Diên Vỹ chuyển ngữ
Chính quyền Việt Nam hiện đang xem xét hơn sáu triệu hồi đáp từ dân chúng đối với đề xuất sửa đổi Luật Đất đai.
Đa số những phản hồi đều liên quan đến việc cưỡng chế đất đai của
quan chức cấp tỉnh, vốn đã tăng lên một cách mạnh mẽ kể từ khi luật này
được tiến hành vào năm 2003.
Trong thập niên qua, diện tích đất đai tịch thu từ nông dân đã đạt
đến một triệu héc ta, lớn hơn rất nhiều so với 810 nghìn héc ta được
phân bố vào thời kỳ cải cách ruộng đất trong những năm 50. Hiện tại
những vụ tịch thu đất chiếm hơn 30% tổng số những tranh chấp đất đai
khiếu nại lên chính quyền và toà án.
Kể từ khi luật này được áp dụng, chính quyền trung ương tiếp tục tăng
giá đền bù lên gần với giá thị trường. Các chính quyền cấp tỉnh hiện
bắt buộc phải trả ở mức “gần với giá sang nhượng đất sử dụng trong thị
trường địa ốc”. Những nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy thậm
chí trong tình hình thị trường nhà đất đang đi xuống, giá đất vẫn cao
hơn nhiều so với giá đền bù. Nhưng chính quyền còn phải đối diện với một
trở ngại nghiêm trọng hơn. Việc thảo luận rộng rãi trong quần chúng về
nạn cướp đất không chỉ làm tăng nỗi phẫn nộ đối với những lợi nhuận
khổng lồ mà giới đầu tư và quan chức hối lộ kiếm được từ việc chuyển mục
đích sử dụng đất mà còn giúp người nông dân trang bị cho mình những thủ
thuật nhằm tăng quyền mặc cả của họ.
Hàng loạt những biện pháp nhằm xoa dịu giới nông dân và giảm nhiệt từ
những vụ tranh chấp đất đai đã được thảo luận trong nội bộ đảng và được
đề cập rộng rãi hơn trong giới truyền thông nhà nước cũng như ở những
trang blog không chính thức. Uỷ ban chuyên trách sửa đổi hiến pháp đã
bác bỏ những đề xuất mạnh mẽ nhất - đó là việc thừa nhận quyền sở hữu tư
nhân. Mặc dù các Luật Đất đai năm 1993 và 2003 đã công nhận việc các cá
nhân có thể bán, thế chấp và chuyển quyền thừa kế đất đai, nhà nước vẫn
giữ quyền tối thượng về việc sử dụng đất cá nhân. Các nhà cải cách hy
vọng rằng quyền sở hữu tư nhân về đất đai sẽ gửi một thông điệp rõ ràng
đến giới quan chức rằng sức mạnh lợi ích tư hữu của người dân có thể
chống lại cả thế giới, trong đó có nhà nước.
Hai đề xuất sửa đổi luật đất đai hiện đang được thảo luận trước kỳ họp Quốc hội vào tháng Năm 2013.
Một đề xuất nhắm vào việc hạn chế đặc quyền của nhà nước mà không
phải thừa nhận quyền tư hữu cá nhân. Hiện tại, các quan chức sử dụng
quyền “trưng dụng” đất canh tác. Quyền lực đặc biệt này xem quyền sử
dụng đất tư nhân là những tờ giấy phép mà chính quyền có thể tuỳ nghi
bãi bỏ. Những đề nghị thay đổi Luật Đất đai 2003 nhắm vào việc thay thế
những quyền lực này bằng việc “thu hồi có bồi thường”, một chính sách
giúp đưa việc tịch thu đất đến gần hơn với nguyên tắc của phương tây về
quyền trưng thu của chính phủ bằng cách thừa nhận rằng các quyền sở hữu
tài sản hiện hữu chỉ có thể được tịch thu qua bồi thường.
Đề xuất thứ hai nhằm vào việc tước đi của nhà nước quyền cưỡng chế
đất đai với mục đích phát triển kinh tế xã hội tư nhân, điều này sẽ tấn
công trực diện vào nguồn gốc của nạn tham nhũng đất đai. Hiện tại nhà
nước có thể tịch thu quyền sử dụng đất cho những mục đích kinh tế xã hội
như các khu công nghiệp và chung cư do tư nhân tài trợ cũng như các mục
đích công cộng như cơ sở hạ tầng giao thông và bệnh viện. Đa số những
vụ trưng thu đất phức tạp nhất đều liên quan đến việc ẩu đả bạo động với
công an, ví dụ như dự án chung cư Golden Hills ở Đà nẵng và công trình
Eco-Park Văn Giang gần Hà Nội đều liên quan đến đất đai trưng thu để tư
nhân phát triển. Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy
nạn câu kết tham nhũng giữa giới xây dựng tư nhân và các quan chức nhà
nước là nguyên nhân của vô số những sai phạm nghiêm trọng trong các
tranh chấp về quản lý đất đai. Điều khiến các nhà quan sát ngạc nhiên là
chính quyền - vốn thường liên quan chặt chẽ đến những vụ tranh chấp đất
đai - lại ủng hộ việc bãi bỏ quyền cưỡng chế đất cho tư nhân xây dựng.
Nhưng Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã kiên quyết
phản đối đề xướng này. Ông cho rằng cần có những quyền lực này để bảo
đảm việc xây dựng các khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng liên quan - một
quan điểm phản ánh quyết tâm một mực của đảng đối với việc phát triển
kinh tế và công nghiệp hoá đất nước. Vào tháng Năm Quốc hội sẽ quyết
định sẽ ủng hộ một trong hai đề xuất trên.
Trong lúc ấy, cuộc tranh luận cho đến nay cho thấy rằng quan điểm của
đảng về luật đất đai đã tiếp tục chuyển hướng từ khái niệm xã hội chủ
nghĩa “nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý” sang một khái niệm tư hữu hơn
đối với quyền lợi sở hữu cá nhân. Mặc dù quyền sở hữu đất tư nhân đã bị
loại bỏ vì lý do tư tưởng, chính quyền cũng đang sẵn sàng củng cố quyền
lợi pháp lý của những người sử dụng đất - một cải cách mà trên lý
thuyết có thể giúp nông dân trong cuộc đấu tranh với quan chức nhà nước
và giới đầu tư tư nhân tham lam. Các quan chức chính quyền cũng có vẻ
chịu từ bỏ quyền cưỡng chế đất nông nghiệp để giao cho giới đầu tư tư
nhân - nguyên nhân của nhiều trường hợp tranh chấp đất đai đầy phức tạp.
Điều vẫn chưa giải quyết được là sự thiếu vắng các cơ quan độc lập, ví
dụ như toà án, có thiện ý và khả năng để hiệu lực hoá quyền sử dụng đất
tư nhân trước nhà nước.