Bằng Kiều, Thu Phương từng bị cấm cửa về vì phản đối các chính sách
của nhà nước trong buổi họp báo ở Mỹ, có treo cờ vàng 3 sọc Việt Nam
Cộng Hòa. Thu Phương đành ngậm đắng nuốt cay, muốn gặp con phải đi Thái
Lan rồi người nhà mang con từ Hà Nội qua cho mẹ con thăm nhau. Ngược
lại, từng có ca sĩ của Thúy Nga về Việt Nam hát cho một chương trình lễ
hội có treo cờ đỏ sao vàng; đã bị ngừng hát khi trở lại Mỹ. Còn nhớ, năm
1999 lá cờ đỏ sao vàng và chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện ở Little
Saigon - Cali, trong cửa tiệm băng đĩa của ông Trần Văn Trường đã khiến
cộng đồng người Việt ở Mỹ biểu tình phản đối suốt 56 ngày đêm, cho tới
khi tiệm bị cảnh sát vào lập biên bản tịch thu hết băng đĩa, dụng cụ
kinh doanh vì lý do “in sang băng lậu”. Trần Văn Trường sập tiệm và sau
đó còn ra tòa lãnh án tù 3 tháng, tội làm ăn bất hợp pháp.
Lá cờ là biểu trưng cao nhất của một quốc gia. Bất kỳ một chế độ nào
đi nữa, việc sử dụng cờ của một chính thể đối lập hay một chế độ không
được công nhận; những chuyện xảy ra như vậy là thường tình. Yếu tố cờ
vàng 3 sọc trong vụ Phương Uyên dễ khiến dư luận hiểu theo hướng "bị các thế lực phản động hải ngoại giật dây, lợi dụng".
Với một cán bộ Đoàn, được cho đã trưởng thành và có đầy đủ ý thức chính
trị, thậm chí vượt trội hơn những bạn bè đồng lứa; thì không thể không
hiểu những chuyện sơ đẳng như vậy!
Tui tham gia mạng xã hội gần 8 năm, từ blog Yahoo!360 đến Multiply
rồi facebook, cũng từ mạng xã hội tui phải trãi qua 2 vụ án, một ra tòa
dân sự (Phương Thanh) và một án hình sự, tạm giam 3 tháng (tướng CA
Nguyễn Khánh Toàn); đã chịu nhiều đau đớn và ngột ngạt đến cùng cực của
đời người. Bản thân có khá nhiều chuyện uất ức, nhưng không phải chuyện
gì cũng chia sẻ được. Khi nhìn thấy Phương Uyên trong chiếc áo trắng gắn
phù hiệu ra tòa, tui lập tức đánh giá cao cô bé 20 tuổi này, rất thông
minh và hoàn toàn làm chủ về tình thế của mình.
....
Có một chuyện chưa từng kể ra.
Đêm trước khi ra tòa sơ thẩm quận Tân Bình, tui đã thức gần trắng đêm
chỉ để suy nghĩ coi... mặc đồ gì. Và cuối cùng, đã quyết định tự cắt
ngang mái tóc trước, tìm một cái áo trắng cổ lá sen ngắn củn cởn và
chiếc quần Tây xanh không nếp, đeo thêm chiếc kính không độ. Nhìn vào
gương tui bật cười vì không nhận ra mình, chỉ thấy một con ngố, lờ khờ
và không có vẻ gì nguy hiểm, sắc sảo hay đáng phải dè dặt, e ngại. Đó là
một hình ảnh tui muốn mọi người nhìn thấy, đặc biệt là nhóm ngồi xử án
và đối thủ. Tui đã dành thắng lợi 100% trong phiên tòa, nhờ rất nhiều
vào sự mất cảnh giác của phe kia.
Những gì thấy bằng mắt không chắc đã chính xác!
Không như giai đoạn sơ khai đó, mạng xã hội bây giờ phát triển rầm
rộ. Theo TechInAsia điều tra, thì cư dân Facebook Việt hiện có thể lên
tới 15 - 20 triệu người. Có bao nhiêu trong đó là an ninh mạng, là "hàng
gài", là dư luận viên, là người của các đảng phái chính trị... FB là
con dao hai lưỡi, lợi thì có lợi nhưng đôi khi răng chả còn! Thỉnh
thoảng tui có lạc vào vài FB sặc mùi chống Cộng, hay lớn tiếng hô hào
dân chủ, đa nguyên đa đảng, chửi chế độ như chửi một con chó lúc
say...nhưng profile thì mập mờ, avatar chẳng rõ thật hay giả, hoặc chẳng
có tí hình ảnh nào chứng minh chính chủ. Chuyện yêu nhau qua FB, lừa
nhau qua FB, hãm hại nhau qua FB, lợi dụng nhau qua FB...đã không còn là
chuyện hiếm. Nhẹ dạ hay cả tin là sập bẫy. Cuộc chơi trên này, mỗi
người cần phải có sự phòng vệ riêng của mình!
Uyên-Kha không phải là hai người đầu tiên bị án có dính tới việc phát
tán truyền đơn. Đoàn Huy Chương, người hoạt động đấu tranh cho quyền
lợi của công nhân tại Việt Nam bị bắt hồi đầu năm 2010; đã từng rải ở
khu vực Tân Sơn Nhất, Đồng Nai, Trà Vinh. Khi ở trong trại B.34, trước
khi bị chuyển đi K.4. nghe Chương bảo, nếu cho làm lại anh vẫn chọn con
đường đấu tranh cho công nhân mà không hề hối hận, nhưng hình thức rải
truyền đơn thì không. Anh cho biết, những ai nhặt được truyền đơn đều bị
liên lụy và bị làm khó dễ, nó nguy hại cho sự bình an của nhiều người.
Và, cũng không ít người nhặt được đã tỏ thái độ như nhặt giấy lộn. Vài
tờ truyền đơn không thể làm thay đổi ý thức một đám đông, đó chỉ là sự
thôi thúc nội tại của một vài cá nhân!
...
Trong bất cứ vụ án nào cũng có những khuất tất của nó. Có hai chi
tiết đáng chú ý vụ Uyên - Kha, là chiếc máy ảnh và thuốc nổ: máy ảnh
được giải thích là dùng chụp hình chơi với bạn bè, còn thuốc nổ của nhà
Kha dùng làm pháo. Những đồ vật có thể chỉ bình thường, vô hại hoặc sử
dụng cho đời sống hàng ngày; nhưng khi gặp chuyện sẽ được dùng để chống
lại mình. Còn nhớ ông sáu Được trong vụ án 5 Cam, có lần khoe với tui
mới mua ở Thái Lan về mấy bộ áo quần rằn ri thủy quân lục chiến cho ông
và mấy đứa con, mặc vô nhìn rất thời trang rất ngầu. Nhưng khi bị bắt,
lục soát nhà chả tìm được gì ngoài mấy bộ đồ đó; tui đã không nén cười
khi đọc trên báo thấy tội của sáu Được có cả "tàng trữ quân trang quân
dụng".
Tui vốn không ưa viện dẫn điều này luật nọ, vì bản thân từng là nạn
nhân của cái gọi là pháp luật – của người quyền thế, vẫn còn tồn tại ở
Việt Nam. Nên những gì nói ra, đều mang tính thực tế; không vẽ vời cũng
không bơm phồng. Uyên và Kha đã quá vị thành niên, trưởng thành về nhận
thức và có quyền được nhìn nhận, được đánh giá như những công dân khác
trong xã hội; nói về Uyên - Kha như những đứa trẻ bé bỏng là xúc phạm
hai em. Tinh thần Uyên và Kha xứng đáng được trân trọng và cảm phục,
nhưng việc làm của hai em không phải là hành động của những anh hùng.
Tui có đọc vài bài thơ tụng ca Uyên - Kha, có câu đại khái rằng, muốn
được tự do phải bước qua nhà tù. Bản thân người viết câu thơ đó, đòn đau
nhất có lẽ chỉ là bị cơ quan đuổi việc; chưa từng nếm mùi lao tù, chưa
từng bị cùm chân ngồi nếm những thức ăn thua bữa của một con chó, chưa
từng nếm cái đau của việc tra khảo, chưa từng bước ra khỏi phòng biệt
giam với đôi mắt mờ nhòe,... Nếu như làm được, đừng cổ súy việc đó! Hãy
chỉ cho những người trẻ có thể vẫn sống tốt trong tư thế ngẩng cao đầu,
vẫn đàng hoàng đấu tranh cho lẽ phải, cho quyền được bảo vệ lãnh thổ của
tiền nhân để lại mà không nhất thiết phải trải qua việc đau đớn thân
xác và kiệt quệ tinh thần trong tù!
...
Có một người tui muốn nhắc tới, là ông Trương Tấn Sang. Long An, nơi
thụ lý vụ án Uyên – Kha là quê hương của chủ tịch nước. Sau khi hai em
bị bắt, ngày 30.10.2012 đã có 157 nhân sĩ, trí thức viết và ký tên vào
tâm thư gửi cho ông. Lúc biết chuyện này, tui im lặng không muốn bàn
tán, vì bản thân đã không có hy vọng nhiều ở ông. Tui từng chỉ dẫn cho
gia đình Hoàng Khương gửi thư cầu cứu tới CTN Trương Tấn Sang khi vụ
việc xảy ra, vợ Khương cũng đã từng tìm mọi cách tiếp cận và đưa đơn xin
cứu xét. Tất cả đều không hồi âm. Giá như có thể làm được điều gì đó để
giảm nhẹ án cho Uyên - Kha, thì sự nghiệp chính trị của ông có ý nghĩa
biết chừng nào! Bản án 6 năm của Uyên và 8 năm của Kha thật sự quá nặng
và ác nghiệt, đi ngược với truyền thống nhân ái của người Việt. Cầu mong
hai em mạnh khỏe, chân cứng đá mềm vượt qua khúc quanh đời mình!