Nói chuyện với các dịch giả chín chắn, thường khi nhắc đến cuốn này
dịch sai cuốn kia dịch sai, họ thường bảo: sai thì có gì, chuyện bình
thường.
Nói thế cũng đúng. Vì có làm (dịch) thì phải có sai. Bác sĩ, làm việc
trên tính mạng con người, nhiều ông giỏi vãi chầy ra còn khám sai, mổ
sai . Thế nên mới có lời khuyên là bị bệnh nặng thì phải khám mấy chỗ
khác nhau. Còn mổ xẻ thì có cả một ca mổ hỗ trợ cái ông cầm dao. Tất cả
chỉ là để giảm thiểu (tối đa) sai sót.
Thế nên dịch dọt mới có biên tập. Biên tập giỏi và cứng tay, dịch lại
bản dịch của dịch giả đến cả nửa cuốn là bình thường hehehe.
Thế nhưng, ở VN, dịch giả không biết vì nguyên cớ gì thì nổi cứ như
pop star, cứ như học giả, còn biên tập viên thì cứ lọ mọ, cứ …hèn hèn.
Dịch giả ngồi lên đầu biên tập là bình thường. Dịch giả dịch một cuốn,
còn biên tập viên thì cùng lúc ôm mấy cuốn. Thấy sai mà sửa cho đúng đã
ong cả não lên, lại gặp phải dịch giả ngôi sao suốt ngày cự nự: không
được sửa chỗ này, không được sửa chỗ kia. Cãi nhau mất thời gian, cho
nên thôi kệ mẹ. Sai cũng kệ mẹ.
Đâm ra biên tập viên cứ yếu dần, rồi lương biên tập viên cũng bèo,
việc thì ngày càng nhiều. Dần dà, đâm ra cứ làm quấy quá cho xong.
Rồi thì biên tập viên và dịch giả lại cùng một ổ, do một nhà trả
lương, làm cùng nhau cùng một office. Có khi biên tập viên lại là nhân
viên cấp dưới, hoặc là bạn của dịch giả. Nên lại càng dễ bỏ qua chỗ sai.
Hoặc là tặc lưỡi, sếp là dịch giả nổi thế, chắc chả sai mấy đâu.
Lẽ ra, nếu dịch giả là người nhà của nhà xuất bản, thì bản dịch ấy
phải thuê biên tập ngoài. Và ngược lại, nếu dịch giả ở ngoài thì dùng
biên tập viên ruột của mình. Làm thế thì hai bên mới thẳng tưng ra mà mổ
nhau, mới mong có ít sai sót. Ấy là nói biên tập viên có trình. Chứ
biên tập viên yếu cả về trình độ, yếu cả bản lĩnh, cũng khó mà mổ được
dịch giả. Mổ nó được một phát, nó đạp lai cho mấy phát vỡ mẹ sủ. Cứ lâu
dần, càng ngày biên tập càng lép vế. Đúng ra, lẽ ra, thì ngày qua ngày,
năm qua năm, càng ngày biên tập viên càng phải có vai trò lớn hơn, oách
hơn.
Cho nên dịch sai lúc đầu là do dịch giả. Bản thảo vẫn sai là do biên
tập viên: không đủ bản lĩnh và trình để vặc dịch giả, dưới cơ dịch giả
nên bị đè. Xuất bản phẩm vẫn sai là do nhà xuất bản: không rạch ròi biên
tập và dịch giả, cả hai cùng là quân nhà.
Có những dịch giả già, trước 75 vừa làm giáo sư ngôn ngữ trong đại
học, vừa dịch sách. Sau 75 mỗi người một nơi, danh tiếng mờ nhạt, thua
danh các dịch giả trong nước cả trăm lần, mà đẳng cấp trình độ thì có
khi ngược lại. Nhưng nói chuyện với họ về chất lượng các bản dịch gần
đây, các dịch giả già đều tránh phê bình chất lượng (dù lúc trà dư tửu
hậu, họ vạch ra toàn cái sai chết người). Họ bảo mình làm nghề dịch,
tránh phê bình đồng nghiệp. Việc đấy dành cho các vị phê bình dịch
thuật.
Những dịch giả sau này quên mất dịch giả cũng là một nghề như bác sỹ,
kỹ sư, cái quan trọng là làm tốt nghề của mình và sống bằng nghề đấy.
Cái danh của mình cũng nên khoanh trong cái cộng đồng trong nghề biết,
không phải là cái danh chìa ra đám đông mà ưỡn ngực. Đâm ra hay chê bản
dịch người khác. Suốt ngày chê cuốn này cuốn kia dịch kém, dịch tồi,
dịch hỏng, dịch thảm họa. Quên mất rằng mình cũng làm nghề dịch, và cái
sai, cái thảm họa, nó không tránh một ai. Rồi sẽ có ngày, cũng như một
bác sĩ giỏi, bên gan bệnh không cắt mà cắt bên gan tốt. Cắt xong rồi chỉ
biết cười chứ biết làm sao. Chả ai có thể bênh được mình lúc ấy, ngoài
đồng nghiệp. Mà đồng nghiệp mình lỡ chửi họ ngu rồi, giờ biết tính sao.
Người đúng ra cùng gánh trách nhiệm với mình trước độc giả, là biên tập
viên, mình cũng lỡ ngồi lên đầu họ rồi, làm sao họ cùng đứng ra lãnh đạn
với mình được nữa.
Dịch giả cũng không nên …khen. Dịch giả bây giờ ngoài dịch sách, còn
đi giới thiệu tác phẩm ở event hoặc viết bài. Dịch giả có thể giới thiệu
tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, chứ đừng nên giới thiệu dịch
phẩm. Bởi giới thiệu dịch phẩm bản chất đã là khen chê sản phẩm của dịch
giả khác. Chê hậu quả thế nào, đã nói ở trên. Còn khen cũng hãi lắm.
Khen một cuốn dịch giỏi dịch hay, xong về sau hóa ra là một dịch phẩm
tồi, thì còn biết ăn biết nói làm sao. Có anh vừa dính một vụ khen nhầm
thế này, nghe nói bây giờ sáng nào cũng phải ăn một quả trứng vịt lộn.
Thực ra còn một bệnh của dịch giả nữa, là bệnh cứ bô bô là dịch phải
sáng tạo, hoặc có ông còn bệnh hoạn đến mức đòi dịch giả phải là đồng
tác giả nữa. Việc này thôi không bàn, vì dịch mà sáng tạo thì giải nhất
sẽ thuộc về quả dịch Cây Gạo Giáp Thân vừa rồi om xòm trên Facebook.
Rồi nhà xuất bản, là cái nơi xét cho cùng, tưởng đâu là phải chịu
trách nhiệm cuối cùng về một bản dịch tồi, nhưng nếu nhìn từ quan điểm
kinh doanh, thì lại là nạn nhân. Mỗi cuốn sách là một dự án, nhà xuất
bản trả tiền để làm dự án ấy: mua bản quyền, dịch, biên tập, in, quảng
cáo. Tốn một mớ tiền mà bị ăn chửi.
Tất nhiên tiên trách kỷ. Nxb sai từ cái gốc là tham: trong quy trình
dịch biên tập (không rạch ròi biên tập là người trong nhà thì dịch giả
phải là người ngoài và ngược lại), không bảo vệ, nâng đỡ biên tập viên
để họ đủ sức chiến đấu với dịch giả để có bản dịch tốt hơn, ép biên tập
viên làm khối lượng bản thảo quá sức họ khiến cho họ làm quấy quá để kịp
tiến độ, và tệ nhất là không biết đánh giá trình độ thực của dịch giả
và biên tập để giao cho họ làm những bản thảo đúng sức của mình.
Rồi hậu trách nhân. Nếu thị trường sách lớn hơn, một cuốn sách bán
được nhiều bản hơn, thì các nhà xuất bản đâu còn phải chạy theo đầu sách
mới để có doanh thu. Nếu một đầu sách bán được nhiều bản hơn, thì số
đầu sách làm trong tháng, trong năm giảm đi, chất lượng sẽ tăng lên.
Hậu nữa là công chúng. Đã bỏ tiền ra mua sách, thấy cái sai là phải
ném đá. Ném kịch liệt, ném tan nát. Nhưng chỉ ném vào cái chỗ sai thôi,
để nhà xuất bản họ cải thiện chất lượng sản phẩm. Chứ không phải ném để
đóng cửa nhà xuất bản. Cái sai của một cuốn sách dịch, so với cái sai
của Vinashin chả hạn, chỉ bằng cái lỗ đít con vi trùng. Làm đéo gì mà
suốt ngày thảm họa với chả thảm họa. Sốt cả ruột. Sai thì bảo các ông
sai rồi, xin lỗi độc giả đi, dịch lại cho đàng hoàng đi, không thì bố
mày không mua sách nữa.
Mà có khi tốt nhất là đừng mua sách, đừng đọc sách nữa. Đọc sách chỉ
mà để lên mạng chửi nhau (như tôi đang làm đây) thì thà mù sách còn hơn.
Sáng giờ lẽ ra đi xe ôm hay quay nước mía kiếm được ít tiền, thì ngồi
nhà viết bài như vầy. Cứ bảo sao nước mình mãi nghèo.
Ký tên: Một biên tập viên nghèo hèn kiêm một dịch giả chuyên dịch những thứ vô danh, không có cả tên tác giả.