Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Những suy nghĩ cá nhân về tình hình đất nước

Đinh Đăng Định
Dakrlap – Daknong, ngày 25-10-2010.
SUY NGHĨ CÁ NHÂN (TÓM TẮT) THỂ THEO YÊU CẦU CỦA CƠ QUAN AN NINH CHÍNH TRỊ NỘI BỘ TỈNH DAKNONG
Do giới hạn hiểu biết về tình hình đất nước, khả năng bản thân, thời gian quá eo hẹp (khoảng 2 ngày) để trình bày những vấn đề lớn tầm quốc gia quả là không thể đối với một giáo viên hóa học THPT là tôi trong bối cảnh này. Với tinh thần hợp tác tôi cố gắng trình bày tóm lược những suy nghĩ của mình về các vấn đề sau đây, theo yêu cầu của Cơ quan An Ninh Chính Trị Nội Bộ Daknong.
1.Bô xít Tây Nguyên,
2.Hiện tình xã hội Việt Nam,
3.Dân chủ - đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam,
4.Điều 4 - Hiến pháp (1992),
5.Phi chính trị hóa quân đội, công an, giáo dục-đào tạo.
VÀI NÉT ĐẠI CƯƠNG
Việt Nam hiện nay có dân số khá đông, khoảng 86 triệu (chưa kể số người Việt hải ngoại), những con người cần mẫn, giàu lòng vị tha; đất nước ở địa lý thuận lợi; có tiềm năng của một nước lớn và giàu có, giữ địa vị quan trọng trên thế giới.
Dù vậy, chúng ta (VN) cho đến nay vẫn là một quốc gia gia nghèo nàn, lạc hậu tốp cuối của thế giới. Mâu thuẫn đau lòng đó là câu hỏi thường trực trong lòng mỗi con dân nước Việt trước một tương lai chưa hứa hẹn ở thế kỷ 21.
Những chênh lệch về mức sống và trình độ phát triển của các dân tộc là hậu quả của điều kiện địa lý, tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là cách thức tổ chức xã hội. Tổ chức xã hội tốt hay xấu có thể làm thay đổi hẳn số phận của một đất nước, một dân tộc. Thế giới đã chứng kiến nhiều quốc gia mặc dù đất đai ít, tài nguyên thiên nhiên nghèo, nhờ có tổ chức xã hội tốt đã vươn lên (Nhật Bản là ví dụ rất gần với Việt Nam); bên cạnh đó nhiều quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, sau nhiều chục năm xây dựng vẫn quằn quại trong nghèo đói, đồng hành với tài nguyên cạn kiệt…Chúng ta càng ý thức được việc tổ chức xã hội có vị trí đặc biệt quan trọng như thế nào khi so sánh lợi tức của người Nhật gấp tới hơn 40 lần người Việt (đây mới chỉ là con số về GDP!). Sự thua kém, tủi hổ này buộc người VN phải tự suy xét về bản thân mình, tìm lối đi cho mình, cho phép ta tin rằng nếu tổ chức lại giang sơn đất nước một cách khoa học, hiệu quả thì người Việt Nam chúng ta chắc chắn sẽ thoát khỏi nghèo hèn (gồm cả đói ở một bộ phận mỗi khi có thiên tai giáng xuống vùng đó) hiện nay và đủ sức vươn lên.
Nhưng chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội rồi.
Cơ hội lớn nhất là chế độ thực dân sụp đổ sau chiến tranh thế giới II, cơ hội giành độc lập và vươn lên đã bị bỏ lỡ! Nội bộ quốc gia – dân tộc bị chia rẽ sâu sắc, lên án nhau, mạt sát nhau và tiêu diệt nhau khi có cơ hội và tìm mọi cơ hội! Chính nó tạo ra sự rạn nứt trong lòng quốc gia – dân tộc, thật khó có thể hàn gắn. Kết quả cuối cùng là chúng ta thu được chế độ chính trị Cộng Sản Toàn Trị (độc tài, đảng trị) cho đến tận bây giờ! Trong khi đó, các dân tộc khác dù tốn rất ít xương máu, thậm chí không, cũng đã có độc lập và còn xây dựng xã hội dân chủ từ nhiều chục năm qua. Vì thế mà họ đã bỏ xa chúng ta!
Ngày nay, nhân dân cùng cực và chán ngán chế độ sinh ra chán nản với cả quê hương đất nước mình, đất nước đã kiệt quệ, tụt hậu và bế tắc. Nguy cơ thua kém vĩnh viễn là nguy cơ mất nước trở thành thách thức đang hiện hữu. Nhưng, quốc gia không mang lại hạnh phúc, niềm tự hào và hy vọng vươn lên không sớm thì muộn sẽ bị giải thể theo quy luật đào thải – chọn lọc và phát triển một lẽ tự nhiên.
Con đường thoát khỏi bế tắc để vươn lên là DÂN CHỦ - ĐA NGUYÊN VÀ NHÂN QUYỀN. Dân chủ là động lực phát triển; đa nguyên tự nó tôn trọng mọi khác biệt trong xã hội làm xã hội càng phong phú và thực hiện hòa giải dân tộc sau những xung đột đẫm máu; nhân quyền phát huy sinh lực, nguồn lực, sáng kiến và ý kiến mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc và đặc biệt là tôn vinh con người.
Nhìn lại, nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt mà nước ta phải gánh chịu chính là vì chúng ta không đầu tư đủ tư duy để nhận diện những vấn đề trọng đại đặt ra cho mình và tìm hướng giải quyết. Chúng ta thiếu hẳn một DỰ ÁN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA phù hợp với thời đại và hoàn cảnh của đất nước. Cuối cùng người đồng bào, con lạc cháu hồng đã tàn sát lẫn nhau vì ý thức hệ không phải của mình mà sự tàn sát còn đẫm máu hơn, bảo vệ say sưa hơn ở các dân tộc khởi xướng ra nó, thảm bại thay!
Bài học đau đớn đó, dứt khoát chúng ta từ bỏ đầu óc độc quyền lẽ phải, tôn trọng sự khác biệt, đối thoại, thảo luận và thỏa hiệp trong tinh tần tương kính với thái độ lương thiện, xây dựng từ nhận thức rằng người VN rang buộc trong một than phận chung rằng, nếu đất nước giàu mạnh, cuộc sống khá hơn và tất cả chúng ta được kính trọng; ngược lại nếu đất nước ta nghèo nàn, lạc hậu, đói khổ tất cả chúng ta đều bị coi thường bất kể ta thuộc xuất xứ tôn giáo nào, đảng phái chính trị nào hay theo chủ nghĩa gì. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, điều tốt nhất cho một người cũng là điều tốt nhất cho mọi người và ngược lại.
I. VẤN ĐỀ BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN
Tôi hoàn toàn ủng hộ bản kiến nghị được khởi thảo bởi các nhà trí thức yêu nước và tinh hoa của đất nước, gồm 10 chữ kỹ khởi thảo của các thành viên IDS (cũ) và nhóm BVN đã loan tải trên BVN, tuanvietnam.net... Trong bản văn này tôi không viết thêm nữa.
Tôi đã ký ở số thứ tự 629.
II. HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC
Nổi lên trên hết vấn đề hệ trọng nhất của xã hội VN hiện nay là SỰ BẤT CẬP, theo nhà giáo lão thành Phạm Toàn ở Hà Nội, một thành viên của BVN. Gồm:
1.Bất cập về hiểu biết. Tầng lớp trí thức trong nước hiện nay hoàn toàn lạc hậu không biết làm gì cho Tổ Quốc sống lại dẫn đến bất cập về tổ chức đất nước nên có tổ chức mà KHÔNG hiệu quả mọi mặt.
2.Bất cập về luật pháp. Luật gốc là hiến pháp đầy bất cập, đang đòi hỏi phải làm lại. Các bộ luật trong khi thực hành đều gặp mâu thuẫn hoặc sai hoặc không đầy đủ. Nếu có luật nào đúng thì cũng không thực thi đầy đủ do hệ thống quan chức tòa án, công chức hành chính đã bất cập sẵn...
3.Bất cập về trình độ văn hóa tối thiểu của một dân tộc trong một thời đại văn minh dẫn tới bất cập về tâm lý sẵn sàng xây dựng Tổ Quốc rạng rỡ, thể hiện ở sự vô cảm của mọi người, thiếu trách nhiệm với chính mình, bản chất con người đang bị lưu manh hóa theo cách cynical của quan chức chỉ giỏi nói- mà nói cũng không giỏi – sểnh ra là hối lộ, chạy chọt, đút lót, luồn lách! Trách nhiệm công dân bị lột bỏ.
Với ba bất cập này, xã hội VN hiện tại rơi vào tình trạng mất dần kiểm soát, mạnh ai nấy giành từ quan tới dân đều hối hả vội vã vơ vét về như là ngày mai không còn sống để vơ vét nữa, rõ nhất là các tấm gương của hệ thống quan chức tham nhũng mà hàng ngày các báo “lề phải” cũng không thể che dấu!
Trước hiện tình xã hội VN đang rối ren, bất cập, hậu quả thật khôn lường thể hiện trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc gia bị đe dọa từ nhiều phía; đạo đức xã hội, đạo lý băng hoại. Tôi hoàn toàn đồng ý với kiến nghị (nếu được) của nhà giáo Phạm Toàn để giải thoát tình hình đất nước hiện nay.
Nếu có một Hội Nghị Quốc Gia – Đồng Bào, như Hội Nghị Diên Hồng để hòa giải - hòa hợp dân tộc, sẽ trình kiến nghị:
1.Thành lập hội đồng luật pháp viết lại Hiến Pháp cho 100 đến 1000 năm của nước Việt tương lai xây dựng Tổ Quốc mà không cần thay đổi hay sửa chữa nhiều, đủ sức trưng cầu ý dân cả nước.
2.Thành lập ở các cấp, các ngành… mỗi hội đồng kiểm điểm công khai có trách nhiệm báo cáo công khai mọi ưu khuyết điểm của các tổ chức, mọi tầng lớp nhân dân đều biết, đều nghe trong khoảng thời gian chí ít là từ 30-4-1975 đến nay.
3.Thành lập Hội Đồng Quốc Gia về kinh tế, nghiên cứu và đưa ra đường lối phát triển kinh tế đất nước, sao cho đảm bảo chắc chắn rằng: Người học ở bậc phổ thông(trước hết) không mất tiền; người bệnh đến bệnh viện không mất tiền ở hệ thống công lập, nhà nước quản trị.
III. DÂN CHỦ - ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG CHO VN
Trước hết xin trích phát biểu gần đây của ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc:
“Dân chủ và tự do là khát khao và ý chí của nhân dân không gì có thể ngăn cản. Kẻ đi theo thời đại sẽ phát triển; kẻ đi ngược thời đại bị đào thải” (hết trích).
Tự do dân chủ là giá trị căn bản mà loài người tranh đấu với thiên nhiên, với chính mình trải hàng ngàn năm mới có được. Dân chủ nhất quyết không thể do ai ban phát.
Tổng thống lập quốc của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ngài Thomas Jefferson nói: “Chính phủ lập ra không phải để ban phát tự do, mà để bảo vệ nó”. Tình trạng không có tự do dân chủ ở VN thể hiện: Luật báo chí không cho phép tư nhân ra báo. Rõ ràng vi hiến. Các-Mác ông tổ của học thuyết CNXH và CNCS nói: “Đối lập với báo chí tự do là báo chí bị kiểm duyệt”; ông còn nói báo chí bị kiểm duyệt là ”con quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tắm nước hoa”.
Điều 19 công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị,(1966 của LHQ, VN ký công nhận 1982) viết rằng:
1.Mọi người đều có quyền giữ quan điểm chính trị của mình mà không ai có quyền can thiệp vào.
2.Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền như: truyền miệng, viết, in… hay các phương tiện truyền thông khác tùy theo sự lựa chọn.
Điều 69 - Hiến Pháp 1992 nước CHXHCNVN thừa nhận tự do ngôn luận,tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do lập hội,đoàn… theo quy định luật pháp.
Luật báo chí đã vi hiến và đi ngược với giá trị tự do dân chủ căn bản; luật biểu tình không có chứng tỏ nhà nước CHXHCNVN vi phạm chính hiến pháp mà mình làm ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn nói: ”Kiên quyết không tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và để cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng gây tổn hại cho đất nước”.
Thực tế, chế độ chính trị VN đã chống lại các giá trị nhân bản tự do dân chủ xét trên phương diện báo chí là sự thật không thể bác bỏ!
Thực tế không thể chứng minh được tự do báo chí, báo chí tư nhân gây tổn hại cho đất nước. Rằng, bất kỳ hành vi nào gây tổn hại cho đất nước đều không thể dung tha cho dù xuất phát từ cá nhân, tập thể, hay đảng phái chính trị nào kể cả là đảng cầm quyền. Người ta - những người cộng sản đang cầm quyền ở đất đất nước VN này đã quên rằng, chính lãnh tụ Hồ Chí Minh của đảng cộng sản VN của họ đã nói rằng: “dân chủ là để cho người dân được mở mồm nói”. Ông muốn nói tới con người dân cụ thể, chứ không phải đại từ nhân dân chung chung. Chỗ để nói có văn hóa chính là báo chí.
Nhà văn, triết gia Pháp Voltaire(1694-1778) từng nói (đại ý): Tôi không tin những điều anh nói, nhưng tôi sẵn sàng hy sinh bảo vệ quyền anh được nói. Vâng, thật sự là văn hóa của xã hội có tự do ngôn luận.
Cần phải nói thêm rằng, từ 1936 – 1938 tờ Dân Chúng (báo cộng sản) và 11 tờ báo tư nhân khác đều tán thành tự do dân chủ và đòi ân xá các chính trị phạm ở Đông Dương. Chẳng lẽ ngày nay, chế độ chính trị cộng sản lại kiểm soát đồng bào mình gay gắt hơn cả bọn thực dân Pháp hay sao? Nguy cho dân tộc quá!
Lịch sử sự sụp đổ các chế độ chính trị độc tài ở Đông Âu là bài học máu thịt cho ĐCS, thiết nghĩ các đảng viên cao cấp của ĐCS VN và ban lãnh đạo cần rút tỉa bài học là: vì đảng hay vì quốc gia - dân tộc. Cuộc sống đã và đang đặt ra một đòi hỏi chế độ chính trị Dân Chủ - Đa Nguyên mà hệ quả hiển nhiên là đa đảng chính trị như một tất yếu của lịch sử để giải quyết các vấn đề có tính quyết định của đất nước hiện tại và mai sau.
Dân Chủ - Đa Nguyên với nền tảng là tư tưởng đa nguyên, chủ nghĩa đa nguyên. Nó tiếp nhận, chứa đựng mọi sự khác biệt về ý thức, ý thức hệ càng gia tăng tính phong phú cho xã hội, xã hội càng giàu có về văn hóa.
Trong môi trường xã hội dân chủ - đa nguyên, các đảng phái sẽ cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển thân thiện, thay vì cạnh tranh kiểu “địch ta”, tiêu diệt đẫm máu như từng xảy ra trong lịch sử hơn 60 năm qua; sẽ là thảo luận, đối thoại tiến tới đồng thuận quốc gia trên những nét chung nhất: hiến pháp, luật pháp, an ninh quốc gia, an sinh xã hội… Đặc biệt và đương nhiên là loại trừ các yếu tố bạo lực tận gốc rễ xã hội - đạo lý.
Các tầng lớp xã hội cùng nhau tham gia thảo luận tích cực và tự giác, đóng góp ý kiến cho một xã hội thăng tiến, chống tụt hậu. Nước ta hiện là một trong các nước nghèo nhất thế giới, lạc hậu cả về văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, kinh tế và quốc phòng…
Trong chế độ chính trị độc đảng hiện nay, các thành viên tham gia làm chính trị chủ lả tìm kiếm danh lợi cá nhân và phe nhóm (cronny) bằng cố gắng cá nhân và phe nhóm kể cả là luồn lách, các thủ đoạn chính trị hèn mạt (giăng bẫy, ngụy tạo nhân cách…). Lẽ ra, làm chính trị là bổn phận đạo lý của công dân. Chế độ chính trị Dân Chủ - Đa Nguyên nhất định tháo bỏ văn hóa chính trị bệnh hoạn này; không thể xây dựng gì cho xã hội với những cá nhân, phe nhóm với đầy ắp tham vọng ích kỷ, bản vị này.
Nền chính trị Dân Chủ - Đa Nguyên là nơi hội tụ của Quốc Gia – Dân Tộc với quyết tâm đánh bại mọi sự tồi, dở, gian ác, tham lam, tàn bạo, lưu manh… để thay đổi phương thức tổ chức xã hội với mục tiêu tôn vinh con người và phẩm giá con người đem lại phúc lợi tối đa cho con người. Lương tri dân tộc thôi thúc không ngừng nghỉ cuộc đấu tranh về Dân Chủ - Đa Nguyên cho nước nhà, cho dù vô cùng khó khăn nhưng, sẽ gặp vô cùng thuận lợi nếu ban lãnh đạo ĐCS hiện thời nhận thức rằng Quốc Gia – Dân Tộc phải được hưởng phúc, chế độ Dân Chủ - Đa Nguyên là sản phẩm của xã hội văn minh được nhân loại đem tới. Với sự hợp tác của ĐCS VN đứng đầu là Ban chấp hành Trung Ương và Bộ Chính Trị, dân tộc ta sẽ hân hoan bắt tay nhau trong tình nhân ái cùng làm lại một nước VN đã tan hoang, tàn tệ sau nhiều chục năm bị tàn phá bởi chiến tranh và cả hòa bình làm cho đất nước tụt hậu toàn diện, để tránh cho đất nước ta một lần nữa rơi vào tình trạng vô chính phủ thậm chí thay thế chế độ độc tài cộng sản bằng chế độ độc tài khác đều nguy khốn cho Quốc Gia – Dân Tộc.
Dân Chủ - Đa Nguyên không thuần thúy chỉ là ứng cử, bầu cử tự do hay tam quyền phân lập giản dị mà là thành quả của dòng tư tưởng mãnh liệt phát xuất từ quá khứ chảy tới tương lai. Cuộc đấu tranh thay thế chế độ độc tài đảng trị cộng sản hiện nay bằng chế độ dân chủ đa nguyên là cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại nhất kể từ xưa mà nó nhất định phải xuất hiện, có thật trên đất nước VN thân yêu của chúng ta. Đất nước ta, dân tộc Việt Nam ta đã thật kém may mắn, bất hạnh vì đã thuộc quyền lãnh đạo, cai trị toàn trị của ĐCS VN.
Nhưng, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” (lời cổ nhân). Lịch sử dân rộc ta tuy đau thương vô cùng nhưng, dân tộc ta khoan dung độ lượng vô cùng, chấp nhập mọi quá khứ chính trị, văn hóa, tư tưởng và lịch sử. Tư tưởng Dân Chủ - Đa Nguyên và những con người Dân Chủ VN đã có, còn có ở ngay trong các đảng viên cao cấp của ĐCS VN. Tôi rất hy vọng cuộc hợp tác vĩ đại của Dân Chủ và Cộng Sản, của Dân Tộc VN và ĐCS VN sẽ thành công để cùng ngồi vào bàn ĐẠI HỘI QUỐC GIA – DÂN TỘC bàn thảo làm lại giang sơn xã tắc (mượn ý của ông Nguyễn Trung, một trí thức yêu nước).
Cá nhân tôi sẵn sàng đóng góp cho cuộc chuyển hóa về Dân Chủ cho nước Việt thân yêu với điều kiện tiên quyết loại trừ các yếu tố bạo lực, bạo động trong tất thảy các sinh hoạt chính trị, văn hóa xã hội để hạn chế tối đa những đổ vỡ đáng tiếc cho đất nước. Kiên quyết không để có KHOẢNG TRỐNG QUYỀN LỰC.
IV. ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP 1992 VÀ VIỆC PHI CHÍNH TRỊ HÓA GIÁO DỤC, CÔNG AN VÀ QUÂN ĐỘI
Thưa, điều 4 Hiến Pháp (đ.4- HP) 1992 quy định cho ĐCS VN toàn quyền lãnh đạo đất nước…
Vâng, chính đ.4-HP đã đặt ĐCS VN với khoảng 3 triệu người trên tổng dân số VN khoảng gần 90 triệu cho tới nay, đã đứng hẳn về một phía, một phe và thậm chí với khoảng 3 triệu người ấy (đảng viên Cộng Sản VN) đã thành một giai cấp – giai cấp lãnh đạo, giai cấp cai tri; phía bên kia là nhân dân không cộng sản, là dân tộc, quốc gia. Rõ ràng đã tồn tại từ rất lâu một mâu thuẫn giữa các mặt đối lập trong một thể thống nhất là đất nước VN. Mà theo lý luận kinh điển chủ nghĩa Mác –Lê, học thuyết dẫn đường của ĐCS thì mâu thuẫn ấy, mâu thuẫn giữa các mặt đối lập trong xã hội duy nhất có một cách giải quyết là đấu tranh, đấu tranh kiểu “địch ta”, tiêu diệt nhau, một mất một còn. Nhưng, đó là lý luận KINH ĐIỂN của ĐCS mà tôi không sa vào ma trận luận này.
Vâng, đ.4-HP còn chứng tỏ sự độc quyền cai trị đất nước của ĐCS VN, không có một đảng phái chính trị nào dù là đảng thân hữu với ĐCS VN tồn tại trong xã hội VN tính đến nay là một sự thật minh xác cho bản chất độc quyền, độc tài của ĐCS VN!
Thể chế chính trị VN thật là bệnh hoạn, thiếu vắng dân chủ trong không gian sinh tồn của đất nước. Rằng, trong tự nhiên một điện tích điểm không thể tồn tại riêng rẽ nếu thiếu điện tích trái dấu ở xung quanh, đó là tính trung hòa của vật chất, của vũ trụ hay tạo hóa vậy; cũng như một nam châm luôn đồng thời có cực bắc (N) và cực nam (S) vậy, dù con người có đập, dập nát tới vụn ra! Hệ thống chính trị độc tài ĐCS VN giống như cỗ xe với vô số động cơ các loại được thiết kế và chế tạo bởi một kiến trúc sư, từ một khuôn đúc vậy; cỗ xe ấy trong khuôn mẫu thiết kế - chế tạo đã không có hệ phanh / thắng. Độc tài về chính trị, méo mó về văn hóa - giáo dục, tụt hậu toàn diện về kinh tế, khoa học – kỹ thuật, an ninh – quốc phòng,... mọi lĩnh vực bao trùm đời sống xã hội đều bất cập là điều dễ hiểu, không mất nhiều thời gian giải thích hiện trạng đất nước!
Với hệ quả đất nước gánh chịu một lịch sử tang thương của chiến tranh, cuộc chiến thanh sát lẫn nhau: 21 năm chiến tranh Nam - Bắc đẫm máu! Thể chế không dân chủ trong thời bình đẻ ra quốc nạn tham nhũng không lối thoát, nợ quốc gia chất chồng, tài nguyên thiên nhiên do tiền nhân để lại bị rút tới rỗng ruột; tinh thần quốc gia bạc nhược, định hướng quốc gia không hứa hẹn, ý thức quốc gia vô cảm. Tổ chức đất nước cho tương lai với vô vàn bất cập từng ngày , từng giờ đang diễn ra đòi hỏi không chỉ xét duyệt lại đ.4-HP mà là đòi hỏi làm lại hiến pháp cấp bách!
Xin mở ngoặc, tôi mượn ý của ông Nguyên Văn An cựu chủ tịch quốc hội.
Nhân dân làm chủ đất nước thông qua đại diện là đại biểu quốc hội mà với hơn 90% đại biểu quốc hội là đảng viên CS! Vậy là từ chế độ dân chủ thành chế độ quốc hội chủ. Quốc hội lại đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ĐCS, vậy là từ chế độ quốc hội chủ chuyển thành Đảng chủ!... Đó chẳng phải là đại bất cập cấp quốc gia sao? Quốc hội vừa làm hiến pháp vừa làm luật pháp, vậy là quốc hội vừa đá bong vừa thổi còi! Làm sao quốc hội có thể đại diện cho dân được?
Hiến pháp là văn bản lập quốc, là luật mẹ, luật gốc phải được toàn dân phúc quyết, tức trưng cầu ý dân để chọn lựa thể chế chính trị cho đất nước. Thể chế chính trị cộng sản (XHCN) hay thể chế không cộng sản… Hơn 60 năm qua, nhân dân VN chưa được thực hiện quyền công dân của mình để lựa chọn thể chế chính trị cho chính mình. Theo ông Nguyễn Văn An, HP 1992 (hay các hiến pháp trước đó 1946, 1959, 1980) không có văn bản nào chứng tỏ đã được toàn dân phúc quyết(trưng cầu dân ý). Vậy về nguyên tắc lập hiến, hiến pháp hiện tại HP-1992 bất ổn, không hợp pháp! Vậy là điều 4-HP (của HP – 1992) đương nhiên là bất hợp pháp và các luật đem thực hiện thường xuyên gặp bất cập là điều dễ hiểu.
Vấn đề quốc gia đặt ra cấp bách (theo ông An) phải phúc quyết hiến pháp, tiến hành trưng cầu ý dân để toàn dân lựa chọn cho mình thể chế chính trị; XHCN theo cộng sản hay dân chủ-tự do… là vấn đề cấp bách nhất của xã hội VN hiện thời. Xin tham khảo bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Văn An đăng ở Tuanvietnam.net - 24-6-2010
Còn tôi một giáo viên phổ thông trung học, đã qua công việc kỹ sư công nghệ, sỹ quan quân đội thấy rõ ràng việc phi chính trị hóa các ngành giáo dục - đào tạo, các lực lượng công an - quân đội là góp phần dân chủ hóa đất nước, xây dựng đất nước hướng Dân Chủ - Đa Nguyên
Cách nói giản dị nhất là giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) cung cấp công dân tương lai đủ sức về trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, tay nghê… tham gia vào lực lượng kiến thiết và xây dựng đất nước. Rằng, không nhất thiết phải ý thức hệ cộng sản hay không để tiếp thu kiến thức căn bản: các hàm số toán học, các định luật về tự nhiên của Newton, các phản ứng hóa học,… từ đơn giản tới phức tạp. Bất kể người tham gia hoạt động GD-ĐT đến từ quá khứ chính trị, văn hóa nào, tôn giáo hay sắc tộc nào, đảng phái nào… đều nên tiếp nhận các giá trị văn hóa, trí thức của nhân loại không có làn ranh nào. Thực tế nền GD-ĐT Việt nam mang sắc màu ý thức hệ CS đã để lại cơ man là bất cập về: chương trình GD, quản trị GD, nhân sự, tài chính… đặc biệt là chất lượng sản phảm GD đến nay không thể giải quyết tới mức, gần đây ông Nguyễn Thiện Nhân PTT, từng làm bộ trưởng GD thốt rằng: bất cập về GD hiện nay có trách nhiệm của các đời bộ trưởng GD từ sau 1975! Thực ra ông Nhân nói đúng chỉ một phần rất nhỏ, đúng ra trách nhiệm này phải được nêu là do thể chế chính trị độc tài đã nhuộm đỏ GD-ĐT. Vậy khắc phục bằng cách Phi Chính Trị hóa GD là điều kiện cần, điều kiện tiên quyết.
Nền GD-ĐT bị chính trị hóa, mang sắc màu cộng sản chỉ đem lại thành tích cho ĐCS với dân để duy trì quyền lực cai trị “hợp pháp”. Mọi thiệt thòi thuộc về dân: đi học mất tiền, mất nhiều tiền so với thu nhập, đem bằng kỹ sư, cử nhân… mà không thể làm việc cho cá nhân, công ty, công sở ngay được. Buộc phải kiếm việc làm bằng mọi cách, kể cả luồn lách, mua, hối lộ…, cả hệ thống trong tình trạng đó.
Bên cạnh đó một bộ phận quan chức giàu có cho con em mình trốn chạy nền GD-ĐT này bằng các cuộc du học tự túc tốn rất nhiều tiền để được giáo dục và đào tạo bởi nền GD-ĐT dân chủ của Tư Bản Đế Quốc… thậm chí ngay từ lúc nhỏ tuổi. Phải chăng đây là cuộc đào tỵ “hợp pháp” trước quốc dân đồng bào?
Không biết đó là đau đớn hay hạnh phúc? Bởi còn phải trả lời là cho ai? Người viết giành cho người đọc hãy trả lời giúp dân tộc và đất nước. Người viết chỉ đặt thêm một câu hỏi nhỏ, tại sao không thể đem nền giáo dục văn minh vào nước mình để con em quan chức cùng con em thường dân cùng học? Đỡ tốn ngoại tệ quốc gia, con em quan chức và quan chức không phải đào tỵ nền GD XHCN vì khi ấy nền GD XHCN đã được thay thế bởi nền GD-ĐT văn minh, hiện đại rồi.
Còn với quân đội (QĐ) và công an (CA) dễ thấy hơn nhiều.
Ở bất kỳ quốc gia nào, lẽ thường lực lượng vũ trang có bổn phận bảo vệ an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an toàn xã hội và đời sống nhân dân và nhà nước dưới thống lĩnh của nguyên thủ quốc gia do hiến pháp quy định. Hiểu như thế thì không có lý do nào giao QĐ-CA cho bất kỳ đảng phái chính trị nào lãnh đạo hay quản lý cả!
Mặt khác, QĐ-CA được nuôi dưỡng bằng nguồn tài chính quốc gia, tức là ngân sách - tiền thuế của dân thì, buộc QĐ-CA phải hành động theo mệnh lệnh của nhân dân, của lương tri dân tộc qua hệ thống luật pháp được nhân dân thông qua gắn với trách nhiệm của người chỉ huy cụ thể được nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm; nhất định không thể phó mặc cho bất kỳ đảng phái nào điều khiển, lãnh đạo được.
Nếu hiểu lêch lạc rằng, QĐ-CA sinh ra để bảo vệ đảng, dân có bổn phận nuôi quân và nuôi dưỡng đảng để đảng dùng QĐ - CA để cai trị dân thì việc chính trị hóa tuyệt đối QĐ-CA nhiều chục năm qua ở VN hoàn toàn dễ hiểu, như là điều hiển nhiên vậy!
Xin lưu ý rằng, chế độ chính trị Dân Chủ Đa Nguyên không chấp nhận chính trị hóa quân đội, công an, giáo dục - đào tạo cũng như các cơ quan công sở hành chính quốc gia khác. Các đảng phái chính trị tự do hoạt động, mà không tự do tùy tiện sử dụng nguồn lực quốc gia: QĐ-CA-GD, tài sản (động sản, bất động sản) thuộc sở hữu quốc gia vào mục đích cá nhân, phe nhóm hay đảng phái.
Thay lời kết:
TỰ DO DÂN CHỦ- ĐA NGUYÊN CHO VIỆT NAM LÀ CẤP BÁCH;ĐẨY LÙI ĐỘC TÀI, THAM NHŨNG;
TỔ QUỐC VIỆT NAM TRÊN HẾT.
Kính trình.
Đinh Đăng Định
Nguồn: Dân Luận

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"