BTV Ba Sàm
Ngày mai, ở Long An sẽ diễn ra phiên tòa xử hai bạn sinh viên
Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, tội "tuyên truyền chống nhà nước
CHXHCNVN". Không rõ phiên tòa sẽ diễn ra trong bao lâu, nhưng theo những
phiên tòa đã xử các tội danh tương tự trước đây, thường thì phiên tòa
như thế này chỉ kéo dài... một ngày.
Ở các nước dân chủ, không hề có phiên tòa nào xử các tội danh như
vậy. Không ai bị bắt hay bị đem ra xét xử tội "tuyên truyền chống nhà
nước", hay "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân", vì người dân ở các nước
này có quyền tự do bày tỏ tư tưởng (freedom of expression), có quyền
được nói (freedom of speech), có tự do báo chí (freedom of the press)...
nên người dân được quyền "tuyên truyền chống nhà nước".
Nhà nước ở các nước này do dân bầu ra, được đa số dân chúng tín
nhiệm, nên họ không sợ thiểu số tuyên truyền (nếu có). Trường hợp người
dân chỉ ra cái sai của nhà nước, của các quan chức chính phủ, thì không
thể gọi là "tuyên truyền", mà người dân giúp chính phủ thấy được cái sai
để sửa, giúp chính phủ điều hành tốt hơn, phục vụ dân tốt hơn. Chính
phủ phải cám ơn dân, thay vì bắt dân bỏ tù.
Ở các nước dân chủ, cũng không thấy xét xử tội danh "âm mưu lật đổ
chính quyền" vì chính quyền của họ thường vài năm bị "lật đổ" một lần.
Chính quyền ở các nước dân chủ nếu làm không tốt, nếu không phục vụ dân,
sẽ bị dân "lật đổ" bằng lá phiếu, thay bằng một chính quyền mới. Khác
với chính phủ ở các nước độc đảng chỉ muốn "lãnh đạo muôn năm", nên mới
nghĩ ra tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền", trong khi những người bị
khép tội "âm mưu lật đổ" là những người không hề có vũ khí trong tay,
cũng không sở hữu bất cứ phương tiện nào để có thể "lật đổ chính quyền",
ngoại trừ những bài viết, nói lên nỗi bất đồng của họ với chính phủ. Do
không đủ lý lẽ để tranh luận, phản bác lại các lập luận trong những bài
viết của dân, nên chính quyền đã sợ đến nỗi phải bắt dân bỏ tù, để dập
tắt tiếng nói của họ.
Xin nhắc thêm, các phiên tòa ở các nước dân chủ, khi xử những tội
danh nghiêm trọng như "khủng bố", "gián điệp"... ảnh hưởng tới sinh mạng
của bị can, nếu diễn ra ở Mỹ, có thể kéo dài vài tháng. Có những phiên
tòa diễn ra tới 6 tháng, cần một đại bồi thẩm đoàn (Grand Jury), gồm 18
người dân thường. Để có được bản án công minh, việc chọn những người
trong bồi thẩm đoàn này mất nhiều thời gian, thường kéo dài cả tuần, có
khi cả tháng, và bồi thẩm đoàn được chọn riêng cho mỗi vụ án khác nhau.
Khác với xứ ta, phiên tòa xử những tội chính trị như thế, chỉ diễn ra
trong 1 ngày, bởi không phải xử, mà là "biểu diễn dân chủ". Gần như
không có sự tranh tụng giữa các luật sư bên nguyên lẫn bên bị cáo, vì
với phiên tòa 1 ngày thì thời gian đâu để tranh tụng? Dẫu có tranh tụng
tới nơi, tới chốn đi nữa, cũng không ảnh hưởng gì tới quyết định của bản
án, vì nhiều người cho rằng, án đã định sẵn, được gọi là "án bỏ túi".
Để hiểu thêm các phiên tòa ở Mỹ, mời bà con đọc bài viết "Hệ thống
Phân xử của Luật pháp Hoa Kỳ". Bài viết này giúp độc giả so sánh nền
"dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư bản" ở xứ "thiên đường" ta với nền dân
chủ ở xứ "giãy chết" như thế nào: