về âm nhạc, cho tới nay, những nhạc phẩm và ca sĩ trước 1975 tại Miền Nam Việt Nam vẫn luôn được đánh giá cao, tới mức vượt thời gian. Về văn chương, những tác giả và tác phẩm thời đó vẫn được các thế hệ sau này, cả hải ngoại lẫn trong nước, trân trọng và ngợi ca. Các bộ môn báo chí, phim ảnh, tân nhạc, hát bội, cải lương và kịch nghệ thời đó thật đa dạng, muôn màu, muôn sắc, đua nhau nở rộ trong vườn hoa tư tưởng và nghệ thuật của Miền Nam Tự Do, vốn luôn dành đất sống thênh thang cho giới văn nghệ sĩ, kể cả những kẻ có tư tưởng phản chiến một thời như Trịnh Công Sơn.

Ngày đó, Sài Gòn đang giữ ngôi vị “Hòn Ngọc Viễn Ðông,” như lời nhạc “người ơi, Sài Gòn chốn đây là Ngọc Viễn Ðông vốn đã lừng danh...” của Văn Phụng, và đường sá tại Sài Gòn - cũng như tại các đô thị khác trong nước - dù luôn đông đúc những người và xe cộ, vẫn đẹp đẽ, sạch sẽ, tươm tất, như được diễn tả qua ý nhạc trong ca khúc “Ghé Bến Sài Gòn” của Y Vân: “Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau, người ra thăm bến câu chào nói xôn xao, phố xá thênh thang đón chân tôi đến chung vui... Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi...” Mặc dù các thành phần dân chúng Miền Nam Việt Nam không mấy ai giàu tiền, lắm bạc như giới tư sản đỏ bây giờ, số lượng xe hơi lưu thông trên đường phố tại các thành thị lúc nào cũng nhiều hơn, đông đúc hơn, bởi vì đường sá luôn được bảo trì tốt hơn, và các phương tiện chuyên chở công cộng - như xe buýt và xe lam - được dân chúng sử dụng nhiều hơn. Vì thế, sau cơn mưa, trời luôn trở lại sáng trên đường phố Sài Gòn và các đô thị khác, chứ không hề có cảnh tối tăm, ngập lụt, bì bõm và sặc mùi xú uế (vì rác rưởi đủ loại có dịp trào lên) như bây giờ. Hiện nay, hệ thống cống rãnh trong thành phố từ Bắc chí Nam vẫn thường hay nghẽn kẹt vì tình trạng xây cất bừa bãi, trong khi lòng đường thì cứ liên tục bị các “lô-cốt” nằm ụ choán chỗ, để cho bọn gian thương từ hai bên đường tha hồ túa ra chận dòng xe đang chạy lại mà buôn bán, chụp giựt. Ba mươi tám năm xưa, ngày mất Sài Gòn, nhạc sĩ Nam Lộc đã nghẹn ngào, nức nở: “Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời. Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời...”
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo...
Ôi! Một thời an bình và thịnh trị trong lịch sử Việt Nam đã qua rồi! Biết đến bao giờ mới tìm lại được nét vàng son xưa và nghe lại được tiếng xưa đây? Ðâu có ai ngờ rằng, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi có hai thập niên thôi, đất nước và dân tộc Việt Nam, mặc dù đang bị cuộc chiến tranh xâm lược của cộng sản Bắc Việt gieo tang tóc, điêu linh, nhà tan, cửa nát, dân chúng Miền Nam Việt Nam đã được hưởng những tháng, năm huy hoàng như thế, với một nền văn hóa và văn minh ngời sáng hơn bao giờ hết. Cái di sản văn hóa và văn minh mà Miền Nam Tự Do để lại cho dân tộc Việt Nam quả là to lớn, và thành thật mà nói, chưa thấy thời đại nào trong lịch sử dân tộc có thể sánh kịp với thời đại đã vội qua đi kia, với đền đài, biệt thự tráng lệ, với đường phố thênh thang, với quan chức thanh liêm, mẫu mực, với binh hùng, tướng mạnh “sinh vi tướng, tử vi thần,” với trai thanh, gái lịch, với rể hiền, dâu thảo, con ngoan... (2)
Việt Nam rồi sẽ về đâu?
Khi nhìn vào các thành quả của Mùa Xuân Ả Rập (Arab Spring) từ mấy năm qua tại các quốc gia Trung Ðông, người dân Việt Nam nào lại không mơ ước đất nước mình cũng sẽ có được những đổi thay kỳ diệu như thế, để tổ quốc mình thoát khỏi cảnh tối tăm, đọa đày hiện tại? Nhưng không ai có thể làm gì hơn được khi, khác với dân chúng Ả Rập luôn no đủ vì nguồn lợi dầu hỏa của quốc gia nên họ tha hồ xuống đường, chiếm đóng công viên mà cắm lều, dựng trại đặng biểu tình, tranh đấu ngày này qua ngày khác (cho tới khi nào cách mạng thành công mới thôi), người dân đen Việt Nam, từ Nam chí Bắc, đang bị miếng cơm, manh áo trói buộc chặt chẽ hằng ngày, hằng giờ, khiến không có ai dám bỏ nhà, bỏ cửa xuống đường biểu tình chống chính quyền cộng sản quá vài, ba ngày, chỉ vì cứ sợ cha mẹ, anh em, vợ, chồng, con cái mình ở nhà bị bỏ đói. (Ðó là chưa nói đến sự thể các nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ luôn bị chính quyền cộng sản bắt bớ, giam cầm và bách hại, trong khi thân nhân của họ ở ngoài thì thường xuyên bị đám côn đồ quốc doanh hành hung, hăm dọa, để rồi, nếu cuối cùng được thả ra, các nhà tranh đấu này đều đâm ra ngán ngẩm, nhụt chí, và dần dà thôi không dám tranh đấu nữa).

Mà nếu dân chúng có biểu tình chống đối được vài, ba ngày gì đó thì, trên thực tế, cũng chẳng ăn thua gì đối với chính quyền Cộng Sản Việt Nam, với cả hai lực lượng nanh nọc và được trang bị đến tận răng, là quân đội và công an, đều đứng về phía chính quyền độc tài để giữ vững các đặc quyền, đặc lợi mà nhà nước đã ban cho họ, nhằm bảo vệ tới hơi thở cuối cùng chế độ - chứ không phải tổ quốc - và bảo vệ Ðiều 4 trong Hiến Pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay, với mục đích tối hậu là giữ vững độc quyền “đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” và đời đời cai trị đất nước cho đảng Cộng Sản Việt Nam. (3)

Tới đây, chúng ta sẽ cảm thấy nhóm từ ngữ “bạo lực cách mạng” có một ý nghĩa hết sức thực tế. Thật vậy, tự cổ chí kim, từ hồi Cách Mạng Pháp năm 1789 cho tới cuộc cách mạng tự do, dân chủ của Boris Yeltsin lật đổ chế độ cộng sản tại Liên Xô hồi năm 1991, những cuộc thay đổi thể chế tại bất cứ nơi đâu đều cần có sự can thiệp của bạo lực, tức là sức mạnh của các lực lượng vũ trang, cho dù đó là bạo lực đã đưa Vua Louis 16 của Pháp lên đoạn đầu đài, sát hại hai nhà độc tài Nicolae Ceaucescu của Lỗ Ma Ni, hoặc đó là thứ bạo lực đã bị tinh thần yêu tự do, dân chủ vô hiệu hóa, như trong trường hợp của quân đội Liên Xô khi họ từ chối không chịu nã đạn tiêu diệt các lực lượng đối kháng của Yeltsin. Một bằng chứng khác về vai trò thiết yếu của sức mạnh quân sự trong mọi cuộc đấu tranh là chính phủ và nhân dân Miền Nam tự do đã sụp đổ ngay tức khắc trong ngày 30 Tháng Tư năm 1975 khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chiếc xương sống của đất nước, một trong những đội quân tinh nhuệ và kiêu hùng nhất Á Châu thời đó (với các đại đơn vị vũ bão hàng đầu cỡ Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Ðộng Quân) bị Ðồng Minh Hoa Kỳ và Tổng Thống Dương Văn Minh ép vào cái thế phải đầu hàng không điều kiện kẻ thù cộng sản.

Trong tình thế hiện tại, ngày về quê hương của những con người Việt Nam ôm mộng phục quốc có vẻ như vẫn còn xa lắc lê thê, bởi vì, ngoài sức mạnh của bạo lực, chính quyền Cộng Sản Việt Nam hiện có trong tay một thứ vũ khí vạn năng, là tiền bạc, một loại vũ khí có khả năng vô hiệu hóa mọi cuộc tấn công của kẻ địch bằng cách mua chuộc con người, kể cả những tổ chức của người Việt hải ngoại đang yểm trợ cho các phong trào đòi tự do, dân chủ tại Việt Nam. Ðiều đáng lo ngại vẫn là Trung Cộng thừa khả năng tài chánh để mua chuộc toàn bộ các lực lượng Quân Ðội Nhân Dân và Công An Nhân Dân Việt Nam, khiến họ sẵn sàng nghe theo mệnh lệnh của Trung Cộng mà xả thân bảo vệ cho Ðảng Cộng Sản Việt Nam, vốn là những nhà lãnh đạo luôn ngoan ngoãn tuân phục “thánh ý”của Thiên Triều Bắc Kinh. (4)

Nếu quả thật Quân Ðội Nhân Dân và Công An Nhân Dân của Cộng Sản Việt Nam hiện đang là hai lực lượng then chốt có khả năng lật đổ chế độ cộng sản đương quyền tại Việt Nam thì chỉ khi nào các lực lượng đó bị vô hiệu hóa, hoặc khi nào họ bất ngờ trở về với dân tộc mà quay súng bắn vào đầu các nhà cai trị cộng sản ngoan cố tại Hà Nội thì đất nước Việt Nam mới có cơ may thoát khỏi xích xiềng và ách cai trị bạo tàn của chính người đồng chủng từ hơn nửa thế kỷ qua, hay ít ra cũng là từ 38 năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ.

Ghi chú:
(1) Niềm ô nhục và cũng là cái vô luân lý của xã hội Việt Nam ngày nay là sự thể các thiếu nữ bây giờ coi chuyện bán thân lấy tiền là một việc làm chính đáng, viện cớ Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã phạm tội trước họ khi đưa đất nước vào chỗ nghèo đói, khốn cùng. Một bản tin trên nhật báo Người Việt, số ra ngày 23 Tháng Năm, cho biết báo chí Singapore, lân quốc phía Nam của Việt Nam, đã lên tiếng tố cáo “gái Việt rao bán trinh trên mạng.” Nguồn tin này cho biết khách có thể chọn “gái trinh Việt” ở bất cứ địa điểm nào họ muốn, từ sân bay cho đến khách sạn, nhà hàng,...

(2) Từ năm 1975, với cái chết của Việt Nam Cộng Hòa, một trong hai quốc gia đồng cảnh ngộ đất nước bị chia đôi và từng là đồng minh thân thiết trong cuộc chiến chống Cộng tại Việt Nam, con phượng hoàng Ðại Hàn Dân Quốc, nay đang tung cánh bay cao trên bầu trời thế giới, với những sản phẩm kỹ nghệ và điện toán thần sầu, ai thấy mà không yêu thích và kính nể? Gặp nhau trên cõi vĩnh hằng, cố Tổng Thống Lý Thừa Vãn có thể đã nói với cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm câu này: “Dân tộc của ngài coi vậy mà xui xẻo hơn dân tộc chúng tôi quá đỗi!”

(3) Cuối cùng thì cũng dẫn tới cảnh Cả Nước Xuống Hố mà thôi, khi tất cả đều bị nhận chìm xuống đáy Biển Nam Hải (South China Sea) đỏ lừ, chứ đâu có mong gì được chôn xác dưới đáy Biển Ðông xanh ngắt như các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trong trận quyết tử với hải quân Trung Cộng để bảo vệ Quần Ðảo Hoàng Sa của tổ quốc Việt Nam thân yêu hồi năm 1974!

(4) Phải nói rằng Hoa Kỳ, tức là Nixon và Kissinger, đã sai lầm nghiêm trọng khi đưa chủ nghĩa tư bản phồn vinh vào Trung Cộng hồi thập niên 1970, những tưởng chủ nghĩa tư bản rồi ra sẽ đè bẹp chủ nghĩa cộng sản tại quốc gia Á Châu khổng lồ kia. Sự thật, Trung Cộng đã tương kế, tựu kế, khéo léo lợi dụng chủ nghĩa vật chất (materialism), vốn là cùng đích của cả 2 chủ nghĩa tư bản và cộng sản, để đánh lại Hoa Kỳ là nước ham mê vật chất nhất thế giới, qua việc họ đã và đang dùng đồng tiến tích lũy được trong công cuộc cải cách kinh tế để mua chuộc toàn bộ 3 ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp của Mỹ, đặng dần dà quy phục dân tộc Mỹ vào tay người Ðại Hán. Cộng Sản Việt Nam, đệ tử ruột của Trung Cộng, cũng đang xuất chiêu y như vậy đối với những người Việt hải ngoại và cả các thành phần chống đối họ ở trong nước.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"