Hôm nay, nhân đọc bài viết “Cờ đỏ, cờ vàng và hòa giải” của
anh Huy Đức, tôi lại muốn viết tiếp về chủ đề này. Bài viết của anh Huy
Đức xoay quanh những câu chuyện về 2 lá cờ, và tôi không thực sự hiểu
sâu sắc cái ý “hòa giải” trong bài viết của anh. Đối với cá nhân tôi,
tôi nghĩ rằng khi nói đến “hòa giải” thì đừng bao giờ nhắc đến cờ đỏ, cờ
vàng.
Sẽ không bao giờ tiến tới “hòa giải” nếu chúng ta cứ mãi gợi lại
những câu chuyện quá khứ lẫn hiện tại về 2 lá cờ, đó đều là những bi
kịch. Tương lai của dân tộc Việt không trông chờ vào những bi kịch ấy,
tôi thực sự tâm đắc với một ý kiến được share trên FB Jonathan London “Cờ Vàng, cờ Đỏ đều là quá khứ, nên quên đi! Ai làm một lá cờ mới hướng đến tương lai tự do, dân chủ cho VN, tôi sẽ ủng hộ”.
Tôi cũng vậy, tôi sẽ ủng hộ cho một lá cờ mới của Việt Nam thống nhất,
đó phải là một biểu tượng của dân tộc Việt, với lá cờ màu của đất, màu
của biển, màu của bầu trời, và đương nhiên không thể thiếu cánh chim Lạc huyền thoại. Chúng
ta cần một lá cờ biểu trưng cho đất nước Việt 4000 năm văn hiến, chứ
không cần một lá cờ của một đảng phái, một tư tưởng, hay của bất kỳ một
thời kỳ nào.
Vậy liệu chúng ta có thể thay đổi lá cờ hiện tại hay không? Với tình hình hiện tại, ý nghĩ đó có vẻ viển vông, nhưng tôi tin rằng không sớm thì muộn điều đó cũng phải xảy ra.
Quay trở lại với tiêu đề bài viết “Âm nhạc và hòa hợp dân tộc”,
tôi không muốn dùng từ “hòa giải”, vì thực tế với những gì đã xảy ra
trong lịch sử, “hòa giải” gần như là điều không thể, nhưng “hòa hợp” thì
hoàn toàn có thể. Vậy “âm nhạc” có liên quan gì đến “hòa hợp dân tộc”,
cũng giống như lá cờ, nhạc Việt cũng có 2 thể loại đối chọi là “nhạc
vàng và nhạc đỏ”. Nhạc vàng là những sáng tác của các nhạc sĩ cờ vàng,
và nhạc đỏ là những sáng tác của nhạc sĩ cờ đỏ.
Nhạc đỏ, là một dòng của tân nhạc Việt Nam gồm những bài hát sáng
tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc trong thời kỳ Chiến
tranh Việt Nam và cả sau năm 1975. Các ca khúc nhạc đỏ thường để cổ vũ
tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, phục vụ chiến tranh, truyền đạt những
chính sách của nhà nước, khuyến khích tình yêu lý tưởng cộng sản, cũng
có cả những bài hát trữ tình, thể hiện tình yêu quê hương đất nước hoặc
cổ vũ lao động, xây dựng. Nhạc đỏ cùng với nhạc dân ca, truyền thống là
những thể loại âm nhạc duy nhất được phát trên đài phát thanh Việt Nam
từ năm 1954 đến năm 1975 ở miền bắc. Tuy không có chủ trương kiểm duyệt
công khai, nhưng âm nhạc thời kỳ trước 1975 tại miền bắc và nhạc đỏ có
sự chỉ đạo và kiểm soát của lãnh đạo và nhà nước. Một số nhạc sĩ nhạc đỏ
tiêu biểu như Đỗ Nhuận, Huy Du, Hoàng Việt, Hoàng Vân, Phan Huỳnh
Điểu...
Nhạc vàng là dòng nhạc Việt Nam ra đời từ thập niên 1960 với những
giai điệu nhẹ nhàng (boléro, rumba, ballade ...) và ca từ vừa bình dân,
dung dị lại vừa đậm chất thơ. Trước năm 1975, dòng nhạc này chủ yếu phổ
biến trong miền Nam. Sau đó, mặc dù bị cấm trên các phương tiện truyền
thông, nhạc vàng vẫn được nhiều người ưa thích cả trong Nam lẫn ngoài
Bắc. Đối với người Việt ở hải ngoại thì nhạc vàng trở thành một dòng
nhạc chủ đạo trong thị hiếu người nghe nhạc. Các nhạc sĩ nổi tiếng của
khuynh hướng nhạc vàng có Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Lam Phương, Duy
Khánh, Trần Thiện Thanh, Vinh Sử, Châu Kỳ,...
Sau năm 1975, nhạc vàng đã bị chính quyền Việt Nam Cộng sản phân loại
thành dòng "nhạc đồi trụy", đôi khi còn bị ghép thêm hai chữ "phản
động" vì cho rằng đây là loại nhạc có khả năng tạo ra mầm mống phản cách
mạng. Mãi đến khi bắt đầu thời kì đổi mới thì các loại nhạc vàng mới
dần dà được xem xét lại và cho phổ biến một cách hạn chế tuỳ theo tác
giả và tác phẩm.
Về mặt lý luận âm nhạc thì nhạc vàng hay nhạc đỏ đơn giản là tên của
hai dòng nhạc, với những đặc trưng khác nhau, hiện đang tồn tại tại Việt
Nam như một tồn tại khách quan. Tuy nhiên, chính vì lý do "nhạc vàng là
nhạc đồi truỵ, nhạc phản động, nhạc của phía bên kia" nên nó đã không
được phép tồn tại chính thức và luôn gặp phải sự ngăn chặn trong hành
trình phát triển.
Âm nhạc cực kỳ quan trọng, và là một phần không thể thiếu trong đời sống. Nói không ngoa thì thất bại của Việt Nam Cộng hòa và chiến thắng của Việt Nam Cộng sản có sự ảnh hưởng lớn từ âm nhạc.
Nhạc đỏ với “chất lửa” đã thổi bùng ý chí chiến đấu của bộ đội, trong
khi nhạc vàng với chất thơ, chất trữ tình, với tình yêu dường như đã ru
ngủ người lính Cộng hòa, mà chiến tranh thì chỉ có súng đạn, lửa khói,
là ý chí, niềm tin,…chứ không thể tồn tại tình yêu.
Việt Nam của hiện tại đang cần hơn lúc nào hết những đặc trưng của 2
dòng nhạc đó, chúng ta cần niềm tin, ý chí xây dựng đất nước đổi mới,
dân chủ, và cần chất trữ tình, tình thương yêu giữa con người và con
người trong cái xã hội đang dần mất đi tình thương này. Chúng ta cần sự hòa hợp giữa 2 dòng nhạc của cả 2 chế độ.
Có một thực tế ít ai phủ nhận, tại Việt Nam hiện nay, người dân 3
miền đều thích cả hai thể loại nhạc trên. Trong vài năm trở lại đây,
việc các ca sĩ hải ngoại với dòng nhạc vàng lần lượt trở về nước trình
diễn đã khiến nhiều người nghĩ “hòa hợp dân tộc” đã bắt đầu.
Nhưng với những gì đang xảy ra gần đây, việc cấm đoán các đĩa nhạc Asia,
cấm một số ca sĩ hải ngoại trở về nước biểu diễn,và việc liên tục có
nhiều bài báo cố tình bôi xấu hình ảnh những nhạc sĩ, ca sĩ của dòng
nhạc vàng hải ngoại đã khiến “con đường hòa hợp” ngày càng xa.
Tuy vậy, với suy nghĩ “ngây thơ và mộng mơ” của mình, tôi vẫn tin rằng “hòa hợp dân tộc” rồi sẽ đến trong một tương lai không xa và nó sẽ bắt đầu từ “âm nhạc”.
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu về âm nhạc từ wikipedia)