Cuối cùng mình quyết định liều đi Praha, bao nhiêu anh em bên đó
dặn dò, hẹn hò đưa đón mình cứ ầm ừ. Một sáng dậy tìm trên mạng thấy có
chuyến đi Praha vác balo đi luôn. Chỉ nhắn qua mail dòng thư cho anh bạn
hãy xem thư. Đến được Praha thì điện thoại hết tiền với lý do rất hay.
Là do anh bạn đọc thư xong gọi mình liền, thế là máy hết tiền không gọi,
không nghe được luôn. Bọn tư bản thật dã man, mình nhận cuộc gọi bên
kia đã trả tiền hóa ra bên nhận cũng bị trừ tiền. Đã thế trừ rồi là cắt
chiều nghe.
Thế là bơ vơ giữa Praha. Đói hoa mắt, vào hàng bánh ngọt đưa tiền
euro bị lắc, đưa tiền usd bị lắc. Đành đi lang thang gặp quầy đổi tiền
của mấy thằng mũi lõ nhưng tóc đen. Nhìn bọn này đã thấy lưu manh, nên
đổi tạm mấy chục đô lẻ. Y rằng sau mới biết nó chặt của mình một nửa
tiền. Cầm tiền quay lại hàng bánh ngọt mua bánh ăn. Xong đi lang thang
xem có gặp người Việt nào không. Tình cờ thấy một em, hỏi có phải người
Việt không, em gật đầu. Nhờ em gọi điện cho anh bạn đến đón. Em gái thật
tốt, em gọi điện báo, xong mời mình vào tiệm làm móng của em ngồi chờ.
Sau đó có điện, em khóa cửa tiệm và dẫn mình đến chỗ anh bạn của mình.
Hai ông đón mình lo sốt vó khi không liên lạc được, ngồi tự an ủi
nhau là thằng Gió bụi đời thế, kiểu gì nó cũng có cách liên hệ lại. Tất
nhiên là mình không gặp họa ở đại sứ quán Tàu thì chẳng thể mà họa bên
dòng sông Đa Nuýp được.
Bát phở đầu tiên ăn ở Châu Âu trong chợ SaPa cách Praha mươi phút
đường, khá ngon vì xương ở đây sẵn, thịt bò mềm. Ở đây có đủ mọi thứ,
Việt Nam có gì ở đây có hết, bánh cuốn Thanh Trì, bún bò Huế...Được ăn
thỏa thuê những món Việt Nam chính cống mang hương vị quê nhà thật đã
đời.
Anh bạn mua cho cái sim Séc, vừa đăng số trên FB đã có mấy anh em gọi
tơi tới. Có cậu em đến ngay tình nguyện làm taxi miễn phí, đi đâu ới
cái vài phút là có mặt đưa đi. Tiện thể cắt tóc, gội đầu luôn. Hôm sau
được mọi người chiêu đãi cho bữa tiệc thịt nướng ngay tại chợ.
Rồi về nhà anh bạn ngủ, vừa đến nhà gặp ngay công an Tiệp chặn đường
hỏi giấy tờ. Anh bạn than - Tao ở đây 30 năm chưa bao giờ bị hỏi giấy
tờ, mày mang dớp bên kia sang đây mới có chuyện thế này.
Anh bạn nói làm mình ngao ngán. Lúc trước đi trên tàu ngồi cùng
khoang một em Quảng Trị, hai anh em đang tâm sự chuyện quê nhà, bỗng
nhiên police xộc vào hỏi giấy tờ. Em kia cũng ngạc nhiên thắc mắc là sao
nó lại xộc vào khoang của mình.
Có lẽ số của mình là vậy, ở nước Đức mãi chả sao, sang đây hai ngày thì hai lần police đến hỏi giấy tờ.
Qua văn phòng báo Xa Xứ, gặp ông biên tập Trần Ngọc Tuấn. Gã nhà văn
già gần 60 tuổi mà tính như trẻ con, nốc bia say khướt cả ngày. Được cái
viết truyện vẫn hay. Nhưng nói cũng nhức cả đầu, nửa đêm bên Việt Nam
rồi mà gã trong cơn hứng chí gọi điện loạn lên tứ tung để tào lao chi
khươn. Tuy vậy ở với gã cũng thoải mái là trà thuốc gã cũng nghiện như
mình, nên cũng hợp nhau, nhất là tính chả có cái gì trên đời này là quan
trọng, thích cái gì làm cái đó.
Cái gã nhà văn láo nháo này sinh ra trong một gia đình cách mạng
truyền thống từ thời đánh Pháp, kết nạp vào hội nhà văn lúc mình còn cởi
truồng. Không hiểu sao sang Tây ăn bơ sữa thừa của Tây thế nào mà đâm
ra chả ưa gì chính đảng cầm quyền ở quê hương. Gã đi cùng mình ngoài
chợ, giới thiệu mình ở Việt Nam sang, mọi người hỏi gã đã nhồi nhét tư
tưởng chán chế độ cho mình chưa. Gã ấy bảo thằng này nó còn tha nhồi
nhét tôi thì thôi.
Giờ mình ngồi viết, gã bên cạnh ngồi dựa lưng vào tường nốc gần hết
chai Gion đen, hút xì gà Lahabanna và khóc nức nở như trẻ con vì thương
cho đất nước lầm than, khóc thương chị em An Đỗ Nguyễn bị công an đánh
gãy răng, khóc vì trẻ con Việt Nam không được đời sống như trẻ em bên
này.
Đm, vạn nỗi buồn lại ập về lúc lang thang đất khách quê người. Đúng
là tránh trời không khỏi nắng, nỗi đau về quê hương không buông tha cho
những kẻ đang hưởng đời sống dư thừa vật chất nơi phồn hoa.
Đêm Praha này chắc không ngủ nổi. Một người con gái yếu đuối bị bạo
quyền đánh gãy răng giữa thanh thiên bạch nhật, giữa một thành phố đông
dân và giàu có nhất Việt Nam.
Ngoài cửa số, những đôi trai gái Tiệp đang ríu rít đùa vui bên nhau,
chốc họ lại âu yếm hôn nhau. Những thành phố ở châu Âu này tôi đã đi
qua, đâu đâu cũng thấy cảnh thanh bình, trai gái hồn nhiên đi dạo chơi
đầy hạnh phúc.
Còn quê hương tôi cách đây hơn mười nghìn cây số, những người con gái
bệnh tật, gầy gò, nhỏ bé như Phạm Thanh Nghiên khó lòng ra khỏi nhà đi
chữa bệnh, người em gái An Đỗ Nguyễn chắc đang đau đớn vì những chiếc
răng bị đánh gãy khiến tôi nghĩ đến cảnh Phantin bẻ răng bán lấy tiền
nuôi con cách đây hơn 200 năm cũng chưa đau đớn và rùng rợn như đất nước
tôi bây giờ.
Anh bạn nhà văn già hơn tôi gần hai mươi tuổi vẫn đang khóc.
Anh ta may hơn tôi là vẫn còn nhiều nước mắt.