Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Nhu cầu sừng Tê ở Việt Nam thúc đẩy nạn săn trộm ở châu Phi

Diên Vỹ chuyển ngữ
13.05.2013

Đối tượng tình nghi buôn lậu Phạm Quang Lộc, 56 tuổi, ngồi sau những chiếc sừng Tê bị tịch thu tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok ngày 6 tháng Giêng. Sừng tê được xem như là một thần dược chữa bách bệnh tại Việt Nam - một sản phẩm đắt tiền, không được chứng minh về công dụng y tế và bất hợp pháp mà các chuyên gia cho rằng đang tàn phá loài tê giác
Châu Phi đang phải đối diện với cơn đại dịch: nạn tàn sát tê giác.
Chỉ trong năm nay, Nam Phi đã bị mất hơn 290 con tê giác - trung bình ít nhất là hai con mỗi ngày, khiến quốc gia này trên lập kỷ lục mới sau khi giới săn trộm đã giết chết 669 con tê giác trong năm 2012.
Nguyên nhân của nạn tăng cường giết hại này là những băng đản tội phạm quốc tế cũng như sự thay đổi kinh tế toàn cầu.

Một số người Việt mới giàu lên tin rằng sừng tê - được dùng trong đông y - có thể trị vô số chứng bệnh. Năm ngoái ở Việt Nam sừng tê đã được bán đến giá 1.400 Mỹ kim 1 ounce (28,35 gram - ND), tương đương với giá vàng.
Sức mạnh nhu cầu từ Đông Á được chứng minh rõ rệt vào năm ngoái sau khi chính quyền Nam Phi tịch thu một đoạn phim quay cảnh các thợ săn giết hại trái phép một con tê giác.
Trong đoạn phim, một tay thợ săn bắn vào một con tê giác khi nó đang tránh nắng dưới một gốc cây trong một khu bảo tồn thú hoang. Con tê giác tìm cách bỏ chạy, rống lên tiếng kêu lanh lảnh trước khi bị hạ gục bởi một loạt đạn.
Trong cảnh kế - vâng, tay thợ săn tiếp tục thu hình - những người thợ săn Nam Phi và những kẻ buôn lậu động vật hoang dã từ Đông nam Á đếm hàng cọc tiền để mua chiếc sừng. Steve Galster, tổng giám đốc tổ chức chống buôn lậu thú hoang Freeland Foundation tại Bangkok đã có được phiên bản của đoạn phim và giải thích rằng: “Họ sẽ mua chiếc sừng này với giá vài chục nghìn Mỹ kim từ Nam Phi và một số bộ sừng tê được bán sang Đông nam Á với giá lên đến cả triệu Mỹ kim.”
Giàu có và thông tin y tế sai lạc là động cơ của việc giết chóc
Các nhà bảo vệ nói rằng đa số sừng tê ở Nam Phi được đưa đến Việt Nam. Vào tháng Giêng, chỉ trong một ngày, chính quyền đã bắt giữ hai người đàn ông Việt tại Bangkok và Thành phố Hồ Chí Minh khi họ đang tìm cách nhập lậu hơn 60 cân Anh (27,21Kg - ND) sừng tê châu Phi với tổng giá trị là 1,5 triệu Mỹ kim.

Một người tiêu dùng khoe biết chiếc sừng này là quà của người chị giàu có của cô. Năm ngoái, sừng tê được bán với giá 1.400 Mỹ kim/1 ounce, tương đương với giá vàng. Ảnh Frank Langfitt
“Nạn buôn lậu sừng tê đã nằm trong tầm ngắm của chúng tôi từ năm 2006,” Douglas Hendrie, một cố vấn kỹ thuật của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, một tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam nói.
Hendrie nói rằng nhu cầu tăng cao là vì sự giàu có bất chợt và thông tin y tế sai lạc, bao gồm những tin đồn trên Internet rằng sừng tê có thể chữa bệnh ung thư. Theo thăm dò, những người sử dụng nói họ tin rằng sừng tê giúp tăng cường thể lực, chống bệnh tật và chữa khỏi khoảng 30 chứng bệnh, bao gồm cả việc giải rượu.
“Như một kiểu thời thượng, nó trở nên phổ biến,” Hendrie nói, ông bảo rằng dùng sừng tê giờ đây trở thành một biểu tượng của vị thế. “Nó là mốt. Nó được dùng làm quà biếu. Thật là một món quà quí cho ông chủ, hoặc... cho quan chức chính quyền.”
Đấy là lý do mà Bùi Thanh, một quan chức về hưu, người từng xét duyệt các dự án xây dựng trong chính quyền Việt Nam, kiếm được khoản sừng tê cho mình. Ông bắt đầu dùng sừng tê để hồi phục sau những buổi tiệc rượu xả láng với giới chủ thầu.
“Mỗi khi tôi nhậu xong, tôi lại về nhà mài sừng ra để uống,” ông Thanh, 65 tuổi, nói. “Một giờ sau, tôi nôn ra và cảm thấy tỉnh táo.”

Nguyễn Hương Giang, 24 tuổi, đang mài sừng tê với nước tại căn hộ của cô ở Hà Nội, Việt Nam, 2012. Cô dùng hợp chất này sau khi uống quá nhiều rượu hoặc bị chứng dị ứng. Ảnh: Na Son Nguyen/AP
Ngồi bên bàn ăn sáng, ông mở một miếng giấy báo, để lộ ra một mẩu sừng tê nhỏ màu xám mà ông được biếu tặng làm quà. Bùi đổ nước và một chiếc đĩa đặc biệt có đáy sần sùi và mài mảnh sừng thành ra thứ chất lỏng màu trắng như sữa.
Sừng mài tạo ra một thứ mùi như tóc cháy. Đấy là vì sừng tê có chứa chất keratin, thành phần chủ yếu trong móng tay và tóc. Bùi nói khi giá trị sừng tê tăng, nó trở thành một thứ tiền tệ.
“Người ta dùng sừng tê làm quà để mua những chức vụ tốt hơn hoặc để đổi chác những quyền lợi,” Bùi nói. “Mẩu sừng này từng có giá là 100 Mỹ kim, giờ đây nó có giá đến 1.000 Mỹ kim.”
Giá cả sừng tê tăng quá cao khiến cho các tiệm dược xoay sang bán sừng tê giả làm từ sừng trâu. Bùi nói rằng thậm chí một số còn giả sừng tê bằng nhựa công nghiệp.
Lãi nhiều, rủi ro ít
Với cái giá chóng mặt mà người tiêu thụ lẫn loài tê giác đang phải trả, liệu sừng tê thực sực có công hiệu gì? Vũ Quốc Trung, một bác sĩ đông y hành nghề tại một ngôi chùa ở Hà Nội cho rằng nó có vài giá trị nhỏ.
“Theo sách thuốc cổ, sừng tê chỉ có ba công dụng,” ông Vũ nói. “Thứ nhất là để hạ nhiệt, thứ hai là giải độc và thứ ba là bổ máu.”

Một cậu bé bước ra khỏi cửa hàng thuốc cổ truyền đang bày bán đĩa mài sừng tê tại trung tâm Hà Nội. Ảnh: STR/AFP/Getty Images
Ngược lại với ấn tượng phổ biến ở phương Tây, theo phong tục, sừng tê chưa bao giờ được xem là một chất kích thích tình dục.
Còn về những thứ bệnh mà các bác sĩ ở đây kê toa sừng tê để chữa như chứng ung thư, ông Vũ không tin vào điều ấy.
“Họ làm thế để kiếm lợi nhuận, cho doanh nghiệp của mình,” ông nói. “Cá nhân tôi đã thấy rất nhiều sừng tê, nhiều bệnh nhân của tôi đã mang đến nhưng tôi thấy chúng chẳng có hiệu nghiệm đặc biệt gì.”
Trên thực tế, sau khi Trung Quốc cấm mua bán sừng tê vào năm 1993, nó đã bị xoá tên khỏi sách thuốc cổ truyền trong nước.
Cũng như đa số các sản phẩm phi pháp, khó có thể để xác định được nhu cầu thực sự của sừng tê, nhưng Bát Tràng, một ngôi làng chuyên làm đồ gốm ở ngoại ô Hà Nội, lại có thể hé lộ vài manh mối. Đây là nơi ông Bùi mua chiếc đĩa để mài sừng tê.
Nguyễn Thị Lệ Hằng là chủ một xí nghiệp chuyên sản xuất đĩa mài sừng tê trong ít nhất mười năm qua. Nguyễn nói rằng khi bà mới khởi sự, những người khách hàng quen thuộc nhất của bà là những phi công chuyên nhậu nhẹt.

Sự đi lên của nền kinh tế Việt Nam - qua hình ảnh Nhà hát Lớn Hà Nội nổi tiếng được phản chiếu qua khung kính của cửa hàng Gucci - đang đe doạ sự sống còn của loài tê giác ở Nam Phi cách đấy cả nghìn dặm. Ảnh Frank Langfitt/NPF
“Trước đây tôi mỗi tháng tôi bán cho sân bay được 2 nghìn chiếc,” bà Nguyễn, 56 tuổi, vừa nói vừa khom người xuống. “Đa số những phi công là đàn ông. Họ không cẩn thận lắm với đồ dùng cá nhân của mình và thường xuyên làm vỡ đĩa.”
Bà Nguyễn nói năm ngoái bà bán được 10 nghìn đĩa.
TRAFFIC, một tổ chức toàn cầu chuyên theo dõi việc mua bán thú hoang, nói rằng chẳng có quốc gia nào lại có một nền sản xuất đĩa mài như Việt Nam. Naomi Doak, điều phối viên của tổ chức này tại Hà Nội nói rằng “Đây là một mặt hàng lãi cao và ít rủi ro. Nếu bị bắt, bạn có thể bị phạt, một cú khẻ tay nhẹ. Thế thôi.”
Những nỗ lực nhằm thay đổi quan niệm xã hội
Việt Nam nhấn mạnh rằng họ cấm việc mua bán thú hoang bất hợp pháp. Năm ngoái, nó đã ký kết một bản hiểu biết chung với Nam Phi để hợp tác về vấn đề này. Các nhà bảo vệ cho rằng chìa khoá để giảm thiểu nhu cầu là giáo dục.
Nguyễn Quân, hiện đang làm việc ở bộ phận tội phạm về thú hoang của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, đã dùng những chiến dịch thức tỉnh quần chúng để bác bỏ những huyền thoại về sừng tê. Anh nói với những ai chịu lắng nghe rằng sừng tê đơn giản chỉ là một thứ thuốc đắt đỏ nhằm tạo hiệu ứng an tâm mà thôi.
“Chúng tôi có loại biểu ngữ đề rằng sừng tê và móng tay người đều giống nhau,” Nguyễn nói. “Vì thế thay vì dùng sừng tê, sao chúng ta không gặm móng tay của mình?”
Nam Phi là quê hương của hơn 20 nghìn con tê giác, chiếm đại đa số tê giác trên toàn cầu. Muốn người dân Việt Nam chú trọng vào một loài vật đang ở quá xa thì không dễ dàng. Bùi, vị quan chức chính quyền chuyên uống sừng tê để giải rượu nói rằng bảo vệ loài thú này không phải là vấn đề của ông.
“Nó phải là trách nhiệm của chính quyền Nam Phi chứ không thể là của Việt Nam,” ông nói một cách đầy phản ứng. “Ở Việt Nam, nếu người ta có tiền, họ có quyền mua nó.”
Tuy nhiên một số người sử dụng sừng tê dường như cũng đã động tâm. Một phụ nữ tên Dương, 50 tuổi, làm việc trong ngành giao thương quốc tế, nói rằng bà thường dùng sừng tê như một loại thuốc bổ nhưng thấy nó chẳng hiệu nghiệm gì, vì thế bà ngưng dùng.
Giờ thì bà thấy hối hận.
Bà nói: “Tôi mua chiếc sừng này từ lâu rồi, khoảng bảy năm trước, và kể từ đó, tôi đã nghe nói nhiều về những động vật quí hiếm bị giết,” bà ngồt trong gian nhà khách với chiếc tivi màn hình mỏng và sàn nhà bằng đá hoa cương Ý. “Tôi cảm thấy thật đáng tiếc về việc này và sẽ không mua sản phẩm thú vật nữa.”
Có bao nhiêu người sử dụng sừng tê đang rút ra được kết luận như trên thì chỉ là ước đoán, nhưng sự sống còn của loài tê giác lại tuỳ thuộc vào đấy.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"