Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

KÍCH (NHẦM) CẦU?

Trần Hoàng
Nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn nghiêm trọng, đó không còn là phỏng đoán mà là thực tế đã quá rõ ràng. Có nhiều ý kiến còn cho rằng nó đang bên bờ vực hoặc thậm chí đã ở dưới bờ vực khủng hoảng. Đến bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch quốc hội, vốn là người được đánh giá là kín tiến, cẩn trọng cũng phải kêu lên trong cuộc họp của Ủy ban thường vụ quốc hội hôm 14.5.2013: “Tôi thấy gay go lắm rồi các đồng chí ạ.”
Lạm phát, vấn đề nổi cộm nhất của nền kinh tế Việt Nam trong các năm trước, hiện nay đã được coi là tạm ổn. Theo số liệu của VietFin.net, chỉ số lạm phát CPI cho quý đầu 2013 ở mức 2,39%, tiếp tục giảm từ con số 6,81% cho cả năm 2012 (số liệu của Tổng cục thống kê, theo www.baodientu.chinhphu ngày 24.12.2012).

Vấn đề gay cấn nhất hiện nay là tốc độ tăng trưởng của tổng cung giảm mạnh, xu hướng giảm sút kéo dài, không có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Trong quí 1/2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế theo số liệu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội là 4,89% (so với cùng kỳ năm 2012) (BBC 15.5.2013). Cũng theo nguồn trên tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong quý này đạt 4,93%, là mức thấp nhất cho thời kỳ từ Q1/2010 đến Q2/2013. Tăng trưởng giảm như vậy không phải quá xấu, nhưng nguy hiểm hơn là tình trạng các doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Cũng theo Ủy ban Kinh tế, chỉ riêng trong Q1/2013 đã có 15 300 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2012. Theo lời của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Tình hình doanh nghiệp bi đát, tôi nghĩ có tới 100 000 doanh nghiệp chết chứ không phải chỉ mấy chục nghìn, tỉ lệ doanh nghiệp lỗ có thể còn hơn 65%” (Theo nganhangonline, 16.5.2013). Trước đó, Ủy ban Kinh tế đã cho biết, trong các năm 2011, 2012 đã có hơn 100 000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, trong khi số lượng mới thành lập chỉ là 15 700.
Theo số liệu thống kê chính thức, có tới 65% doanh nghiệp báo lỗ, với triển vọng phục hồi kinh tế tối thiểu (BBC 15.5.2013).
Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang đối đầu là do mức cầu (cả trong nước và nước ngoài) thấp, thị trường ế ẩm, không bán được hàng, lượng hàng tồn kho lớn. Thiếu vốn, tuy cũng là nổi trội, thực không hẳn là nguyên nhân chính. Điều này được thấy rõ qua con số dư nợ tín dụng. Theo con số của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, trong bốn tháng đầu năm 2013, dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,41%, trong khi dư nợ huy động vốn tăng 5%, cho thấy "ngân hàng đang nắm giữ một lượng tiền lớn, nhưng lại không chảy vào nền kinh tế." Đấy là trong tình trạng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã liên tục được cắt giảm hai lần chỉ riêng trong nửa đầu năm 2013, lãi xuất cho vay được điều chỉnh hầu hết về mức 13%/năm (NDHMoney.vn 16.5.2013).
Một khi các doanh nghiệp thấy không có khả năng tiêu thụ được hàng hóa sản xuất ra thì đơn giản là họ sẽ không đầu tư thêm, cho dù lãi suất vay vốn có xuống thấp hơn nữa. Trước hết, họ phải tìm cách giải quyết hàng tồn, thanh toán các khoản nợ nần để tránh bị phá sản …, tăng đầu tư vào sản xuất thì còn phải chờ đã. Chỉ khi thấy các tín hiệu từ các phía cầu họ mới mở rộng sản xuất. Lúc ấy thì không cần phải mời chào họ cũng tìm cách vay vốn.
Về phía các ngân hàng, tuy mức lãi xuất cho vay được điều chỉnh vào trung tuần tháng 5.2013 về mức 13%/năm, các ngân hàng cần nhiều tháng để giảm mức lãi xuất tín dụng. Vì mức lãi xuất phản ánh mức độ rủi ro cũng như triển vọng làm ăn kinh tế của các đối tượng có nhu cầu vay, lại có lượng nợ xấu đáng lo ngại nên hầu hết các ngân hàng đều buộc phải hạn chế cho vay, áp dụng các điều kiện cho vay ngặt ngèo, lãi xuất cao. Theo số liệu của NHNN, lãi xuất cho vay tín dụng ngân hàng phổ biến là 11-15% đối với vay ngắn hạn và 16-17,5% đối với vay trung-dài hạn (Tiền phong, 12.3.2013), mức lãi xuất (ngắn và dài hạn) là ở khoản 12-16% trước thời điểm 10.5.2013 (NDHMoney.vn 16.5.2013).
Đó là nguyên nhân tại sao Ngân hàng HSBC Việt Nam có nhận xét “trong khi động thái này (tức là việc giảm lãi xuất điều hành – chú thích của tác giả) đánh dấu tham vọng của NHNN trong việc hỗ trợ cầu, chúng tôi không nghĩ động thái này sẽ có tác động kích thích mạnh đối với tăng trưởng tín dụng. Với việc nền kinh tế đang ở trong giai đoạn cắt giảm nợ vay và thị trường tài chính đang đóng băng, chỉ có những cải cách mạnh mẽ mới có thể thực sự thay đổi tình hình nền kinh tế trong ngắn hạn” (cũng theo nguồn trên).
Tóm lại, vấn đề chính ở đây là do các doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hóa. Nguyên nhân là mức cầu yếu. Điều này tạo ra cái vòng luẩn quẩn có chiều đi xuống: sức mua giảm - sản xuất suy giảm – đầu tư giảm – sản xuất suy giảm – tổng thu nhập giảm – sức mua giảm.
Trong điều kiện lạm phát đã được kìm xuống mức khá đẹp, ổn định (tốc độ lạm phát giảm khá mạnh có thực sự là thành công trong quản lý kinh tế hay không, điều này chắc cũng gây ra nhiều tranh cãi), các gói kích cầu có khả năng phát huy tác động tích cực, góp phần phá vỡ cái vòng luẩn quẩn đi xuống kia. Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ đô-la) được dùng để cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN thực chất là một trong các gói kích cầu như thế, vì nó nhắm vào tác động kích cầu, cụ thể trong trường hợp này là cầu bất động sản.
Hãy không bàn thêm về ý kiến của dư luận nói chung coi gói tín dụng kia là để cứu bất động sản. Ông thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chẳng đã chính thức tuyên bố: “Gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đưa ra để nhằm hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay vốn mua nhà. Ngân hàng nhà nước không đặt vấn đề đưa ra gói này để cứu bất động sản hay hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp bất động sản” (VnMedia 15.4.2013) hay sao? Tiếp theo ông này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cũng phụ họa theo: "Tôi nhắc lại, đây không phải là gói tín dụng để giải cứu BĐS mà hướng tới đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở mà nguồn lực cá nhân còn hạn chế. Do đó, gói tín dụng này mang ý nghĩa an sinh xã hội lớn nhưng đồng thời đằng sau nó vẫn sẽ lan tỏa hỗ trợ cho thị trường BĐS." (Thời báo ngân hàng 15.5.2013). Cứ cho là như thế đi.
Nhưng các câu hỏi xuất hiện ở đây là thứ nhất, gói tín dụng kia có thực sự giúp được người dân “có nguồn lực cá nhân hạn chế” mua nhà cửa không? Thứ hai, nếu thực sự là để cứu bất động sản thì nó có khả năng hoàn thành sứ mệnh của mình không? Và thứ ba, với vai trò là một gói kích cầu, liệu nó có tạo được hiệu quả đáng kể không?
Để trả lời cho câu hỏi thứ nhất chắc không cần giải thích nhiều. Lý do đơn giản là đối tượng được nhắm đến: cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp trong tình hình kinh tế “bi đát”, thu nhập hạn chế, khó mà đảm bảo được cuộc sống hàng ngày chứ chưa nói đến chuyện đủ can đảm vay tiền mua nhà cửa, nhất là trong lúc loại hình bất động sản tồn đọng nhiều nhất trên thị trường là loại có giá cao và giá trung bình. Tiếp nữa, liệu các đối tượng này có tiếp cận được đến nguồn tín dụng với lãi xuất “hấp dẫn” không? Ai cũng biết là ở Việt Nam làm gì cũng phải có tiền “phong bao”, nhất là khi đi xin được hưởng các chế độ ưu tiên, nếu không cần phong bao thì trước hết là họ hàng, người quen, người thân của cán bộ xét duyệt tín dụng ngân hàng sẽ có lượt trước. Còn nhu cầu mua bất động sản của các đơn vị kinh doanh, sản xuất đang gặp khó khăn sẽ là tối thiểu.
Cần lưu ý thêm ở đây là các đối tượng được hưởng tín dụng ưu tiên sẽ phải tự trả một phần giá trị của bất động sản họ mua, sau đó phải lo trả tiền lãi xuất. Đó là các yếu tố tác động tiêu cực tới tổng cầu.
Để trả lời cho câu hỏi thứ hai cũng không cần giải thích gì nhiều. Theo CAFEF, 20.5.2013 (http://cafef.vn) thì dư nợ tín dụng bất động sản trong năm 2010 chiếm gần 15% tổng số dư nợ tín dụng, con số cho năm 2011 là trên 10%, cho 10 tháng đầu năm 2012 là trên 13%. Riêng trong năm 2011, tổng dư nợ cho vay bất động sản là 348 nghìn tỉ đồng. (Lưu ý là số liệu trên là của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, con số này cao hơn 1,8 lần con số mà các ngân hàng công bố!). Theo NHNN, tại thời điểm 31.10.2012, tổng nợ tín dụng của nghành bất động sản là khoảng 208 nghìn tỉ đồng, trong đó có tới 13,5% được coi là nợ xấu, không có khả năng thanh toán. Theo số liệu thống kê của quỹ Dragon Capital cũng được nêu ra ở nguồn trên, có khoảng 70 nghìn căn hộ đang tồn đọng, với giá trị ước tính là 200 nghìn tỉ! (ước tính của Bộ xây dựng là gần 112 nghìn tỉ đồng) (cũng theo nguồn trên). Đó là còn chưa tính tới lượng các loại hình bất động sản khác, nhất là đất đai trước đã được mua vào, nay có nhu cầu bán đi. Các con số trên cho thấy rõ là gói 30 nghìn tỉ thực chỉ là “muối bỏ bể”, không thể giúp gì đáng kể cho toàn ngành bất động sản.
Để tìm câu trả lời cho câu hỏi thứ ba ta thử xem xét như sau: CAFEF, 20.5.2013 cũng cho biết là theo phân tích trong Kỷ yếu Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân do Ủy ban kinh tế Quốc hội ngày 5 và 6.4.2013, khu vực bất động sản chiếm một lượng lớn nguồn vốn và nợ xấu ngân hàng. Nhắc lại là theo NHNN, tại thời điểm 31.10.2012, tổng dư nợ tín dụng của nghành bất động sản là khoảng 208 nghìn tỉ đồng, trong đó có tới 13,5% là nợ xấu.
Khi toàn bộ gói tín dụng trên với vai trò là một gói kích cầu được thực hiện hoàn tất, một số lượng lớn trong số tiền 30 nghìn tỉ kia sẽ được chuyển vào tay các chủ bất động sản BĐS. Họ sẽ làm gì với số tiền đó?
Với các chủ BĐS có nợ nần (số lớn), tất nhiên là phải trả nợ ngân hàng, sau đó đến trả nợ cho các bạn hàng kinh doanh khác. Nếu còn dư ra đồng nào, với số lượng hàng tồn kho “khủng” như trên, chắc chắn họ cũng không dám đầu tư tiếp. Với các chủ BĐS dư dả, không nợ nần thì khả năng họ dùng thu nhập này để tăng mạnh tiêu dùng hoặc chuyển sang đầu tư kinh doanh sản xuất là thấp (trong lúc kinh tế bấp bênh, việc người Việt Nam dành các khoản tiền tích lũy, đầu tư cho tiêu dùng là hãn hữu; còn chuyển sang đẩu tư kinh doanh sản xuất thì không phải là đơn giản và cũng chưa có gì là hấp dẫn).
Như vậy phần lớn số tiền trên sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng vốn "đang nắm giữ một lượng tiền lớn, nhưng lại không chảy vào nền kinh tế", không mấy hào hứng cho vay và cũng không cho vay được vì tình hình sản xuất kinh doanh thực sự chẳng có gì khởi sắc hơn trước nói riêng và sẽ không vào được vòng quay lưu thông nói chung.
Vì thể có thể chắc chắn là trong vai trò gói kích cầu, khoản tín dụng 30 nghìn tỉ kia sẽ “lặn mất tăm” không để lại tác động nào đáng kể trong khu vực sản xuất nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Ngay trước khi được triển khai vào ngày 1.6 tới, xem ra biện phát này đã có một tương lai mờ mịt, không có triển vọng hoàn thành sứ mệnh danh nghĩa của mình, bất kể là để “hỗ trợ người dân có nguồn lực hạn chế”, cứu nghành BĐS, hay như một gói kích cầu.
Là tốt hơn để chính phủ dùng số tiền này vào việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, giao thông, đường xá, y tế, giáo dục… Đó là cách kích cầu tốt hơn.
Tuy nhiên, cần phải nhắc tới ở đây là không thể nói biện pháp trên của chính phủ VN là sai lầm hay nhầm lẫn. Chẳng có gì nhầm nhọt ở đây cả. Đây chắc là kết quả của việc vận động hành lang, hay “lobby” nếu dùng thuật ngữ hiện đại, của một số nhóm cá nhân có cổ phần trong ngành BĐS và/hay ngành liên quan khác. Nhầm nhọt sao được khi các nhóm kia chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ gói tín dụng lớn này. Lại một lần nữa “các nhóm lợi ích” lại thắng lớn, chỉ có người dân VN sẽ lại bị thiệt thòi mà thôi.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"