Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

”Tiếp tục khẳng định” và câu chuyện ”treo đầu Pháp Quyền, bán thịt Chuyên Chính”

Trần Gia Ninh
Góp ý với các nhà khoa hoc - lý luận của Hội đồng Lý luận Trung ương
Hiến pháp Việt nam bản 1980 đã khẳng định: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản..." (Điều 2, HP 1980). Chắc chắn không phải là vô tình mà 12 năm sau, Hiến pháp Việt nam 1992 đã bỏ đi “Chuyên chính vô sản’ và thay vào đó đã viết lại rằng: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân..." (điều 2, HP 1992).
Chưa cần bàn về lý luận rằng việc thay đổi đó có thật sự đúng đắn hay không, nhưng ít nhất toàn Đảng, toàn dân Việt nam đã vui mừng vì từ nay nhà nước chúng ta không còn bị nhân loại chính thức nhận diện (theo Hiến pháp) là một nhà nước phản dân chủ. Bởi vì khi dịch Hiến pháp Việt nam 1982 ra bất kỳ ngôn ngữ nào thì Chuyên Chính (trong mệnh đề chuyên chính vô sản) cũng từ gốc tiếng Latin “Dictatura” có nghĩa là Độc tài, phản dân chủ.

Vừa mới đây, trong phát biểu khai mạc Hội nghi TW 7 ngày 3-5-2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “... kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước ta, tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…"
Nhiều nội hàm quan trọng trong những ý nói trên của Tổng Bí thư, nhưng ở đây chỉ xin đề cập đến một vấn đề cực kỳ hệ trọng, đó là kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước ta, tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Pháp quyền (rule of law) là là một khái niệm phổ quát của nhân loại tiến bộ, đã được định nghĩa rõ ràng và đối với Việt nam cũng không xa lạ, bởi vì 90 năm trước trong “Việt Nam yêu cầu ca”, Nguyễn Ái Quốc đã viết:
Bảy xin Hiến pháp ban hành.
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền
”.
Nếu khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền thì không có gì phải bàn cãi, vì đó là điều hiển nhiên của một đất nước trong thế giới văn minh,và phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, TBT Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định lại không phải như vậy mà là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đó chắc chắn phải là một khái niệm mới. Bởi vì khái niệm này chưa tìm thấy trong tư tưởng Hồ chi Minh mà Đảng đang phát động học tập, cũng như chưa thấy được đề cập hay định nghĩa đến ở bất kỳ nơi nào trong kho tàng lý luận Marx-Lenin trên thế giới và tất nhiên cũng không tìm thấy ở bất kỳ đâu trong kho tàng trí tuệ nhân loại. Như vậy, đây là một khái niệm mới sáng tạo ra trong lý luận của Đảng ta, mà Hội đồng Lý luận TW (HĐLLTW), vì chức năng của mình, chắc là có đóng góp chủ yếu trong việc sáng tạo này. Theo tìm hiểu thì được biết, hiện nay về lý thuyết, Hội đồng lý luận TW Đảng chưa đưa ra một định nghĩa nào về pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thật sự đáng tiếc vì nguyên tắc khoa học, pháp luât và văn bản không ai lại sử dụng những khái niệm chưa được định nghĩa. May mắn là Đảng ta cũng đã có giải thích về khái niệm này. Trong tài liệu giáo khoa của Đảng: “XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN - Tài liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch chuyên viên chính khối Đảng, đoàn thể năm 2012” tuy không có định nghĩa khoa học rõ ràng, nhưng cũng đã chỉ rõ:
"… Không thể có một nhà nước pháp quyền chung chung như một mô hình chung thống nhất cho mọi quốc gia, dân tộc.
… trong nhận thức lý luận và trong thực tiễn tồn tại nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền XHCN
… Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo
… Phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ lên chủ CNXH, Đảng ta xác định “quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động mà nòng cốt là liên minh công nông, thực hiện bằng nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong của giai cấp công nhân, đó là chuyên chính vô sản. Nhà nước ta, vì vậy, là nhà nước chuyên chính vô sản” (hết trích dẫn).
Những lý giải trên đây về nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có cơ sở theo lý thuyết khoa học Marx-Lenin, có logic, rõ ràng và có thể hiểu được. Nó làm cho bất kỳ người đọc nào cũng không thể hiểu lầm được, rằng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chính là nhà nước chuyên chính vô sản.
Về phương diện lý luận hay học thuyết, gọi là nhà nước pháp quyền XHCN hay nhà nước chuyên chính vô sản cũng không sao. Một sự vật, một hiện tượng…được diễn tả bằng các tên gọi khác nhau, tùy ngữ cảnh, tùy mục đích, cũng là chuyện bình thường.
Chuyện không bình thường ở đây là câu hỏi, vì sao tại Hiến pháp 1992 đã bỏ định danh chuyên chính vô sản cho nhà nước trong điều 2 của HP 1980, nay Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng lại kiên trì tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một cách gọi khác của nhà nước chuyên chính vô sản. (và trong dự thảo sửa đổi HP 1992 cũng ghi như vậy). Không thể tin rằng, một vấn đề lý luận quan trọng như thế này mà Hội đồng Lý luận TW lại đứng ngoài cuộc.
Đã bỏ rồi mà sao còn kiên trì lấy lại? là câu hỏi muốn gửi đến các chuyên gia trong Hội đồng Lý luận TW. Việc lấy lại một chủ thuyết đã được loại bỏ bằng cách cho nó một tên gọi khác, nếu quả đúng như vậy, sẽ có rất nhiều hệ lụy:
- Về vai trò và đường lối lãnh đạo của Đảng: Đó là sự lặp lại những sai lầm đã được Đảng nhận diện và sửa chữa. Việc này sẽ dẫn đến thảm họa cho dân tộc và cho Đảng.
- Đối với những người đã và đang đi theo Đảng thì sẽ bị mất phương hướng, hành động sai lầm, mất niềm tin.
- Đối với quốc tế thì đây là một sự che đậy vụng về, nếu bị vạch ra thì sẽ bị lên án, ghê tởm.
- Đối với nhân dân nói chung, đây là một sự lừa gạt tệ hại.
Nhân dân đều biết Hội đồng Lý luận TW gồm những nhà khoa học, nhà lý luận khả kính, là trí tuệ cao nhất của Đảng. Nói là trách nhiệm của Đảng, nhưng các nhà khoa học-lý luận của Hội đồng không thể thoái thác trách nhiệm cá nhân gây nên thảm họa này. Vì các vị đã sáng tạo ra khái niệm pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho lãnh đạo Đảng sử dụng. Nhưng về lý luận khoa học, các vị lại không đưa ra định nghĩa để hiểu nó là cái gì? Các vị chỉ giải thích lòng vòng dù rốt cuộc đã chỉ ra cho Đảng viên cao cấp (từ chuyên viên chính trở lên) hiểu đó là tên khác của chuyên chính vô sản. Còn với nhân dân nói chung thì phải hiểu thế nào nhỉ? Chắc là không có quyền được hiểu sự thật! Và tất nhiên, khi mà Hiến pháp sửa đổi được thông qua như đúng chỉ đạo kiên trì của TBT, thì việc “TREO ĐẦU PHÁP QUYỀN, BÁN THỊT CHUYÊN CHÍNH” sẽ thành bia miệng muôn đời không thể gột rửa. Thảm họa cho Đảng, cho Dân tộc đã nhìn thấy trước. Nhưng đó không chỉ là trách nhiệm của TBT, đó chính là trách nhiệm cá nhân của các nhà khoa học-lý luận của Hôi đồng lý luận TW đó!
Lẽ thường, mọi ý kiến góp ý có tính chất xây dựng thì không phải chỉ có phê phán sai sót mà cần nêu các giải pháp khắc phục. Vì vậy, xin góp ý với các nhà khoa học-lý luận của HĐLLTW, rằng nên tham mưu cho lãnh đạo để làm ngay những việc sau đây:
- Khẳng định lại là chưa định nghĩa được pháp quyền xã hội chủ nghĩa là gì
- Những giải thích trong tài liệu huấn luyện Đảng viên cao cấp “XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN” nói trên là chưa chuẩn xác, nên tài liệu đó không còn giá tri. Đảng viên không được phổ biến và không phải chấp hành nữa.(May quá, đây mới chỉ là tài liệu huấn luyện, chưa phải là chính cương, điều lệ nên có thể hủy được!)
- Vì chưa thể hiểu được pháp quyền xã hội chủ nghĩa là gì, nên từ nay không được dùng pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bất kỳ phát biểu chính thức, trong bất kỳ văn bản nào của Đảng và Nhà nước, kể cả Hiến pháp sắp tới. Nếu bắt buộc phải dùng thì chỉ dùng Pháp quyền, như Nguyễn Ái Quốc đã dùng từ 90 năm trước, tức là không có cái đuôi xã hội chủ nghĩa nữa.
Nếu làm được như vậy, thì bia miệng ngàn năm về chuyện “Treo đầu Pháp quyền, bán thịt Chuyên chính” mới không có lý do để lưu hành trên thế gian này.
Trần Gia Ninh, 13/5/2013
TB: Vì không biết HĐLLTW có nhận góp ý của dân thường hay không, nên tôi đành nhờ nhà báo Trần Định đăng lên các Blogs của ông và bạn bè ông, mong đến được với các nhà khoa học-lý luận của HĐLLTW và chia sẻ với các bạn bè –
__________________
Cảm ơn nhà báo Trần Định đã ưu tiên để cho Quê choa đăng trước. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"