Nick Vujicic trả lời phỏng vấn độc quyền TTXVH.
Nick, chào mừng anh đến Việt Nam. Xin hãy nói về cảm nhận của mình sau 2 ngày ở đất nước tươi đẹp này.
Xin lỗi các bạn. Tôi có nhìn thấy gì đâu ngoài dây điện và đầu người.
Còn về cảm nhận ư, Việt Nam thật dễ chịu với sự cuồng nhiệt. Tôi đã
chứng kiến những giọt nước mắt ở khắp nơi trên thế giới, nhưng không ở
đâu người ta khóc khi đi xem xiếc thú cả.
Nick, có lẽ anh vẫn chưa thoát khỏi mặc cảm của người khuyết tật
chăng! chúng tôi đến để nghe anh nói chứ không đến để xem anh diễn.
Tất nhiên không phải là tất cả. Nhưng tôi nhìn thấy sự tò mò trong
mắt nhiều người. Trong chương trình của chúng tôi ở khắp nơi trên thế
giới, tôi đồng ý để những người khuyết tật được ôm mình, để họ cảm nhận
bằng xương bằng thịt ý chí và nghị lực. Nhưng ở đất nước các bạn, rất
nhiều người lành lặn chỉ muốn đến gần để chụp ảnh với tôi như chụp ảnh
với ngọn tháp Eiffel. Hơn nữa, tôi không thích việc nhiều người đến chỗ
cái bàn của tôi, cúi người và định… xin lỗi, tôi nhớ đến Bi Rain. Bởi
điều mà một người không chân tay như tôi muốn nói với họ là các bạn hãy
đứng trên đôi chân của mình và đừng bao giờ cúi đầu. Khi người ta đã cúi
đầu có phải là người ta sẽ phải gập gối không?
Vì sao anh lại có ý tưởng nói chuyện với giới doanh nhân Việt?
Ồ, ban đầu tôi chỉ định giao lưu với sinh viên và khoảng 9000 trẻ em
đường phố. Nhưng sau đó, phía Việt Nam đề nghị giao lưu với giới doanh
nhân. Họ đưa ra số liệu là hàng trăm ngàn DN phải bỏ trốn, tự tử, hoặc
vào nhà thương điên. Họ nói doanh nhân Việt giờ còn tuyệt vọng hơn những
người khuyết tật. Và vì thế tôi đồng ý nói chuyện và chủ đề đưa ra là
“Đừng bao giờ bỏ cuộc” dù nói thật tôi không tin việc cứ lao đầu vào rọ
là một giải pháp khôn ngoan. Nhà giàu tuyệt vọng nguy hiểm hơn nhà
nghèo, bởi người ta sẽ sốc nặng và suy sụp rất nhanh khi không quen với
sự tuyệt vọng. Tôi nghĩ sự tuyệt vọng nào cũng cần được giúp đỡ, nhất là
sự tuyệt vọng của những người bình thường.
Anh tin là anh có đủ kinh nghiệm thương trường để nói chuyện và thuyết phục giới doanh nhân Việt?
Câu đầu tiên mà tôi nói với họ là các bạn hãy nhìn xem, tôi đã kiếm
được 1,6 triệu USD ở một đất nước đang suy thoái kinh tế. Hãy tìm mọi cơ
hội trong mọi hoàn cảnh.
Nick! Nói về chuyện tiền nong, số tiền 31,7 tỷ đồng có phải là
quá nhiều cho vài buổi nói chuyện nhẽ ra phải là vì mục đích từ thiện?
1,6 triệu dollar chứ không phải 31,7 tỷ.
Ồ, 1,6 triệu dollar có khác gì 31,7 tỷ?
Khác chứ. Chúng tôi không nhận đồng tiền không thể tiêu ở đâu khác
ngoài Việt Nam. Hơn nữa, Nhà băng Úc có lẽ sẽ cần một bài nói chuyện để
khỏi sốc khi bỗng nhiên nhìn thấy một khoản tiền hơn 10 chữ số được
chuyển khoản cho vài ngày nói như các bạn là chém gió.
Xin đặt lại câu hỏi: Anh có thể giải thích vì sao số tiền cho vài buổi diễn thuyết lại lớn đến thế?
Chắc ý bạn nói là đắt?! Cựu tổng thống Mỹ từng được trả 750 ngàn
dollar cho một bài diễn thuyết ở Hồng Kông, nhưng bài diễn thuyết đó
không thể truyền niềm tin và nghị lực sống. Hơn nữa, cứ 4 năm, hoặc cùng
lắm là 8 năm nước Mỹ lại cho ra đời thêm một diễn giả, trong khi trên
thế giới chỉ có một Nick. Tôi có giá hơn Bill bởi vì tôi không đứng diễn
thuyết bằng chân. Các bạn thấy đấy, tôi cũng không có tay. Nhưng liệu
ai có thể mở chìa khóa trái tim và niềm tin bằng tay bao giờ.
Việt Nam của chúng tôi cũng có những Nguyễn Ngọc Ký, những Nguyễn
Công Hùng, theo anh vì sao họ lại không thể thành công như anh?
Ồ, tôi cũng đã được nghe về Nguyễn Công Hùng. Tôi khâm phục anh ấy,
nhất là khi hiệp sĩ công nghệ thông tin của các bạn từng nói thật là đã
tước đoạt niềm tin của nhiều người, vì sự bất lực của mình. 6,7 triệu
người khuyết tật và chỉ có vài “Nguyễn Công Hùng”. Vì sao anh ấy không
thể thành công như tôi ư. Nói đơn giản chẳng hạn ở Việt Nam có lẽ tôi
cũng sẽ phải lê la đầu đường xó chợ nào đó. Các bạn thử nghĩ xem, các
tòa nhà và phương tiện công cộng ở Việt Nam thật khủng khiếp đối với
người khuyết tật. Các bạn nên tự hào với Nick Việt Nam khi bản thân tôi
cũng thực sự cảm phục anh ấy.
Nick. Hôm qua anh đã khuyên các bạn trẻ hãy học tập Bác Hồ. Anh đã tìm hiểu và biết về lãnh tụ của chúng tôi như thế nào?
Ồ, đây là bí quyết kinh doanh, đáng lẽ tôi không nên chia sẻ. Nhưng
đại khái là mỗi khi đến một quốc gia nào đó tôi thường nhìn vào tờ giấy
bạc. Tờ giấy bạc in hình của ai tôi chắc chắn sẽ tìm hiểu về người đó.
Ông Vũ có nói với tôi ở Việt Nam đang có phong trào học tập tấm gương
đạo đức của người có chân dung trên tờ giấy bạc- tôi quên mất tên rồi-
và tôi nghĩ nếu nói điều gì về lãnh tụ của các bạn có lẽ chắc các bạn sẽ
thích. Tôi nói thế có khó hiểu không? Đại khái, nếu sang Triều Tiên,
tôi sẽ nói các bạn cần học tập Kim Chính Nhật, Kim Chính Vân.
Nhưng anh đã nói đến hai chữ “tự do”?
Ồ nhà báo, câu đó anh cũng tự trả lời được mà, cũng là bí quyết kinh doanh cả thôi. Người ta thiếu cái gì, tôi sẽ nói về cái đó.
Anh sẽ còn trở lại Việt Nam?
Có lẽ là không. Tôi đã nhìn thấy sự thất bại của mình. Thần thánh gì
cũng không thể truyền niềm tin và nghị lực cho những người bại não mà
không biết mình bại não.
(Theo TTX vỉa hè- nhà tiếng Úc học Lại Văn Quay dịch)