BapRang
USA, 08/2011.
Tất cả trẻ em đều rất mạnh mẽ, có tiềm năng, tính hiếu kỳ, khả
năng quan sát, và để ý đến việc tiếp thu và ứng xử với tất cả mọi tình
huống mà môi trường mang đến cho các em. ~Loris Malaguzzi. Cha đẻ của phương pháp giáo dục Reggio Emilia
Trong khi đợi lũ trẻ tìm sách ở thư viện trường tiểu học (cấp 1) để
đọc trong kỳ nghĩ hè, một cuốn “truyện tranh” đẹp đập vào mắt với tựa đề
tạm dịch là, “Bài Học Nhân Quyền Cho Trẻ Em”. Hơi bất ngờ nhưng khá thú
vị vì sự phát hiện cuốn sách nhỏ về đề tài “lớn” này lại nằm trong tủ
sách của lũ trẻ nhỏ còn độ tuổi mẫu giáo. Các hình vẽ minh họa và các
tiêu chuẩn về quyền làm người được diễn đạt khá sinh động và dễ hiểu.
Điều oái ăm là ở Việt Nam, các trí thức như Bác Sĩ, Luật Sư, Kỹ Sư, hay
Văn Nghệ Sĩ đang khai phá về chủ đề “trẻ con” này thì đa phần đều bị
mang tội phá hoại dân chủ, nhà nước XHCN, bị quản chế, tù đày, v.v. [1]
Dưới đây là bộ sưu tập tranh dễ thương của Tổ Chức Nhân Quyền thế
giới nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Liên Hợp Quốc và đã được dịch ra trên
30 ngôn ngữ khắp thế giới (nguồn BBC) [2].
1&2. Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.
3. Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.
4. Không ai có thể bắt chúng ta làm nô lệ hay nô dịch. Chúng ta cũng không thể bắt người khác làm nô lệ.
5. Không ai có thể bị tra tấn hay những đối xử tàn ác làm hạ thấp nhân phẩm.
8. Ai cũng có quyền yêu cầu tòa án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận.
9. Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán.
10. Ai cũng có quyền được một toà án độc lập để xét xử một cách công khai và công bằng.
11. Không ai có thể bị kết án khi chưa được chứng minh. Khi chúng ta bị gán tội là điều xấu, chúng ta có quyền chứng minh điều đó là sai.
p.s. Giả sử bạn và gia đình trong một chuyến du
lịch vòng quanh thế giới và bị phát hiện trong túi xách có mang vật quốc
cấm (chắng hạn như bạch phiến ở Singapore, bài nhạc giao hưởng Tây ở
Iran, bài phê bình Kim ở Bắc Hàn, bài viết về Tây Trạng độc lập ở Trung
Quốc, hay bài viết phê kiện vua quan lãnh đạo ở Việt Nam). Thử hỏi bạn
có thấy oan ức khi bị gán là “Tội phạm” trước khi được chứng minh là vô
tội (chẳng hạn một kẻ xấu nào bỏ nhầm vào túi xách của bạn)? Bạn muốn có
một tổ chức điều tra giúp đỡ và một tòa án độc lập xét xử công khai?
Nếu bạn là người có tiền, quyền và “quen biết” thì bạn có thể “chạy
án” ở một đất nước không tôn trọng nhân quyền với nền pháp lý lò xo,
nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đều không hội đủ mọi điều kiện kể trên.
Chắc chắn, bạn và tôi sẽ hy vọng và đặt niềm tin cuối cùng vào một ai đó
hay một tổ chức nào đó sẽ không ngại vì công lý và sự thật đứng lên để
bảo vệ bạn và gia đình. Vậy Họ là ai, nếu không được giáo dục về bài học
nhân quyền…
14. Khi bị đàn áp, ai cũng có quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.
15. Ai cũng có quyền có quốc tịch.
19. Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; suy nghĩ những gì mình thích, nói những gì mình nghĩ và chia sẽ quan điểm với người khác.
20. Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình. Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn mà họ không muốn.
21. Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn.
p.s. Còn nhớ năm 2008, con gái 5 tuổi của tôi được
trường học dạy trò chơi thực hành “bỏ phiếu kín” để bầu tổng thống từ
hai ứng cử viên cuối cùng là Obama hoặc John McCain. Tôi hỏi tại sao con
không thích John. Nó “tâm sự” việc chọn Obama là vì ổng cũng có 2 con
gái như 2 chị em nó! Lý do rất đơn giản, rất con người, nhưng nó rất tự
hào vì nước Mỹ đã công nhận lá phiếu của nó.
Nước Mỹ đã dạy lũ trẻ về bài học sức mạnh của chính mình và giá trị
của sự phán xét độc lập, không bị ảnh hưởng bởi Đảng đang tại vị, bài
học rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành lãnh đạo để bảo vệ quyền lợi
cho số đông, bài học về sức mạnh và quyền lợi của lá phiếu, thậm chí cả
quyền không bỏ phiếu, bài học về lãnh đạo chỉ là người đại diện tạm thời
cho công dân không hơn không kém và phải bị truất phế khi không còn phù
hợp với nguyện vọng công dân. Nếu trong tương lai, người Mỹ quyết định
chính sách mới bằng cách rút bỏ mọi gánh vác, cam kết và trách nhiệm bao
đồng trên thế giới và chỉ lo cho chính bản thân họ, mặc kệ thế giới đỏ
đen thì âu đó cũng là bởi lá phiếu của lũ trẻ hôm nay? Thế giới lúc đó
có lẽ sẽ “ổn định” đại đồng, nói tiếng Hoa, xài tiền Mao, đọc kinh
Koran, nhổ bọt đầy đường…
23. Ai cũng có quyền được làm việc, được trả lương công bằng và gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
24. Ai cũng có quyền nghỉ ngơi và giải trí.
25. Ai cũng có quyền được hưởng nhà ở, y tế nếu ốm đau, cũng như thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật, thể thao.
27. Chúng ta đều có quyền theo cách riêng của chúng ta về cuộc sống và tận hưởng những điều tốt đẹp mà khoa học và học tập mang lại.
p.s. Bài học về đầu tư vào con người và Giáo dục.
Phần Lan hiện là nước có nền giáo dục với chất lượng cao nhất thế giới
(dựa theo tiêu chuẩn PISA).
Những năm 1950-60, 60% làm nghề nông, đa số trẻ em chỉ học đến lớp 6.
Với hệ thống chính trị đa đảng, Đảng Cộng sản bị yếu thế sau những năm
1950-80s, Phần Lan đã cải cách chính trị
triệt để, mọi người được hưởng tự do quyền cá nhân & chính trị
tuyệt đối. Phần Lan dựa trên nền tảng dân chủ để phát triển hơn là ổn
định để phát triển. Thêm vào đó, Phần Lan tập trung phát triển kinh tế
hiện đại song song với cải tổ xã hội và giáo dục: khuyến khích cải tiến
lãnh vực tư nhân, R&D, giáo dục miễn phí, cung cấp thức ăn, dịch vụ
sức khỏe và nha khoa, nâng cao chất lượng giáo viên và phương pháp giảng
dạy - giáo dục thực hành, bãi bỏ chế độ thi cử. Giáo viên là một nghề
chuyên nghiệp và được trọng vọng cao ở Phần Lan. Chiến lược đầu tư vào
con người để xây dựng nền kinh tế sáng tạo là nhân tố đưa đến sự phát
triển vượt bậc về mọi mặt cho Phần Lan – cũng như Nhật, Nam Hàn, và
Singapore ở Châu Á.
28. Ai cũng có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.
Lời Kết: Đừng Tự Trói Mình & Hãy Cởi Trói Cho Trẻ Em
Để đảm bảo một tương lai văn minh và thịnh vượng cho quốc gia, các
nước phát triển đã tập trung đầu tư vào tương lai qua việc giáo dục cho
trẻ em. Trong đó, giáo dục về giá trị làm người của trẻ em là nền tảng
để xây dựng vững chắc một nền văn hóa về quyền làm người và là cơ sở cho
việc đảm bảo nhân quyền cho các thế hệ tương lai.
Kiến thức và kỹ năng có thể được giáo dục trong suốt cuộc đời. Nhưng
những giá trị như nhân phẩm, lòng khoan dung và tôn trọng người khác; và
các kỹ năng như hợp tác, tư duy phán xét độc lập (critical thinking)
và đứng lên để bảo vệ quyền lợi cho người khác, không thể giảng dạy
hiệu quả theo phương pháp truyền thống. Trẻ em cần được giáo dục thông
qua kinh nghiệm và thực hành trong đời sống và hành động hằng ngày trong
một môi trường “dân chủ” và từ tuổi sớm nhất có thể.
Điều quan trọng trong việc giáo dục về quyền con người (nhân quyền)
cho trẻ em là mục đích của nó, bất kể phương pháp hoặc thuật ngữ, mà mục
đích phải nhằm vào sự phát triển văn hóa và giáo dục về nhân quyền. Các
mục đích quan trọng của giáo dục về nhân quyền:
- nhận thức giá trị của bản thân và người khác qua cư xử trong cuộc sống hàng ngày
- hiểu rõ các quyền cơ bản (ví dụ như ăn, học, vui, chơi, chăm sóc sức khỏe miễn phí, v.v.)
- tôn trọng và đánh giá cao sự khác biệt
- không ngại tranh luận và nêu lên các mâu thuẩn nhưng theo phương pháp phi bạo lực và tôn trọng các quyền của người khác
- phát triển sự tự tin trong trẻ em về khả năng của mình
- hành động khéo léo để bảo vệ và khuyến khích các quyền con người
Tóm lại, bài học nhân phẩm và nhân quyền cho trẻ em không đòi hỏi một
quốc gia với nền kinh tế hùng mạnh hay một lý tưởng chính trị cao siêu,
nó chỉ gói gọn trong sự chọn lựa giữa hai cụm từ đối nghịch: Vô Cảm hay Tình Người.
Trẻ em ăn xin khắp nẻo đường... Hơn ai hết, các em và bạn đồng lứa cần được ban phát giáo dục về giá trị và quyền làm trẻ em
1/3 trẻ em Việt Nam là trẻ nghèo, đánh giá trên 8 lĩnh vực: giáo dục, dinh dưỡng, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, lao động trẻ em, giải trí, tham gia và bảo trợ xã hội.
Nghèo đói sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm, hạn chế tiềm năng phát triển của trẻ.
Trẻ em lao động (mỏ than) vì vinh quang
Lao động nhí khuân gạch ở An Giang
Trẻ em ăn xin lạc lõng giữa đời thường
Trẻ em giữa đời thường xa hoa
Tuổi trẻ 9x bán mình
Tuổi trẻ giữa đời thường và khẩu hiệu
~by BapRang