Blogger Mẹ Nấm viết từ VN
“Đài phản động”
Lần đầu tiên tôi chính thức nghe cơ quan an ninh Việt Nam nói đài Á
Châu Tự Do (RFA) là “đài phản động” khi tôi trả lời phỏng vấn về việc
mình bị câu lưu làm việc đến quá nửa đêm vào năm 2009, với lý do liên
quan đến chuyện viết blog, in áo và phân phát áo thun với nội dung
“Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, “Stop bauxite – No China”, “Hãy
giữ lấy màu xanh và an ninh cho Việt Nam”.
Cuộc phỏng vấn tôi lúc ấy do phóng viên Hà Giang thực hiện đã được cơ
quan an ninh in ra để trở thành một phần hỏi – đáp trong quá trình làm
việc tiếp theo. Tôi không thể cải chính hay giải thích gì giùm cho RFA
khi bị cơ quan an ninh kết luận là phản động, tôi chỉ có thể nói với họ
rằng: Nếu tôi nói gì sai thì hãy bắt bẻ và kết tội tôi, nếu tôi phản ánh
đúng sự thật, dựa trên quan điểm của tôi, thì anh/chị không có quyền
bắt tôi im lặng.
Có vẻ cơ quan an ninh rất quan tâm đến mối liên hệ của mỗi công dân
Việt Nam với các phóng viên báo chí bên ngoài nên họ thường tìm hiểu lý
do quen nhau, cách thức trả lời phỏng vấn… Và tôi đã chia sẻ rằng, với
thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, việc tra hỏi về một
mối quan hệ truyền thông thì thật là ngớ ngẩn, thế giới Internet là cầu
nối mọi người với nhau cơ mà.
Sau đó lần đó, họ không bao giờ in bất kỳ bài trả lời phỏng vấn nào của tôi với đài RFA ra để hỏi nữa.
Với những gì đã trải qua, tôi nhận thấy rằng quan điểm phản động mà
cơ quan an ninh Việt Nam dành cho các cơ quan báo chí truyền thông bên
ngoài như RFA, BBC, RFI, VOA… chính bởi vì một nửa sự thật mà họ che
giấu nay đã được công khai trên mặt báo chí, đài phát thanh trong các
lĩnh vực nhạy cảm như dân oan, đàn áp tôn giáo, đàn áp quyền tự do ngôn
luận… Và cũng vì lý do này hầu hết những người nắm vị trí lãnh đạo, điều
hành các cơ quan chức năng trực thuộc hệ thống hành chính của nhà nước
luôn e dè khi được các cơ quan báo chí kể trên phỏng vấn.
Một hình thức mới
Blogger Mẹ Nấm, ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of Mẹ Nấm's FB.
Qua vài năm trở lại đây, khi không thể kiểm soát được việc công dân
tìm hiểu thông tin “ngoài luồng” trên Internet, thì việc vu vạ cho RFA
là “đài phản động” dường như đã chuyển sang một hình thức mới. Đã xảy ra
tình trạng gán ghép RFA là cơ quan phát ngôn của vài đảng phái ở hải
ngoại, cũng như đã có chuyện “bỏ nhỏ” rằng một số phóng viên đang làm
việc cho đài RFA là người của an ninh Việt Nam cài vào. Tôi ngồi nghe,
xem và chứng kiến tất cả những điều đó rồi tự đi tìm cách để kiểm chứng
sự thật cho riêng mình.
Trước khi quyết định trở thành một thành viên của RFA, tôi đã có một
câu hỏi thẳng và ngắn với anh Nguyễn Khanh – Giám đốc Ban Việt ngữ đài Á
Châu Tự Do – để giải tỏa sự nghi ngờ trong lòng mình (và có lẽ cũng là
sự nghi ngờ của nhiều người khác):
“RFA có phải là kênh thông tin riêng của đảng phái nào ở nước ngoài không?”
Và câu trả lời tôi nhận được là: “Không”
Nó hoàn toàn thỏa mãn tiêu chí của tôi rằng cơ quan truyền thông phải
đứng độc lập để phản ánh sự thật mà người đọc, người nghe cần phải biết
để tự đó có đánh giá, nhận xét của riêng mình.
Có người đã hỏi tôi rằng: “Liệu an ninh Việt Nam có gây khó khăn gì
cho tôi khi tôi nhận lời xuất hiện chính thức trên RFA không?”
Tôi đã trả lời rằng: “Chuyện an ninh gây khó khăn cho người viết blog
là chuyện có thật đã xảy ra hàng ngày ở Việt Nam, vì vậy cá nhân tôi
không thể đánh giá được việc họ sẽ làm trong tương lai.”
Tôi chỉ có thể tin rằng: Viết blog, hay viết cho RFA là một trong
những cách bày tỏ quan điểm, thái độ, và góc nhìn của cá nhân tôi với xã
hội Việt Nam, và tôi có trách nhiệm với những gì mình viết.
Nếu bị gây khó dễ, bị “kiếm chuyện” vì những gì mình viết một cách
công khai thì tôi hoàn toàn sẵn lòng, bởi qua đó, cơ quan an ninh Việt
Nam đã giúp tôi chứng minh cho sự hiện diện của quyền tự do ngôn luận đã
được quy định bởi Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Hiến pháp nước Cộng
hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với người dân trong nước và quốc tế.
Tôi không nghĩ rằng, Internet làm cho nhà nước Việt Nam phải sợ hãi,
nhưng nguyên nhân chính là do sự hiện diện của Internet đã làm thay đổi
nhận thức của nhiều người dân trong nước, và thực sự họ không thích điều
này.
Đến với RFA, tôi hy vọng mình có thể góp một phần nhỏ bé của mình
trong việc độc lập truyền tải thông tin và sự thật đang diễn ra tại Việt
Nam đến với nhiều người, nhất là cộng đồng người Việt đang sinh sống và
làm việc tại nước ngoài, để từ đó chúng ta cố gắng và nổ lực hơn vì một
Việt Nam tự do và phát triển thật sự.
Và tôi cũng hy vọng rằng một ngày không xa, tự do báo chí thực sự sẽ
đến với Việt Nam, để cơ quan an ninh Việt Nam không còn coi RFA là thế
lực phản động nữa.
Trân trọng cám ơn mọi sự khuyến khích và giúp đỡ cá nhân tôi trong việc cất tiếng nói của mình của tất cả mọi người.
(Bài viết trích từ trang blog cá nhân của Blogger Mẹ Nấm. Nội dung không phản ảnh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.)