Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Chúng ta đang... ăn thịt đất nước mình!

Cách đây vài ba năm, báo chí đưa tin làm tôi giật mình: Đến năm 2012, Việt Nam phải nhập than đá! Thế mà đến năm 2011, nước ta đã phải nhập hàng nghìn tấn than đá từ nước ngoài. Ai cũng lo, ai cũng bức xúc. Ôi thuở ấu thơ tôi được các thầy dạy: ”Việt Nam ta rừng vàng biển bạc”. Bây giờ thì sắp cạn rồi sao? Nhìn lại đối mới từ năm 1986 đến nay, một thực trạng đau lòng đang diễn ra khắp nơi: Chúng ta đã khai thác, buôn bán tài nguyên quốc gia một cách ồ ạt, vô tội vạ. Dường như thu nhập GDP đất nước đều do buôn bán tài nguyên mà có, còn hàng hoá sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao chiếm tỷ lệ không đáng kể. Nghĩa là từ “đổi mới” đến nay, chúng ta đang sống nhờ bán tài nguyên, chứ chẳng làm được thương hiệu gì bền vững có tầm cỡ thế giới cả. Nhìn qua Hồng Kông, Ma Cao, Singapore, Nhật Bản… mà thương cho đất nước mình. Người ta chẳng có nhiều tài nguyên khoáng sản, sao người ta giàu thế. Còn mình bán tài nguyên mà ăn, rồi con cháu vài thế hệ sau ăn không khí à?

Tài nguyên quốc gia do mồ hôi xướng máu bao đời giành được gồm: trời, đất, núi, nước, rừng, biển, khoáng sản và môi trường. Trong hoà bình xây dựng 30 năm nay, do ấu trĩ trong nhận thức và non kém về quản lý, chúng ta tiếp tục tàn phá tài nguyên dữ dội hơn, nặng nề hơn. Hình thế núi sông Việt Nam đang thấy đổi từng ngày, đang bị cày xới nham nhở!
20 năm qua có rất nhiều “phong trào” bán tài nguyên để “làm ngân sách” xảy ra rầm rộ. Như khai thác gỗ rừng để xuất khẩu ồ ạt. Quốc doanh khai thác xuất khẩu, “hợp tác xã” khác thác xuất khẩu, tư nhân núp bóng nhà nước khai thác, xuất khẩu… Gỗ cứ kìn kìn từ rừng miền Trung, rừng Tây Nguyên đổ về các cảng biển. Các đầu nậu gỗ, những người cấp phép khai thác gỗ, cấp quota xuất khẩu gỗ giàu lên từng ngày một. Đến khi “ngộ ra”, ban hành lệnh cấm, thì rừng đã bị “bán ăn” gần hết. Thế là lại phải “làm dự án” trồng 5 triệu hec-ta rừng gần chục năm nay vẫn không thành.

Hết rừng rồi thì bán đất rừng. Hơn 300.000 héc ta rừng đầu nguồn đã bị các tỉnh bán cho doanh nhân Trung Quốc khai thác 50 năm. Nghĩa là 50 năm năm, chúng muốn biến mảnh đất rừng đó thành căn cứ quân sự, lô cốt, hầm ngầm v.v… là quyền của họ. Hết nước rồi non nước ơi!
Bán hết rừng đến bán khoáng sản dầu thô, than đá, cát, quặng ti-tan, quang a-pa-tít, quặng vàng… Nghe thông tin báo chí về việc xuất khẩu than lậu ở Quảng Ninh mà choáng váng. Trữ lượng than của ta ở Quảng Ninh có được bao lăm mà hô hào thành tích “khai thác và xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước”?; rồi quản lý yếu kém để cho hàng trăm công ty “ma” xuất khẩu than lậu một lúc hàng trăm tàu. Sao coi tài nguyên quốc gia “như vỏ hến” vậy?
Người bán gỗ, bán than, thì có kẻ lại bán núi, bán đất ruộng làm giàu. Xem ra bán núi bán đất dễ giàu có hơn. Trong những chuyến đi thực tế ở vùng Đông Bắc hay Thanh Hóa, Ninh Bình…, tôi thấy nhiều ngọn núi bị san bằng trơ trọi, để khai thác đá sản xuất xi măng, đá xây dựng. Bây gìờ tỉnh nào cũng hai ba nhà máy xi măng, hàng chục công trường khái thác đá hàng ngày ra sức san phá núi. Có tỉnh bán luôn cả ngọn núi cho nước ngoài làm xi măng, không chỉ bán phần dương mà còn bán cả phần âm tới 30 mét sâu, nghĩa là 50 năm sau, núi thành hồ ! Hình sông thế núi Việt Nam ngàn đời hũng vĩ, bây giờ đang bị xẻ thịt nham nhở. Liệu con cháu tương lai sẽ sống như thế nào, có còn hình dung ra nước non Việt tươi đẹp xưa nữa không, khi mà quanh chúng núi non bị gậm nhấm, thân thể Tổ Quốc ghẻ lở, xác xơ? Tài nguyên của mình, nước ngoài đến khai thác rồi chế biến thành sản phẩm xuất khẩu của họ, trong lúc hình hài non sông bị xâm hại. “Bán núi” để ăn như thế có đau núi quá không?
“Bán đất” mới là cuộc tỉ thí vói tương lai khủng khiếp nhất. Tỉnh nào cũng có vài ba Khu công nghiêp, nhưng chẳng làm ra sản phẩm xuất khẩu nào có thương hiệu cả vì máy móc lạc hậu, bán trong nước cũng chẳng ai mua . Tỉnh nào cũng có ba bốm sân golf. Rồi dự án mở rộng đô thị lên gấp đôi gấp ba, dự án khu biệt thư,… đang làm cho đất nông nghiệp, đất trồng lúa trong cả nước, đất trồng cây ăn trái ở Nam Bộ đang thu hẹp với tốc độ chóng mặt. mỗi năm có từ 73.000- 120.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi, bị chuyển đổi. Mở rộng đô thị thì đất ruộng thành đất thành phố, bán với giá cao hơn. Đua nhau mà ăn chia, lấn chiếm, đẩy nông dân ra khởi mảnh đất ngàn đời sinh sống của họ. Thế là khẩu hiệu của “dân cày có ruộng” thành ký ức lịch sử.
Vì mục tiêu tăng GDP, tăng thu ngân sách, các tỉnh đang thi nhau bán đất nông nghiệp một cách vô tội vạ. Mất đất, chỉ nông dân và nhà nước là thua thiệt. Ruộng mình đó, đất mình đó, bỗng nhiên bị mất trắng tay. Tiền đền bù giá bèo không đủ mua đất mới để xây nhà, nói chi đến làm ăn sinh sống.
Hết bán rừng, than, ti-tan, đá, người ta con bán cả bô-xit Tây Nguyên, thứ mà cách đây mấy chục năm, khối Comicom (Khối kinh tế các nước XHCN) đã ngăn không cho khai thác, họ sợ làm hư hỏng môi trường và văn hóa Tây Nguyên. Nhưng bây giờ thì bất cần tương lai Tây Nguyên, bất cần hàng ngàn trí thức tâm huyết với đất nước kịch liệt phản đối, họ vẫn khai thác Các nhà chiến lược quân sự thường nói: ”Ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương”. Chao ôi, từ việc bán tài nguyên đến “bán nước” chỉ còn một khoảng cách mong manh như sợi chỉ!
Nước là loại tài nguyên quý giá cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Hiện nay tất cả các con sông đều “đang chết dần” vì ô nhiễm do chất thải công nghiệp, bệnh viện chưa qua xử lý đều thải trực tiếp ra sông. Mạch nước ngầm đang xuống thấp chưa từng có do khai vô tội vạ. Rồi “phong trào” phát triển thuỷ điện tùm lum làm cho mực nước ở đồng bằng giảm xuống. Đến cả sông Hồng cũng cạn trơ đi bộ qua được. Có tỉnh làm đến hàng chục nhà máy thuỷ điện. Được điện thì mất lúa vì đất đai khô cằn không có nước tưới, bị sa mạc hoá không trồng lúa, trồng màu được. Muốn phát điện thì mực nước tích ở hồ phải cao hơn mực nước chết. Ví dụ Hồ thuỷ điện Hoà Bình bình thường mực nước cao 115 mét. Mực nước chết cao 80 mét. Nghĩa là để có điện, phải tích nước cao hơn 80 mét. Cái lượng “nước chết” cao 80 mét ấy chứa hàng tỷ mét khối không thể đổ về những cánh đồng lúa được, thì ruộng khô hạn là phải! Mùa lũ, nhà máy điện xả lũ để bảo vệ đập, thế là không chỉ xóm làng mà cả xá cũng ngập chìm trong nước. Làm thủy điện vô tội vạ cũng là một cách “ăn tài nguyên nước” qua dự án đầu tư. Không “ăn” dự án thì các quan huyện, quan tỉnh, quan trung ương tiền đâu mà làm nhà lầu, mua xe hơi, sống cuộc sống giàu sang phú quý, cho con đi học các trường nổi tiếng thế giới như Ha-vớt, Sóc-bon?
Bộ Chính Trị và Chính phủ là người chịu trách nhiệm chính trong việc khai thác tài nguyên vô tội vạ . Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương phải có một chiến lược khai thác tài nguyên lâu dài và chỉ đạo thực hiện thật quyết liệt mới mong không bắn đại bác vào tương lai. Chúng tôi đề nghị:
- Kiểm kê lại tài nguyên đất nước để có kế hoạch bảo vệ. Quy hoạch chi tiết ngay các vùng đất nông nghiệp lâu dài, vùng núi non hung vĩ, và cấm tiệt việc khai thác bừa bãi.
- Phải dừng ngay các dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên vì với sự án này, người Trung Quốc không cần bô-xít, cái mà họ cần là địa bàn Tây Nguyên, đó là điều mà nhiều trí thức lớn đã phân tích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã có thư cảnh báo. Phải thu hồi các diện tích đất rừng bị bán cho nước ngoài, dù phải bồi thường hợp đồng, vì chúng đang đe dọa đến vận mạng, sự sống còn của đất nước.
- Hạn chế tối đa, kiểm tra chặt chẽ các dự án đầu tư FDI vào lĩnh vực khai thác tài nguyên (như xi măng, quặng ti tan, và các loại khoáng vật khác), khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao như công nghệ thông tin, sản xuất hàng tiêu dùng. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để làm giàu cho đất nước. Chúng ta phải hướng nền kinh tế theo cách làm của Nhật Bản, Singapor, Hồng Kong, những nước ít tài nguyên nhưng biết cách làm giàu bằng trí tuệ.
Ôi, giá mà tiếng kêu của tôi đến được tai những người đang cầm vận mệnh đất nước trong tay?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"