Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Tòa án Úc bác yêu cầu đòi xử kín vụ hối lộ in tiền cho Việt Nam

MELBOURNE, Aus. (NV) - Chính phủ Úc đòi xử kín nhưng tòa án vẫn xử công khai vụ án 8 quan chức của công ty Securency và công ty In Tiền (NPA) hối lộ cho quan chức Việt Nam và một số nước khác.
Ba cựu viên chức Úc ra tòa về tội hối lộ cho quan chức CSVN để giành mối thầu in tiền giấy nhựa polymer. (Hình: Brisbane Times)
Phiên xử các nghi can của vụ án hối lộ quan chức ngoại quốc để tranh thầu in tiền giấy nhựa polymer bước sang ngày thứ hai và dự trù sẽ kéo dài khoảng 2 tháng.

James Forsaith, luật sư cố vấn của chính phủ, làm theo lời yêu cầu của Bộ Ngoại Giao và Thương Mại lý luận rằng phiên tòa công khai sẽ để lộ nhiều tin tức có thể “làm hại mối quan hệ ngoại giao của Úc và không công bằng với chính phủ.”
Tuy nhiên, Luật Sư Veronica Scott đại diện cho báo The Age, phản bác thành công lập luận của chính phủ khi cho rằng vụ án nếu được “xét xử công khai sẽ vô cùng quan trọng đối với dư luận quần chúng” và nếu có sự “mất mặt hay nhậy cảm cho chính phủ liên bang hay Bộ Ngoại Giao và Thương Mại hay cho một viên chức liên bang nào thì tự nó không phải là căn cứ để xử kín.”
Trong phiên tòa đầu tiên ngày hôm qua, công tố viên Nicholas Robinson trình bày trước tòa rằng những người bị truy tố hối lộ các chức sắc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN, Malaysia, Indonesia và một số nước khác đã trả tiền qua các người trung gian để công ty Úc trúng thầu in tiền giấy nhựa polymer.
Ông Robinson nói trước tòa rằng những người bị truy tố (quan chức Úc) tin rằng các người cạnh tranh khác (tức các công ty in tiền của các nước khác tranh thầu với Úc) “sẽ đưa tiền hối lộ nếu công ty Úc không đưa.” Ông cho hay Quỹ Dự Trữ Liên Bang (tức Ngân Hàng Trung Ương Úc) đã bị áp lực để có thêm thương vụ.
Một trong ba người trung gian, đại tá tình báo công an Lương Ngọc Anh, dựa theo các văn thư trao đổi giữa bà Elizabeth Masamune (trưởng đại diện thương mại tại tòa Ðại Sứ Úc ở Hà Nội) với các bị cáo, là người “thành công trong việc giúp đạt hợp đồng cho một số công ty Úc tính tới nay.”
Bà bị cáo buộc là có quan hệ tình ái với Lương Ngọc Anh.
Các số tiền hối lộ được che giấu trên các chứng từ chi trả là “giả mạo” chi phí liên lạc báo chí, vận động thông dịch, tiền họp và học phí cho con của một viên chức Việt Nam. Báo Úc từng khui ra là con ông Lê Ðức Thúy (tức Lê Ðức Minh) khi làm thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN đã được cấp tiền ăn học tại Ðại Học Durham, Anh quốc, bằng tiền hối lộ. Qua báo trong nước, ông Thúy từng phủ nhận vụ này.
Trong điện thư đề ngày 10 tháng 7, 2003, bị cáo Christian Boillot, một cựu giám đốc doanh vụ của Securency, từng viết cho cựu giám đốc điều hành (một bị cáo khác) Myles Curtis về việc phải chi tiền hối lộ rằng, “Tôi sợ đây là bản chất của trò chơi.”
Theo cáo buộc, ông Boillot đã bị cho nghỉ việc khi tính lấy tiền hoa hồng cho cá nhân ông. Hai viên chức Securency khác cũng đã bị sa thải sau khi nêu các quan ngại về bản chất lương thiện của các kẻ trung gian (Lương Ngọc Anh) hầu đạt được hợp đồng in tiền cho Việt Nam. Ông Robinson cáo buộc rằng một trong hai người bị cho nghỉ đã “bị hộ tống ra khỏi cơ quan.”
Dù không chấp nhận xử kín nhưng Thẩm Phán Phillip Goldberg lại ra lệnh bỏ ra 10 đoạn trong lời mở đầu của công tố viên liên quan đến hối lộ cho quan chức Malaysia.
Tuy có 9 viên chức bị truy tố, một người là ông David John Ellery, cựu viên chức tài chính của Securency, nhận tội và trở thành nhân chứng của công tố để kết án những người kia.
Tám người bị truy tố đối diện với án hình sự về hối lộ quan chức ngoại quốc gồm 5 viên chức của Securency là Myles Curtis (giám đốc điều hành), Mitchell Anderson (giám đốc tài chính), hai giám đốc phát triển thương vụ là Clifford Gerathy và Rognvald Marchant, và cựu giám đốc doanh vụ Christian Boillot.
Ba người của công ty in tiền của chính phủ Úc (NPA) bị truy tố là cựu giám đốc điều hành John Leckenby, cựu giám đốc tài chính Peter Hutchinson, cựu giám đốc kinh doanh Barry Brady.
Các vụ hối lộ kéo dài từ 1999 đến 2006 với số tiền lên đến 20 triệu Úc kim được bỏ vào nhiều trương mục khác nhau của Lương Ngọc Anh từ Thụy Sĩ đến Bahamas và một số nước khác trước khi chuyển sang cho những kẻ “thụ hưởng.”
Công tố viên Úc chỉ nói đại tá tình báo công an Lương Ngọc Anh, 49 tuổi, tổng giám đốc công ty Phát Triển Công Nghệ (CFTD) ở Hà Nội là người đứng bình phong nhận tiền hối lộ cho các quan chức cao cấp Ngân Hàng Nhà Nước CSVN. Ở giai đoạn đầu của vụ hối lộ, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước là ông Nguyễn Tấn Dũng, rồi sau đó là Lê Ðức Thúy. (TN)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"