Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Chuyển biến

Công Nông
- Đang họp Quốc Hội đấy, bác có theo dõi không?
- Cũng thỉnh thoảng. Thú thật là chưa thấy “nóng”. Các vị dân biểu kỳ này xem ra chưa “máu” lắm. Chú có nhớ bác Thuyết không?
- Trên cả nhớ! Bác giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói chuyện Vinashin mọi năm. “Hoan hô đại biểu Nguyễn Minh/ Thuyết trình bảy phút rung rinh hội trường”.
- Đại biểu Quốc Hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là người được cử tri bầu, phải nói tiếng nói của nhân dân. Công việc chủ yếu của Quốc Hội là họp, công việc chủ yếu của dân biểu là nói. Đại biểu của dân mà không nói coi như không làm việc, chú ạ.
- Bác nói y như sách... Tây. Em nghe nói tiếng Tây nó gọi nghị sĩ là “parlementair”, bắt nguồn từ “parler” có nghĩa là nói. Đã là ông bà nghị thì phải nói. Nói tức là làm việc.
- Tây, ta chi thì cũng phải rứa.

- Ấy thế mà bác Nguyễn Minh Thuyết vừa có bài trên báo, nói mỗi khóa Quốc Hội có tới hơn một trăm đại biểu không bao giờ phát biểu.
- Thế kia à? Mà có khi thế thật cũng nên. Chú mày thấy không, như đoàn đại biểu tỉnh ta, mấy khóa trước còn có tướng Thước tả xung hữu đột, phiên nào bác đăng đàn là sôi sùng sục. Hồi này xem ra im ắng, thỉnh thoảng mới thấy một vài vị đì đùng đôi phát ở thảo luận tổ.
- Người ta nói, ở ta nói mạnh chỉ là mấy bác về hưu, mấy bác đại biểu chuyên trách thôi. Lãnh đạo các cấp tham gia Quốc Hội, Hội đồng Nhân dân rất nhiều, nhưng đây chính là thành phần ít phát biểu nhất.
- Có lẽ họ ngại đụng chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi địa phương, đơn vị mình. Cũng không loại trừ có nhiều vị nghĩ đến dự họp Quốc Hội hay Hội đồng nhân dân chỉ là để... chỉ đạo thôi.
- Các vị nói mạnh thì dân nghe cũng sướng. Thế nhưng, cũng có người nói: “Ôi dào, nói thì giải quyết được vấn đề gì, “khoai sắp vô ấm cả rồi”. Trong bài viết của mình bác Thuyết cũng trích câu thơ vui của ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội: “Ý kiến đại biểu thì rất hay/ Nhưng nếu tiếp thu thì rất gay/ Mong đại biểu vui lòng chấp nhận/ Và tiếp tục… phát biểu hăng say”.
- Thơ vui mà chua chát quá! Đúng là như thế thì cũng nản thật. Bây giờ không chỉ trên diễn đàn đâu, ở các sinh hoạt, hội họp khác nhiều người cũng rất ngại phát biểu, nhất là phê bình, đấu tranh. Chắc cũng vì nói mạnh mà không có chuyển biến gì nên nản.
- Đành là thế, nhưng em lại nghe một số người nói, cán bộ ta ngại đấu tranh mạnh chính là vì sợ... chuyển biến.
- Vớ vẩn! Đấu tranh mà chuyển biến là tốt chứ, sao lại ngại?
- Không, họ nói nếu đấu tranh mạnh thì…”chuyển”, còn mạnh hơn nữa thì…”biến”. Họ ngại “chuyển biến” là vì rứa.
- Bậy! Nói tầm tổ!
- Em cũng chỉ mong nói rứa là tầm tổ!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"