Như đã chia sẻ trên FB, mình vô cùng thích thú khi hôm nay tìm thấy
trong thư viện cộng đồng nơi mình đang ở hiện nay một số (nếu không
muốn nói là khá nhiều) sách trong đó đưa ra những bài học vỡ lòng về
chính trị cho trẻ em (mình nghĩ, với nền giáo dục trong trường cùng môi
trường sống ngoài đời thực như ở đây thì chỉ cần khoảng 7-8 tuổi là trẻ
có thể đọc được những cuốn sách như vậy rồi). Mình định dành thời gian
khi rảnh rỗi dịch dần từng ít một để giới thiệu trên blog, hi vọng có
ích phần nào đó cho bạn bè. Mơ mộng hơn nữa, nếu mình cảm thấy có thể
dịch được toàn bộ một quyển thích nhất (có thể là quyển “Who’s in
charge?”), mình sẽ dịch, nhờ biên tập rồi liên hệ với tác giả/nhà xuất
bản cho in bằng tiếng Việt, hehe. Mình có quyền ước mơ chứ nhỉ, who
knows!
Lần này mình dịch một đoạn đầu tiên trong quyển “Who’s running this country? Government in Australia”
của tác giả John Nicholson.
Đoạn này có tiêu đề là “Vì sao chúng ta lại
cần một chính phủ”. Văn phong trong đoạn này, giống như toàn quyển sách
là viết cho trẻ em, nhưng mình sẽ không dùng đại từ nhân xưng “em” hay
“cháu” như trong tiếng Việt có thể, mà dùng “bạn” với dụng ý thể hiện
việc ở Úc người lớn có xu hướng coi trẻ em là bình đẳng với mình thay vì
coi các em là trẻ con. Cũng xin lưu ý một đặc điểm trong câu dịch tiêu
đề là mình dịch “một chính phủ” chứ không chỉ dùng mỗi là “chính phủ”
với hàm ý nhấn mạnh “chính phủ” bất kì, chứ không phải một chính phủ cụ
thể, tránh việc hiểu đó là chính phủ đương nhiệm. Hi vọng, mình hiểu
đúng đó cũng là dụng ý sâu xa của tác giả. Mình mong muốn khi các bạn
đọc phần dịch dưới đây, hãy đọc nó như một đứa trẻ 7-8 tuổi, chứ không
phải một người lớn nha. Cũng mong muốn các bạn đọc nó như chỉ là một
phần đầu của cả một quyển sách mà tiếp theo phần mở đầu là nhiều phần
khác nữa, tạo thành một chỉnh thể giúp trẻ em ở một đất nước như nước Úc
(nơi trẻ em đã được giáo dục rất sớm và đã có những hiểu biết nhất định
về quy tắc ứng xử cơ bản) hiểu về chính phủ, chính trị ở mức cơ bản
nhưng khá đầy đủ.Vì sao chúng ta lại cần một chính phủ?
Bạn hãy thử tưởng tượng xem nếu chúng ta không có một chính phủ nào cả thì mọi thứ sẽ ra sao nhỉ?
Đầu tiên, chẳng có luật pháp – người ta có thể làm bất cứ thứ gì mình
thích. Họ có thể lái xe chạy nhanh tới mức nào họ thích, ở bất kì lề
trái hay lề phải của con đường (nếu giả định là đã có đường rồi), chẳng
bao giờ dừng lại nhường đường cho người khác hay chạy chậm lại để tránh
tai nạn. Bạn có thể bị tấn công hoặc bị cướp trên đường tới trường (nếu
giả định lúc ấy đã có trường để bạn tới học rồi!) Bạn sẽ không bao giờ
thấy an toàn, và có lẽ bạn cũng chẳng cảm thấy tin tưởng ai cả.
Tình trạng cũng là tương tự như một trận bóng đá mà không có luật lệ
và cũng chẳng có trọng tài – nó sẽ kết thúc với rất nhiều cãi vã và đánh
lộn lẫn nhau giữa các cầu thủ. Kết quả có thể tốt cho những cầu thủ to
khỏe nhất, cứng rắn nhất song lại chẳng hề tốt chút nào cho bất kì ai
khác.
Trong lịch sử, những chính phủ đầu tiên bắt đầu bằng cách tạo dựng
lên quân đội để bảo về người dân trong nước khỏi những quốc gia láng
giềng hiếu chiến. Rồi sau đó, họ làm ra luật pháp để bảo vệ những người
bình thường khỏi những kẻ lừa đảo và bắt nạt. Sau nữa, họ bắt đầu mở
đường xá, xây trường học và bệnh viện. Nhưng đến các chính phủ như ngày
nay thì họ làm nhiều hơn thế nhiều.
Vậy thì các chính phủ làm gì ở một đất nước như nước Úc của chúng ta? Tôi có thể nghĩ được 5 thứ chính.
1. Họ làm luật, và họ lập ra tòa án, cử ra thẩm phán và thành lập lực lượng cảnh sát để bảo đảm mọi người tuân thủ pháp luật;
2. Họ cung cấp một số dịch vụ rất quan trọng, như đường giao thông,
trường học, bệnh viện, cứu thương, cứu hỏa, lực lượng vũ trang, tàu
điện, xe buýt và thu gom rác thải;
3. Họ nỗ lực tìm cách quản lí tiền bạc của chúng ta và khiến cho đất
nước trở lên thịnh vượng, phát đạt. Họ khuyến khích nông dân, chủ nhà
máy, công ty khai mỏ và các doanh nghiệp khác cung cấp công việc tạo ra
thực phẩm, hàng hóa, và các vật chất (ND: vật dụng) mà chúng ta cần sử
dụng – cộng thêm với một số dư ra để bán cho các nước khác, đổi về những
thứ mà nước khác làm ra.
4. Họ nỗ lực hoạch định các thành phố, thị trấn và vùng đồng quê của
chúng ta sao cho ai cũng có không gian để làm điều họ cần hoặc muốn mà
không xâm phạm vào đường của người khác hay phá hỏng môi trường. Họ nỗ
lực bảo đảm rằng nhà cửa được nhóm lại cùng nhau, tránh xa khỏi tiếng
ồn, các khu công nghiệp có mùi khó chịu và gần với trường học, cửa hàng,
tàu điện, xe buýt, và khu thể thao. Họ bảo tồn một số vùng nguyên sinh
đẹp đẽ nhất.
5. Họ nỗ lực làm trọng tài phân định giữa những người khác nhau mà nhu cầu và ý muốn xung khắc lẫn nhau.
Chúng ta có các chính phủ bởi vì chúng ta (tất cả mọi người) cần ai
đó khác để quản lí những thứ trên cho chúng ta trong khi chúng ta xoay
xỏa với cuộc sống riêng của chính mình. Ở nước Úc, các chính phủ làm
những việc đó với sự cho phép của chúng ta; họ làm việc phục vụ cho
người dân Úc – chúng ta là chủ nhân, chứ không phải họ! Cứ vài năm chúng
ta lại có các cuộc bầu cử, trong đó tất cả những người lớn bỏ phiếu
(bầu hoặc chọn) lấy những người làm những công việc quan trọng này.
Những người mà chúng ta bầu ra biết rằng nếu họ không làm những gì chúng
ta muốn, thì chúng ta chẳng bỏ phiếu cho họ trong lần bầu cử sau.’
Vì vậy, theo cách như thế, chúng ta thực sự đang quản trị chính chúng ta! Loại hình chính phủ này được gọi là chính phủ dân chủ.
(Hết phần dịch)
Điều thú vị nữa mình thấy là bên dưới phần text như trên là một cái
bản đồ nước Úc chỉ ra rõ các vùng lãnh thổ và đảo cùng các khu vực đặc
quyền kinh tế (vùng biển và thềm lục địc Úc có chủ quyền). Phần lục địa
nổi thì tô mầu vàng, còn các vùng nước thì tô mầu xanh. Việt Nam mình
cũng có các khu vực đặc quyền kinh tế, nhưng mình thấy trên bản đồ thông
thường không thể hiện theo kiểu này (mà thể hiện theo kiểu khó nhìn
hơn) hoặc chỉ thể hiện rõ trên những bản đồ chuyên môn thôi. Mình thấy
Việt Nam nên xem xét học cái này của Úc đấy.
Rồi, mình tạm nghỉ đây, hẹn các bạn các bài sau nha.