Hiệu Minh
Rừng bị phá. Ảnh: Global Witness
Ngoài đời, tôi không biết anh Đoàn Nguyên Đức và bác Alan Phan. Nghe
nói, anh Đức rất giầu, có máy bay riêng, thuê anh hùng phi công Nguyễn
Thành Trung lái. Bác Alan Phan không hiểu có máy bay riêng không, nhưng
tài sản cũng khá ở Mỹ.
Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây,
khi nhận xét về Alan Phan, anh Đoàn Nguyên Đức có hỏi “Alan Phan là ai?
Trong lịch sử, ông ấy đã làm gì cho đất nước Việt Nam? Đối với thị
trường BĐS, ông Alan Phan có dự án nào ở Việt Nam không? Câu trả lời là
“không có”. Ông ấy có một công ty nào thành đạt không? Câu trả lời cũng
là “không”. Một người không biết gì mà lại đi khuyên những người biết
gì, giống như một người không biết đá banh mà lại nói chuyện đá banh
hoặc chẳng khác nào một cậu sinh viên lại “lên mặt” dạy toán cho GS. Ngô
Bảo Châu” .
Thấy tin đáng chú ý
về hai công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn công nghiệp cao su
đã được phân bổ tổng cộng hơn 280.000 héc-ta đất để dựng đồn điền cao su
ở Lào và Campuchia.
Tổ chức vận động bảo vệ môi trường Global Witness đã cáo buộc hai công ty trên liên quan tới những vụ cướp đất lớn ở Campuchia và Lào.
Global Witness nói những
người sống trên các khu đất được giao lại cho các công ty Việt Nam đã bị
đuổi ra khỏi nhà mà không được bồi thường thỏa đáng hoặc không được
chút nào.
Họ cũng bị cũng bị cáo buộc đã gây ra những “hủy hoại về môi trường và xã hội”.
Tuy nhiên, anh Đoàn Nguyên Đức phủ nhận,
nói các cáo buộc là “cực kỳ phi lý”. HAGL và ông chủ nên cẩn thận với
trang web nổi tiếng này, vì đứng sau là chính phủ Anh, Thụy Điển, Hà
Lan, Nauy và tỷ phú Soros. Khi đã đưa ra cáo buộc là có chứng cứ hẳn
hoi.
Nếu tin trên Global Witness
là sự thật thì liệu ông Alan Phan và hiệp hội “yêu” Alan có nên đặt
ngược lại câu hỏi “Đoàn Nguyên Đức là ai? Với nạn phá rừng như ở Lào và
Campuchia, liệu ông Đức có dự án nào tương tự ở Việt Nam không?”
Người hâm mộ túc cầu không đá bóng nhưng biết chuyện “bỏ bóng đá người” của bầu Đức.
Nhiều người không hiểu về bất động sản cũng như những cú đầu tư hàng
tỷ đô la của HAGL, không phải là chuyên gia về kinh tế, không phải giáo
sư Ngô Bảo Châu, nhưng vẫn có thể khuyên anh Đức về phát triển bền vững
dựa vào bảo vệ môi trường.
Nếu phá rừng để phát triển, rồi cướp đất của dân, kể cả bên Lào hay
Camphuchia, để tạo nên “thương hiệu” của công ty, thì các vị nên cắp
sách tới lớp vỡ lòng để biết thế nào là người thành đạt trong xã hội
hiện đại, trước khi bước lên máy bay 15 triệu đô la.
“Tiền vào đầy nhà nhưng văn hóa vẫn ngoài cửa” có thể áp dụng cho
những kẻ chỉ biết chà đạp lên người nghèo để làm giầu dưới danh nghĩa
“hội nhập và phát triển”.
HM. 14-05-2013
__________________
Global Witness cáo buộc Hoàng Anh – Gia Lai những gì?
Dân Việt - Những người dân có mặt trong đoạn phỏng vấn này đều được
làm mờ khuôn mặt, chỉ còn giọng nói bằng ngôn ngữ địa phương, kèm theo
phụ đề bằng tiếng Anh và không đề rõ địa chỉ nơi ở.
Một báo cáo dài 49 trang, đăng kèm video clip trên trang web của tổ
chức Global Witness cho biết, người dân ở các vùng dân tộc thiểu số của
Lào và Campuchia đã tố cáo bị chiếm đất do chính quyền địa phương tại
Campuchia và Lào cấp giấy phép khai thác cho hai tập đoàn tập đoàn Hoàng
Anh - Gia Lai và Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam của Việt Nam.
Trên đoạn video điều tra dài khoảng 5 phút, Global Witness đã phỏng
vấn 6 người dân ở cả Lào và Campuchia và quay cảnh đốn rừng, chở gỗ được
cho là tuồn về Việt Nam.
Những người dân có mặt trong đoạn phỏng vấn này đều được làm mờ khuôn
mặt, chỉ còn giọng nói bằng ngôn ngữ địa phương, kèm theo phụ đề bằng
tiếng Anh và không đề rõ địa chỉ nơi ở. Một người đàn ông còn tố cáo,
mỗi ngày, ít nhất có khoảng 5 xe tải lớn chở gỗ, được cho là chuyển về
Việt Nam. Tuy nhiên, trong đoạn video clip này không hề phỏng vấn một
quan chức địa phương nào về vấn đề liên quan.
Một người dân xuất hiện trong đoạn clip của Global Witness bị che mặt khi trả lời phỏng vấn. Ảnh cắt từ clip
Cũng theo điều tra của Global Witness, Ngân hàng Đức Deutsche Bank và
Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC trực thuộc Ngân hàng Thế giới đã đầu tư
vào hai công ty này và đã không theo dõi chặt chẽ các hoạt động của hai
công ty Việt Nam ở Campuchia và Lào.
Global Witness cho rằng, 5 tài phiệt giàu nhất ở Campuchia là những người được hưởng lợi chính từ dự án này.
Deutsche Bank nói họ không trực tiếp cung cấp tài chính cho hai công
ty được nêu mà chỉ đại diện cho các nhà đầu tư giữ cổ phiếu của Hoàng
Anh Gia Lai trong một quỹ và cung cấp dịch vụ ủy thác sự vụ cho Hoàng
Anh Gia Lai như với hàng ngàn công ty niêm yết khác trên toàn cầu.
IFC cũng ra thông báo rằng họ không giữ cổ phần trong Tập đoàn công
nghiệp cao su nhưng họ có đầu tư vào một quỹ và nắm giữ cổ phần tại
Hoàng Anh Gia Lai.
Global Witness cũng cho biết đã yêu cầu chính phủ Lào và Campuchia
chấm dứt hợp tác với hai tập đoàn khai thác cao su của Việt Nam, đồng
thời yêu cầu ngân hàng Đức và Ngân hàng Thế giới rút các khoản đầu tư
vào Hoàng Anh - Gia Lai và Tập đoàn Công Nghiệp Cao Su Việt Nam cho đến
khi nào tình hình được cải thiện. Trước mắt Deutsche Bank cho biết sẽ
tìm hiểu thêm trước khi quyết định, trong khi đó IFC không đưa ra bình
luận.
Global Witness là một tổ chức chuyên bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các nước nghèo trước nạn khai thác bừa bãi và tệ tham nhũng. Tổ chức thành lập năm 1993, có trụ sở chính ở địa chỉ tầng 6 tòa nhà Buchanan số 30 Holborn thủ đô London (Anh) và văn phòng ở Mỹ. Trong suốt 19 năm hoạt động, tổ chức này tập trung vào 4 mũi nhọn, gồm: Tham nhũng, môi trường, xung đột và lạm dụng nhân quyền.
Thúy Đăng (lược dịch)
Theo Dân Việt