Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

"Nói với mình và các bạn": Biểu tình, đình công và tẩy chay

Đoan Trang
Dưới đây là bài viết thứ bảy trong loạt bài “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”. Mục đích mà loạt bài hướng tới là góp phần giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu hơn về chính trị, về sự tham gia, về tự do ngôn luận và sự phân biệt giữa tự do ngôn luận với xúc phạm người khác, về hiến pháp, quyền lập hiến và quyền tẩy chay hiến pháp, bất tuân dân sự, về kỹ thuật bầu cử và làm thế nào để có bầu cử tự do, công bằng.
Còn mục đích của bài này là nói về một vài hình thức hoạt động chính trị khác: biểu tình, đình công, và một hình thức vẫn còn tương đối xa lạ với người dân Việt Nam, đó là tẩy chay.
Phạm Đoan Trang
* * *

Kỳ 7:
BIỂU TÌNH, ĐÌNH CÔNG VÀ TẨY CHAY

Sau những cuộc biểu tình (có thể chỉ vài chục, cũng có lần tới vài trăm người tham gia) ở Hà Nội và TP. HCM để chống chính sách đối ngoại hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, đến giờ, số đông chúng ta hẳn là đã hình thành một khái niệm nào đó về biểu tình – cho dù là tán đồng hay phản đối hành động đó.
Trên lý thuyết, biểu tình được định nghĩa là một hành động chính trị, trong đó nhiều người tham gia tuần hành cùng nhau nhằm thể hiện một chính kiến, ví dụ bày tỏ sự ủng hộ hoặc phản đối một cá nhân/ tổ chức/ sự việc nào đó. Việc tuần hành có thể được thực hiện bằng đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện khác. Việc tuần hành có thể kết hợp với gây tiếng động – gọi loa, gõ trống, khua chiêng, thổi kèn, hô khẩu hiệu, hát. Trong nhiều cuộc biểu tình ở nước ngoài, người ta còn đốt cả ảnh, hình nộm của quan chức. Tuần hành thường bắt đầu và/ hoặc kết thúc bằng một cuộc tụ tập tại một địa điểm nhất định, tại đây người ta cùng đọc và nghe diễn văn, tuyên cáo, tuyên bố, v.v. Phong toả đường đi lối lại, và ngồi bệt (tọa kháng) cũng được coi là biểu tình – trường hợp sau được gọi là “biểu tình ngồi”.

Chẳng hạn, để phản đối chính quyền Trung Quốc tham lam, ưa gây hấn và bắt nạt các quốc gia nhỏ yếu, hoặc phản đối chính sách đối ngoại thiếu minh bạch và thiếu nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, một nhóm công dân ở Hà Nội có thể tuần hành đến Đại sứ quán Trung Quốc hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam, tụ tập trước cổng các cơ quan này, tổ chức mít-tinh, ra thông cáo, đọc diễn văn v.v.
Biểu tình có thể là phi bạo lực hoặc bạo lực, hoặc lúc đầu thì ôn hoà nhưng về sau lại nảy sinh bạo lực – giữa công an, cảnh sát với những người tuần hành, hoặc giữa chính những người tham gia với nhau, ví dụ nhóm ủng hộ mâu thuẫn, đánh lộn với nhóm phản đối. Cho nên, luật pháp ở các quốc gia đa phần đều loại bỏ bạo lực, chỉ chấp nhận biểu tình ôn hoà; và sự hiện diện của lực lượng công an, cảnh sát chỉ là để ngăn chặn bạo lực xảy ra.
Với những hành động được chấp nhận (tuần hành, hô khẩu hiệu, hát, v.v.), các bạn có thể thấy ngay là không cuộc biểu tình nào lại không mang tính chất “gây rối trật tự công cộng” ở một mức độ nào đó. Nói cách khác, đã là biểu tình thì phải tạo chú ý, mà đã tạo chú ý thì những người biểu tình không thể không làm ồn; chưa nói đã là một cuộc tụ tập nơi công cộng thì đương nhiên phải có tổ chức. Lấy lý do “gây rối trật tự công cộng” để giải tán biểu tình chỉ là một chiêu bài để đàn áp quyền tự do tụ tập (freedom of assembly) và tự do thể hiện chính kiến (freedom of expression, còn được dịch là “tự do biểu đạt”) của người dân.
(Chúng ta sẽ bàn về những mặt hạn chế của biểu tình trong kỳ sau của bài viết này.)

Đình công – quyền của người lao động

Theo nghĩa nguyên thuỷ, đình công chỉ giới hạn trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, khi những người làm công tổ chức ngừng làm việc trên quy mô tập thể để phản đối hoặc ra yêu sách nào đó với giới chủ: tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện vệ sinh, an toàn lao động, v.v. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có khi đình công vươn ra ngoài quan hệ giữa người lao động và giới chủ và dẫn đến thay đổi trong chính sách của nhà nước, thậm chí thay đổi chính thể. Ví dụ đáng nhớ nhất là những cuộc đình công của phong trào Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan những năm 1980.
Ở Việt Nam, theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động, từ khi Luật Lao động có hiệu lực (năm 1995) cho đến năm 2012, cả nước xảy ra 4.922 cuộc đình công (nguồn: Dân Trí ngày 6/4/2013). Bài báo của Dân Trí cũng cho biết, hầu hết đình công đều tự phát, “100% không do công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo”, “không theo đúng trình tự pháp luật quy định, có xu hướng lây lan từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác”.
Nếu điều này là có thật, nhà hoạch định chính sách có trách nhiệm sẽ phải nhận thấy ít nhất hai câu hỏi đặt ra: 1. Trình tự pháp luật quy định có vấn đề gì không? 2. Công đoàn cơ sở đã thật sự đại diện cho người lao động chưa? Trong một xã hội dân chủ, nếu nhà hoạch định chính sách không nhận ra vấn đề thì sẽ có những cá nhân, tổ chức dân sự vận động để ông/bà ta phải “làm gì đó cho công nhân đi”, bằng không sẽ mất chức. Ở Việt Nam thì chưa được như vậy, thậm chí, ngay cả chuyện bạn đến gặp Chủ tịch Công đoàn đề nghị tổ chức đình công cũng đã là việc không nên làm – vì… bạn có chắc là Công đoàn đứng về phía bạn không?

“Tẩy chay các chú”

Tẩy chay là việc một số người/ nhóm (tức là cá nhân hoặc tổ chức) từ chối giao thiệp với một đối tượng nào đó, ví dụ một doanh nghiệp bóc lột lao động, hoặc toàn bộ hàng hoá của các doanh nghiệp bán hàng giả hàng rởm, gây ô nhiễm môi trường, đối xử thô lỗ và từng lăng mạ khách hàng v.v.
Chuyện tẩy chay không còn là mới mẻ, nhất là trong nền kinh tế toàn cầu hoá. Ví dụ, ở Hàn Quốc từng có phong trào tẩy chay thịt bò Mỹ (năm 2008), còn tại Trung Quốc, khi tranh chấp biển đảo với Nhật Bản leo thang, nhiều hiệu sách Bắc Kinh đã ngừng bán các ấn phẩm của Nhật. Tương tự, doanh nghiệp xuất khẩu chuối Philippines khốn đốn khi đối tác Trung Quốc đồng loạt từ chối nhập khẩu để trả đũa Philippines trong tranh chấp chủ quyền. Ngay sau sự cố này, cơ quan xúc tiến thương mại của Philippines đã phải tính đến khả năng tìm kiếm, mở rộng thị trường hoa quả ở các nước khác, như châu Âu.
Tại Việt Nam, vào năm 1919, cũng từng có phong trào “tẩy chay các chú”, tức là tẩy chay các chú khách (doanh nhân Hoa kiều). Tinh thần chung là “người Việt Nam buôn bán với nhau, không mua hàng của Hoa kiều”. Có tài liệu nói rằng phong trào được sự hưởng ứng của cả giới doanh thương lẫn sinh viên, viên chức tại Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Nam Định… 89 năm sau, vào năm 2008, với sự cố Vedan xả nước “giết” sông Thị Vải, một chiến dịch tẩy chay đã nổi lên, khởi đầu từ những lời kêu gọi trên mạng Internet. Nhiều siêu thị lớn tại Hà Nội và TP.HCM đồng loạt ngừng phân phối sản phẩm bột ngọt Vedan. Không rõ chiến dịch này kéo dài bao lâu.
Tuy nhiên, về căn bản, tẩy chay rất hiếm xảy ra ở Việt Nam, ngay cả trong những chuyện không liên quan gì đến chính quyền, nghĩa là chẳng có gì nhạy cảm: Như các hàng “phở quát, cháo chửi” khét tiếng ở thủ đô Hà Nội chẳng hạn, chưa bao giờ họ nghĩ đến khả năng có thể bị tẩy chay.
Một nhân viên kiểm toán xã hội ở tập đoàn Bureau Veritas từng cho người viết bài này biết: “Người tiêu dùng có ý thức cao là người không chỉ quan tâm tới chất lượng và giá cả, mà còn rất quan tâm tới một điểm thứ ba, là sản phẩm được làm ra như thế nào. Ở các nước phát triển, người ta sẵn sàng tẩy chay một sản phẩm nếu họ biết rằng nhà sản xuất ra nó sử dụng lao động trẻ em, hay gây ảnh hưởng độc hại đến môi trường. Chỉ cần một lần vi phạm bị phát hiện, cả một thương hiệu nổi tiếng có thể đi tong”. Đối chiếu với đó, các bạn có thể thấy là người tiêu dùng Việt Nam còn chưa có ý thức bảo vệ chính mình, nói gì đến ý thức bảo vệ môi trường hay quan tâm đến quyền lợi của những người lao động khác.
Bên cạnh việc người dân thiếu hiểu biết về quyền lợi của mình, sự thiếu vắng các tổ chức dân sự đúng nghĩa cũng là nguyên nhân dẫn đến chuyện tẩy chay – với ý nghĩa là một hành động chính trị – hầu như không được sử dụng để gây áp lực. Tẩy chay trên mạng (như với vụ Vedan) có lẽ vẫn quá yếu, không đủ tạo hiệu quả đáng kể nào.

Một cuộc biểu tình ở Hà Nội, sáng chủ nhật 9/12/2012. Ảnh: AFP

Đình công, biểu tình trong văn hoá chính trị Việt Nam

Trở lại với chuyện biểu tình, có thể bạn cũng đã nhận thấy đó là một hình thức hoạt động chính trị có hiệu quả đối với những người tham gia, ở chỗ nó tác động mạnh tới cộng đồng, nó gây chú ý và khiến người biểu tình có thể tạo sức ép chính trị. Nhưng đối với những người khác, nó không thể không gây thiệt hại dù ít dù nhiều: Chẳng hạn, nó cản trở quyền tự do đi lại của một số công dân, có khi là với rất nhiều công dân. Với đình công cũng vậy. Trong lịch sử, từng có những cuộc biểu tình và đình công của ngành hàng không, đường sắt, taxi, làm trì trệ, thậm chí gây tê liệt giao thông của cả một thành phố.
Do vậy, để nhìn nhận sự việc một cách khách quan, đến đây, chúng ta sẽ đi sâu vào các khía cạnh có thể gây tranh cãi của biểu tình trong bối cảnh văn hoá chính trị Việt Nam, nơi số đông dân chúng vẫn giữ tâm lý sợ nhà nước, chưa suy nghĩ nhiều về nhân quyền và chưa biết cách “thực hành dân chủ”.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của kỳ sau.
Kỳ sau: Đình công, biểu tình trong văn hoá chính trị Việt Nam

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"