Khi phân tích các cuộc đấu chính trị trong nội bộ đảng Cộng sản
Việt Nam, người ta hay gắn cho các phe phái những nhãn hiệu như Bảo Thủ,
hay Cấp Tiến; hoặc cho là có phe thân Trung Cộng, phe thân Nga, hay
muốn ngả sang Mỹ. Phân loại theo cách đó có phần lý thuyết quá, chỉ mô
tả các hiện bên ngoài mà không nêu rõ động cơ căn bản của mỗi phe nhóm.
Nếu nhìn từ bên trong, sẽ thấy bên Bảo Thủ thì nhấn mạnh tới quyền, bên
Cấp Tiến chú trọng đến tiền hơn.
Bản chất những người mang danh hiệu Bảo Thủ là nặng óc giáo điều: Họ
lo sợ phải từ bỏ các lý thuyết của Mác-Lênin, sợ mất cái nhãn hiệu “xã
hội chủ nghĩa” dù có lúc cũng thú nhận họ chẳng biết nội dung nó là gì.
Những người được gọi là Ðổi Mới, là Cấp Tiến, phần lớn là do lối nhìn
thực tế thúc đẩy. Có thay đổi thì mới tạo cơ hội làm giầu bằng “kinh tế
thị trường.” Ngay một lãnh tụ bảo thủ nhất là Ðỗ Mười cũng từng chúc Tết
cả nước bằng một câu: “Chúc đồng bào làm ăn phát tài.”
Phe giáo điều coi việc bảo vệ quyền là quan trọng nhất; phải dùng các
khẩu hiệu trong chủ nghĩa, lý thuyết để biện minh cho quyền của đảng,
vì đảng “đi đúng hướng của lịch sử.” Phe thực tế thì trước hết nhắm làm
sao có tiền.
Nhiều người thực tâm muốn đời sống dân chúng khá giả hơn; mà họ thấy
chỉ có một cách là phải thay đổi chế độ nhiều hơn nữa, vì thế được gọi
là Cấp Tiến.
Nhưng trong cả hai phe đều có một “thành phần thứ ba” chen vào, đó là
những người “thực tế nhất.” Nhóm này có thể tuyên bố theo cả hai giọng,
nói giọng Bảo Thủ được, nói giọng Cấp Tiến cũng được, miễn là đạt mục
đích sau cùng của họ, là trục lợi. Người ta còn gọi đám này là theo ‘chủ
nghĩa cơ hội.” Thành ra, trên sân đấu chính trị nội bộ đảng Cộng sản có
tới ba đội banh. Hai đội Bảo Thủ và Cấp Tiến đá với nhau, nhóm nào kéo
được thành phần Trục Lợi vào đông hơn thì cán cân sẽ ngả về phía đó.
Trong hai kỳ hội nghị Trung Ương Ðảng 6 và 7 vừa qua, phe Bảo Thủ của
Nguyễn Phú Trọng thua nặng vì thành phần Trục Lợi ngả sang Nguyễn Tấn
Dũng; vì phe đó mới có khả năng ban phát cơ hội kiếm tiền. Khi Nguyễn
Tấn Dũng lên làm thủ tướng thì “Ban Kinh Tế” trong Trung Ương Ðảng cũng
bị giải tán; quyền lực kinh tế được thu về một mối. Nhưng nếu gọi phe
nhóm Nguyễn Tấn Dũng là Cấp Tiến thì cũng sai, vì mục đích chính của họ
cũng chỉ là Trục Lợi.
Xưa nay, trừ các bậc chân tu rất hiếm hoi, Danh, Lợi và Quyền vẫn là
những động cơ thúc đẩy hành vi của con người, nhất là các nhà chính trị.
Nhưng họ cần biện minh cho các động cơ thầm kín của mình, cho nên ngoài
việc sử dụng guồng máy đàn áp còn phải nói tới những mục đích hoặc lý
tưởng cao xa hơn. Phe Bảo Thủ khoác bộ mặt giáo điều cũng vì họ cần nhân
danh “Chủ nghĩa Mác-Lênin,” cần nhắc đi nhắc lại nhãn hiệu này. Ðể
chứng tỏ họ có quyền nắm đầu người khác vì vẫn “mang sứ mệnh lịch sử.”
Nửa thế kỷ trước đây, các tiền nhân của họ đã làm chết hàng triệu, hàng
chục triệu người dân Nga, dân Trung Quốc với các chính sách kinh tế tàn
bạo và ngu ngốc; tất cả đã được biện minh bằng các lý thuyết do các ông
Karl Marx và Lenin “soi sáng.” Ngày nay, phe Bảo Thủ ở Việt Nam vẫn dùng
các khẩu hiệu đó để chứng tỏ Ðảng Cộng sản chỉ tiếp tục “sứ mạng” do
“lịch sử trao phó” từ hồi nào không biết. Chủ nghĩa Mác-Lênin bảo đảm uy
tín của nhóm người cầm quyền, nói văn hoa hơn thì gọi là “tính chính
thống” (legitimacy) của chế độ.
Còn phe Cấp Tiến, họ lấy gì để biện minh cho độc quyền thống trị của
đảng? Bây giờ mà còn nói đến các chủ nghĩa xưa cũ thì dân không ai tin
nữa. Phải viện ra những điều thực tế hơn. Như khi hô khẩu hiệu “Dân
giầu, nước mạnh, xã hội văn minh;” nói theo lối chuyên môn gọi là dùng
“hiệu quả kinh tế” để biện minh việc cầm quyền. Nếu được đủ ăn, kinh tế
phát triển đều đặn, thì chắc dân cũng thỏa mãn, không ai đặt vấn đề lý
thuyết về “tính chính thống” nữa.
Còn nhóm thứ ba, phái Trục Lợi, họ có thể sử dụng các khẩu hiệu của
cả hai phe; miễn sao bảo vệ và tạo thêm cơ hội làm giầu. Họ sẵn sàng nói
như phe Cấp Tiến, vì khi kinh tế được cởi trói thì chính họ là những
người được tư bản hóa đầu tiên. Nếu việc cởi trói tiếp tục mà họ thấy có
thể mở thêm cửa cho họ làm giầu, thì họ sẽ ủng hộ.
Nhưng nhóm tư bản Trục Lợi khác với các nhà kinh doanh khai sơn phá
thạch ở các nước tư bản thật sự; những người đó thường tự bỏ sức, bỏ
công phu và sáng kiến tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Những đại gia đỏ
khác, vì họ không cần đóng góp gì cho đời sống kinh tế quốc dân; chìa
khóa thành công (kiếm tiền) của họ là móc ngoặc, quan hệ. Cho nên các
đại gia sẽ không còn ủng hộ những thay đổi mới, khi nào họ thấy sẽ mở
cửa cho những người khác có thể bước vào cạnh tranh với họ. Khi đó, nhóm
Trục Lợi sẽ nói năng giống như những người Bảo Thủ.
Về mặt đối ngoại, phe Bảo Thủ tự nhiên phải dựa trên đảng Cộng sản
Trung Hoa. Bởi vì Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất trên thế giới vẫn
còn đề cao chủ nghĩa cộng sản. Dựa vào Trung Cộng, phe Bảo Thủ có thể
thừa hưởng uy tín của “mô hình Trung Quốc.” Nhưng phe Cấp Tiến cũng vẫn
phải chiều theo Trung Cộng, vì đó là quốc gia duy nhất có khả năng gây
rối, phá hoại bất cứ chính quyền Việt Nam nào. Họ có một mạng lưới tình
báo lan rộng và xâm nhập sâu nhất; một mạng lưới bao bọc bằng lợi lộc
trùm lên nhiều người nhất. Như một anh con trai của một ông bộ trưởng
Việt Nam đã khoe rằng anh được mời làm phó tổng giám đốc một công ty bên
Trung Quốc, mà chẳng phải làm gì cả. Anh muốn đi Trung Quốc lúc nào
cũng được; ở bên đó có nhà, có xe đi, không ai bắt đến sở, tự do muốn
làm gì thì làm. Nếu một ông con trai của một vị bộ trưởng cũng được ưu
ái như thế, thì không biết còn bao nhiêu người Việt khác được Trung Cộng
tặng những bổng lộc lớn lao hơn? Những người đó có thể thuộc cả ba
thành phần Bảo Thủ, Cấp Tiến, và Trục Lợi.
Cho nên phân chia các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam ra hai phe, phe thân
Trung Quốc và phe chống, là điều không cần thiết. Với mỗi cá nhân thì
chắc không có người Việt nào muốn thân Trung Quốc. Nhưng khi hành động
cụ thể thì không một người nào dám chống Trung Quốc.
Cuộc đấu Dũng-Trọng đã trở thành tranh chấp giữa hai cá nhân; không
còn mang tính phe phái, không có thể phân biệt bằng đường lối hay khuynh
hướng khác nhau nữa. Nhiều người cho đây là cuộc đấu giữa hai tổ chức,
là Ðảng và Nhà nước. Nhưng đó chỉ là sự phân biệt về hình thức; vì
Nguyễn Phú Trọng đứng đầu Ðảng, Nguyễn Tấn Dũng nắm Nhà nước. Nhưng tất
cả 175 ủy viên trung ương dự hội nghị cũng chính là đảng. Họ vẫn lo bảo
vệ đảng; vì nếu không còn đảng thì họ mất địa vị quyết định số phận của
90 triệu người dân. Phe đa số trong hội nghị này vừa là đảng, vừa là nhà
nước; họ bỏ phiếu theo Nguyễn Tấn Dũng vì thấy đó là cách có lợi nhất,
chứ không phải vì họ theo nhà nước, chống đảng.
Từ lâu nay phe Bảo Thủ trong đảng phải tỏ ra thân thiện với Trung
Quốc hơn; vì đó là chỗ dựa về chủ nghĩa, khi mà họ còn phải đề cao giáo
điều để biện minh cho quyền hành của đảng. Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn được
coi là người cầm cờ trong nhóm này. Nhưng nhưng chắc Cộng sản Trung Hoa
cũng không lo lắng gì khi Nguyễn Phú Trọng thua Nguyễn Tấn Dũng. Bởi vì
họ giống như một chủ sòng bài. Các con bạc vào sòng bài sát phạt nhau,
có bên thắng, bên thua, nhưng chủ sòng lúc nào cũng thu tiền.
Ðiều có thể khiến Trung Cộng phải quan tâm là chính phe được gọi bảo
thủ có thể bắt đầu tự tách họ ra khỏi nhãn hiệu cũ. Một nhà quan sát
trong nước đã nhận xét: Bài diễn văn bế mạc hội nghị Trung Ương 7 của
ông Nguyễn Phú Trọng dài 4812 chữ nhưng không thấy một chữ nào nhắc đến
Chủ nghĩa Xã hội, không nhắc tới một chữ Mác-Lê nào. Ðiều này cho thấy
cầu thủ Trọng sẵn sàng thay đổi nhãn hiệu. Hay là ông ta cũng muốn thay
đổi luật chơi trên sân banh? Trong thời gian tới chúng ta phải theo dõi
mới thấy được kịch bản mới sẽ diễn ra thế nào.