Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Vài kỷ niệm của bác “còm sỹ – thuyền nhân”

Theo Blog Hiệu Minh
Chinook

Vết tích của thuyền nhân. Ảnh: Internet
Vết tích của thuyền nhân. Ảnh: Internet
HM Blog xin trân trọng giới thiệu một đoạn hồi ký của bác Chinook sau khi rời đất nước. Hôm trước là chuyện người ở lại của Uyển Vi, hôm qua là chuyện của người bên thắng cuộc, và hôm nay là kỷ niệm của thuyền nhân. Một blog nhỏ thôi mà bao nhiêu số phận qua cuộc chiến.
Cảm ơn bác Chinook.
Định chẳng viết gì, dù đọc chùa mãi nhà bác Hiệu Minh, còm cũng tốn đất, cũng nhớ một người  nói “Viết làm chi, chuyện gia đình Việt Nam nào chẳng thế ?”.
Nhưng hôm nay tôi bỗng muốn viết gì đó. Hàng năm, vào dịp 30-4, kỷ niệm cuộc chiến khốc liệt lại dồn về, vẫn sắc nét, đầy cảm xúc như mới xảy ra hôm qua, dù đã 38 năm rồi.

Nhớ người đã khuất
Đầu tiên, đó là người chú tôi không biết mặt. Chú theo các anh ra Hà Nội học, kết hôn với một tiểu thư Hà thành, dạy trường Bưởi. Cũng như hầu hết thanh niên thời đó, chú cũng tham gia cách mạng.
Năm 1946, chú về thăm vợ và con mới sinh tại Kim sơn, Ninh Bình, bị Viêt Minh bắt và xử bắn, vùi xác tại núi Cánh Diều. Sau mấy chục năm tôi mới có dịp về Ninh Bình, quê bác Hiệu Minh để viếng mộ chú.
Rồi nhớ đến cậu Năm, thần tượng của tôi. Cậu đẹp trai, hát hay. Cậu gia nhập quân đội rất sớm, có lẽ để đeo đuổi lý tưởng “….ta đứng lên vì người , vì hòa bình”. Để rồi cuối cùng cậu đã “bay cao, xa và …đi không ai tìm xác rơi”, đúng như lời bài ca của Phan Huỳnh Điểu mà cậu ưa thích và thường nghêu ngao.
Tôi cũng nhớ đến anh em bà con, bạn bè hy sinh trong cuộc chiến. Nhớ một người bạn còn ăn sáng với nhau mà 11g đã nghe tin hy sinh, để lại một vợ trẻ và đứa con chưa chào đời.
Nhớ đến 5 đứa cháu bỏ mạng khi vượt biển tìm tự do, không thể nào quên trong ký ức.
Tìm đường ra biển
Cuộc sống của tôi sau 30/4 thật gian truân, có lẽ xin kể vào dịp khác. Sau khi cải tạo về, biết mình khó tồn tại ở mảnh đất này nên tôi tìm đường ra biển. Như hồi đó chúng tôi đùa, cứ theo cụ Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, chỉ tay ra phía biển, các con cứ thế mà đi.
Bốn lần “mua vé” đi, bốn lần thất bại. Vàm Láng, Bà Rịa trở nên quá quen thuộc. Con còn nhỏ, mỗi lần “ém quân” phải cho uống thuốc ngủ để cháu khỏi khóc. Nhưng vẫn phải quay về.
Nhưng rồi dịp may đã đến. Anh K. nguyên là một đại úy pháo binh bị bắt làm tù binh tại Kontum năm 75. Sau khi cải tạo về, anh “được đi” kinh tế mới.
Ban đầu K chỉ muốn chuyển hộ khẩu về Phước Tuy, rồi về Saigon sinh sống.Tình cờ, trong hộ khẩu mới nhập ở Phước Tuy, viên thư ký xã, thay vì ghi “cải tạo viên” ở hàng của K, lại ghi lộn lên hàng trên, nên trong hộ khẩu, “cải tạo viên” lại là một đứa bé 14 tuổi , con chủ hộ.
Ít lâu sau, K. xin tách hộ và với một lý lịch “sạch”, xin mua một ghe chở củi. Một vài lần, nhờ chịu khó ăn nhậu với du kích xã, K. xin phép đóng ghe mới lớn hơn .
Chiếc ghe mới được đóng cấp tốc, trong ba ngày, ghe mũi kiểu Thái lan, chịu được sóng biển. Ngay khi hạ thủy, với một máy đuôi tôm và thân ghe chưa hoàn chỉnh, K. đưa ghe về Cầu Chữ Y Sài Gòn để hoàn thiện với giấy tờ giả.
Chúng tôi mua máy Yanmar 23 ngựa chạy dầu, một hải bàn cũ, làm thêm một hầm dầu, và két nước bí mật. Rồi hàng đêm nghe tin tức khí tượng của BBC để tiện là ra khơi.
Công an cũng biết ý định, nhưng chắc muốn chờ để bắt quả tang một mẻ lớn.
Vượt biển
Nếu nấn ná thêm sẽ khó thoát nên chúng tôi quyết định ngày đi là 19/6, dù dự báo thời tiết không tốt. Tôi để vợ con lại vì sợ “lành ít, rủi nhiều”.
Boat People. Ảnh: Internet
Boat People. Ảnh: Internet
Chiếc ghe dài 9,7m rời Cầu Chữ Y với 4 thanh niên, 3 giờ chiều đón thêm 21 người tại cửa sông Sài Gòn.
Trời im lặng lạ thường, nghe rõ tiếng nước vỗ mạn thuyền. Ghe chạy chậm chờ tối để qua cửa Vũng Tàu cho an toàn.
Thế rồi cũng qua dù khá căng thẳng. Ánh đèn thành phố mờ dần. Chúng tôi lặng lẽ để lại sau lưng bao người thân, phía trước không tia le lói hy vọng. Trời xám một màu chì, trước mặt là mây đen.
Khoảng 10 giờ sáng, gặp một tàu mang cờ Liên xô chạy ngang trước mặt, cả hội cũng hơi hoảng nhưng khi đi qua cũng không thấy gì.
Thời tiết xấu thêm, rất nhiều ghe, tàu chạy vô đất liền để tránh giông. Nhưng ghe nhỏ bé của chúng tôi lại đơn độc ngược ra khơi.
Nước biển đổi thành màu xẫm, nhiều con đẻng (rắn biển) dài bơi chầm chậm. Cá mập cũng xuất hiện, vây trên lưng đen bóng xé nước làm khung cảnh thêm hãi hùng.
Ghe tiếp tục chạy về huớng Đông, trước khi xuôi Nam, để tránh giàn khoan dầu của Việt Nam. Gió ngược, đi rất chậm.
Ngày hôm sau, thời tiết tệ hơn. Sau khi bàn với K., tôi quyết định cho chạy về hướng Nam dù biết mình chưa qua khỏi giàn khoan bao xa.
Gió mạnh thêm, nên cho máy chạy hết công suất. Đến chiều, biết máy không chịu được nổi, tôi cho quay hướng Tây Nam.
Khoảng 5 giờ, lại đi qua một giàn khoan, nhìn thấy cả cờ đỏ sao vàng. Nhưng có lẽ họ đã quá quen với cảnh vượt biên nên không để ý.
May mắn thay, đến 8 giờ tối, sức gió bắt đầu giảm. Khoảng 11 giờ đêm, gió gần lặng, nhưng một cơn mưa như trút nước lại đến.
Hải bàn rất cũ, đã đựợc làm lại. Những chữ số dạ quang rất mờ, một người phải dùng Poncho che kín đầu tôi và hải bàn để có thể đọc phương huớng.
Sáng hôm sau, thật là may, mặt trời le lói mọc trên biển. Tôi giao tay lái cho K., thiếp ngủ để lấy sức.
Sáng ngày thứ 4, mặt trời mọc phía sau chúng tôi, tàu lại chạy chậm để dưỡng sức.
Khoảng 11 giờ, chúng tôi thấy thấp thoáng đất liền, chắc là miền Nam Thailand hay Bắc Malaysia.
Hơn phân nửa số người trên tàu mệt lả, nằm la liệt. Thỉnh thoảng thấy tàu đánh cá địa phương. Có tàu dửng dưng như không thấy, có tàu nhắm chúng tôi chạy tới nhưng chúng tôi luôn né tránh vì không muốn đụng hải tặc.
Khoảng 3 giờ chiều, một tàu nhỏ, có tốc độ cao, từ trong bờ chạy ra chặn đầu. Hai cảnh sát mặc đồng phục, một người dùng súng bắn chỉ thiên, một người dùng loa xua đuổi.  Tôi cho tàu chạy thật chậm và sáp gần lại họ.
Tôi hỏi bằng tiếng Anh, họ trả lời là chúng tôi đương ở lãnh hải Thailand. Tôi lại dùng tiếng Hoa (Phổ thông) nói với viên cảnh sát da vàng mà tôi đoán là người Hoa, chúng tôi cần nước, dầu và quẹt. Họ cho một can dầu, một can nước và hộp quẹt.
Nỗi thống khổ. Ảnh: HCR
Nỗi thống khổ. Ảnh: HCR
Chào họ và lại quay ra biển. Nhìn chữ in trên hộp quẹt, biết mình đã tới Malaysia.
Thật may mắn, viên cảnh sát gốc Hoa, ra hiệu cho tôi đi vô bờ, nhân lúc tay cảnh sát kia không để ý.
Giả vờ cho chạy tiếp, tàu cảnh sát kia vừa khuất dạng, tôi cho tàu chạy hết tốc độ hướng vào bờ.
Vào tới nơi, chúng tôi thấy nhiều xác tàu trên bãi. Cứ thế chúng tôi đâm thẳng chiếc ghe lên bờ,  dù có vài dân quân và bắn chỉ thiên đe dọa.
Cuộc tìm kiếm tự do mới qua được ải đầu tiên vô cùng may mắn. Có những lúc thắt tim bởi “môt phần sống, chín phần chết”, mà viên cảnh sát người Malaysia nói, nếu đi trên tàu đó, được làm vua Malaysia, anh ta cũng từ chối.
Cuối cùng ở bờ biển Malaysia và được tiếp thực phẩm từ UNHCR  (Cao ủy Liên hiệp quốc về người tỵ nạn) và những người dân tốt bụng giúp vài ngày, cả đoàn lại bị dồn lên tàu, kéo ra biển, thả giữa đại dương.
Như có trời run rủi, chiếc tầu Ile de Lumière của Pháp đã cứu. Tôi rất sợ đó là tầu của các nước khối cộng sản bởi ít ngày trước đó, đọc được tin là Đại sứ Mai văn Bộ tuyên bố “vì lý do nhân đạo, Viêt Nam sẵn sàng nhận lại những người tỵ nạn, nếu họ hối hận vì đã bỏ nước ra đi.”
Một người mỉm cười, nói “Các anh đã thấy ánh sáng rồi”. Ông là Bs Bernard Kouchner, sau làm tới Ngoại trưởng Pháp.
Tỵ nạn và kỳ thị trên đất Pháp
Cuộc sống tỵ nạn của chúng tôi ở Toulouse, miền Nam nước Pháp, không mấy khó khăn. Vì biết ngoại ngữ tốt, tôi phụ dạy tiếng Pháp cho người tỵ nạn và giúp đi xin việc sau thời gian tạm trú.
Môt hôm, tôi đưa một người đi xin việc tai một hãng bán và sửa máy pha café. Người chủ và cũng là người phỏng vấn ngỏ ý muốn mướn tôi thay vì ứng viên. Hỏi ý kiến một số bạn, và được họ khuyến khích, tôi nhận lời. Thôi thì chưa có việc gì làm, có người muốn mướn thì quá may rồi.
Máy pha café bên Pháp rất phổ biến và thuờng rất cũ. Nhiều cái tuổi cũng xấp xỉ tuổi của tôi , vận hành bằng hơi nước, và nguồn nhiệt là ga (gaz). Tuy thế nguyên tắc không khác nhau là mấy. Hãng đó nhỏ, gồm một ông chủ, cô thư ký và năm thợ, tôi đang tập việc là sáu.
Hàng ngày bốn ngưòi thợ đi sửa bên ngoài, một người ở lại xưởng để sửa những máy hư hỏng nặng, không thể sửa tại chỗ được.
Mọi người đều thay phiên làm việc ở xưởng. Có chuyện chia nhau bởi “đi khách” thoải mái hơn, được chủ tiệm cho ăn miễn phí. Ngoài ra còn tiền pour boire (tip – chè nước) cũng là nguồn thu nhập rất đáng kể.
Sau một tháng học nghề trong xưởng, tôi được theo người thợ kinh nghiệm nhất để đi sửa ngoài. Sau đó hai tháng, tôi lại bị phân công làm tại xưởng.
Ban đầu tưởng chỉ là tạm thời vì khi đó chúng tôi phải tân trang 4 máy nên có lẽ chủ muốn tôi hoàn tất. Nhưng không phải thế, những ngày kế tôi vẫn phải ở xưởng mà không một lời giải thích. Tôi đưa vấn đề nói với cô thư ký thì cô nói sẽ trình lên ông chủ .
Thế hệ sau của thuyền nhân. Ảnh: internet
Thế hệ sau của thuyền nhân. Ảnh: internet
Kiên nhẫn nhắc và chờ thêm hai tuần, mà cũng chỉ được hứa hẹn. Một sáng thứ Hai, tôi ngồi chờ ông chủ tại văn phòng thay vì đi xuống xưởng. Cuối cùng ông phải tiếp tôi một cách bất đắc dĩ.
Tôi trình bày là muốn được ông giữ lời hứa ban đầu nhưng ông viện ra những lý do, như tôi chưa rành nghề. Nhưng tôi tranh luận là cả tháng nay, một mình tôi đã sửa và tân trang tất cả những máy đưa về xưởng. Ông nói thêm, nhiều người Pháp “kỳ thị” , đủ mọi lý do để bắt tôi làm ở xưởng mà không được ra ngoài bay nhẩy.
Cuộc tranh luận chỉ kết thúc khi đạt được thỏa hiệp, tôi ở lại làm ở xưởng, nhưng được tăng lương tưong đối hậu hĩnh.
Kỳ thị ngay trong cộng đồng
Chuyện “kỳ thị” sau đây cũng khá lý thú.
Tôi đưa một người cháu đi xin việc tại một garage sửa xe của một ngưòi Pháp Pied Noir (chân đen, tiếng lóng chỉ những người Pháp sanh ở Phi Châu).
Yves, là một ngưòi tốt bụng, anh kể cho tôi hay những khó khăn hội nhập của gia đình anh, một đại lý xe Citroen ở Maroc.
Khi về Pháp mà chính anh và gia đình lại tỵ nạn trên quê hương cực nhọc ra sao, nên rất thông cảm hoàn cảnh chúng tôi . Yves nhận cháu vào làm việc một cách vui vẻ.
Một hôm cháu đi làm về, mắt đỏ hoe. Tôi gặng hỏi, cháu mới kể là người chủ hiệu thuốc gần gần garage gặp và hỏi một câu làm cháu tủi lòng.
Tôi gặng hỏi, cháu kể là ông ta hỏi, cháu còn trẻ, nghề nghiệp không có, tiếng Pháp lọng cọng, sang đây làm chi?
Người Việt sang Pháp trong nhiều đợt, và trình độ rất khác nhau và thường nhìn nhau không mấy thiện cảm.
Thứ bảy sau đó, tôi đến hiệu thuốc và gặp người Dược sĩ gốc Việt đó. Sau khi tự giới thiệu, tôi đi thẳng vào vấn đề là câu hỏi thiếu tế nhị làm cháu tôi khóc.
Ông tutoyer (tuy-toa xưng hô thân mật vì chúng tôi đã gặp nhau trước đó trong một dịp khác), nhưng tôi vẫn thẳng thắn, nếu ông quan tâm đến những khó khăn của những người mới tới thì tôi cũng xin lỗi vì có thể cháu đã hiểu lầm.
Nhân tiện, tôi nói lý do tại sao bỏ nước ra đi, chắc cũng không khác ông và những người khác là mấy vì ai cũng muốn tìm một cuộc sống đáng sống hơn.
Thấy ông tái mặt, tôi hơi ân hận vì mình đã quá lời.
Hội nhập bên Mỹ.
Những ngày ở Pháp qua mau. Một năm sau tôi qua Mỹ để đoàn tụ với anh em đã qua năm 1975. Gặp gỡ trong nước mắt và nụ cười. Tôi nhớ cả việc gặp hai cô em dâu mới.
Yuki, người gốc Nhật. Tôi rất nhớ em bởi năm 1977, khi liên lạc khó khăn, đã tìm cách gửi thư từ và thuốc men cho má tôi qua đường Nhật Bản. Gặp Ann, vợ sắp cưới của em út tôi, người sẵn sàng qua Việt Nam để xem có thể giúp gì cho gia đình bên đó.
Cuộc hội nhập của chúng tôi không khác so với những người khác. Tôi đoàn tụ với vợ con 10 năm sau đó, khi con tôi đã 13 tuổi.
Nhiều người ở lại Việt Nam, đến Mỹ hay một miền đất hứa nào đó, có số phận khác nhau. Nhưng có một điểm chung. Đó là cuộc chiến tranh, ý thức hệ, bởi những yếu tố chẳng cần nói thêm.
Eden của người Việt ở Virginia. Ảnh: HM
Eden của người Việt ở Virginia. Ảnh: HM
Vì thế, câu chuyện này cũng chỉ là một ngàn lẻ một của hàng chục triệu gia đình xứ Việt. Khi quê hương không còn là nơi được chào đón thì họ đành phải thay đổi như nhân loại đã làm cả ngàn năm nay.
Những lúc đại gia đình gặp nhau (family reunion), đám trẻ thuờng xúm lại nghe kể vượt biển xưa thật kinh hoàng. Nhiều cháu còn bảo chúng tôi viết lại để chia sẻ.
Nhớ bà mẹ của ký giả Phương Lê của tờ báo Seattle PI. Sau khi đọc 5 số liên tiếp về “hành trình” của gia đình cô trong chiến tranh, cụ nói “Viết làm chi, chuyện gia đình Việt Nam nào chẳng thế ?”
Trải qua bao bể dâu và thăng trầm của thời cuộc, tôi thấy cụ đã đúng.
Còm sỹ Chinook.
Gửi từ tiểu bang Washington – Seattle. 4-2013.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"