Một bạn đọc, có lẽ là dư luận viên, gởi Email khuyên tôi, ”tôi
thấy bác vất vả làm những việc bao đồng vô ích. Lấy tiền đô la đã đem
qua Việt Nam đi ăn nhậu chơi bời thỏa thích tốt hơn. Bác vừa được hưởng
thụ mà nhân viên ngành ăn chơi có thu nhập đều đặn. Bác chống gói cứu
trợ BDS 30 ngàn tỷ đồng, nhưng hôm nay chánh phủ vẫn ban hành, các anh
em BDS vẫn được chia chác không thiếu đồng nào. Bác có thấy những gì bác
làm là công cốc không. Nước Việt ta khác Mỹ nhiều lắm, bác chẳng làm gì
hay khuyên ai được đâu. Dân Việt không cần bác. Họ chỉ cần tiền của bác
thôi. Bác có tốt thì đem qua nhiều nhiều. Anh Việt kiều nào không có
tiền thì vẫn là tội đồ, cứ ở yên bên nước ngoài cho yên thân. Đừng lăng
nhăng vào chuyện của nhà nước hay chuyện của dân Việt.”
Anh bạn này có lý. Tuy nhiên, thực tình tôi không có một mong đợi gì
về kết quả của những công việc mình đang làm hay các tư duy mình đang
chia sẻ ở Việt Nam. Góc Nhìn Alan là sân chơi riêng của vài bạn BCA,
không quấy rầy hay tranh đấu để có một quyền lợi gì. Nếu có ai đó không
thích bị “nhìn” thì tôi sẵn sàng đổi tên là góc “chém gió” với Alan.
Vả lại, đây không phải là chuyện bao đồng duy nhất tôi làm ở Việt
Nam. Tôi có thói quen không bỏ được là mỗi lần đi bộ qua đường, tôi hay
chỉ mặt các tay lái xe máy hay xe hơi và la lớn “Không được vượt đèn
đỏ”. Dĩ nhiên, những lời kêu gào này hoàn toàn vô ích. Những tay lái xe
vẫn thản nhiên vượt đèn đỏ vào ngã tư kế tiếp, và không quan tâm hay
không biết là tôi vừa nói về họ. Họ phớt tỉnh như người Ăng Lê và coi
tôi như một ông già lảm nhảm vớ vẩn.
Vài người thân khuyên tôi là nên từ bỏ lồi hành xử vì lợi ích công
cộng này. “Mac Ke No” vẫn là một phương cách sống của dân tộc văn hóa
này. Vả lại, một nguy cơ rất thực là gặp thằng trẻ nào nó thích sinh sự,
nó có thể ngừng xe lại và cãi nhau bằng dao búa. Tôi nghe lời và cố
gắng câm miệng trước điều mà cho tôi cho là “chướng tai gai mắt”.
Tuy vậy, tôi không bao giờ nhịn được khi người lái xe lại chở thêm
một hay vài ba em nhỏ trên xe. Lối lái xe bất chấp luật lệ có thể gây
tai nạn và khi vượt đèn đỏ, người lái đã chấp nhận rủi ro này. Nhưng để
cho các trẻ em ngây thơ trả giá cho sự ngu xuẩn của người lớn là điều
tôi không bao giờ ngồi yên và “mac ke no”. Tôi vẫn hét thật to khi những
bậc phụ huynh đem sinh mạng con em mình giỡn mặt tử thần.
Dĩ nhiên tôi cũng biết là hiệu quả việc làm này của tôi gần như không
có. Tôi để ý phần lớn vẫn vượt đèn đỏ, vẫn quẹo trái phải không báo
trước, vẫn vừa lái xe vừa hút thuốc hay nghe điện thoại, vẫn đi đêm
không đèn, vẫn lách lượn ngang dọc trước các xe tải…Tuy nhiên, tôi hy
vọng là trong tiềm thức, họ đã ghi nhận lới cảnh báo của tôi, và dù vẫn
vượt đèn đỏ theo thói quen, có lẽ họ sẽ chậm lại vài giây…đủ để cứu mạng
cho một hay hai đứa bé nào đó.
Chỉ cần một hay hai đứa bé gặp may mắn, việc làm của tôi sẽ trở nên
có ý nghĩa. Trên cùng một bình diện, có thể Góc Nhìn Alan sẽ ảnh hưởng
tốt đến vài người vì các thế lực…ác và vô cảm…có thể phải chậm lại vài
giây?
In matters of truth and justice, there is no difference between large and small problems…(Albert Einstein).