Phạm Thị Hoài
Cáo buộc của tổ chức Global Witness
đối với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt
Nam (VRG) đang được loan tải và phân tích trên hàng loạt cơ quan truyền
thông quốc tế. Tờ Spiegel số vừa phát hành [i] cũng có riêng một phóng
sự về việc này.
Bài báo bắt đầu bằng hình ảnh một người đàn ông Lào 27 tuổi gầy guộc,
đánh độc một chiếc quần đùi, ngồi xổm trên khoảnh hiên bé xíu trước túp
nhà sàn dựng bằng phên dậu của mình ở làng Ban Hatxan, nơi anh sống với
vợ và cha mẹ. Trước mặt anh là ba con thằn lằn bất động, bữa tối của cả
nhà. Toàn bộ tài sản còn lại của gia đình là ba con gà và một con lợn.
Anh không dám cho nêu tên thật. Anh đã phải chạy trốn khi tập đoàn HAGL
của Việt Nam sang Lào chiếm đất trồng cao su với quy mô lớn. Người Lào ở
đây gọi người Việt là những ông “trùm cao su”. Anh kể: Gia
đình anh vốn sinh sống bằng mảnh đất trồng thốt nốt. Cách đây ba năm
HAGL đem quân khai hoang đến, không báo trước, đốn rừng, đốt sạch mọi
thứ, nhà anh cũng bị đốt.
Song trong câu chuyện chiếm đất khai hoang ở Lào, ngoài những ông
trùm Việt Nam còn có những ông trùm khác. Khi vô sản toàn thế giới không
còn liên hiệp lại nữa thì tư bản toàn cầu làm việc đó rất thành công. “Lào
và Việt Nam cách Đức hơn 8000 km. Nhưng tiền và sự trợ giúp để cướp đất
ở Đông Nam Á thì HAGL cũng nhận được thông qua Deutsche Bank [ii]”,
các tác giả của bài báo khẳng định. Một quỹ đầu tư của DWS, công ti con
của Deutsche Bank, trực tiếp tài trợ cho HAGL và một công ti Việt Nam
khác thuộc VRG.
Bài báo cũng điểm lại sự nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức mà người Việt thường gọi là “Bầu Đức”,
từ thuở ban đầu với một xưởng mộc đóng bàn ghế cho học sinh trên Tây
Nguyên đầu những năm chín mươi, qua kinh doanh gỗ và góp phần đáng kể
vào việc phá rừng vô độ ở Việt Nam, nhưng chỉ thực sự phất mạnh khi nhảy
vào lĩnh vực bất động sản từ cuối những năm 2000. Ông cũng là người
Việt đầu tiên sắm máy bay riêng, mua hẳn một câu lạc bộ bóng đá làm của
và có tham vọng trở thành tỉ phú đầu tiên của Việt Nam, và Deutsche Bank
là một trong những thế lực giúp ông trên con đường đó.
Theo Spiegel, “năm 2008, trước hết Bầu Đức đưa HAGL lên sàn chứng khoán TPHCM.
Vụ lên sàn này thắng lợi, tổng vốn hóa thị trường của HAGL nhanh chóng
tăng gấp ba. Nhưng ông bầu còn muốn đi xa hơn. HAGL muốn trở thành doanh
nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết chứng khoán tại London. Deutsche Bank
giúp ông. Cuối năm 2010, Deutsche Bank mua cổ phiếu của HAGL và vài
tháng sau tạo điều kiện để HAGL lên được sàn London. Cổ phần của Deutsche Bank là cơ sở cho các chứng chỉ lưu kí toàn cầu[iii] để huy động vốn đầu tư cho HAGL.”
Nhưng khi ấy kinh doanh bất động sản không còn ở đỉnh cao và HAGL bắt
đầu nhắm vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đầu tiên ở Việt Nam, rồi
sau khi đã vét sạch ở trong nước thì vươn sang Lào và Campuchia. Bài báo
dẫn lời Bầu Đức tuyên bố trên tạp chí Forbes: Tài nguyên là thứ hữu
hạn. Tôi phải nhanh chân, nếu không là nó hết.
HAGL làm thế nào để thâu tóm trên 80.000 hécta ở Lào và Campuchia,
vượt xa giới hạn hợp pháp theo luật tô nhượng đất của các quốc gia này?
Spiegel đưa ra một ví dụ về những cách khuất tất và lắt léo trong đống
bùng nhùng của tham nhũng và vô hiệu hóa luật pháp mà báo cáo của Global
Witness nhắc đến. Năm 2009, Lào được đăng cai tổ chức SEA Games 25. HAGL nhận tài trợ toàn bộ dự án xây Làng vận động viên
với tổng vốn đầu tư là 19 triệu Dollar. Song đó không phải là một cử
chỉ từ thiện hào phóng mà là một vụ đổi chác, lấy 10.000 hécta đất để
đốn rừng, trồng cao su. Dân Lào ở đây chỉ biết sững sờ khi bỗng nhiên
thấy xe ủi của người Việt xông đến. Số thì chạy trốn, không dám đương
đầu với những ông chủ mới được chính quyền Lào che chắn. Số còn lại chấp
nhận một khoản đền bù rẻ mạt. Người đàn ông bị cướp đất và đốt nhà nêu
trên được đền bù 1,5 triệu Kíp tiền đất, tương đương 150 Euro, và 16.000
Kíp tiền nhà, giá một bát mì trong quán.
Ông Đoàn Nguyên Đức khó có thể bảo rằng tờ Spiegel lợi dụng tên tuổi của Hoàng Anh Gia Lai để đánh bóng tên tuổi, như ông đã quy động cơ rẻ tiền ấy cho Global Witness
mà theo ông là một tổ chức vô danh. Đối tượng chính của bài báo trên
tuần tin quan trọng nhất ở Đức, với số lượng phát hành lớn nhất ở châu
Âu này cũng không phải là tập đoàn Việt Nam HAGL mà là tập đoàn Đức
Deutsche Bank, thế lực tài chính đã trợ giúp và tham dự vào những hoạt
động đầu tư thiếu minh bạch, tàn phá môi trường, bần cùng hóa nông dân,
gây bất ổn xã hội, mâu thuẫn sâu sắc với những giá trị về đạo đức và bảo
vệ môi trường bền vững mà Deutsche Bank thường quảng cáo. Cũng theo
Spiegel, Deutsche Bank tuyên bố là quỹ đầu tư thuộc công ti con DWS của
mình chỉ giữ vỏn vẹn 0,6 % cổ phần tại HAGL, và trong trường hợp có
chứng cứ xác nhận những cáo buộc nói trên, Deutsche Bank sẽ tiến hành
đối thoại với các công ti Việt Nam để cải thiện các điều kiện xã hội và
môi trường liên quan.
Có lẽ sẽ chẳng có gì thay đổi, ngoài việc một dân tộc từng lầm than
hàng thế kỉ vì chủ nghĩa thực dân và hiện đang đứng trước nguy cơ tự đưa
cổ vào tròng thực dân mới rất có thể lại đi đóng chính vai trò thực dân
mới. Hiển nhiên HAGL và VRG không đại diện cho dân tộc Việt Nam, nhưng
những người nông dân Lào và Campuchia bị mất đất và tước sinh kế chỉ đơn
giản thấy đó là Việt Nam, người láng giềng tuy nhược tiểu trên trường
quốc tế nhưng tự tin rằng mình hùng mạnh nhất trên bán đảo Đông Dương.
Người Việt nói chung, bản thân đầy đau đớn và mặc cảm vì phận dưới của
mình, chưa bao giờ tự vấn về thái độ bề trên với hai dân tộc láng giềng
phía Tây. Hơn một trăm năm trước, người Pháp đưa cây cao su vào Việt
Nam. Bây giờ người Việt đem nó đi khai hóa văn minh ở Campuchia và Lào.
Bao giờ thì chúng ta sang châu Phi khai hóa?
© 2013 pro&contra
________________________________________________
[i] “Der Landraub von Laos” (Cướp đất ở Lào), nhóm tác giả Martin Hesse, Jörg Schmitt, Wieland Wagner, Spiegel số 20/2013, tr. 82-83
[ii] Deutsche Bank (Ngân hàng Đức) là tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn
nhất nước Đức, hoạt động toàn cầu với hơn 100.000 nhân viên ở trên 70
quốc gia, có mặt tại Việt Nam từ năm 1997.
[iii] Global Depositary Receipt (GDR)